Honda và Nissan sáp nhập, bước ngoặt cho ngành ô tô Nhật Bản?

  • by Tri Duc
  • January 5, 2025

Honda và Nissan đang trong quá trình thảo luận để mở rộng quan hệ đối tác, với khả năng dẫn đến một vụ sáp nhập lịch sử. 

Thỏa thuận này mặc dù vẫn đang ở giai đoạn đầu, song đang cho thấy xu hướng hợp nhất và đổi mới trong ngành ô tô ngày càng tăng, để đối phó với sự chuyển đổi toàn diện của ngành. Nếu thương vụ sáp nhập thành công sẽ tạo ra một công ty trị giá 54 tỷ USD, và trở thành tập đoàn ô tô lớn thứ ba thế giới theo doanh thu bán hàng, sau Toyota và Volkswagen. Đồng thời liên minh này sẽ tăng sức cạnh tranh với các “ông lớn” toàn cầu như Tesla và BYD trong lĩnh vực xe điện.

Thách thức và cơ hội trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu

Cuộc đàm phán giữa hai thương hiệu ô tô hàng đầu Nhật Bản được xem là cột mốc quan trọng, không chỉ cho hai công ty mà còn cho cả ngành công nghiệp ô tô toàn cầu. Trong bối cảnh thị trường ngày càng bị thống trị bởi các nhà sản xuất xe điện như Tesla (Mỹ) và BYD (Trung Quốc), các hãng xe truyền thống phải nhanh chóng thích nghi hoặc có nguy cơ bị tụt lại phía sau.

Nếu thành công, thương vụ này sẽ đưa Honda và Nissan trở thành tập đoàn ô tô lớn thứ ba thế giới về doanh thu, chỉ đứng sau Toyota và Volkswagen. Dù mới chỉ ở giai đoạn đầu, thỏa thuận này cho thấy xu hướng hợp nhất ngày càng rõ nét trong ngành công nghiệp ô tô, nhằm đáp ứng sự chuyển đổi mạnh mẽ từ xe động cơ đốt trong sang xe điện.

Tầm quan trọng chiến lược của việc hợp nhất

Với năng lực sản xuất 7,4 triệu xe mỗi năm sau sáp nhập, Honda và Nissan sẽ hình thành một liên minh mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu. Dù hai công ty đã hợp tác trong lĩnh vực xe điện từ trước, khó khăn tài chính của Nissan đã thúc đẩy mối quan hệ này tiến xa hơn.

Ngành công nghiệp ô tô hiện đang đứng trước ngã rẽ, với sự trỗi dậy của các tên tuổi tiên phong cũng như đáng gờm trong sân chơi xe điện như Tesla và BYD, buộc các nhà sản xuất truyền thống phải xem xét lại chiến lược của mình. Vụ sáp nhập tiềm năng giữa Honda và Nissan có thể mang đến cho hai công ty nguồn lực và sự đổi mới cần thiết để cạnh tranh trong thị trường phát triển nhanh chóng này.

Những thách thức của Nissan, vai trò của Mitsubishi và tiềm năng sau sáp nhập

Nissan đang đối mặt với nhiều áp lực tài chính. Hãng đã công bố kế hoạch cắt giảm chi phí 2,6 tỷ USD vào cuối năm 2024, bao gồm giảm 9.000 nhân sự và thu hẹp 20% năng lực sản xuất toàn cầu. Những biện pháp này là kết quả của sự suy giảm doanh số bán hàng tại Trung Quốc và Mỹ, khiến lợi nhuận quý II năm 2024 giảm 85%.

Trong một bài báo của Nikkei có đề cập, Mitsubishi cũng có thể được đưa vào trong một phần của thỏa thuận, vì Nissan đang nắm giữ 24% cổ phần của Mitsubishi Motors. Giá trị thị trường của Honda là 6,74 nghìn tỷ yên so với 1,67 nghìn tỷ yên của Nissan và 717 tỷ yên của Mitsubishi. Trong năm 2023, Honda đã bán được 3,8 triệu ô tô vào năm 2023, Nissan đã bán được 3 triệu ô tô và Mitsubishi đã bán được 700.000 xe.

Thông tin về cuộc đàm phán đã khiến thị trường chứng khoán phản ứng mạnh mẽ. Cổ phiếu của Nissan tăng vọt gần 24% trong phiên giao dịch tại Tokyo, trong khi cổ phiếu của Honda giảm 3%. Cổ phiếu của Mitsubishi Motors tăng gần 20%, cũng như Renault – cổ đông lớn nhất của Nissan – cũng chứng kiến ​​cổ phiếu tăng 5,9%.

Từ trái qua: Ông Makoto Uchida – Tổng giám đốc điều hành Nissan Motor Corporation, ông Toshihiro Mibe – Tổng giám đốc điều hành Honda, ông Kato Takao – Tổng giám đốc điều hành của Mitsubishi Motors

Một vụ sáp nhập sẽ mang lại lợi ích lớn cho cả hai phía. Honda có thể tận dụng chuyên môn của Nissan trong lĩnh vực xe điện, trong khi Nissan hưởng lợi từ kinh nghiệm của Honda về công nghệ hybrid. Cả hai đều đặt mục tiêu tối ưu hóa quy trình sản xuất để tăng hiệu quả cạnh tranh.

Kỳ vọng về tương lai ngành ô tô Nhật Bản

Tuy nhiên, sự khác biệt về văn hóa doanh nghiệp cũng như áp lực từ các quy định chính trị có thể là những trở ngại lớn. Chẳng hạn như tại Mỹ, nơi Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đe dọa áp đặt thuế 25% đối với xe nhập khẩu. Sự khác biệt về văn hóa doanh nghiệp giữa Honda – nổi bật với phương thức tiếp cận tập trung vào công nghệ, và Nissan hiện đang gặp khó khăn. “Honda có một nền văn hóa đặc biệt, tập trung vào công nghệ với thế mạnh về các hệ truyền động, vì vậy sẽ có một số phản kháng nội bộ đối với việc sáp nhập với Nissan, một đối thủ có nền văn hóa khác và hiện đang gặp khó khăn”, ông Tang Jin – một nhà nghiên cứu cấp cao tại Ngân hàng Mizuho cho biết.

Tổng giám đốc điều hành Nissan – ông Makoto Uchida – chia sẻ rằng quá trình sát nhập “không có nghĩa là chúng tôi đã từ bỏ việc phục hồi, mà thay vào đó là đảm bảo khả năng cạnh tranh của công ty trong tương lai. Sau khi thực hiện hành động phục hồi này để phát triển trong tương lai, tăng trưởng trong tương lai, chúng tôi cần xem xét quy mô và tăng trưởng cuối cùng. Sự tăng trưởng này sẽ thông qua quan hệ đối tác”.

CEO Nissan, ông Makoto Uchiha.

Mặc dù có nhiều thách thức, Honda và Nissan vẫn tiếp tục các cuộc đàm phán, với mục tiêu hoàn tất thỏa thuận vào tháng 6/2025. Cả hai công ty đều dự định hoàn thành vụ sáp nhập và niêm yết công ty mẹ trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo vào tháng 8/2026.

Việc chuyển đổi sang xe điện đang khiến thị trường ngày càng khốc liệt. Nếu sáp nhập thành công, Honda và Nissan không chỉ củng cố vị thế của mình mà còn góp phần định hình lại toàn bộ ngành công nghiệp ô tô trong kỷ nguyên xe điện. “Trong trung và dài hạn, điều này có lợi cho ngành ô tô Nhật Bản vì nó tạo ra một trục thứ hai bên cạnh Toyota. Cạnh tranh mang tính xây dựng với Toyota là điều tích cực cho ngành ô tô Nhật Bản, vốn đang suy giảm, khi phải cạnh tranh với các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, Tesla và các đối thủ khác”, ông Seiji Sugiura – nhà phân tích cấp cao tại Tokai Tokyo Intelligence Laboratory cho biết.

Nguồn tham khảo: CNBC, The Guardians

 

library