Hứa Kim Tuyền: Chị Đẹp Đạp Gió là “bài thi cuối kỳ” đầy ắp sự hãnh diện và lòng biết ơn

  • by Khanh Duyen
  • May 2, 2025

“Đem ánh sáng vào khoảng tối trong trái tim con người, đó là nhiệm vụ của người nghệ sĩ” – câu nói của nhà soạn nhạc Robert Schumann, dường như đã được Hứa Kim Tuyền sống trọn vẹn trong từng khoảnh khắc tại “Chị Đẹp Đạp Gió 2024”. Với vai trò Giám đốc Âm nhạc, Hứa Kim Tuyền không đơn thuần vẽ nên những giai điệu đẹp đẽ, mà còn mở ra những hành trình hóa giải, thấu cảm và hồi sinh nội tâm của các nghệ sĩ nữ đứng trên sân khấu. 

Với danh tiếng của một “hit-maker” có khả năng lay động trái tim đông đảo khán giả, điều gì đã thôi thúc anh gật đầu với vị trí Giám đốc Âm nhạc của “Chị Đẹp Đạp Gió 2024”?

Tôi nhận lời tham gia “Chị Đẹp Đạp Gió 2024” – trước hết vì nhìn thấy đây là một cơ hội hiếm có để học hỏi và va chạm với những điều hoàn toàn mới mẻ. Làm việc với 30 nghệ sĩ, 30 cá tính âm nhạc khác nhau, giống như bước vào một “vũ trụ” đầy sắc màu – nơi mỗi ngày đều buộc mình phải vận động tư duy, đổi mới góc nhìn và tìm kiếm sự kết nối tinh tế giữa những mảnh ghép rất riêng biệt. Bên cạnh đó, tôi khao khát xây dựng một “vườn ươm” ý tưởng cho các cộng sự tại S•Hube, và “Chị Đẹp Đạp Gió 2024” chính là một sân chơi lý tưởng để chúng tôi cùng nhau làm việc, học hỏi lẫn nhau, đồng thời khơi nguồn cảm hứng bất tận. Sự cộng tác trong một chương trình lớn như vậy sẽ là chất xúc tác tuyệt vời cho sự phát triển của cả đội ngũ.

Cuối cùng, ngoài vai trò nhà sản xuất âm nhạc, tôi luôn có một tình yêu lớn dành cho sân khấu trình diễn. Từ việc quan sát cách các nghệ sĩ “cháy” hết mình trên sân khấu, đến việc cùng ekip phác thảo những ý tưởng độc đáo cho concept dàn dựng, tất cả đều mang lại một nguồn cảm hứng đặc biệt. Chứng kiến những nốt nhạc, những ý tưởng mà cả ekip dốc lòng thực hiện trở thành hiện thực sống động trên sân khấu là một cảm xúc khó tả, một sự hòa quyện giữa niềm mãn nguyện và xúc động sâu sắc.

Âm nhạc là nơi con người được làm chính mình. Nhưng trong một chương trình có cấu trúc, có giới hạn thời lượng, có logic sân khấu như “Chị Đẹp Đạp Gió”. Làm sao để anh vẫn giữ được sự tinh tế, song không biến mình thành người “sản xuất cảm xúc công nghiệp”?

Tôi thường tự ví von mình là một “nhà sản xuất cảm xúc công nghiệp”(cười). Nhưng nếu những rung động ấy là chân thật, thì việc tái hiện chúng nhiều lần chẳng phải điều đáng ngại, mà đôi khi còn là một đặc ân. Giống như vũ trụ bao la và vô tận, thế giới bên trong mỗi con người cũng là một hành trình bất tận luôn ẩn chứa những điều mới mẻ để khám phá. Có lẽ, tôi là người khá nhạy bén với những biến chuyển xung quanh, và may mắn thay, âm nhạc chính là lăng kính để tôi ghi lại, lưu giữ và thậm chí hồi sinh những rung động ấy.

Công thức thành công đôi khi không phải là một yếu tố duy nhất mà là sự kết hợp của nhiều thành phần. Với “Chị Đẹp Đạp Gió”, ngoài sự sáng tạo âm nhạc, anh có thể chia sẻ những yếu tố không ngờ tới nào đã tạo nên “cơn địa chấn” cho chương trình này?

Yếu tố then chốt làm nên thành công cho một tập thể, đặc biệt là một “vũ trụ” đa sắc như “Chị Đẹp”, chính là sợi dây đồng lòng và tinh thần cộng hưởng. Từ những người âm thầm phía sau cánh gà đến các nghệ sĩ tỏa sáng trên sân khấu, mỗi cá nhân đều mang trong mình khát khao cống hiến hết mình, cùng nhau kiến tạo nên một đêm nhạc khắc sâu vào trái tim khán giả.

Các nhà sản xuất âm nhạc tài năng của S•Hube đã dành trọn tâm huyết để chấp bút từng nốt nhạc, mài giũa từng chi tiết, thổi vào đó những màu sắc độc đáo, hòa quyện với từng ý tưởng trình diễn. Các “chị đẹp” cũng không đứng ngoài dòng chảy đó. Họ cũng dốc lòng cho quá trình luyện tập, trau chuốt từng động tác, từng ánh mắt, biến mỗi lần xuất hiện trên sân khấu thành một khoảnh khắc thăng hoa trọn vẹn.

Song song đó, đội ngũ Enterspace đầy sáng tạo của Blonde Nguyễn cũng phối hợp nhịp nhàng ở mọi công đoạn: Từ việc phác thảo sân khấu, thiết kế hiệu ứng thị giác, chuẩn bị đạo cụ, đến việc dàn dựng toàn bộ chương trình, đảm bảo mỗi tiết mục là một câu chuyện được kể bằng hình ảnh đầy ấn tượng. Chính sự đồng điệu trong mục tiêu và tinh thần đoàn kết ấy đã tạo nên một nguồn năng lượng tập thể mạnh mẽ, một sự keo sơn gắn kết mọi người, cùng nhau hoàn thiện một hành trình âm nhạc đầy cảm xúc và đáng nhớ.

Các “chị đẹp” đều là những người phụ nữ đầy bản lĩnh và nội lực. Trong vai trò Giám đốc Âm nhạc, anh đã định hướng âm nhạc thế nào để vừa tôn vinh bản lĩnh, sự độc lập, vừa chạm đến nét nữ tính, dịu dàng trong họ? Liệu âm nhạc có khi nào “đuổi theo” năng lượng mạnh mẽ của các chị, hay chính nó lại mở ra những khía cạnh mềm mại, sâu lắng ít người biết đến?

Quan điểm của tôi trong việc xây dựng chương trình rất rõ ràng: Mỗi đêm trình diễn là một vũ trụ âm nhạc riêng biệt, được thiết kế với chủ đề và sắc màu độc đáo. Điều này tạo nên một sân chơi đủ linh hoạt để các “chị đẹp” tự do tìm thấy “vùng đất” âm nhạc phù hợp nhất với cá tính của mình. Từ đó, các chị nghệ sĩ có thể khai phá màn trình diễn theo cách riêng, vừa phô diễn được nội lực, vừa tôn vinh được vẻ đẹp mềm mại, một nét quyến rũ đặc trưng của mỗi người.

“Chị Đẹp Đạp Gió 2024” gây ấn tượng mạnh mẽ khi đưa hơi thở văn hóa vào các màn trình diễn. Anh có thể chia sẻ về quá trình lựa chọn và phát triển những yếu tố văn hóa trong các tiết mục? Làm thế nào để anh vừa giữ được sự tôn trọng đối với những giá trị truyền thống, nhưng vẫn mang lại sức hấp dẫn mới mẻ cho khán giả hiện đại mà không bị gượng ép?

Tôi luôn tâm niệm rằng mạch nguồn văn hóa dân tộc đã thấm sâu vào tiềm thức sáng tạo của mỗi nghệ sĩ Việt. Khi dòng chảy ấy phối hợp nhuần nhuyễn cùng kinh nghiệm sân khấu và bản lĩnh biểu diễn, người nghệ sĩ sẽ tìm được lối đi riêng để đưa văn hóa vào màn trình diễn một cách vừa độc đáo, vừa gần gũi. 

Trong vai trò Giám đốc âm nhạc, tôi và đội ngũ S•Hube chủ yếu xây dựng phần khung định hướng. Chẳng hạn, gợi mở ý tưởng về sự giao thoa Bắc – Trung – Nam, hoặc khai thác những bản phối mang đậm sắc màu âm nhạc vùng miền. Còn sự bùng nổ đầy thăng hoa trên sân khấu trong cách Bùi Lan Hương “vẽ” nên “Cảnh khuya” bằng âm nhạc; Kiều Anh hóa thân thành “Phong Nữ – Cô Đôi Thượng Ngàn”; đội Lan Gia Bùi Tộc se duyên bằng “Cầu Duyên” hay Hẻm Sao Đỏ tái hiện một đám cưới miền Tây rộn rã  – tất cả đều nảy nở từ cá tính âm nhạc mạnh mẽ và khả năng sáng tạo không giới hạn của chính các “chị đẹp”.

Chương trình “Chị Đẹp Đạp Gió 2024” đã gây ấn tượng mạnh mẽ nhờ vào sự kết hợp tài tình giữa nghệ thuật và yếu tố giải trí, song không thể phủ nhận rằng sự thương mại hóa cũng đóng vai trò quan trọng. Là người trực tiếp làm âm nhạc, anh nghĩ sao về sự tác động của yếu tố thương mại trong việc định hình các quyết định sáng tạo? 

Tôi nghĩ “yếu tố thương mại” không phải một khái niệm cố định. Với mỗi người, mỗi bối cảnh, nó lại mang một hình hài khác: Có khi là lượt xem, có khi là tỷ lệ tương tác, thứ hạng trending, giá trị thương hiệu, hoặc thậm chí là những con số rất cụ thể như doanh thu từ concert. Không có một đáp án duy nhất, và càng không có công thức chung cho tất cả. 

Mỗi yếu tố ấy giống như một bài toán riêng, buộc tôi phải thay đổi cách tiếp cận, thậm chí tự đặt lại hệ quy chiếu theo từng hoàn cảnh cụ thể. Có lúc cần chạm tới cảm xúc để kéo lượt xem, có lúc cần kỹ lưỡng về hình ảnh để bảo vệ giá trị thương hiệu, và cũng có những lúc sự thấu hiểu nội tại của sản phẩm mới chính là “vũ khí thương mại” mạnh nhất. Vì vậy, tôi không cố ép mọi thứ vào một khung tiêu chuẩn, thay vào đó chọn cách linh hoạt, tỉnh táo và đủ kiên nhẫn để lắng nghe từng mục tiêu mà mình hướng đến.

Công việc của một Giám đốc âm nhạc đòi hỏi không chỉ tài năng mà còn sự kiên nhẫn và khả năng làm việc nhóm. Trong quá trình sáng tạo tại “Chị Đẹp”, anh đã học được điều gì về việc hợp tác với các nghệ sĩ khác và làm thế nào để giữ được sự sáng tạo của mình trong một môi trường làm việc chung? 

Tôi nghĩ làm việc nhóm bây giờ không còn là lựa chọn, mà gần như là một bản năng bắt buộc nếu muốn đi đường dài trong ngành sáng tạo. Khi bước vào một tập thể, tôi học cách lắng nghe nhiều hơn, học cách chia sẻ suy nghĩ của mình để tìm ra điểm giao giữa cái tôi cá nhân và tinh thần chung của cả đội. Không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng càng làm, tôi càng nhận ra: Dung hòa không có nghĩa là đánh mất chính mình.

Về chuyện giữ cá tính trong môi trường tập thể, tôi không quá bận tâm hay lo lắng. Tôi tin rằng, chỉ cần mình sống thật với bản thân, tập trung làm tốt nhất phần việc được giao, thì năng lượng và dấu ấn cá nhân tự nhiên sẽ được cảm nhận, dù không cần phải gắng gượng thể hiện. Bởi lẽ, sự riêng biệt không đến từ việc cố gồng mình khác đi, mà đến từ việc mình đã sống và làm việc chân thành như thế nào.

Sau tất cả những va chạm, đổi thay và trưởng thành mà anh đã đi qua, cả trong âm nhạc lẫn trong đời sống cá nhân. Điều gì còn ở lại trong anh khi nghĩ về vai trò người nghệ sĩ? Và nếu phải tóm gọn lại một điều mà “Chị Đẹp Đạp Gió” đã dạy anh, không phải về chuyên môn mà về con người, thì điều đó là gì?

Nghệ sĩ là người kiến tạo những “món ăn tinh thần” nuôi dưỡng cảm xúc và sự đồng điệu trong lòng công chúng. Khi nghệ thuật thăng hoa trên sân khấu, dù là thanh âm hay hình ảnh, khoảnh khắc ấy sẽ chạm đến trái tim người xem, lan tỏa niềm hạnh phúc khó tả. Đó là một sự cộng hưởng tuyệt vời, nơi nghệ sĩ trao đi nguồn cảm hứng tích cực qua tác phẩm, và chính tình cảm nồng nhiệt từ khán giả lại trở thành ngọn lửa thôi thúc hành trình sáng tạo không ngừng.

Với tôi, việc đồng hành cùng “Chị Đẹp Đạp Gió” và Concert “Chị Đẹp” tựa như một “bài thi cuối kỳ” trong năm cá nhân số 9 của mình – một năm chuyển mình, chất chứa những va chạm, chiêm nghiệm và bài học quý giá. Khi nhìn lại, điều tôi giữ cho riêng mình không phải là những hào quang nhất thời, mà là niềm hãnh diện khi được đặt viên gạch nhỏ trong bức tranh chung, là sự biết ơn vì đã có mặt trong hành trình đầy cảm xúc ấy, và là hạnh phúc vì đã kịp sống trọn vẹn với âm nhạc trong giai đoạn nhiều đổi thay nhất của bản thân.

Cảm ơn những chia sẻ của Hứa Kim Tuyền.

library