Investing Men: Lát cắt về thị trường xe điện Việt Nam
CarBusiness

Investing Men: Lát cắt về thị trường xe điện Việt Nam

Với những chính sách hỗ trợ từ chính phủ cùng với sự gia nhập của nhiều thương hiệu lớn, Việt Nam đang trên con đường trở thành một trong những thị trường xe điện tiềm năng hàng đầu khu vực Đông Nam Á. 

Theo khảo sát được thực hiện bởi KPMG và Chợ Tốt Xe tại Việt Nam về thị trường xe điện, tỷ lệ người dùng lựa chọn sẽ mua xe thuần điện trong tương lai chiếm 36%, cao hơn xe hybrid (31%) lẫn xe dùng động cơ đốt trong truyền thống (34%). Trong đó, nhóm người dùng Gen Z và Millenials (25-44 tuổi) có tỉ lệ lựa chọn xe hybrid và xe thuần điện nhiều hơn nhóm còn lại, không quá khó hiểu bởi đây là nhóm dễ dàng tiếp cận những điều mới cũng như công nghệ mới nổi. Với thực tế này, Việt Nam đang chứng kiến sự thay đổi lớn trong ngành công nghiệp ô tô, khi các nhà sản xuất ô tô lớn bắt đầu chuyển hướng mạnh mẽ sang xe năng lượng mới, bao gồm xe hybrid (PHEV) lẫn xe thuần điện chạy pin (BEV).

Sân chơi ngày càng náo nhiệt

Porsche Taycan được xem là đại diện đầu tiên cho thị trường xe thuần điện tại Việt Nam khi được giới thiệu vào tháng 10/2020. Bước sang năm 2021, VinFast ghi dấu VF e34 trong hành trình bắt đầu kỷ nguyên điện hóa thương hiệu. Dù không phải là “người tiên phong”, mẫu C-SUV điện của VinFast lại là sản phẩm giúp khách hàng Việt Nam dễ dàng tiếp cận với xe điện hơn nhờ giá bán tương đương với các mẫu xe phổ thông.

Chỉ sau vỏn vẹn chưa đầy 4 năm, thị trường xe điện Việt Nam hiện đã có hàng loạt sản phẩm xe thuần điện, trải dài từ các thương hiệu phổ thông như VinFast, Hyundai đến nhóm xe sang như BMW, Mercedes-Benz… Thậm chí hãng xe sang Rolls-Royce cũng đặt chân vào sân chơi này tại Việt Nam với mẫu Spectre có giá bán khởi điểm 17.99 tỷ đồng.

Giai đoạn 2023-2024 có thể xem là thời điểm trỗi dậy của các hãng xe Trung Quốc tại thị trường Việt Nam, trong đó chiếm phần không nhỏ là các sản phẩm xe thuần điện như Wuling Honguang MiniEV, Hongqi e-HS9, Haima 7X-E… hay gần nhất là bộ 3 mẫu xe Dolphin, Atto 3 và Seal của thương hiệu xe năng lượng bán chạy nhất toàn cầu – BYD.

Sự chuyển hướng của các “ông lớn” trong ngành ô tô sang xe điện không chỉ xuất phát từ nhu cầu của thị trường mà còn từ chiến lược dài hạn của họ. Trước hết, xe điện được xem là giải pháp tối ưu để đối phó với các vấn đề ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu toàn cầu. Bằng việc chuyển sang sản xuất xe điện, các hãng xe có thể giảm thiểu lượng khí thải CO2, đóng góp tích cực vào mục tiêu giảm phát thải của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

VinFast, một trong những hãng xe tiên phong tại Việt Nam, đã tuyên bố sẽ dừng sản xuất xe xăng từ cuối năm 2022 để tập trung hoàn toàn vào xe điện. Đây là bước đi chiến lược nhằm nắm bắt xu hướng toàn cầu và tạo dựng vị thế tiên phong trên thị trường xe điện trong nước và quốc tế. Không chỉ riêng VinFast, các hãng xe “lão làng” như Hyundai hay Kia cũng đã có kế hoạch phân phối xe điện đến người tiêu dùng Việt Nam.

Nhiều tiềm năng, đầy thách thức

Theo số liệu VinFast công bố, hãng đã giao 21.747 xe trong nửa đầu năm 2024, tăng 92% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng trưởng ấn tượng này cho thấy người tiêu dùng đang dần cởi mở hơn với nhóm sản phẩm xe năng lượng mới. Với những lợi thế về công nghệ, trải nghiệm lái êm ái, tăng tốc ấn tượng cũng như không phát thải, xe điện đang dần được nhiều khách hàng đón nhận. 

Nếu phân tích kỹ, xe điện là lựa chọn phù hợp cho nhóm khách hàng kinh doanh vận tải quy mô vừa và nhỏ, cần phương tiện có chi phí sử dụng thấp. Với mỗi km di chuyển, chi phí vận hành của xe điện chỉ tương đương ⅓ xe dùng động cơ truyền thống. Bên cạnh đó, chi phí bảo dưỡng cho xe điện cũng thấp hơn nhờ cấu tạo đặc trưng của động cơ điện không cần phải bảo dưỡng và thay thế định kỳ các trang bị như bugi, lọc gió, dầu động cơ…

Mặc dù tiềm năng của thị trường xe điện tại Việt Nam là rất lớn, nhưng vẫn còn nhiều thách thức cần phải vượt qua. Thách thức lớn nhất dòng sản phẩm này cần phải vượt qua là hệ thống trạm sạc – nơi bổ sung năng lượng cho xe điện.

Hạ tầng trạm sạc tại Việt Nam hiện vẫn chưa phát triển đồng đều, đặc biệt là tại các khu vực ngoài đô thị, khiến người tiêu dùng còn e ngại khi chuyển sang sử dụng xe điện. Thực tế, hiện chỉ có VinFast tự chủ động xây dựng hệ sinh thái trạm sạc riêng cho khách hàng, các hãng xe điện còn lại đều phụ thuộc vào hệ thống trạm sạc công cộng của các đơn vị cung cấp trạm sạc độc lập. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ từ chính phủ và nỗ lực của các nhà sản xuất, hạ tầng trạm sạc đang dần được mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người tiêu dùng.

Theo một vài người dùng ô tô, ngoài vấn đề trạm sạc thì nỗi lo về dịch vụ hậu mãi cũng là rào cản không nhỏ. So sánh thực tế về số lượng đại lý giữa các thương hiệu xe điện với thương hiệu xe dùng động cơ đốt trong truyền thống, dễ dàng nhận ra độ phủ hệ thống đại lý trên toàn quốc của các hãng xe điện mới nổi như Wuling, Hongqi, BYD… vẫn chưa cao, khiến nhiều người dùng tại các khu vực xa trung tâm khó có thể lựa chọn xe điện.

Nhìn nhận thực tế, thị trường xe điện tại Việt Nam đang phát triển rất nhanh và giàu tiềm năng, tuy nhiên nếu muốn sân chơi này được duy trì trong dài hạn, cần có sự chung tay từ nhiều phía để giải quyết các vấn đề tồn đọng. Xe điện không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là giải pháp bền vững cho tương lai, mang lại lợi ích không chỉ cho khách hàng mà còn cho môi trường và xã hội. 

Bài viết nằm trong chuyên đề “Investing Men” được thực hiện trên ấn phẩm Men’s Folio Vietnam số tháng 9/2024 – The Fashion Blueprint. 

Bài: Vĩnh Phúc
 

Related Article