Những tháng này, ai cũng mơ về Đà Lạt. Cái bồng bềnh của thành phố mộng mơ này đã cuốn mất tim bao kẻ Lữ Hành. Nếu bạn là kẻ đang đi tìm chút an yên và yêu nghệ thuật, xin hãy quá bước đến số 23 Sương Nguyệt Ánh, Đà Lạt, tìm một bức tường đỏ thuộc boutique hotel mang tên Anaar.
Anaar Boutique Hotel ra đời từ tình yêu đặc biệt của Kiến trúc sư Yến Nguyễn dành cho Đà Lạt và là một định hướng mới trong ngành dịch vụ. Men’s Folio đã có một cuộc trò chuyện với chị Yến để hiểu thêm về Anaar.
MF: Chị Yến Nguyễn này, đâu là nguồn cảm hứng để chị thành lập Anaar Boutique Hotel?
Yến Nguyễn: Khác với nhiều người, tôi luôn cảm thấy Đà Lạt có một mạch ngầm sức sống mãnh liệt và dồi dào trong một thể hiện tưởng chừng như nhẹ nhàng. Với ngưỡng vọng của một người làm nghề kiến trúc, tôi mong muốn gom tụ quầng năng lượng này vào dưới một concept mang màu sắc của “Hỏa”: mãnh liệt, đam mê, và lan tỏa.
Khi bàn bạc với các cộng sự, chúng tôi thống nhất concept tổng hòa đại diện cho
Anaar là “Lửa Lựu”, trích từ câu thơ nổi tiếng của Nguyễn Du trong Truyện Kiều.
“Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông”
Anaar nghĩa là “Lựu” trong tiếng Ba Tư. Một số ý kiến cho rằng “Lựu”, chứ không phải “Táo”, mới chính là “trái cấm” trong Vườn Địa Đàng. Khi bước vào Anaar, người ta sẽ ấn tượng ngay với tông màu đỏ của bức tường và với nội thất.
MF: Vì sao chị lại chọn sắc màu rực rỡ này?
Yến Nguyễn: Ngoài ý hướng tổng thể về định hướng concept, ở góc độ chuyên môn thiết kế thì màu đỏ giúp mang lại khí sắc tươi vui kèm theo sự ấm áp cho Đà Lạt, nơi vốn có khí hậu lạnh quanh năm. Đồng thời, sắc màu này còn giúp kích thích năng lượng và cân lại vẻ thẫm buồn và bàng bạc mà mọi người hay
nhắc về thành phố. Tôi vẫn nghĩ, như tinh thần của cố nhạc sĩ Lê Hựu Hà, cuộc sống chúng ta nên “Yêu Đời, Yêu Người”.
MF: Chị có thể giới thiệu thêm về các tác phẩm nghệ thuật trong Anaar? Liệu
các tác phẩm đó sẽ cố định hay được thay đổi theo từng năm?
Yến Nguyễn: Từ những ngày đầu Anaar hình thành, chúng tôi đã ngỏ lời hợp tác với nghệ sĩ Will Trần với mong muốn tạo ra tác phẩm sắp đặt độc bản được đặt trong khu court yard của tổng thể công trình. Will đã đề xuất tác phẩm INSIDE THE NOW, đặt theo tinh thần của cuốn sách cùng tên của thầy Thích Nhất Hạnh.
INSIDE THE NOW là một lời ngỏ dành cho những khách hàng đầu tiên bước qua
bức tường đỏ Anaar. Tác phẩm mô phỏng lại hình ảnh thân cây gỗ già cỗi, mục nát
đang phân huỷ nhưng bên trong lại có một nguồn sáng le lói, âm ỉ nhưng đầy mạnh mẽ.
Tác phẩm thể hiện sự hồi sinh chính bên trong mỗi cá thể khi đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm. Cũng như xã hội, con người, thiên nhiên: luôn có sự tồn tại song song hai mặt của “sinh” và “diệt”. Bên cạnh những sự tàn phá – huỷ hoại – suy thoái – biến chất bao trùm thì luôn có những ngọn sáng của sự cầu tiến – văn minh – kiên định – sáng tạo luôn cháy âm ỉ liên tục chuyền lửa đam mê.
Sau INSIDE THE NOW với Will Trần kéo dài tầm 6 tháng với ba biến thể, chúng tôi sẽ tiếp tục cộng tác với những nghệ sĩ trẻ và đương đại khác để cho ra đời những tác phẩm độc bản, và được trình bày trang trọng trong không gian của Anaar.
MF: Xin chị hãy giới thiệu đôi nét về đặc trưng kiến trúc của Anaar
Yến Nguyễn: Ngôn ngữ kiến trúc chủ đạo của Anaar là sự kết nối không gian cấu thành từ những hình khối hình học cơ bản. Sự giao thoa giữa đường nét thẳng và nét tròn dứt khoát, vô hình… tất cả tạo ra được những mảng khối vừa quen vừa lạ, đạt được yếu tố nghiêm chỉnh nhưng vẫn đem lại cảm giác thân thiện cho những ai khi tiếp cận công trình.
Bên cạnh đó, trong Anaar có những điểm nhấn nhá nhỏ của bàn, ghế và xử lý vật
liệu đan xen tính tương phản. Ví dụ như chất thô ráp của tường gai và sự mềm mại của hệ vải mỏng bố trí treo trên trần, hoặc thớ gỗ tự nhiên được đặt chung với độ êm mượt của chất vải nhung. Sự tương phản có tính đặt để này đem đến hiệu ứng thị giác điểm nhìn cũng như chất cảm đặc biệt cho người
thưởng ngoạn khi bước vào không gian.
MF: Đâu là các tiện nghi mà khách hàng sẽ được trải nghiệm khi đến Anaar
Yến Nguyễn: Chúng tôi muốn dự án Anaar là một trải nghiệm boutique mới mà ở đó đề cao vai trò và sức mạnh của thiết kế. Do đó, tính tiện nghi cũng được chúng tôi định nghĩa lại một chút khác với cách hiểu của các trải nghiệm thông thường.
Tiện nghi về không gian: thoáng đãng, dễ chịu đến từ việc tiết chế tối đa đồ đạc và vật dụng.
Tiện nghi về vật liệu: Anaar lựa chọn những chất liệu vải nhung, gỗ tự nhiên, da
nhẵn trơn mờ để tạo sự mềm mại, hạn chế sự ma sát cho các điểm chạm.
Tiện nghi về tỉ lệ: bàn, ghế, giường ngủ là những vật thể được sử dụng thường xuyên cho nên các tỉ lệ sẽ được xem xét tương đối kỹ lưỡng để mang lại sự thoải mái khi ngồi nghỉ, khi thưởng thức món ăn và khi nằm ngủ để đảm bảo giấc ngủ được sâu nhất.
Tất cả những tiện nghi đó không ngoài mục đích tái tạo những năng lượng tích cực mang tính chữa lành cho tinh thần.
MF: Cá nhân chị có góc yêu thích nào ở Anaar không?
Yến Nguyễn: Cá nhân tôi thích nhất là được ngồi ở khoảng không gian đệm phía trước nhà hàng Aami. Nếu trời nắng đẹp, tôi sẽ nhâm nhi một ly cà phê nóng trong khi phóng tầm mắt ngắm nhìn khoảng trời trong xanh phía
sau các vệt bóng đổ của những mảng thanh lam trên trần xuống nền nhà. Nếu là một buổi chiều tắt nắng se lạnh, tôi sẽ chậm rãi thưởng thức một ly vang trắng, ăn kèm dâu tằm sấy khô, vừa hít thở khí trời trong lành, vừa ngắm các tác phẩm nghệ thuật chuẩn bị lên đèn trong tiếng nhạc du dương.
Những lúc như vậy, sự mệt mỏi sẽ tan biến vào hư không. Chỉ còn lại chính mình,
tự thân chiêm nghiệm lại bản thân. Những khoảnh khắc như thế rất hiếm có và khó đạt được, đặc biệt khi phải thường trực ngập chìm trong căng thẳng và bộn bè công việc ở những thành phố lớn.