Là một trong số hồ sơ nổi bật của CapitalME, Triệu Quang Đức (Đức Triệu) mang đến bộ ảnh thời trang “Mâm trên, mâm dưới” thể hiện góc nhìn về tính nam độc hại. Qua đó, điều làm tôi ấn tượng về Đức là tư duy cởi mở và sự can đảm để cháy hết mình với đam mê thời trang của bạn.
Xin chào Đức, chúc mừng bạn trở thành một trong 5 gương mặt trang bìa của ấn phẩm. Từ một người tự nhận mình hướng nội cực kỳ, không tự tin sẽ cạnh tranh với những bạn khác trong casting call CapitalME, đến kết quả ngoài cả mong đợi. Cảm xúc của bạn như thế nào, vì tôi nghĩ có lẽ trở thành gương mặt trang bìa cũng chỉ là một phần trong đích đến của bạn?
Cảm ơn Men’s Folio Vietnam đã tạo ra một sân chơi sáng tạo hiếm có về thời trang cho các bạn trẻ Hà Nội được thỏa sức với đam mê. Khi nghe đến casting call CapitalME, mình nghĩ chắc chắn sẽ có rất nhiều bạn gen Z tham gia, mà sự sáng tạo và khả năng chịu chơi của các bạn lớn hơn mình nhiều, nên suy nghĩ đầu tiên của mình là không tham gia.
Nhưng từ ngày tốt nghiệp đại học, mình đã và đang tích cực cố gắng thoát khỏi vỏ bọc hướng nội có xu hướng trở nên cực đoan của bản thân bằng cách là bất cứ khi nào có việc gì đó khiến mình lo sợ (tất nhiên những việc tích cực) thì mình sẽ lao đầu vào làm. Và casting call CapitalME chính là một trong số đó. Vì vậy, việc lọt vào top 5 mang đến cho mình không chỉ cảm xúc hạnh phúc mà là sự chinh phục giới hạn của bản thân.
Bộ ảnh thời trang dự thi mang tên “Mâm trên, mâm dưới” thể hiện một góc nhìn của bạn về tính nam độc hại. Rất thẳng thắn và trực diện, rất ít bài dự thi chọn ý tưởng có phần hơi “kịch tính” như vậy. Nó thể hiện rõ quan điểm của bạn, nhưng đồng thời có phải là một kiểu chiến lược để trở thành tâm điểm của sự chú ý?
Mình nghĩ “tâm điểm của sự chú ý” là điều phần lớn chúng ta cũng mong muốn có được dù ít hay nhiều. Mình tin không riêng mình mà bất kỳ ai khi tham gia một cuộc thi đều muốn là “tâm điểm của sự chú ý” và hướng đến chiến thắng. Tuy nhiên, bài dự thi của mình lần này mang nhiều ý nghĩa với mình hơn là nhận được nhiều sự quan tâm. Mình muốn tận dụng cơ hội này để lan tỏa niềm tin của mình về một cuộc sống tốt đẹp hơn với những mối quan hệ lành mạnh hơn, khi đàn ông chúng ta hạ bớt cái tôi để nói “không” với tính nam độc hại.
Đức cũng không hẳn là người quá xa lạ với quần áo hay việc xây dựng phong cách vì bạn đang hoạt động rất tốt trong lĩnh vực này. Đây có thể được xem là lợi thế khi bạn bước vào casting call không?
Mình nghĩ vừa là lợi thế vừa là bất lợi. Mục tiêu mình đến với thời trang là phát triển tư duy nghệ thuật, bằng cách mạnh dạn trải nghiệm những điều mới, những điều với mình không dễ chịu hay thoải mái. Vậy nên những trang phục do mình styling phần lớn không được lòng số đông. Vậy nên, khi đến với cuộc thi, mình vẫn dùng thông điệp làm trọng tâm, nhưng cố gắng cân chỉnh lại yếu tố styling so với những gì mình thường làm trên các kênh mạng xã hội.
Đến đây, ta lùi về thời điểm mới bắt đầu một chút, bạn tìm thấy tình yêu thời trang của mình như thế nào? Và “một người đàn ông mặc váy” hay nói một cách khác là phong cách gender-fluid từ bao giờ trở thành sự say mê của bạn?
Mẹo styling đầu tiên mình học được là từ mẹ. Hồi đó, trong một lần lớp mẫu giáo tổ chức chụp hình tập thể. Trước khi đứng vào hàng, mẹ thấy mình nô đùa mồ hôi nhễ nhại, quần áo lôi thôi quá, thế là mẹ hô từ xa bảo “Đức ơi, bỏ áo vào trong quần cho đẹp con ơi!”. Giờ mình vẫn hay xem lại tấm hình đó và thấy buồn cười lắm, hồi đó mình nghĩ bản thân chỉn chu nhất lớp vì biết cái “mẹo styling” cho áo vào quần.
Thực tế là mình đã luôn để ý đến cách ăn mặc từ bé. Do những người lớn trong xã hội của mình cho rằng nghệ thuật là nghề bỏ đi, đàn ông phải gắn liền với kinh doanh, làm giám đốc, quản lý… nên mình cũng nghĩ vậy và cho rằng niềm yêu thích nghệ thuật của mình là vớ vẩn.
Cho đến năm 2019 khi mình phát hiện bị bệnh tim, và câu nói của bác sĩ, rằng: “Nếu cho cậu xuất viện về nhà giữa đêm, tim cậu ngừng đập thì ai cứu cậu?” khiến mình nhận ra nếu mình chối bỏ đam mê và tiếp tục để bản thân bị chi phối bằng những kỳ vọng và tiêu chuẩn xã hội, cuộc đời đâu có ý nghĩa gì. Đó là thời điểm mình bắt đầu tìm hiểu, lên những kế hoạch để theo đuổi một nghề gì đó liên quan tới thời trang. Mình đã tìm thấy gender-fluid fashion qua hình ảnh Harry Styles.
Mình nhận thấy bên trong mình có một năng lượng tính nữ rất mạnh và gender-fluid fashion là cách để mình thể hiện và tôn vinh nó.
Cũng trong quá trình theo đuổi phong cách đó, tôi tò mò về việc bạn (tái) định nghĩa “tính nam” như thế nào?
Mình tin rằng bên trong mỗi người đều có cả phần tính nam (bảo vệ, cung cấp) và phần tính nữ (chăm sóc, nuôi dưỡng, kết nối), và đàn ông hiện đại nên cố gắng phát triển cả hai phần đó để trở thành phiên bản tốt hơn cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh.
Xã hội chúng ta kỳ vọng đàn ông phải luôn mạnh mẽ, không bao giờ được tỏ ra yếu mềm, để lộ cảm xúc hay chia sẻ suy nghĩ bên trong (như nỗi sợ hay sự bất an về cái gì đó). Từ phim ảnh, nội dung truyền thông tới những người có tầm ảnh hưởng, luôn khắc họa một người đàn ông gai góc, vô cảm, làm chủ mọi cuộc chơi, sống độc lập như “sói đầu đàn”; vô hình trung, những hình ảnh, câu chuyện được thực hiện với mục đích thương mại này làm chúng ta mặc định đó là chân dung của một người đàn ông đích thực. Còn với các chàng trai trẻ trong hành trình trưởng thành, bức chân dung này là đích đến của sự nam tính.
Mình đã chứng kiến những người đàn ông bị cuộc đời đánh gục với những tiêu chuẩn và kỳ vọng sai lệch đó, họ trở nên trầm cảm, buông bỏ không chỉ sự nghiệp mà cả vợ và những đứa con nhỏ. Một người đàn ông như vậy không còn khả năng cung cấp, bảo vệ nhưng lại từ chối chia sẻ với mọi người để được giúp đỡ vì sợ xã hội cho rằng mình là “gã đàn ông mặc váy”.
Thế hệ này, người ta bắt đầu thể hiện sự trân trọng những người đàn ông biết chăm lo cho gia đình, từ việc nội trợ, chăm sóc đến lắng nghe, chia sẻ và bày tỏ cảm xúc. Mình mong những người đàn ông sẽ được lắng nghe, được chia sẻ và ít cô đơn hơn.
Theo đuổi phong cách thời trang gây tranh cãi, luôn khao khát sự đột phá… là đặc điểm nhận dạng Đức. Hẳn là như vậy, nhưng điều đó đòi hỏi ở bạn rất nhiều sự dũng cảm và nỗ lực. Nếu chia sẻ một vài dấu ấn đáng nhớ trong hành trình phát triển bản thân đó, bạn sẽ kể những sự kiện nào? Vì sao?
Thành tựu mình đạt được gần đây nhất là được trở thành diễn giả Tedx nói về tính nam độc hại và những ảnh hưởng của nó tới các mối quan hệ. Khi bắt đầu xây kênh chung, vợ chồng mình đã xác định sẽ nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều về nội dung cả hai truyền tải. Mình vẫn không thể tin được từ video mình mặc một chiếc váy được đăng tải cuối năm 2022 lại đưa vợ chồng mình tới sân khấu Tedx một năm sau đó. Hai đứa sau đó nhận được rất nhiều lời nhắn từ mọi người vì đã mang đến động lực và cảm hứng cho họ. Điều này khiến mình vừa vui vừa cảm thấy bản thân cần có nhiều trách nghiệm hơn với việc mình làm.
Bạn lập kế hoạch và xác định mục tiêu như thế nào để đạt được ý nghĩa trong công việc mình đang làm?
Tất nhiên để đi xa trên con đường thời trang này, mình phải rất chăm chỉ và thường xuyên học hỏi, trau dồi kiến thức. Tuy nhiên mình cũng không muốn áp lực bản thân quá vì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình sáng tạo. Kế hoạch duy nhất của mình là làm thật nhiều để mọi người nhớ đến và để bản thân tốt lên.
Ấn phẩm tháng 12 với chủ đề Hà Nội, vậy Đức Triệu là một người Hà Nội như thế nào?
Mình là người Hà Nội hướng nội rất yêu Hà Nội!
Top những địa điểm “ruột” mà bạn muốn gợi ý mọi người hãy đến ít nhất một lần?
– Ven Hồ Tây lúc mặt trời lặn
– Ven Hồ Tây lúc trời tối
– Phố cổ lúc 3 giờ sáng
– Phố cổ lúc 6 giờ sáng (mùa hè)
Cảm ơn những chia sẻ của bạn.