Hoạt hình Pixar: Luôn đạt hiệu ứng tích cực trên toàn cầu, vì sao?
Music & FilmFilm

Hoạt hình Pixar: Luôn đạt hiệu ứng tích cực trên toàn cầu, vì sao?

Tiếp nối chuỗi phim hoạt hình đình đám của nhà Pixar, “Turning Red” (Gấu đỏ biến hình) vừa ra mắt vào ngày 11/3 đã leo lên hạng 12 cùng ngày (trong BXH dành riêng cho phim hoạt hình Pixar) với độ “tươi” lên đến 95% từ các nhà phê bình và 83% từ khán giả trên Rotten Tomatoes. Mỗi một lần ra rạp, phim của Pixar đều khiến khán giả thích mê thích mệt, có phim còn ẳm cả giải Oscar. Công thức nào cho một thành công (gần như) tuyệt đối đó của hãng?

Hẳn bạn sẽ cảm thấy “khựng” lại vì rằng tại sao không phải là một chuỗi chiến thắng toàn diện trên các bảng xếp hạng phim? Trong số 26 tựa phim hoạt hình của Pixar vẫn có một trường hợp nhận cà chua thối đáng tiếc từ Rotten Tomatoes, đó là tác phẩm “Car 2” (2011) với điểm số 39% từ các nhà phê bình và 49% từ người xem. Rõ ràng có những vấn đề từ phần hai của siêu phẩm hoạt hình về xe hơi này khiến nó gặp thất bại ê chề, và lời phê bình nặng nề nhất đó là: “Nó không phải là một phim tệ nhưng nó không thể hiện tí tinh thần nào của Pixar cả.” Nó sở hữu mọi yếu tố mà một phim đua xe cần có nhưng có quá ít thứ đọng lại trong trí nhớ lẫn trái tim người xem. Trở lại với “Turning Red”, sự thành công của phim tại rạp một lần nữa khiến chúng ta tò mò về công thức của những siêu phẩm hoạt hình của ông lớn Pixar.

Từ một công ty phần cứng trở thành một đế chế phim hoạt hình

Ngày nay, Pixar là một trong những hãng phim hoạt hình nổi tiếng nhất của Hollywood, nơi cho ra đời rất nhiều bộ phim hoạt hình hay nhất và được xem nhiều nhất. Nhắc đến Pixar, khán giả sẽ nghĩ ngay đến những kiệt tác đậm tính nhân văn như “Toy Story” (Câu chuyện đồ chơi), “Up” (Vút bay), “WALL·E” (Robot biết yêu), “Coco” (Hội ngộ diệu kỳ) hay “Soul” (Cuộc sống nhiệm màu).

Pixar thành lập vào năm 1986 với tư cách là một công ty phần cứng có tên là The Graphics Group, nhưng việc kinh doanh không thành công, vì vậy họ bắt đầu tạo ra phim hoạt hình CG cho quảng cáo. Năm 1995, công ty phát hành bộ phim hoạt hình dài tập đầu tiên “Toy Story” và bộ phim này đã gây được tiếng vang lớn. Đó là một bộ phim tuyệt vời, không chỉ cung cấp những hiểu biết sâu sắc về bản chất con người mà còn khơi gợi cảm xúc mạnh mẽ của người xem.

Kể từ đó, Pixar đã có những đóng góp to lớn cho nền hoạt hình hiện đại, làm thay đổi thế giới hoạt hình, và đã phát triển từ một công ty ít tên tuổi trở thành hãng hoạt hình nổi tiếng nhất thế giới. Giờ đây, nó là một bộ phận quan trọng của Tập đoàn Walt Disney. Tuy nhiên, do cùng phân khúc khán giả nên phim hoạt hình của Pixar và Disney luôn được đặt lên bàn cân, để xem rốt cuộc ai mới là kẻ xưng vương.

Nghiên cứu gần đây đã tiết lộ rằng, hoạt hình Pixar nhận được đánh giá từ các nhà phê bình và khán giả cao hơn so với các bộ phim do Disney sản xuất. Theo đó, mỗi bộ phim được phân tích với điểm tổng thể là 100 để xác định phim hoạt hình nào thành công hơn. Pixar có điểm số của các nhà phê bình là 89% và tỷ lệ ủng hộ của khán giả là 82%, trong khi các bộ phim của Disney có điểm số nhà phê bình là 80% và điểm số khán giả là 75%. Các bộ phim của Pixar cũng đã thu về doanh thu phòng vé trung bình hơn 350 triệu đô la, nhiều hơn so với 324 triệu đô la của Disney. Tuy nhiên, nếu nói đến thành công nổi bật nhất của một bộ phim, Disney vượt mặt Pixar khi “Snow White and the Seven Dwarfs” (Bạch Tuyết và bảy chú lùn) đạt số điểm 91.77% (với 98% điểm của các nhà phê bình, 78% điểm của khán giả, doanh thu phòng vé hơn 1 tỷ đô la).

Công thức đằng sau những thước phim hoạt hình kiệt tác của Pixar?

Các nhà làm phim hoạt hình Pixar đan xen giữa nghệ thuật và khoa học để tạo ra những thế giới tuyệt vời, nơi tất cả những điều bạn có thể tưởng tượng đều có thể trở thành hiện thực thú vị. Pixar được biết đến với những phim hoạt hình 3D dùng công nghệ tạo hình máy tính (CGI) được thiết kế bằng PhotoRealistic RenderMan, phần mềm kết xuất đồ họa của riêng hãng, chuyên dùng để tạo nên những hình ảnh chất lượng cao.

Bên cạnh đó, các bộ phim dài tập của Pixar được ca ngợi về cả sự đổi mới về hình ảnh lẫn cách kể chuyện thông minh và giàu cảm xúc. Không có hãng phim nào có những bộ phim hoạt hình khơi gợi nhiều cảm xúc hơn Pixar. Tính đến thời điểm hiện tại, Pixar đã phát hành 26 phim và một số phim có thể nhỉnh hơn những phim khác, nhưng không có phim nào là tệ và tất cả đều cố gắng thể hiện một điều gì đó đặc biệt, mang đậm dấu ấn riêng, đó có thể là một chuyến phiêu lưu đầy cảm xúc để tìm lại chính mình, một thành tựu kỹ thuật tuyệt vời hoặc những nhân vật khó quên.

Không nói đâu xa, đơn cử là “Soul” – tác phẩm chiến thắng ở hạng mục “Phim hoạt hình xuất sắc nhất” – kể về cậu chuyện làm sao để một linh hồn có được tính cách và tìm thấy sở thích. Các nhà làm phim của Pixar còn đưa ra một hình ảnh vô cùng quen thuộc trong xã hội hiện đại – bệnh trầm cảm – thông qua hình tượng “linh hồn lạc lối”. Bộ phim giải thích đây là linh hồn của những cá nhân trên Trái Đất đang bị mắc kẹt trong guồng quay của cuộc sống, hoặc trở nên ám ảnh với việc chinh phục ước mơ của mình. “Rất nhiều người trong chúng ta lớn lên được dạy rằng phải tìm cách để trở nên có giá trị. Đó là lý do đôi lúc, một vài ước mơ trở thành điều không tưởng đối với nhiều người. Một trong những thông điệp mà phim muốn gửi gắm chính là: chỉ cần sống, bạn đã có giá trị. Tất cả chúng ta đều xứng đáng tận hưởng những điều cuộc sống này mang lại.” – Đạo diễn Pete Docter chia sẻ.

Mới đây, “Turning Red” cũng đang cho thấy một bước tiến mạnh mẽ của Pixar khi nó trẻ hóa đối tượng khán giả, lồng ghép vào một số thông điệp liên quan đến tuổi dậy thì, sự nổi loạn của lứa thanh thiếu niên. Phim kể về Mei là bé gái 13 tuổi người Canada gốc Hoa đang đến tuổi dậy thì, phải đấu tranh giữa những luồng suy nghĩ mâu thuẫn, giữa việc nghe theo lời mẹ để đúng chuẩn “con ngoan” hay sống thật với cảm xúc và mong muốn của mình, để sự nỗi loạn dẫn dắt. Thách thức cũng đồng thời được đặt ra cho bậc cha mẹ, khi sự quan tâm thái quá của mẹ Mei đã đẩy cô vào những tình cảnh xấu hổ, quê độ hết lần này đến lần khác trước mặt bạn bè. Cha mẹ nói chung, các bậc phu huynh châu Á nói riêng, dường như luôn muốn kiểm soát con họ nhiều nhất có thể và điều này đã dẫn đến những mâu thuẫn, xa cách mãi mãi. Nhưng điều hết sức tinh tế ở đây, đạo diễn không phản diện hóa người mẹ, mà chỉ muốn giúp hai mẹ con xích lại gần nhau hơn. Bên cạnh đó, Pixar cũng đề cập đến vấn đề tế nhị như kinh nguyệt và băng vệ sinh nhưng không hề gây ngượng ngùng mà đầy tính giáo dục.

Phim của Pixar đem đến một chuyến hành trình cảm xúc và khám phá những cảm xúc ấy, khuyến khích người xem suy ngẫm về cuộc sống của chính họ. Đó là lý do vì sao hoạt hình Pixar chinh phục khán giả mọi lứa tuổi. Trẻ em xem có thể vừa rút ra bài học cho mình vừa để giải trí, người lớn thì thu hoạch nhiều thông điệp về cuộc sống, cách làm cha mẹ, cách nhìn cuộc đời này bằng nhiều lăng kính hơn… Sự hài hước trong các phim của Pixar rất tinh tế, vừa phải song vẫn hết sức đáng yêu khiến người xem cười lăn cười bò. Nói chung, xem phim hoạt hình của Pixar rất vui, giúp khai mở đầu óc, nuôi dưỡng tâm hồn, xóa nhòa lăn ranh giữa các thế hệ.

Cách tiếp cận vấn đề của Pixar chỉ có thể được mô tả bằng hai từ “kỳ diệu”. Hay nói một cách khác, triết lý làm phim của Pixar đó là phim hoạt hình không chỉ dành riêng cho trẻ em, mà là dành cho tất cả mọi người và những câu chuyện sẽ được kể với góc nhìn gần gũi song cũng rất táo bạo, trưởng thành và đầy nhân văn. Chính vì thế mà sự kỳ diệu ấy sống mãi với thời gian và lưu lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng các tín đồ điện ảnh.

Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article