Chiến công hiển hách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên chiến trường đã đi vào lịch sử. Nhưng ai biết rằng, bên cạnh sự nghiệp vĩ đại ấy, còn có hai bóng hình người phụ nữ đã gắn bó, song hành với cuộc đời vì dân vì nước, vì Đại tướng.
Mối tình đầu của ông là liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái, em gái liệt sĩ Nguyễn Thị Minh Khai. Bà sinh ra ở Vinh nhưng quê gốc ở làng Nhân Chính (Hà Nội). Cha Quang Thái là kỹ sư cầu đường. Cả hai gặp nhau lần đầu tiên vào năm 1929, trên chuyến tàu Hà Nội vào Huế khi anh được đoàn thể cử đi công tác. Trước đó, tướng Giáp từng nghe các đồng chí cùng chi bộ nhắc đến Quang Thái, cô em gái còn rất trẻ nhưng hoạt động rất hăng hái cùng đồng chí Minh Khai.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2003, giáo sư Võ Hồng Anh – con gái duy nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bà Nguyễn Thị Quang Thái, đã hình dung về buổi gặp gỡ đầu tiên của bố mẹ mình qua lời kể của cha: “Mẹ Thái trong tà áo dài, mái tóc buông xõa, làn da trắng hồng cùng gương mặt rạng rỡ, đặc biệt là đôi mắt, đã khắc sâu ấn tượng trong lòng ba. Ba khi ấy đóng vai một nhà báo khá ăn diện, với chiếc mũ phớt và bộ com-lê trắng. Về sau, mẹ chia sẻ ấn tượng ban đầu về ba: một chàng thư sinh mang vẻ “công tử bột”, chỉ đến khi nghe ba tự giới thiệu là nhà báo, mẹ mới cởi mở và bắt đầu câu chuyện.
Sau buổi gặp Quang Thái trên tàu, nhiều lần anh Giáp đạp xe qua cổng trường Đồng Khánh, hy vọng gặp người thương. Dù bao lần dõi mắt khắp sân trường, nhưng anh vẫn không gặp được Quang Thái. Một hôm khi đang làm việc tại nhà ông Lê Ấm, con rể cụ Phan Chu Trinh thì có một thiếu nữ tìm gặp. Cô nữ sinh xinh xắn nói giọng Vinh ấm áp. Đang mải miết viết, anh Giáp ngẩng đầu lên và sững sờ: chính là Quang Thái, người mà anh vẫn đi tìm bấy lâu.
Khi đó, Quang Thái tìm gặp anh để nhận nhiệm vụ từ đoàn thể. Nhiệm vụ được giao cho cô là phát triển tổ chức “Nữ sinh đỏ”. Sau đó, do yêu cầu công tác, hai người có nhiều cơ hội gặp gỡ. Tình cảm trong lòng anh Giáp dần nảy sinh với Quang Thái. Thế nhưng, trong mắt Quang Thái, anh vẫn chỉ là một người đồng chí cùng chí hướng.
Năm 1931, Võ Nguyên Giáp bị bắt vì tham gia Xô Viết Nghệ Tĩnh, giam ở nhà lao Thừa Phủ. Đi ngang qua nhà giam nữ, anh giật mình nhận ra Quang Thái. Thời gian trong tù giúp anh Giáp thêm hiểu và yêu người thiếu nữ 16 tuổi với vẻ ngoài ngây thơ nhưng tinh thần bất khuất. Cuối năm 1931, cả hai được trả tự do. Họ bắt đầu trao đổi thư từ và anh Giáp thường đến thăm nhà Quang Thái, được các em chị quý mến. Quang Thái dần nảy sinh tình cảm với chàng trai Quảng Bình hiền lành nhưng mạnh mẽ, yêu thích đôi mắt vừa nhân hậu, vừa cương nghị của anh, và nhớ nhung giọng nói ấm áp, ánh nhìn trìu mến anh trao.
Năm 1935, hai người tổ chức lễ cưới, khi ấy Quang Thái tròn 20 tuổi và Võ Nguyên Giáp 24 tuổi. Sau đó, hai người ra Hà Nội sinh sống, cùng nhau hoạt động cách mạng và nuôi dưỡng tình yêu trong những ngày tháng đầy gian khổ. Cuộc sống hôn nhân của họ kéo dài gần 10 năm, nhưng chỉ có khoảng 5 năm thực sự được sống bên nhau do những biến động của thời cuộc. Năm 1939, họ chào đón con gái đầu lòng là Võ Hồng Anh. Tuy nhiên, hạnh phúc ngắn ngủi ấy nhanh chóng bị chia cắt khi Quang Thái bị bắt và giam cầm tại Nhà tù Hỏa Lò.
Năm 1944, chị hy sinh. Lúc này, do yêu cầu hoạt động bí mật, tin tức về việc bà Quang Thái bị bắt đã không đến được Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mãi đến khi trở về Tổ quốc và tham dự Hội nghị quân sự cách mạng Bắc kỳ tại Hiệp Hòa (Bắc Giang) vào tháng 4/1945, Đại tướng mới hay tin dữ. Nghe tin chị Thái hy sinh, người Đội trưởng Đội Tuyên truyền Giải phóng quân Võ Nguyên Giáp bàng hoàng rời cuộc họp, lặng lẽ sang phòng bên…
Mối tình thứ hai gắn với Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến cuối đời là bà Đặng Bích Hà – con gái của Giáo sư Đặng Thai Mai – người phụ nữ đã đồng hành cùng ông từ những ngày sau Cách mạng Tháng Tám đến nay. Mối quan hệ giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp và gia đình Đặng Thai Mai bắt đầu từ tình bạn vong niên giữa ông và Giáo sư Đặng Thai Mai, khi cả hai cùng hoạt động trong phong trào cách mạng và giảng dạy tại Trường Tư thục Thăng Long.
Lúc nào, ông cũng xem Bích Hà như một người em gái nhỏ, nên rất cưng chiều và chăm sóc. Khi ra Hà Nội, lúc đi luyện tập thể thao, ông cũng cho Bích Hà đi cùng. Đại tướng cũng hay kể cho bà nghe về Quang Thái, và cô rất chăm chú lắng nghe. Bà Bích Hà từng kể, lúc 6-7 tuổi, bà thường được ông Giáp đèo đi chơi đến Sân vận động Hàng Đẫy tập thể thao. Bỗng dưng một hôm ông nói: “Anh sẽ cưới Hà bằng một đĩa xôi và một con gà”. Không ai ngờ rằng lời nói đùa ấy hơn mười năm sau lại trở thành sự thật.
Năm 1945, bà Bích Hà hội ngộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong tình cảnh ông đang gánh chịu nỗi đau tột cùng khi người vợ, liệt sĩ Nguyễn Quang Thái hy sinh trong nhà tù Hỏa Lò từ năm 1944. Từ sự kính phục và ngưỡng mộ ban đầu, bà lại càng muốn được cùng ông chia sẻ mọi gian khó trên con đường cách mạng và đường đời.
Vào cuối năm 1946, gia đình cụ Đặng Thai Mai đồng ý tổ chức hôn lễ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp và con gái. Họ kết hôn vào cuối năm 1946, chỉ ba tuần trước ngày Toàn quốc kháng chiến. Đám cưới diễn ra giản dị tại ngôi nhà trên phố Hàng Bài, nơi gia đình bà Hà sinh sống. Suốt mấy mươi năm làm bạn đời, bà Đặng Bích Hà vẫn luôn cạnh động viên chồng với tâm hồn bình thản qua những lời giản dị và lạc quan. Trong phòng khách có hai chiếc ghế một chiếc dành cho ông, chiếc bên cạnh là của bà.
Dù hơn vợ 17 tuổi, Đại tướng vẫn trân trọng gọi bà Bích Hà là “chị” trong những cuộc hội ngộ đông người, hay những lúc nhà có khách. Trong cuộc sống riêng, ông lại trìu mến gọi vợ bằng tên hoặc “em” chan chứa tình cảm. Từ khi còn đương chức cho đến thời điểm về hưu, Đại tướng không bao giờ quên kỷ niệm ngày cưới. Mỗi năm, vào ngày 27 tháng 11, ông đều chu đáo nhờ con gái mua tặng bà Bích Hà bó hoa hồng nhung yêu thích. Đến những năm sức khỏe yếu, Đại tướng chủ yếu ở trong viện, tuần nào bà Bích Hà cũng dành thời gian đến thăm, trò chuyện cùng chồng. Những ngày bà vắng mặt, ông lại lo lắng hỏi thăm các con về tình hình sức khỏe của vợ, dặn dò bà giữ gìn.
Giáo sư Đặng Thị Hạnh – em gái bà Đặng Bích Hà kể rằng, khi được hỏi về hạnh phúc lớn nhất đời mình, bà Bích Hà không ngần ngại trả lời: “Là chị đã có anh Văn”. Bà luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho Đại tướng trong mọi hoàn cảnh. Sau này, khi các con trưởng thành, Đại tướng thường bày tỏ sự tin tưởng và biết ơn đối với vợ trước mặt các con, khẳng định nhờ có bà mà ông mới có thể yên tâm công tác. Tình yêu và sự thấu hiểu sâu sắc của Đại tướng dành cho bà Bích Hà không chỉ qua cả lời nói, mà còn bằng cả ánh mắt, sự thấu hiểu và quan tâm chân thành.
Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai, hai nhà cách mạng kiên trung của Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XX, đã dành trọn cuộc đời cho lý tưởng độc lập dân tộc. Trên con đường đấu tranh ấy, họ tìm thấy sự đồng điệu trong tâm hồn, cùng chia sẻ tình yêu và ý chí sắt son vì một mục tiêu chung.
Khi gặp Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong bị thu hút bởi một cô gái nhỏ nhắn, xinh xắn với đôi mắt tròn to cương nghị và một trái tim nồng nàn yêu nước, sục sôi tinh thần cách mạng. Ngược lại, Nguyễn Thị Minh Khai cảm mến Lê Hồng Phong bởi sự lịch thiệp, hòa nhã, những cuộc tranh luận chính trị nảy lửa và lại có tính hài hước của anh. Bản thân Lê Hồng Phong cũng được cả nhóm yêu mến. Sau thời gian đồng điệu về tâm hồn và ý chí, đám cưới của Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai được tổ chức. Đó là một hôn lễ giản dị, ấm tình đồng chí ở Thượng Hải, với một bữa cơm chiều tươm tất hơn thường ngày, bởi có thêm vài chiếc kẹo bọc giấy xanh đỏ, đĩa lạc rang và vài điếu thuốc lá.
Khi đồng chí Hoàng Văn Nọn về muộn, nhìn thấy bữa cơm thịnh soạn hơn thường ngày đã ngạc nhiên hỏi Minh Khai: “Chị có chuyện gì vui sao?”. Nguyễn Thị Minh Khai chỉ khẽ đỏ mặt, lắc đầu cười. Lúc ấy, Hà Huy Tập đứng lên, trang trọng tuyên bố: “Hôm nay, Đảng ta tổ chức lễ thành hôn cho hai đồng chí Vương (Lê Hồng Phong) và Duy (Nguyễn Thị Minh Khai). Dù điều kiện hoạt động bí mật còn nhiều khó khăn, Đảng không thể tổ chức một lễ cưới lớn. Nhưng chúng ta vẫn vô cùng vui mừng. Xin chúc mừng đôi uyên ương cộng sản trăm năm hạnh phúc!”.
Không tiếng nhạc, không rượu mừng, nhưng đám cưới bí mật ấy vẫn tràn ngập niềm vui và hạnh phúc. Từ khoảnh khắc nên vợ nên chồng ấy, Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai đã gắn kết tình yêu cá nhân với lý tưởng cách mạng, cùng nhau trải qua những thăng trầm và cả sự hy sinh cao cả. Kết quả của tình yêu ấy là sự ra đời của cô gái Lê Nguyễn Hồng Minh. Cô ra đời vào mùa xuân năm 1939, nhưng không biết mặt cha lẫn mẹ, tất cả những kỷ niệm về họ là lời qua lời kể và sách báo.
Bởi lẽ, sự nghiệp cách mạng cao cả, bà Nguyễn Thị Minh Khai đành gửi con cho cơ sở nuôi dưỡng. Năm 1939, Lê Hồng Phong bị Pháp bắt và kết án tù. Bà rút vào hoạt động bí mật tại Hóc Môn. Năm 1940, Lê Hồng Phong bị bắt lần thứ hai, không lâu sau, Nguyễn Thị Minh Khai cũng sa vào tay giặc khi đang in báo “Tiến Lên”. Biết họ là vợ chồng, thực dân Pháp giam chung để gây áp lực tâm lý, nhưng cả hai đã nén tình riêng, kiên quyết không khai báo. Dù bị tra tấn dã man, họ vẫn giữ vững khí tiết cách mạng.
Lê Hồng Phong bị kết án 5 năm tù đày ra Côn Đảo. Trong tù, với vai trò Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn, Nguyễn Thị Minh Khai vẫn tìm cách liên lạc, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, bà bị kết án tử hình. Trước tòa, bà dõng dạc khẳng định lẽ phải của sự nghiệp cứu nước. “Nước của tôi, cứu nước là có tội, cướp nước mà không có tội sao?”. Kết thúc phiên tòa, Quang Thái – em gái Minh Khai nước mắt giàn giụa, bà quay lại an ủi: “Em đừng khóc. Dù chị mất nhưng rất vui sướng vì đã làm tròn nhiệm vụ. Em hãy giúp chị, chừng nào Hồng Minh khôn lớn thì em đưa cháu về nuôi và dạy bảo cháu nên người… Chị gửi lời vĩnh biệt anh Lê Hồng Phong đang bị đày ở Côn Đảo, cảm ơn các đồng chí đã nuôi nấng che chở Hồng Minh”. Ngoài lời dặn dò này, trước khi hy sinh, bà còn tự tay đan áo gối gửi về cho mẹ như một chút hiếu thảo cuối cùng.
Nguyễn Thị Minh Khai ngã xuống ở tuổi 31. Lời cuối cùng bà gửi đến đồng bào vang vọng khí phách của người chiến sĩ cách mạng: “Việc chúng tôi làm là chính nghĩa. Chúng tôi đấu tranh cho Tổ quốc độc lập, dân tộc ấm no, chúng tôi không có tội! Thưa đồng bào, chỉ khi tiêu diệt đế quốc, phong kiến, cuộc sống của chúng ta mới thực sự hạnh phúc!”. Một năm sau đó, Lê Hồng Phong cũng hy sinh tại Côn Đảo, vì sức khỏe suy kiệt. Cả hai đã hiến dâng hạnh phúc riêng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Nhà cách mạng Huỳnh Tấn Phát không chỉ là một chính khách tên tuổi của Việt Nam với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, mà cuộc đời ông còn gắn liền với một chuyện tình đẹp và đầy cảm động, minh chứng cho sự sắt son tình đồng chí, thủy chung nghĩa vợ chồng.
Trong quyển hồi ký năm 2003, bà Bùi Thị Nga đã kể về mối tình đẹp với ông Huỳnh Tấn Phát – Nguyên Phó thủ tướng, Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Mùa hè 1943, tại biệt thự An Hóa (Đà Lạt), bà lần đầu gặp kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. Ấn tượng ban đầu ông để lại cho bà là một chàng trai cao ráo, mặc bộ tussor trắng và cổ choàng khăn trắng. Tuy nhiên, dáng điệu hợp thời trang của chàng kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát không tạo cho bà Bùi Thị Nga cảm xúc sâu đậm bằng ánh mắt sáng đôn hậu dưới cặp chân mày rậm của ông. Ít lâu sau, em trai bạn bà đưa ông đến thăm nhà. Ông Phát kể về tuổi thơ ở Bến Tre, việc học kiến trúc ở Hà Nội và mối tình đầu tan vỡ vì bị chê không môn đăng hộ đối. Ông cũng không giấu giếm lý tưởng Mác – Lê-nin, khát vọng cống hiến cho quê hương.
Trong ký ức bà Nga, ông Phát là người đầu tiên giác ngộ bà về lòng yêu nước và lý tưởng cộng sản. Bà nhớ cảnh ông đạp xe Alcyon xanh đến nhà sau nhiều ngày vắng bóng “không rõ lý do”, chỉ để đưa tờ báo Thanh Niên nóng hổi mà không một lời quảng cáo hay nói thêm gì cả. Bà đọc tờ báo đó và phát hiện ông chính là người khai sinh, là cây bút chính, cũng là người kiếm tiền nuôi tờ báo – nơi truyền bá lý tưởng độc lập, tự do và tình yêu nước. Tờ báo của ông giúp bà nhận ra sự non nớt trong nhận thức chính trị của mình. Ở bên cạnh ông, suy nghĩ về thời cuộc của bà dần trưởng thành.
Dù là người của cách mạng, phụ trách Phòng Thông tin Sài Gòn, ông chưa bao giờ ép buộc bà theo mình. Ông chinh phục bà bằng sự chân thành và giản dị. Ban đầu, bà chỉ biết đến danh tiếng kiến trúc sư của ông qua các công trình nổi tiếng. Sau hai năm quen nhau, bà hiểu rằng, nghề kiến trúc sư và những đồng tiền ông làm ra đều dành trọn cho cách mạng, nuôi dưỡng lý tưởng của ông, và lý tưởng ấy đã lan tỏa sang bà một cách tự nhiên.
Ngày 15/6/1945, họ tổ chức một đám cưới đơn sơ, không thiệp mời, không tiệc lớn – chỉ có vài quả trầu cau, rượu bánh và trái cây. Chú rể thẳng thắn: “Anh không muốn má anh đi vay nợ để lo cho anh. Thời buổi bất ổn này, ta làm đơn sơ thôi nghe em…”. Điều đáng nói, dù sánh bước bên cô dâu trong ngày tân hôn, lòng chú rể vẫn nặng trĩu nỗi lo việc nước. Ngay sau ngày cưới, bà Nga đã cùng chồng dấn thân vào con đường cách mạng. Suốt 40 năm hôn nhân, họ hiếm khi có được những khoảnh khắc sum vầy và thư thái trọn vẹn.
Sau khi ông Huỳnh Tấn Phát qua đời năm 1989, bà Bùi Thị Nga cùng các con đã thành lập Quỹ học bổng Huỳnh Tấn Phát, tiếp nối tâm nguyện của chồng, góp phần xây dựng trường học và tu sửa đình làng tại quê hương Bến Tre.
Tình yêu giữa bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và y tá người Pháp Marie Louise là một chương đặc biệt trong cuộc đời của vị Bộ trưởng Y tế đầu tiên của Việt Nam. Họ gặp nhau lần đầu tại Bệnh viện điều trị lao ở Hauteville (Pháp), nơi ông làm việc sau khi tốt nghiệp chuyên khoa phổi và lao. Bà đã bị cuốn hút bởi lòng nhiệt huyết và tình yêu quê hương của ông. Sau một thời gian quen biết, ông đặt vấn đề tiến đến hôn nhân với bà. Trong thư, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch viết: “Em cần hiểu rằng Tổ quốc luôn là ưu tiên hàng đầu của anh. Cả cuộc đời này, anh sẽ chiến đấu cho tự do và độc lập của đất nước. Nếu em cùng chí hướng, hãy đến bên anh, chúng ta sẽ cùng nhau sống và đấu tranh”, và bà Marie đồng ý. Năm 1936, bất chấp bao hiểm nguy và cản trở, cô đã đáp tàu thủy đến Sài Gòn và làm lễ thành hôn cùng bác sĩ Phạm Ngọc Thạch – người có vai trò quan trọng trong cách mạng. Kết quả viên mãn của cuộc hôn nhân của họ là hai đứa con: Colette Phạm Thị Như Mai và Alain Phạm Ngọc Định.
Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam bộ – Trần Văn Giàu đọc diễn văn chào mừng ngày Độc lập trước hơn 200.000 người dự. Colette khi ấy 7 tuổi và Alan lên 5, được mẹ dẫn đến dự lễ. Bất ngờ, tiếng súng nổ, đám đông hoảng loạn, Colette lạc mất mẹ và em. May mắn, cô bé tìm được cha đang bàn việc với sĩ quan Nhật. Sau đó, hai cha con tìm thấy Marie và Alain bị thương trong một trạm y tế. Tảng sáng ngày 23/9/1945, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch cùng kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát ra bưng kháng chiến. Ngay sau đó, bọn Pháp ập vào nhà để bắt, Marie bình tĩnh đối đáp: “Các ông đến muộn rồi. Chồng tôi đã ra đi”.
Tại Sài Gòn, y tá Marie Louise tận tâm cứu chữa một chiến sĩ bị bỏng nặng. Bà thủy chung với chồng, nhiều lần đưa con vào chiến khu thăm ông. Dù là Bộ trưởng Y tế, bác sĩ Thạch vẫn trực tiếp tham gia các chiến trường ác liệt. Những năm 1960, khi gia đình sống ở Pháp, bác sĩ Thạch vẫn tranh thủ về nhà với vợ con mỗi khi dẫn đoàn đại biểu Việt Nam sang làm việc. Ông luôn giữ lối sống giản dị. Tháng 7/1968, ông gửi thư dặn dò con gái trước khi hy sinh tại chiến trường Tây Ninh bốn tháng sau đó. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã bày tỏ sự thương tiếc sâu sắc. Hà Nội tổ chức lễ truy điệu trọng thể cho ông. Bà Marie Louise gửi hai con đến dự và kịp đan tặng Bác Hồ chiếc khăn len, một kỷ vật xúc động.
Chuyện tình của liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi và chị Phan Thị Quyên nảy nở từ lần gặp gỡ đầu tiên năm 1963 tại Sài Gòn. Chị Quyên, khi ấy mới 16 tuổi, là công nhân Hãng bông Bạch Tuyết, còn anh Trỗi là thợ điện Nhà máy điện Chợ Quán. Qua một người bạn, họ quen biết và nhanh chóng cảm mến nhau. Tình yêu đơm hoa kết trái bằng một đám cưới giản dị, ấm cúng vào ngày 21/4/1964. Sống với anh nhưng chị không hề hay biết, chồng mình là chiến sĩ biệt động Thành.
Tuy nhiên, niềm hạnh phúc ngắn chẳng tày gang. Chỉ 19 ngày sau ngày cưới, anh Nguyễn Văn Trỗi bị bắt trong khi thực hiện nhiệm vụ ám sát Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara. Chị Phan Thị Quyên cũng bị giam giữ vài ngày sau đó, nhưng may mắn được trả tự do do thiếu bằng chứng buộc tội. Cuộc chia ly đột ngột này đã trở thành một dấu ấn đau thương trong lịch sử cách mạng Việt Nam.
Ngày 15/10/1964, Nguyễn Văn Trỗi bị xử bắn tại nhà tù Chí Hòa, tiếng hô vang: “Đả đảo đế quốc Mỹ! Hồ Chí Minh muôn năm! Việt Nam muôn năm!”. Trong một cuộc phỏng vấn chị Quyên kể lại rằng: “Sáng hôm đó, tôi đến thăm chồng thì bị giám thị từ chối nhưng không cho biết chúng vừa xử bắn anh ngay tại trường bắn Chí Hòa. Sau khi bắn, chúng đưa xác về nghĩa trang dành cho lính Cộng hòa ở Gò Vấp. Nhưng vì biết anh là “Việt Cộng” nên chúng lại đưa về nghĩa trang Đô Thành (nay là công viên Lê Thị Riêng)”. Cả ngày hôm ấy, chị chạy đôn đáo để tìm sát chồng, nhưng mãi đến sáng hôm sau đọc báo mới hay biết chỗ chôn anh.
Sau khi chồng hy sinh, người vợ trẻ Phan Thị Quyên tiếp tục dấn thân vào con đường cách mạng, góp sức mình cho độc lập dân tộc. Dù sau này có hạnh phúc riêng, trong trái tim chị, Nguyễn Văn Trỗi vẫn là người chồng đầu tiên và duy nhất. Mối tình nồng nàn, dù chỉ vỏn vẹn 19 ngày nên nghĩa vợ chồng, đã hóa thành biểu tượng vĩnh cửu của lòng trung kiên, tinh thần hy sinh cao cả và tình yêu nước thiết tha, mãi là nguồn cảm hứng bất tận cho các thế hệ Việt Nam.
Tình yêu giữa Đại tướng Văn Tiến Dũng và bà Nguyễn Thị Kỳ nảy nở trong những năm tháng hoạt động cách mạng đầy gian khổ. Bà Nguyễn Thị Kỳ (tên khai sinh Cái Thị Tám), sinh năm 1922 tại Lương Yên, Hà Nội, mồ côi cha mẹ từ nhỏ và trở thành trụ cột gia đình đông anh em. Năm 17 tuổi, bà rời gia đình, cùng em út tham gia cách mạng, bắt đầu cuộc đời hoạt động giao liên. Năm 1942, bà gặp gỡ và nên duyên với ông Văn Tiến Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, một người thâm trầm nhưng hào hoa. Sự đồng điệu về lý tưởng và hoàn cảnh đã gắn kết họ.
Theo nhận xét từ bạn bè đồng trang lứa, Nguyễn Thị Kỳ là một cô gái hoạt bát, năng động, trong khi nhà cách mạng trẻ Văn Tiến Dũng lại trầm tĩnh, nghiêm nghị nhưng vẫn toát lên vẻ hào hoa, lịch lãm của thanh niên Hà Nội. Có lẽ sự khác biệt mà hài hòa đó đã tạo nên sức hút tự nhiên giữa họ. Hơn nữa, cùng cảnh ngộ mồ côi cha mẹ đã nhân lên sự đồng cảm sâu sắc, vun đắp cho tình yêu nảy nở.
Cô Văn Việt Hoa, con gái út của Đại tướng Văn Tiến Dũng, xúc động chia sẻ về tình cảm sâu sắc của cha mẹ: “Ba mẹ tôi yêu nhau một cách trọn vẹn, không hề có sự gượng ép hay ràng buộc nào. Càng về sau này, chúng tôi càng cảm nhận rõ điều đó. Suốt cuộc đời chung sống, con cái chưa từng thấy ba mẹ lớn tiếng hay căng thẳng với nhau. Đến tận những ngày cuối đời, ba vẫn gọi mẹ là ’em Tám’, mẹ gọi ba là ‘anh Hoài’. Tình cảm của họ khăng khít, gắn bó không rời”.
Tình yêu đó còn được thử lửa qua bao thử thách, minh chứng là những lần bà Kỳ “gánh con theo chồng” vượt qua các chiến dịch của Đại đoàn 320 ở Đồng bằng Bắc Bộ. Dù chỉ được nghe kể lại, câu chuyện vẫn khiến bao người nghe vô cùng xúc động. Hình ảnh người mẹ tảo tần, đôi vai gánh nặng con thơ theo chồng ra trận cứ mãi ám ảnh. Có những lúc, Đại tướng cũng phải tụt lại phía sau để đỡ đứa con lớn cho bà, còn bà thì cõng đứa thứ hai, trên cổ vẫn quàng thêm khẩu súng cạc-bin để san sẻ gánh nặng cùng chồng.
Sau Cách mạng Tháng Tám, bà tiếp tục công tác tại Bộ Quốc phòng, sau này nghỉ hưu ở Ban Tổ chức Trung ương. Trong suốt 60 năm chung sống, bà không ngừng nỗ lực, tự học hỏi và hoàn thiện bản thân, từ kiến thức cơ bản đến kỹ năng giao tiếp và cả cách trở thành phu nhân của một chính khách cấp cao. Trên mỗi bước tiến của chồng, trong từng thành tựu ông đạt được, đều in dấu sự dõi theo và hy sinh thầm lặng của bà.
Đại tướng Văn Tiến Dũng qua đời năm 2002. Hai mươi năm sau, bà Nguyễn Thị Kỳ cũng từ trần, hưởng thọ 101 tuổi, khép lại một cuộc đời tận trung với cách mạng và gia đình. Tình yêu của họ là minh chứng cho sự gắn bó giữa tình cảm cá nhân và lý tưởng cách mạng, là biểu tượng của lòng thủy chung và sự hy sinh vì Tổ quốc.
Giữa khói lửa chiến tranh, tình yêu vẫn là ngọn lửa âm ỉ cháy, sưởi ấm những trái tim và thắp lên niềm tin vào tương lai. Họ đã sống, chiến đấu và yêu thương, góp phần làm nên những trang sử hào hùng của dân tộc, đồng thời để lại những bài học sâu sắc về lòng trung thành, sự kiên cường và tình nghĩa cao đẹp. Những đóa hoa tình yêu ấy, dù nở rộ trong bom đạn hay âm thầm nơi hậu phương, vẫn mãi là nguồn cảm hứng bất tận cho các thế hệ mai sau.
MEN’S FOLIO, tạp chí quốc tế về thời trang và phong cách sống dành cho Quý Ông sành điệu, có bề dày hơn 25 năm kể từ ngày thành lập đầu tiên vào năm 1997 tại Singapore. Men’s Folio mang sứ mệnh quảng bá tài năng châu Á, cũng như xu hướng thời trang nổi bật nhất qua các mùa. Hiện ấn phẩm đã có mặt tại đa quốc gia, hoạt động mạnh mẽ ở các nước Đông Nam Á, và chính thức có mặt tại Việt Nam vào tháng 11/2020. Ấn phẩm Men’s Folio Vietnam hội tụ những bài viết tinh hoa, hình ảnh bắt mắt, giới thiệu những nhân vật danh tiếng của ngành công nghiệp thời trang và giải trí Việt Nam. Cùng cái nhìn tổng quan về xu hướng, thời trang và phong cách sống nổi bật nhất dành cho phái mạnh theo từng mùa/năm.
Copyright © 2024 Luxuo Media Vietnam. All Rights Reserved. Website Developed by Tony Toàn