Home Life Investing Men – La Quốc Bảo: Đi theo ta muôn đời là trách nhiệm giữ gìn văn hóa và cội nguồn
Có lẽ là giai đoạn sáu tháng “lockdown” hoàn toàn ở quê nhà đã khiến tôi có cái nhìn khác về định hướng công việc. Tôi có nhiều thời gian tại Việt Nam giữa lúc hoàn thành chương trình học ở Úc, và nhận ra tiềm năng của việc khai thác, quảng bá văn hóa Việt Nam online, không chỉ dừng lại với khán giả trong nước mà còn quốc tế. Đó là lúc tôi quyết định sẽ đầu tư hơn cho bộ sưu tập cổ vật. Chỉ riêng trong năm 2021, tôi đã mua và tiến hành hồi hương nhiều hiện vật quý hiếm, trong đó những có một không hai tới thời điểm hiện tại là một bộ áo tấc thêu bách hoa bách đồ cuối thế kỷ 19, và một bộ phụng bào Công chúa đầu thế kỷ 20, gần như là một màn đánh cược trước thời cuộc và tình hình kinh tế giai đoạn đó. May sao tất cả đều đã hồi hương an toàn. Cũng nhờ hiện vật này mà Bảo có hội đồng hành cùng ấn phẩm thường niên Art Republik #6 với tiêu đề: “Bà Chúa Hồi Kinh”.
Cuối năm 2022, tôi được anh Đoàn Công Quốc Tuấn (Founder của Journeys in Hue) chở tới gặp mệ Công Tôn Nữ Trí Huệ ở một xã ngoại ô – người được xem là nghệ nhân làm gối tựa cung đình chính quy cuối cùng. Cái duyên này đã giúp Mệ và tôi hoàn thành một chuỗi tác phẩm mới, định hình mới, cũng như hoàn thành tâm nguyện cuối cùng của Mệ là một chiếc gối thêu tay thời Nguyễn đúng nghĩa. Sự ra đi của bà vào năm 2023 đã giúp tôi nhận ra, chỉ tập trung vào làm mới di sản quá nhiều sẽ khiến ta quên rằng gốc cổ thụ văn hóa cũng cần chăm dưỡng, gìn giữ nữa.
Lựa chọn ngách nghiên cứu về mỹ thuật vải vóc (đồ thêu đồ dệt), hay gọi chung là textile, đã là một thử thách rất lớn. Đề tài này ở Việt Nam hoàn toàn chưa được quan tâm và khai thác đúng mực. Từ nền tảng kiến thức tích lũy trong quá trình học tập tại Úc, tôi lựa chọn tập trung nghiên cứu giai đoạn triều Nguyễn (1802-1945) nhằm đảm bảo chiều sâu cho các dự án, một giai đoạn vừa đủ dài để phong phú, nhưng cũng đủ rõ để cô đọng, với nguồn tài liệu và hình ảnh trực quan tương đối dồi dào để đối chiếu và củng cố.
Từ những ngày đầu tiên, làm việc với tư cách “người ham thích văn hóa”, tôi chỉ lấy tài liệu từ các nguồn mạng và hỏi thăm, phỏng vấn trực tuyến những cá nhân nắm thông tin mà tôi cho là có nguồn gốc xác thực. Nhưng từ một sự kiện nhỏ năm 2020, khi bị lỡ cơ hội thăm quan một bảo tàng do trục trặc giấy tờ, tôi đã nghĩ đến việc tự mua đồ để chủ động nghiên cứu. Không biết do duyên lành hay lòng thành được các ông các bà soi xét, mà chỉ sau bốn năm, bộ sưu tập đã chạm mốc gần 300 món, đủ thể loại, với đồ thêu là điểm nhấn. Từ đó, tôi ngộ ra: quy chế là do người đặt ra, và con người cũng có thể thay đổi chúng.
Một hiện vật được phát hiện chưa chắc đại diện cho toàn bộ hiện vật cùng thời kỳ, ngay cả khi chúng có nguồn gốc tương tự, thì cách thể hiện, phong cách hay mục đích sử dụng cũng có thể rất khác nhau. Văn vật triều Nguyễn là một kho tàng phong phú, đa dạng và khó lường, buộc tôi luôn phải giữ cho mình một cái nhìn rộng mở, tránh áp đặt hoặc suy diễn phiến diện. Trong lĩnh vực nghiên cứu, không có gì là tuyệt đối; mọi kết luận chỉ mang tính tạm thời và luôn sẵn sàng bị phản biện khi có phát hiện mới.
Thêm vào đó, tôi có cơ hội tiếp xúc với nhiều nhà sưu tập lớn trên khắp cả nước, từ những bộ sưu tập cá nhân cho đến đồ vật truyền đời và đặc biệt là sự hỗ trợ từ một số phủ đệ tại Huế, nơi sẵn lòng mở cửa, chia sẻ thông tin và hiện vật. Gần đây, tôi có dịp nghiên cứu bộ triều phục của Trợ quốc khanh Nguyễn Phước Ưng Đĩnh – một trong số hiếm hoi các hiện vật triều Nguyễn có lời chú xác định rõ ràng lịch sử và chủ sở hữu trên áo, mở ra những bí ẩn còn nằm sâu trong hệ thống điển chế nhà Nguyễn.
Hiện vật áo nhật bình triều Nguyễn may gấm đoạn bát bửu màu lục, viền vải sa nam dệt xen kim tuyến hiếm gặp, được La Quốc Bảo hồi hương từ Pháp năm 2024.
Việc được sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghiên cứu văn hóa và sưu tầm cổ vật là một ân huệ vô giá. Tôi luôn tò mò muốn biết những người xưa đã sống như thế nào? Họ đã tạo ra những giá trị văn hóa tinh thần gì? Chính điều đó đã thôi thúc tôi theo đuổi con đường nghiên cứu, không muốn chỉ đơn thuần là một người sưu tầm.
Tôi muốn đi sâu vào tìm hiểu ý nghĩa sâu xa đằng sau từng hiện vật, từng họa tiết, muốn tái hiện một cách sống động cuộc sống của người xưa. Chúng ta có thể nhìn thấy một chiếc áo cổ phớt hồng “nhuốm màu thời gian” trang trọng trên giá trưng bày, nhưng quay ngược về 100 năm trước, không phải ai cũng biết nó đã từng mang một màu đỏ diễm lệ. Trách nhiệm của tôi là tìm cách đưa “màu đỏ diễm lệ” ấy đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ, để họ hiểu rõ cội nguồn của mình và, quan trọng hơn, nhận thức được nền mỹ học rực rỡ, muôn ánh nghệ hồng của cha ông.
Cá nhân Bảo và gia đình cũng có một trọng trách không nhỏ là thu thập lại từng chút một các mẩu thông tin rời rạc hiếm hoi của ngôi chùa Môn Quan Tự mà ông nội tôi lập nên vào năm 1939 tại Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Có những hiện vật, câu chuyện ẩn sâu hàng thập kỷ nhưng chỉ vừa được phát hiện những năm gần đây, ngay khi tôi chính thức “kết duyên” với hành trình tìm về văn hóa. Tiến hành song song cả hai hạng mục “nặng ký” không phải là một nhiệm vụ dễ dàng nhưng tôi tin đó vừa là tín hiệu chỉ dẫn từ những bậc tiền hiền vừa là trọng trách không thể chối từ.
Cận cảnh tác phẩm thêu tay lối xưa trong dự án “Hoa Quan Lệ Phục.
Tôi cũng tin rằng, việc nghiên cứu và bảo tồn di sản văn hóa không chỉ là trách nhiệm của cá nhân mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng. Mỗi hiện vật cổ đều là một câu chuyện, một bằng chứng về sự sáng tạo và trí tuệ của con người. Việc bảo vệ và phát huy những giá trị đó chính là cách chúng ta tôn trọng quá khứ và xây dựng tương lai.
Tôi vẫn còn rất nhiều điều muốn khám phá và làm. Tôi muốn tạo ra những bộ sưu tập có giá trị khoa học, muốn tổ chức những triển lãm để giới thiệu di sản văn hóa đến công chúng. Tôi muốn góp phần nhỏ bé của mình vào việc xây dựng một xã hội văn minh, giàu bản sắc.
Tôi nghĩ mọi thứ bắt đầu từ làm việc mình thích. Nếu không có một phút bâng quơ nảy ra ý tưởng và hoàn thiện đôi giày “Nhật Bình” khởi nguồn cho bộ sưu tập “Annam Heritage” vào năm 2018, thì khó mà có một La Quốc Bảo với tư cách nhà nghiên cứu độc lập như hôm nay. Cũng có những khi việc mình làm lại không khiến mình thích nổi. Nhưng may mắn làm việc mình thích thì động lực lại tăng gấp bội. Tôi thấy vui khi niềm yêu thích cá nhân của mình, dù nhỏ, cũng góp phần vào hành trình phục hồi văn hóa xưa và từ đó, nuôi dưỡng trong tôi niềm tự hào khôn xiết.
Một thiết kế trong bộ sưu tập “Annam Heritage” lấy cảm hứng từ lễ phục dệt trang hoa của mạng phụ phu nhân nhà Nguyễn.
Một thiết kế trong bộ sưu tập “Annam Heritage” lấy cảm hứng Hoạ pháp lam của Huế.
Bước ngoặt lớn nhất đến khi tôi nhận ra công việc ứng dụng văn hóa và tài nguyên văn hóa Việt Nam vẫn còn hoang sơ vào những năm 2018–2019. Khi ấy, những bài viết đầu tiên của tôi bất ngờ lan tỏa mạnh mẽ. Nhưng nếu chỉ dựa vào nỗ lực cá nhân thì chưa đủ. Mẹ, ba và những người bạn thân thiết chính là nguồn động lực lớn nhất cho hành trình này. Nếu không có sự ủng hộ không ngừng từ họ, tôi đã khó lòng tự tin từ bỏ ngành kiến trúc để bước sang con đường nghiên cứu văn hóa.
Cổ vật triều Nguyễn đầu tiên mà tôi sở hữu là một cặp bổ tử (Mandarin Rank Badge), cũng là một trong những hiện vật giá trị nhất của bộ sưu tập. Tôi từng lo lắng hỏi mẹ: “Nếu con mua nhầm đồ giả thì sao?” Mẹ chỉ cười, đáp: “Mẹ tin là mắt của con mẹ không biết nhìn nhầm.” Chỉ từ một câu nói giản dị ấy, tôi đã có đủ niềm tin để kiên trì tìm tòi, gom góp từng hiện vật, xây dựng nên bộ sưu tập như ngày hôm nay.
Có lẽ đó là khoảnh khắc nhận ra cấu tạo thực sự của chiếc y khấu (cúc cài áo) trên lễ phục Nhật Bình triều Nguyễn. Đây được xem là phụ kiện đánh dấu phẩm cấp và quyền lực chủ nhân, song hành cùng những đồ án thêu/dệt trên tấm áo. Trước năm 2022, chỉ có duy nhất một hiện vật cúc áo Nhật Bình được công bố (hiện thuộc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế). Điều làm tôi thắc mắc là chiếc cúc được tạo tác thành hai mảnh rời có vẻ sẽ đính trực tiếp trên áo, trong khi hình chụp xưa đều cho thấy nó giống như một khối liền mạch hơn.
Sự kiện “khai sáng” xảy ra khi tôi đấu giá thành công chiếc phụng khấu (cúc chạm hình cặp chim phụng) thuộc về danh họa Marie Antoinette Boullard Deve – phu nhân của Công sứ Thừa Thiên Huế Maurice Deve năm 1930 từ Tây Ban Nha. Khi cúc hồi hương Việt Nam, tôi vỡ lẽ ra nhiều điều quy cách vận hành của chiếc cúc, từ cách đính ngọc trên một đĩa rời được cố định tạm thời ngay trung tâm cúc áo, cho phép các bà dễ dàng thay nhiều viên ngọc; hay mặt dưới của dĩa đính ngọc có tráng lớp gương để lúc nào ngọc cũng nhận được ánh sáng.
Quan trọng nhất là cúc rời khỏi áo hoàn toàn, có một cây kim phía sau cho phép đính cúc vào trục của hai bản lề (được gắn trực tiếp lên áo) hoàn toàn khớp với giả thiết của tôi dựa trên hình xưa và hai mẫu vật gốc còn bản lề là áo Nhật Bình của Hoàng thái hậu Đoan Huy (Đức Từ Cung – mẹ ông Bảo Đại) và áo Nhật Bình của mệnh phụ phu nhân Thái Thị Huệ Khanh được cháu gái bà là Giáo sư Thái Kim Lan lưu trữ trong bảo tàng tư nhân. Hành trình hồi hương và xác định danh tính lẫn quy cách vận hành của phẩm vật này được đăng trong cuốn “Kỷ niệm 100 năm Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế”.
Mỗi khi stress quá nhiều, tôi thường tự chiều mình một chuyến đi chơi đến những địa danh mới, có thể không nằm trong Việt Nam nhưng phải đẹp và giàu nguồn di sản. Nhờ những chuyến “reset” như vậy mà tôi có thêm nguồn cảm hứng vươn tới các văn hóa quốc tế, tưởng xa mà lại gần trước mắt. Điển hình là đồng bào Ê-dê hay nền văn hóa lai độc đáo Peranakan tại Malaysia, Singapore, Indonesia vốn có những mối liên hệ thú vị với Việt Nam. Hay nhờ những món đồ thêu y hệt đồ sử dụng tại miền Nam Việt Nam được cất giữ nhiều đời trong tình trạng tuyệt hảo tại Penang và Malacca, Malaysia đã giúp tôi phát hiện ra mối giao thương giữa các khu vực này với Quảng Châu, Trung Quốc, và từ đó tiến hành một đề tài nghiên cứu đồ thêu nội địa và ngoại nhập tại Việt Nam.
Thật sự mà nói, trang phục là thứ phản ánh nếp sống và lát cắt lịch sử rõ nét nhưng lại mong manh trong sự tồn tại. Nghe có vẻ rất bình dị, nhưng tôi nghĩ việc thuyết phục thành công cao niên trong nhà không theo lối xưa nếp cũ “táng theo y áo”, mà hoàn toàn tin tưởng trao tặng để tôi gìn giữ và kế thừa là một niềm tự hào không thể tả bằng lời. Để giờ đây, gia đình cũng có cho riêng mình một bảo tàng nhỏ thật sống động. Thứ đi theo ta muôn đời là trách nhiệm gìn giữ văn hóa, gia phong từ chính cái nôi của mình.
Cảm ơn những chia sẻ của bạn.
Bài viết ở phiên bản cô đọng hơn được đăng tải trên ấn phẩm tháng 03/2025 Men’s Folio Vietnam #27 – Quality of Life.
MEN’S FOLIO, tạp chí quốc tế về thời trang và phong cách sống dành cho Quý Ông sành điệu, có bề dày hơn 25 năm kể từ ngày thành lập đầu tiên vào năm 1997 tại Singapore. Men’s Folio mang sứ mệnh quảng bá tài năng châu Á, cũng như xu hướng thời trang nổi bật nhất qua các mùa. Hiện ấn phẩm đã có mặt tại đa quốc gia, hoạt động mạnh mẽ ở các nước Đông Nam Á, và chính thức có mặt tại Việt Nam vào tháng 11/2020. Ấn phẩm Men’s Folio Vietnam hội tụ những bài viết tinh hoa, hình ảnh bắt mắt, giới thiệu những nhân vật danh tiếng của ngành công nghiệp thời trang và giải trí Việt Nam. Cùng cái nhìn tổng quan về xu hướng, thời trang và phong cách sống nổi bật nhất dành cho phái mạnh theo từng mùa/năm.
Copyright © 2024 Luxuo Media Vietnam. All Rights Reserved. Website Developed by Tony Toàn