Hành trình thấu hiểu vẻ đẹp nam giới của 5 nữ sáng lập local brand
InterviewLocal - Don't MissStyle

Hành trình thấu hiểu vẻ đẹp nam giới của 5 nữ sáng lập local brand

Từng bị xem là phạm trù an toàn và khó lòng khơi gợi những cảm hứng mới, thời trang nam đang dần cho thấy sự linh hoạt và đa dạng của mình trong một xã hội rộng mở với những tư tưởng linh hoạt giới. Nam có thể khai thác nhiều khía cạnh vẻ đẹp phụ nữ, thì nữ cũng hoàn toàn cảm thấu những giá trị duy mỹ mà một người đàn ông đang theo đuổi. Là những nhà thiết kế/sáng lập của các thương hiệu thời trang hướng đến nam giới tại Việt Nam, 5 nhân vật nữ dưới đây đã chia sẻ những góc nhìn thú vị của mình trong suốt hành trình mang đến cái đẹp phong phú cho đấng mày râu.

Tuyền Lê từ Phiêu

Dưới góc độ là nữ giới, mình hiểu những yếu tố nào thu hút trên bộ trang phục khi người nam mặc nó. 

Là nhà sáng lập thương hiệu thời trang ứng dụng, tinh tế Phiêu, Tuyền Lê luôn cho các thiết kế của mình một dáng dấp giản đơn, “không cần màu mè khác người, mà làm sao khai thác được tính ứng dụng và thẩm mỹ phù hợp nhất với triết lý thơ thành thị“. “Đó vừa là yếu tố đơn giản, mà cũng khó khăn nhất”, cô bày tỏ, “Để làm được điều đó, yếu tố tiên quyết là sự thoải mái của người mặc. Sự thoải mái này được cấu thành từ nhiều yếu tố quan trọng như: chất liệu, phom dáng, kỹ thuật cắt may và sự đồng điệu với tinh thần thương hiệu.”

Và sự tự do, thoải mái không chỉ nằm ở những đường may, sớ vải, cấu trúc rập. Tuyền muốn đem đến một không gian tự tại cho những người trẻ thành thị yêu thích sự giản đơn được thể hiện cá tính của riêng. Phiêu không áp đặt khách hàng theo những khuôn khổ, hình mẫu nào, mà sẵn sàng chung vui cùng sự lựa chọn của mỗi bạn trẻ với một tâm thế không đánh giá. Có lẽ vì thế, mà trải nghiệm mua hàng của nhiều khách hàng nam tại Phiêu cũng cho cô nhiều quan sát thú vị: “Các bạn trai thẳng đến mặc thử, yêu thích và mua các sản phẩm thuộc dòng đồ nữ bên mình không phải là hiếm…. Khách hàng nam ở Phiêu rất đa dạng. Sự cởi mở và chân thành, quan sát tinh tế và tiếp thu phản hồi từ khách, dù khách hàng thuộc giới tính nào, là những điều giúp Phiêu nắm bắt được tâm lý khách hàng dễ dàng hơn.”

Với tư cách là một người nữ, bản thân Tuyền Lê hiểu đâu là điểm thu hút mà người nam có thể tạo ra cho đối phương, khi khoác lên một bộ trang phục. Vận dụng trải nghiệm và sự thấu hiểu từ một người khác giới, cô hoàn toàn tự tin mình có thể làm ra những kiểu dáng thời trang vừa vặn cho người đàn ông yêu thích giá trị thơ mộng tồn tại giữa chốn đô thị sầm uất.

Bùi Thanh Huyền từ T-REDX

Huyền có thấy áp lực vì môi trường này vì Huyền phải cạnh tranh với nhiều cá nhân rất giỏi nhưng lạc lõng thì chưa bao giờ.

Đó là câu trả lời của Huyền, khi được hỏi về cảm giác bản thân khi tham gia cộng đồng thời trang đường phố, vốn áp đảo bởi nam giới, với tư cách là một chủ thương hiệu thời trang. Từ khi còn học thiết kế tại trường, Huyền tiết lộ mình đã luôn yêu thích được làm thời trang cho nam. Thế nhưng, chương trình học của cô chỉ tập trung vào thời trang nữ, và cô phải tự tìm tòi từ những cuốn sách nơi thư viện hay buổi trò chuyện cùng các giáo viên cô theo học. Ngay cả ở thời điểm hiện tại, Huyền vẫn phải vừa học vừa hành, ứng dụng vào những bộ sưu tập gai góc của T-REDX.

Ngoài kiến thức về thiết kế, sự cảm nhận thực tế ở cơ thể cũng là một thử thách mà Huyền phải đối mặt: “Nếu là nam, họ sẽ am hiểu hơn về cơ thể cũng như các vận động mà nam giới sử dụng nhiều, từ đó để ý tới những vấn đề đó khi chọn trang phục. Mỗi lần đi từ thiết kế đến mẫu mặc thử, Huyền ít khi nào hài lòng ở lần đầu tiên – ít nhất phải có khoảng 5 bạn nam với 5 dáng người khác nhau thử và cảm nhận chứ Huyền không thể tự mặc và đánh giá được.” Ngoài ra, cô cũng thừa nhận, tuy việc sáng tạo một thiết kế mới đều khó như nhau ở cả nam và nữ, sự bay bổng và thoải mái vẫn nhỉnh hơn về thời trang nữ.

Nhưng có lẽ điều đó cũng không quá quan trọng với cô, khi mối lưu tâm hàng đầu của Huyền là tạo nên một cá tính riêng biệt chỉ có tại T-REDX. Tập trung vào tính sáng tạo trong thiết kế lẫn sự đảm bảo về tỉ lệ cơ thể người mặc, T-REDX vẫn đang cho thấy bản sắc không lẫn vào đâu của mình, cho dù người mặc có là nam hay nữ, tất cả đều được vẽ nên từ khối ốc sáng tạo đáng ngưỡng mộ của nhà thiết kế Huyền Bùi.

Elena Nguyễn từ ELENA NGN

Mình sẽ khai thác vẻ đẹp nam giới dưới góc nhìn phụ nữ và theo định nghĩa cái đẹp của riêng mình.

Kín tiếng nhưng ẩn chứa đày sự thăng hoa khi khám phá, ELENA NGN chọn cho mình lối đi riêng với những sản phẩm thiết kế nam mềm mại, gắn liền với hình ảnh của đa dạng loài hoa. Đầu năm Nhâm Dần 2022, thương hiệu vừa chính thức ra mắt bộ sưu tập mới nhất mang tên Rainfall, lấy màu xanh lam lặng lẽ của những giọt mưa làm tông sắc chủ đạo cho nhiều thiết kế áo khoác và quần. Bộ sưu tập nhanh chóng nhận được sự ưu ái từ cộng đồng yêu thời trang, và không ít người lựa chọn trang phục ELENA NGN để tận hưởng những ngày đầu năm ấm áp cùng gia đình và bạn bè.

Với Elena, thiết kế những bộ trang phục unisex không khác nào bài thử thách khả năng nắm bắt “khẩu vị” của cả hai giới: “Mình phải thiết kế những bộ đồ mà cả nam lẫn nữ đều thích, nhưng đồng thời cũng không được quá khó mặc cho cả hai giới tính.” Và quan trọng nhất, đối với Elena, là sự cân bằng giới tính của các thiết kế này vẫn thể hiện được nét đặc trưng của ELENA NGN, đó là vẻ đẹp bay bổng của những loài hoa. Điều này có thể thấy qua những phom dáng khá thoải mái và có hơi hướng đường phố của các sản phẩm ELENA NGN, nhằm đảm bảo được tính phù hợp cho cả hai giới. Trong khi đó, hình ảnh hoa sẽ được khắc họa tỉ mỉ bằng các lớp họa tiết đặc sắc, chi tiết điểm xuyến tỉ mẫn. 

Ở góc độ là một nữ thiết kế, Elena ý thức rất rõ những lợi thể của bản thân trong việc đem lại sự mềm mại cho thời trang của cô, nhưng cũng đủ tỉnh táo để biết rằng sự đánh đổi là hoàn toàn có: “Là nữ mình nghĩ mình sẽ có góc nhìn mềm mại hơn của phụ nữ… Tuy nhiên, có thể vì điều đó mà nam giới nhìn vào có thể sẽ cảm thấy khó lựa chọn, và ELENA NGN sẽ chỉ có những khách hàng nhất định.”

Anh Thi từ Cuội

Đa phần các bạn nam đến với Cuội đều vì câu chuyện của từng sản phẩm, những thứ mộc mạc, đơn giản nhưng không đơn điệu.

Mang trên mình niềm khao khát hướng về cội nguồn của nền văn hóa Óc Eo, Cuội gói gọn những câu chuyện đời thường, dân dã, gắn bó chặt chẽ với đời sống tinh thần của người con Việt trên những sản phẩm trang sức của mình. Trái ngược với tính chất xa hoa, phô trương mà trang sức được làm ra để đáp ứng, từng chiếc nhẫn, chiếc vòng tay, dây chuyền tại Cuội đều là nét chân chất, dung dị mà ẩn chứa nhiều giá trị đẹp đẽ của nền văn hóa dân tộc. Sự liên kết về mặt tinh thần giữa những sản phẩm thủ công độc bản và từng người khách là điều mà thương hiệu mong muốn hơn cả, theo Anh Thi – đồng sáng lập thương hiệu Cuội: “Cuội không phân chia sản phẩm theo đối tượng mà luôn khuyến khích khách hàng tìm kiếm được những mối duyên với từng sản phẩm.”

Cuội thu hút sự quan tâm của nam giới không thua kém gì những khách hàng nữ. Anh Thi tiết lộ, các khách hàng nam đến Cuội thường ưa chuộng “các sản phẩm nhẫn có bản dày, mặt nhẫn tối giản trơn tru, nguyên khối có thể khắc ký tự để lưu trữ những dấu ấn cá nhân của mình như Mộc Thiết, Mộc Bì, hay Mộc Diệp Uyển,…” Hơn cả món trang sức thủ công điêu luyện, họ tìm đến Cuội vì sự lắng nghe. Cuội sẵn sàng lắng nghe những ký ức của mỗi người khách, và giúp họ lưu lại thật cẩn thận trên những bề mặt kim loại, như thể đang nâng niu chúng vậy.  Anh Thi nói rằng sự đồng điệu ấy là một điều may mắn đối với Cuội, nhưng với tôi, đó là sự đền đáp xứng đáng cho những nỗ lực kết nối không ngừng.

Đầu tháng 3/2022, Cuội ra mắt bộ sưu tập Giêng Concept, lấy câu chuyện hôn nhân theo góc nhìn xưa để nói về sự ký gửi niềm tin lẫn nhau trong thời kì đại dịch vừa qua. Bộ sưu tập nhận được hưởng ứng tích cực từ cả hai giới, với những giá trị tinh thần từ “thiên nhiên, con người và những quy luật sẵn có trong cuộc sống”, được thương hiệu thổi hồn vào đầy gần gũi. 

Ngọc Hân từ MỘT

Các bạn nam mang giày MỘT hầu như sẽ có một phần nữ tính, và các bạn nữ thì sẽ có một phần nam tính. Nếu bạn có một phần tính nữ trong con người, thì hãy cứ trân trọng nó.

Nguồn: TimTay

Nếu ở Cuội, phi giới tính (unisex) đến từ sự không toan tính tron việc phân chia đối tượng, tập trung vào những giá trị tinh thần thân thuộc, thì ở MỘT, đó là kết quả của một quá trình cân nhắc đầy chu đáo. Cụ thể, Ngọc Hân – đồng sáng lập thương hiệu MỘT – chia sẻ: “Sự cân bằng diễn ra qua 3 khía cạnh: thiết kế, phom dáng và màu sắc-chất liệu. Ở phần thiết kế và phom dáng, Hân cần phải đảm bảo được tính tối giản (minimal) và trung tính (neutral). Còn về màu, ví dụ màu xanh dương, thường ở thời trang nam, xanh dương sẽ được diễn tả khá đậm hơi hướng navy, trong khi đó ở nữ, tông sắc sẽ có phần nhạt và sáng, giống màu baby blue. Sau khi đã xác định, Hân sẽ chọn một tông xanh dương trung gian.”

Tuy nhiên, việc cân bằng màu sắc thực tế không dễ dàng đến vậy, khi mỗi gam màu sẽ thu hút giới này nhiều hơn giới kia. “Không bao giờ có chuyện cân bằng hoàn toàn. Khi chơi với màu, chắc chắn sẽ có màu này nữ tính hơn, màu kia thì nam tính hơn.” – Ngọc Hân chia sẻ. Chính vì thế, MỘT tự cân bằng các sản phẩm sau dựa vào nghiên cứu và báo cáo doanh thu: “Nếu đôi giày mới nhất thu hút nhiều khách hàng nữ hơn, Hân và team sẽ chọn một màu sắc thu hút nhiều nam giới hơn ở sản phẩm sau.”

Và vượt xa ra khỏi một sản phẩm đáp ứng đủ tính chất phi giới tính, MỘT mong muốn đem đến một góc nhìn sâu sắc hơn về xã hội, qua những chiến dịch của mình. Đơn cử là khi thương hiệu suy nghĩ ý tưởng cho ngày tôn vinh phụ nữ như 8/3: “MỘT thường đặt ra những câu hỏi ngược dành cho nam giới, liệu có cách nào để nam có thể cùng tận hưởng giây phút này như nữ, không bị vướng bận kỳ vọng từ xã hội rằng nam cần phải tặng quà cho nữ, và nữ cũng phải mong chờ người đàn ông của mình sẽ làm một điều gì đặc biệt.”

Ảnh: Tổng hợp từ nhân vật & thương hiệu
 

Related Article