Đến với CapitalME, Vũ Trung Ninh (Ninh Tito) dù có ít sự liên quan đến ngành nghề/lĩnh vực hoạt động trong thời trang nhưng bằng cá tính nổi bật của mình, Ninh xuất hiện trên trang bìa của ấn phẩm. Dấu ấn này nói lên rất nhiều về tiềm năng của một người.
Xin chào Ninh, việc trở thành gương mặt trang bìa của Men’s Folio Vietnam có ý nghĩa như thế nào với những định hướng phát triển nghề nghiệp hiện tại của bạn?
Ninh cảm thấy bất ngờ lắm. Mình không gọi đây là cột mốc mà xem đó là động lực để chăm chỉ xây dựng hình ảnh hơn, khai thác những góc nhìn mới hơn của bản thân, để từ đó truyền tải nội dung mới lạ tới khán giả. Mình vẫn sẽ làm về ẩm thực, nhưng ẩm thực có chút yếu tố thời trang trong đó sẽ thú vị lắm đây.
Bước vào sân chơi CapitalME, tự đánh giá về mình, Ninh tự tin mình khác biệt ở những điểm nào?
Có lẽ trong top 10, Ninh là người ít có liên quan tới thời trang nhất vì Ninh là cái tên gắn liền với ẩm thực. Lúc đầu, mình cũng hơi lo vì mình không có thế mạnh về thời trang chuyên nghiệp, dáng người cũng không quá nổi trội nên khi được lọt top 5, mình nghĩ có lẽ điểm yếu đó lại là thế mạnh để Ninh có một màu sắc hoàn toàn khác với các bạn thí sinh. Đây cũng là một sân chơi hiếm hoi để những người “ngoại đạo” có thể tham gia.
Bộ ảnh tham gia casting call CapitalME mang tên “Hà Nội.Hanoi”, với thông điệp “Khám phá Hà Nội không theo cách của người Hà Nội”. Hãy kể một số phát hiện thú vị của bạn trong quá trình bạn trải nghiệm Hà Nội dưới góc nhìn của một du khách?
Tuy ở Hà Nội nhưng trước đây Ninh không nghĩ sẽ đi xe buýt 2 tầng để khám phá các danh lam thắng cảnh, hay mò lên Hàng Quạt để khắc dấu đỏ làm gì. Quá trình thực hiện bộ ảnh này đã thay đổi góc nhìn của mình về việc khám phá Hà Nội. Mình nâng niu tất cả khoảnh khắc như cuộc trò chuyện thú vị với chú chủ tiệm khắc dấu, những góc nhìn mới lạ từ trên cao của Lăng Bác hay Nhà Hát Lớn.
Tương tự như cùng một vấn đề, nhưng nếu bạn thấy nhàm chán, hãy đổi góc nhìn để có trải nghiệm và góc nhìn khác. Mình đâu chán những điều thân thương tới thế, phải không?
Sự trưởng thành trong phong cách thời trang của bạn đã diễn ra như thế nào?
Với mình, thời trang không nhất thiết phải đắt tiền, phải khác biệt hay phải theo xu hướng nhưng quần áo bạn mang lên người phải đem lại sự tự tin để bạn có thể là chính bạn. Vậy nên với mỗi giai đoạn trưởng thành, Ninh có một kiểu ăn mặc khác nhau, phù hợp với kinh tế và con người thời điểm đó. Có lẽ vì mình tự tin với những sự lựa chọn của mình nên luôn có một bộ phận người theo dõi nhất định rất yêu thích, thường xuyên hỏi mình mặc gì, thậm chí hỏi mua lại.
Hồ sơ của Ninh rất sáng khi lượt người theo dõi bạn khá cao. Bạn là một người có nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm về sáng tạo nội dung. Bạn có thay đổi về định hướng nội dung hoặc cập nhật thêm những bộ kỹ năng nào khác để mình không tụt lại phía sau?
Ninh đánh giá khá cao việc các bạn trẻ đang nắm bắt mọi cơ hội, tuy nhiên việc bổ sung liên tục kiến thức ở bất cứ mảng nội dung nào và kinh nghiệm làm việc thực tiễn là yếu tố cần và phải có để khẳng định được vị thế trên thị trường. Vì vậy, việc biết điểm mạnh là điều rất quan trọng để bạn có thể thích nghi chứ không đánh mất mình.
Mình cũng khá lo lắng về việc bị tụt lạ nhưng mình sẽ xem sự thành công của các thế hệ sau này vừa là thách thức vừa là động lực, để bản thân chăm chỉ sáng tạo hơn, và quan trọng hơn hết là làm ra những sản phẩm có giá trị nhất cho người xem.
Còn về thời trang, mình cũng đang thử thay đổi để xem mình có phù hợp không. Gợi cảm, bảnh bao, lịch thiệp hay nổi loạn đều có cái hay của nó. Khi mình thay đổi cũng là lúc có thể tiếp cận với nhiều thương hiệu thời trang với các cơ hội cộng tác mở ra nhiều hơn. Nhưng mình tự ý thức được điểm dừng để không quá khác biệt và chệch khỏi định hướng bản thân khỏi ẩm thực.
Đối với một người hoạt động trên nền tảng số mà nói thì việc xây dựng thương hiệu cá nhân rất quan trọng, để từ đó tiếp cận được đúng tệp người xem lẫn đối tác tiềm năng. Bạn đã xây dựng và phát triển hình ảnh cá nhân của mình thế nào?
Ngày Ninh mới làm công việc này cũng còn lạ lẫm với việc xây dựng hình cảnh cá nhân. Giờ nghĩ lại, có lẽ những bước quan trọng để xây dựng thương hiệu cá nhân đó là: xác định thế mạnh bản thân để định hướng công việc và phong cách làm việc; có kế hoạch phát triển rõ ràng và luôn tìm cách thích nghi khi có sự thay đổi, luôn là chính mình – đồng nhất trong lời nói, hình ảnh và nội dung mình chia sẻ; đừng ngại chia sẻ những gì bạn đã tích lũy được, bao gồm cả thành công và những bài học từ sự thất bại. Thời điểm hiện tại, các bạn trẻ đã có nhiều cơ hội tiếp cận khái niệm này hơn, tuy nhiên Ninh nghĩ hãy tập trung vào việc xây dựng giá trị cốt lõi và nội hàm của bản thân.
Thời gian qua Ninh đã có nhiểu trải nghiệm với công việc “food blogger”, người sáng tạo nội dung, vậy 5 năm tiếp theo, mục tiêu của bạn sẽ có thay đổi không?
Đến thời điểm này, Ninh vẫn kiên trì với mục tiêu trở thành người có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực ẩm thực tại Việt Nam. Ngày xưa, lúc mình làm nghề cũng chưa có khái niệm “food blogger” hay “reviewer” ở Việt Nam, và rất khó để xem nó là một nghề trong xã hội. Mình không chỉ muốn viết hay làm video, mình muốn làm thật nhiều thứ khác bao gồm cả xuất bản sách, production house, làm TV show, các hoạt động cộng đồng để khi mọi người cần cảm hứng về ẩm thực là sẽ tìm đến mình. “Food mate” là một danh xưng mới mình đang rất muốn xây dựng và hướng tới mà xã hội chưa có.
Cột mốc tuổi 30 thường là cột mốc đánh dấu những thay đổi trong tư duy và suy nghĩ của một người, cũng là cột mốc mà nhiều người dễ gặp áp lực, khủng hoảng. Còn Ninh thì sao?
“Cuộc sống này khó khăn thật!”, đó là suy nghĩ thường trực trong những năm tháng tuổi 20. Cho đến những ngày gần đây của tuổi 29, thử thách vẫn tiếp nối, tâm trạng có lúc muốn chùn xuống, đôi khi cũng muốn từ bỏ. Tuy nhiên khi nhìn lại, mình biết ơn những bài học lớn đó, sự kiên trì và cố gắng bền bỉ của bản thân để trở thành phiên bản mạnh mẽ của ngày hôm nay. Bây giờ, Ninh đã tự tin để bước vào tuổi 30 với một kế hoạch thật tốt, một tinh thần thật vững và với một cái bụng thật “to” để ăn thật nhiều món ngon khác nữa (cười).
Vũ Trung Ninh là một người Hà Nội như thế nào?
Ninh không muốn nói mình là “một người Hà Nội” như thế nào, mà chỉ muốn nói mình là một người yêu Hà Nội thật nhiều. Dù đa phần thời tiết Hà Nội rất “đỏng đảnh”, con người Hà Nội rất khó tính và lĩnh vực của mình khó phá triển tại thị trường Hà Nội hơn Sài Gòn nhưng mình vẫn yêu Hà Nội. Mình thích món ăn ở đây, thích cách mà Hà Nội chuyển mình chậm rãi và luôn thầm cảm ơn cách mà Hà Nội đưa mình vào con đường ăn uống như hiện tại.
Nếu tôi chỉ có 48 tiếng khám phá Hà Nội, bạn gợi ý tôi nên đi những địa điểm nào, thưởng thức những món ngon nào và ở đâu? Vì sao?
Nếu có 2 ngày ở Hà Nội, hãy dành thời gian khám phá văn hóa vỉa hè với những món ăn đường phố thật ngon. Ninh thích ăn uống nên tour du lịch “made by Ninh Tito” sẽ có 80% địa điểm ăn uống. Sáng có xôi xéo cô Mây, bún ốc Hàng Chai, phở bò Phùng Hưng, cà phê trứng Nguyễn Hữu Huân…; trưa có phở cuốn Chinh Thắng, Ngan cháy tỏi Hàng Lược, Bánh tôm Hòa Nhã, bún mọc Thủy…; tối có chả cá Thăng Long, chân gà Mắt To, lòng rán Nguyễn Siêu, lẩu riêu/bò các loại, các món ăn vặt và cả các món chè. Đêm đến cũng có thật nhiều sự lựa chọn ở phố Tống Duy Tân hoặc Hàng Buồm.
Hà Nội luôn có sự phong phú trong hương vị, giản dị trong cách chế biến nhưng lại tinh tế trong cách thưởng thức. Tuy 48 tiếng là không đủ nhưng nếu có cơ hội, hãy thử tận hưởng Hà Nội theo cách này, bạn sẽ hiểu thêm nhiều điều về con người và phong cách sống của Hà Nội lắm đó!
Cảm ơn những chia sẻ của bạn.