Hồ Hải Yến: Đặt bản thân vào vị trí trung tâm của mọi sự cố gắng
StyleInterview

Hồ Hải Yến: Đặt bản thân vào vị trí trung tâm của mọi sự cố gắng

Lần đầu tôi gặp chị Hải Yến là tại một buổi tiệc tối vào tháng 4/2021 và tôi chỉ nhớ về chị là một người xinh đẹp và kiệm lời. Đến nay, khi biết chị chịu trách nhiệm về mặt nội dung cho nhiều ấn phẩm tạp chí, tôi tự hỏi chị làm thế nào để khai phá tiềm năng mình tốt đến thế. 

Trở thành biên tập viên có nằm trong kế hoạch của chị không?

Trở thành biên tập viên, lại là biên tập viên của một tạp chí thời trang, là điều nằm ngoài mọi dự định của tôi (cười). Tôi vốn yêu kiến thức, có hứng thú với những gì liên quan đến lịch sử hay chính trị. Thời trang chỉ là một mối quan tâm nằm gọn trong việc làm sao để trở nên đẹp hơn mỗi ngày. Thế nên, ở thời điểm xác định nghề nghiệp, tôi chỉ mong muốn trở thành nhà nghiên cứu, cả ngày vùi đầu trong sách vở và những chuyến đi khảo sát. Nghề biên tập viên và thế giới thời trang đến với tôi vào điểm trũng của giấc mơ dang dở đó, và bằng nhiều cơ duyên, tôi đã gắn bó đến giờ.

Biên tập viên là một trong những nghề đứng sau bức màn nhung, tại sao chị lại quyết định chọn trở thành “người đứng sau”?

Tôi ít khi suy nghĩ đến vị trí trước-sau, mà luôn đặt bản thân vào vị trí trung tâm của mọi sự cố gắng. Nếu như đứng trước tôi là những hình ảnh đẹp đẽ, lung linh của người mẫu/người nổi tiếng, thì đứng sau tôi là cả một tập thể sáng tạo. Do đó, tôi luôn nỗ lực hoàn thành tốt công việc để bản thân trở thành phiên bản độc nhất. Nếu bạn đã là một phiên bản độc nhất, chuyện đứng đâu không còn quan trọng nữa.

Cái tên Hồ Hải Yến phủ khắp mọi “mặt trận”, từ đồng hồ, thời trang đến làm đẹp. Chị khám phá tiềm năng của mình thế nào để có thể phát triển ở nhiều mảng nội dung như vậy?

Có một câu nói tôi luôn tự nhắc bản thân từ khi còn nhỏ: “Nếu được cho thời gian để làm lại, mình có thể làm tốt hơn không?”, tôi luôn muốn câu trả lời là “Không”. Thế nên, dù làm gì, tôi cũng cố gắng hết sức. Xuất phát điểm của tôi là một người học về chính trị và lịch sử, nên khi vào nghề, tôi phải cố gắng gấp nhiều lần người khác để có thể theo kịp. Kết quả hiện tại chưa hẳn là thành quả mỹ mãn tôi kỳ vọng nhưng nếu được làm lại, kết quả cũng chỉ dừng lại ở đó thôi; và tôi luôn hạnh phúc vì biết bản thân đã cố gắng hết sức.

Chị muốn phát triển ở “mặt trận” nào nhất? Vì sao?

Thời trang là nghề, và trong nghề đó, tôi có dịp phát triển bản thân với rất nhiều đầu việc không tên. Viết, từ thời trang đến đồng hồ hay du thuyền, cũng là một “mặt trận” ngòi bút mà thôi, và đó luôn là mảng tôi muốn phát triển nhiều nhất.

Dù được biết đến nhiều với vai trò Thư ký tòa soạn của L’OFFICIEL Vietnam, đây không phải lần đầu chị dẫn dắt một tập thể. Chị đã đón nhận cơ hội và thách thức nào đi cùng với vị trí này?

Khi nhận được thông tin sẽ phụ trách quản lý ấn phẩm L’OFFICIEL Vietnam, tôi đang là Trưởng ban Biên tập của 03 ấn phẩm khác là World of Watches Vietnam, Yachtstyle Vietnam và Luxuo Vietnam. Thêm vai trò nghĩa là thêm nhiều đầu việc và trách nhiệm, nên tôi có một chút lo lắng. Tuy nhiên, niềm vui được thử thách bản thân ở một vị trí mới của một tạp chí danh tiếng vẫn lấn át tất cả.

Người ta vẫn hay nói bản chất của tạp chí là xa xỉ, cả những người làm ngành này cũng vậy, chị nghĩ thế nào?

Nếu định nghĩa sự “xa xỉ” này là những giá trị cao, xứng đáng với thời gian, công sức và tiền bạc bỏ ra, thì câu nói trên là đúng; còn nếu sự “xa xỉ” chỉ bao hàm những thứ đắt đỏ thì không. Làm ngành này, có dịp tiếp xúc với những vật phẩm cao cấp, có giá trị theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, đồng thời trò chuyện với những con người biết cách trân trọng những vật phẩm cao cấp ấy, tôi càng thấm thía hơn ý nghĩa của hai từ “xa xỉ”. Không phải ngẫu nhiên mà một món đồ thời trang được làm ra từ sự sáng tạo của nhà thiết kế và bàn tay điêu luyện của nghệ nhân lại có giá trị cao đến thế. Lâu dần, mình cũng biết cách “nâng cấp” thẩm mỹ của bản thân, biết phân định đâu là món đồ “xa xỉ” thật sự để sở hữu và gìn giữ, cũng như đâu là một thứ chỉ có sự hào nhoáng bề ngoài nhưng không có nội hàm bên trong. Quy tắc này đã được mình mở rộng ra không chỉ trong công việc mà còn cả cuộc sống cá nhân, thật sự rất hữu ích!

Có rất nhiều suy nghĩ sẽ thay đổi theo thời gian, nhưng đến nay, điều gì vẫn đúng mỗi khi chị nghĩ về công việc của mình?

“Không phải tất cả những gì mình muốn viết cũng là thứ người khác muốn đọc”. Đó là bài học đầu tiên tôi có khi làm báo và học cách chấp nhận. Nhưng chấp nhận không có nghĩa là thỏa hiệp. Viết là một điều rất cá nhân, nên đôi khi, tôi vẫn viết dù biết là không có ai đọc. Những thứ mình viết ra, dù với chủ đề gì, trước hết cũng là để bản thân đọc trước, rồi mới đến độc giả. Có lẽ đó là một sự ích kỷ duy lý chịu ảnh hưởng nhiều từ Ayn Rand.

Một câu quote chị yêu thích nhất?

Vẫn là câu nói cũ, mình nhắc nhở bản thân hàng ngày: “Nếu được cho thời gian để làm lại, mình có thể làm tốt hơn không?”

Ảnh: Rabhuu Studio
 

Related Article