Hé lộ dàn nhân vật đặc sắc trong dự án điện ảnh Công tử Bạc Liêu

  • by Gia Hân
  • November 15, 2024

Không chỉ tái hiện lại những giai thoại bất hủ của vị thiếu gia “thiên hạ đệ nhất chơi ngông”, bộ phim Công Tử Bạc Liêu còn là bức tranh cảm động về tình cha con và ý chí vượt qua rào cản xã hội, khát vọng định hình một tương lai mới giữa bối cảnh giao thoa văn hóa Việt – Pháp đầy biến động.

Câu chuyện cảm động về tình cha con và bản lĩnh cá nhân

“Trần Đắc Hơn cũng có thể làm chuyện lớn, cũng có thể đứng trên đôi chân của mình, chứ không phải lúc nào cũng làm con của Hội đồng Lịnh.”  – Tại khoảnh khắc cao trào nhất của trailer “Công Tử Bạc Liêu”, cậu Ba Hơn đã thốt lên với cha mình như thế.

Trong hành trình chứng minh bản lĩnh cá nhân của cậu Ba Hơn, khán giả cũng sẽ được chiêm ngưỡng câu chuyện cảm động về một người cha luôn dõi theo từng bước đi của con. Hội đồng Lịnh có thể bảo thủ, nhưng sâu thẳm trong lòng, ông luôn mong mỏi con mình sẽ trở thành người có giá trị. Những xung đột giữa hai cha con là điều không thể tránh khỏi giữa bối cảnh giao thoa Việt – Pháp, giữa truyền thống và hiện đại, nhưng chắc hẳn sự ủng hộ vững chắc của bà Lịnh và cô Sáu sẽ giúp Ba Hơn tự tin vượt qua những khác biệt và xung đột để trưởng thành, tìm ra con đường riêng đầy ý nghĩa.

Dàn nhân vật đặc sắc 

– Cậu Ba Hơn (Song Luân)

Ba Hơn, hay còn gọi là “Công Tử Bạc Liêu”, nổi tiếng là “thiên hạ đệ nhất chơi ngông” với gia thế siêu giàu có, luôn khiến người khác phải nhớ đến mình với câu nói thương hiệu: “Tôi muốn Công Tử Bạc Liêu đi đến đâu, thì sự vui vẻ phải có ở đó”. Dù sống trong nhung lụa, Ba Hơn cũng có những nỗi niềm riêng trong mối quan hệ đầy mâu thuẫn với cha mình – ông Hội đồng Lịnh. Xung đột giữa hai cha con phản ánh những biến chuyển văn hóa sâu sắc trong thời kỳ giao thoa Đông – Tây.

– Ông Hội đồng Lịnh (NSƯT Thành Lộc)

Được lấy cảm hứng từ hình tượng ông Trần Trinh Trạch – cha của Công Tử Bạc Liêu ngoài đời, ông Hội đồng Lịnh là đại địa chủ sở hữu nhiều ruộng muối và lúa nhất xứ Nam Kỳ đầu thế kỷ XX. Ông Lịnh cũng là người sáng lập nên ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam.

– Cô Sáu (Kaity Nguyễn)

Cô Sáu là con gái út của nhà ông Hội đồng Lịnh, em gái cưng của cậu Ba Hơn. Được nuôi dưỡng trong nề nếp gia đình truyền thống nhưng tiếp cận với giá trị hiện đại, cô Sáu còn là cầu nối giữa ông Lịnh và cậu Ba Hơn, làm giảm căng thẳng giữa cha và anh trai mình.

– Bảy Loan (Đoàn Thiên Ân)

Bảy Loan là nữ nghệ sĩ cải lương trứ danh của Nam Kỳ Lục Tỉnh đầu thế kỷ XX. Với giọng hát ngọt ngào, phong cách biểu diễn duyên dáng và nhan sắc kiêu kỳ, Bảy Loan nhanh chóng “hớp hồn” cậu Ba Hơn và cậu Tư Phát, tạo nên câu chuyện tình tay ba nổi tiếng khắp vùng.

– Cậu Tư Phát (Công Dương)

Nhắc đến những vị thiếu gia làm chao đảo Nam Kỳ đầu thế kỷ XX, ngoài Công Tử Bạc Liêu Ba Hơn, người ta còn thường nhắc đến cậu Tư Phát của xứ Mỹ Tho, hay còn gọi là Bạch Công Tử. Dù mang vẻ ngoài thư sinh và điềm đạm, Tư Phát cũng là một cậu ấm chịu chơi, luôn cạnh tranh với Ba Hơn về các khoản tiêu pha xa hoa khiến người đời kinh ngạc.

– Bà Hội đồng Lịnh (NS Thanh Thủy)

Bà Hội đồng Lịnh là vợ của ông Hội đồng Lịnh, người đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn sự hòa thuận cho gia đình. Bà Lịnh đại diện cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam xưa và nay – đảm đang, thông minh, khéo léo, luôn âm thầm vun đắp và gìn giữ nề nếp gia đình.

– Ông Bá hộ Kim (NSƯT Hữu Châu)

Ông Bá hộ Kim là nhân vật giàu có nhất xứ Mỹ Tho, được xem là “đối trọng” của ông Hội đồng Lịnh tại Bạc Liêu. Đều là những phú hào nổi danh với ruộng đất bạt ngàn trải khắp Nam Kỳ, sự cạnh tranh giữa họ không chỉ nằm ở khối tài sản kếch xù mà còn là cuộc đua về danh tiếng và quyền lực.

Phong cách thời trang Sài Gòn/Nam Bộ thập niên 1930 trở lại với Công Tử Bạc Liêu

Một điểm đặc sắc của Công Tử Bạc Liêu chính là việc lăng-xê mốt thời trang Sài Gòn/Nam Bộ từ những năm 1930. Với sự trau chuốt từ từng bộ áo dài tân thời lấy cảm hứng từ áo dài Lemur, áo bà ba nam bộ, áo vest Tây phương đến những phụ kiện tinh xảo, ê-kíp phục trang đã cẩn thận tái hiện nét văn hóa độc đáo vào thời kỳ Nam Bộ đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa Pháp. Phong cách thời trang trong Công Tử Bạc Liêu không chỉ làm sống lại bối cảnh lịch sử những năm đầu thế kỷ 20 mà còn góp phần giúp khán giả hiểu hơn về giai đoạn chuyển mình của một xã hội đang học cách hòa nhập với những giá trị mới.

Ảnh: Tổng hợp

library