Từ một nghệ nhân xăm hình nghệ thuật, Trần Ngọc Chiến đã mạnh dạn thử sức với nghệ thuật chạm khắc kim loại rồi chọn đó là con đường phát triển tiếp theo. Rất nhiều tác phẩm của anh được giới chuyên môn trong và ngoài nước đánh giá cao. Đặc biệt, anh còn được báo chí biết đến là một trong số ít những nghệ nhân tại Việt Nam đạt trình độ chuyên môn cao để có thể điêu khắc thủ công trên vỏ đồng hồ cao cấp.
Điều gì đã dẫn dắt anh đến với niềm đam mê điêu khắc đồng hồ?
Tôi đến với nghề chạm khắc đồng hồ một cách rất tình cờ. Trong một cuộc trò chuyện cùng người bạn thân, cậu ấy có cho tôi xem một số mẫu đồng hồ được chạm khắc rất độc đáo, điều đó đã kích thích sự tò mò và thôi thúc tôi tìm hiểu thêm về môn kỹ nghệ thú vị này. Khi xem những đoạn video của một số nghệ nhân chạm khắc nước ngoài đăng tải trên internet, tôi đã bị cuốn hút ngay với những họa tiết, đường nét, cũng như cách họ thực hiện một hoa văn tinh xảo trên đồng hồ. Từ lúc đó, tôi quyết định phải thử sức với lĩnh vực này, nó là một môn nghệ thuật rất đặc biệt.
Đến nay, anh đã thực hiện tất cả bao nhiêu tác phẩm, và tác phẩm nào anh cảm thấy tâm đắc và yêu thích nhất?
Mỗi một tác phẩm đều mang trên mình tinh thần, cảm xúc và câu chuyện khác nhau, cũng như hàm chứa những ấn tượng rất riêng biệt để làm nên cái hồn của chúng. Nhưng đối với tôi, tác phẩm yêu thích nhất chính là chiếc đồng hồ thứ hai tôi thực hiện kể từ khi bắt đầu với nghề, hiện tại tôi vẫn đang lưu giữ tác phẩm này, một chiếc đồng hồ mang họa tiết đầu lâu kết hợp hoa văn scroll work. Đó là đứa con tinh thần đầu tiên từ những gì tôi chắc lọc được, đồng thời có thể xem đó là bài tập thực hành nghiêm túc sau những gì tôi tìm hiểu về môn nghệ thuật này.
Riêng về tác phẩm thấy tâm đắc nhất, có lẽ đó là chiếc Patek Philippe Calatrava 5153G mà tôi mới thực hiện xong trong tháng 7 vừa qua theo yêu cầu của một vị khách. Đó thực sự là một thử thách lớn đối với tôi, một phần vì giá trị của chiếc đồng hồ, một phần nữa là phải chạm khắc theo một mẫu tham chiếu, mà không được tự do sáng tác, thể hiện.
Tuy nhiên, sau khi hoàn thành tôi đã rất tâm đắc vì tác phẩm này hoàn mỹ hơn mức mong đợi, đồng thời không làm khách hàng phải thất vọng khi trao cho tôi trọng trách cao cả là điêu khắc lên 1 chiếc đồng hồ giá trị của họ. Việc điêu khắc lên vỏ đồng hồ có thể sẽ giúp nâng tầm, làm tăng giá trị cho nó, nhưng cũng có thể sẽ hủy hoại cả một tạo phẩm quý giá do sai sót từ nghệ nhân, đó là một điều tồi tệ. Vì vậy, sẽ rất tuyệt vời khi khách hàng cảm thấy tâm đắc và hài lòng với sản phẩm mà bạn thực hiện… thực sự rất tuyệt.
Mong anh chia sẻ thêm về những khó khăn mà anh đã gặp phải trên hành trình thực hiện đam mê của mình.
Nghệ thuật chạm khắc trên đồng hồ đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên trì rất cao, thậm chí phải quan sát qua kính hiển vi soi nổi để thao tác. Tôi đã gặp phải rất nhiều khó khăn khi mới bắt đầu với môn nghệ thuật này, vì lúc đó mọi thứ vẫn còn rất mới lạ ở Việt Nam, cũng như chưa có một cộng đồng nghệ nhân nào liên quan đến hoặc chưa quen biết nhiều người chơi ở bộ môn này, nhưng khó khăn nhất là về công cụ thao tác.
Tôi đã phải tự tìm tòi tất cả từ rất nhiều nguồn cả trên internet, và phải đến 1 tháng sau tôi mới có thể tự tạo cho mình một bộ dụng cụ chạm khắc sơ sài, sau này tôi mới mua được những dụng cụ chuyên nghiệp hơn. Ngoài những khó khăn về dụng cụ đã giải quyết, tôi cảm thấy rằng bản thân cần tiếp tục học hỏi, tìm hiểu thêm về phong cách thể hiện, nâng cao kỹ thuật chạm khắc,… Về yếu tố này, tôi may mắn có được đôi chút thuận lợi vì vốn mỹ thuật được đào tạo trong những năm học cấp 3, cùng 10 năm kinh nghiệm hoạt động trong ngành xăm hình nghệ thuật. Cả hai đều có điểm chung là mỹ thuật, chỉ khác nhau về công cụ và chất liệu thể hiện.
Giờ đây, tôi đã tự tin sáng tạo thêm những phương pháp xử lý và kết hợp các chất liệu để đưa những hoa văn nghệ thuật lên đồng hồ, làm cho tác phẩm sau khi hoàn thiện trở nên độc đáo, rực rỡ và màu sắc hơn.
Theo anh, chất liệu vỏ đồng hồ nào gây ra nhiều thách thức nhất trong quá trình thực hiện và anh đã dành ra bao nhiêu thời gian để tìm ra giải pháp?
Nói về chất liệu thì mỗi loại đều có những đặc tính và cái khó khác nhau. Ví dụ như thép 904, thép 316, titan… hay những chất liệu có độ cứng cao, hơn nữa còn được gia công, dập ép khiến chúng trở nên rất khó để thao tác. Ban đầu tôi sử dụng mũi khắc bằng thép HSS hay còn gọi là thép gió, loại này bị tù mũi rất nhanh, dễ bị trượt, lỗi và rất khó tạo ra thành phẩm ưng ý. Tôi đã mất khoảng 1 tháng để nghiên cứu và mua được mũi khắc bằng hợp kim cao cấp để có thể thao tác tốt trên vỏ đồng hồ với chất liệu cứng như vậy.
Ngoài ra, những loại vỏ làm từ vàng 18k hay bạc lại có những cái khó riêng vì chúng mềm hơn khá nhiều so với thép nên rất dễ sai sót, hỏng đường khắc nếu mất tập trung trong quá trình thao tác. Tóm lại, trong lĩnh vực điêu khắc vỏ đồng hồ, người nghệ nhân cần phải rất tỉ mỉ và tập trung cao độ mới có thể cho ra được 1 tác phẩm hoàn hảo.
Trong vai trò là một nghệ nhân điêu khắc đồng hồ, theo anh, điều gì khiến anh quan tâm và chú trọng nhất ở một tác phẩm trước khi bắt tay vào thực hiện?
Với vai trò là một nghệ nhân điêu khắc đồng hồ, trước khi bắt tay vào tiến hành một tác phẩm, điều tôi chú trọng nhất là khâu ý tưởng và thiết kế sao cho phù hợp nhất cho từng dáng đồng hồ cụ thể.
Ngoài niềm đam mê dành cho nghệ thuật chạm khắc đồng hồ thủ công, có lẽ anh cũng là một người dành tình yêu cho thú chơi – sưu tầm đồng hồ phải không?
Ngoài niềm đam mê dành cho chạm khắc đồng hồ, tôi dành rất nhiều tình yêu cho thú chơi và sưu tầm đồng hồ, đặc biệt là những mẫu đồng hồ mang tính sáng tạo trong thiết kế, mang tính nghệ thuật cao.