Từ lâu, CEO Unimedia Trần Việt Bảo Hoàng đã vượt khỏi sự nhận diện bằng những thành công trong việc sáng tạo nên các sân chơi sắc đẹp. Anh nói rằng bản thân không đặt nặng những điều mình đã làm được, mà thường sẽ muốn thử thách với những điều mới hơn.
Xin chào anh Bảo Hoàng, nửa đầu năm 2024 của anh như thế nào?
Rất là bận (cười) nhưng đây là tình trạng thường xuyên của tôi. Cơ bản tôi cũng thích mình bận rộn, thậm chí là tự làm cho mình bận hơn. Tôi luôn ấp ủ rất nhiều dự định, nên vừa có thời gian là tôi làm ngay những cái mình muốn làm trước đó. Tôi nghĩ bận rộn giúp tôi cân bằng cuộc sống, chỉ có như vậy thì khi tôi nghỉ dưỡng hay có thời gian đọc sách, mới đúng nghĩa tận hưởng.
Một thói quen mà anh nghĩ đã làm nên Trần Việt Bảo Hoàng của hôm nay?
Tôi nghĩ là chạy bộ. Dù bận thế nào, tôi luôn dành hai tiếng chạy bộ hằng tuần; và mỗi tháng, tôi sẽ tham gia một giải chạy khác nhau. Liên quan chủ đề này, tôi rất tâm đắc quyển sách “Tôi gì khi nói về chạy bộ” của Murakami. Tôi thấy tinh thần của tác giả khi viết cuốn sách ấy giống mình. Tôi thích sự chiêm nghiệm, và chạy bộ là khoảng thời gian tuyệt vời để làm điều đó. Nếu mình làm quá nhiều nhưng không có thời gian để tự chiêm nghiệm thì rất vô nghĩa. Do đó, bên cạnh sự bận rộn thường trực, tôi dành phần lớn thời gian để “bận tâm”, suy nghĩ về những gì mình đã làm.
Đến với chuyên đề “Game Changers”, tôi tin mỗi một hành động, nỗ lực, lý tưởng của một người đều góp phần tạo nên tác động nhất định trong lĩnh vực của họ, thiết lập nên những tiêu chuẩn mới, thành công mới. Người ta nhớ đến Trần Việt Bảo Hoàng, thông qua những cuộc thi sắc đẹp, đơn cử là Miss Universe Vietnam và sau này là Miss Cosmo Vietnam. Cảm giác khi bắt đầu con đường khác biệt đó của anh, như thế nào?
Mọi người đều biết chúng tôi làm thương hiệu Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam trong một thời gian rất dài, năm nay là năm thứ 16. Việc dừng bản quyền chủ yếu đến từ quan điểm làm việc giữa chúng tôi và đơn vị năm giữ bản quyền không còn phù hợp. Năm 2022, tôi có ý định mua lại tổ chức Miss Universe và đã đấu thầu với phía Thái Lan. Kết quả là Thái Lan mua được. Sau khi có sự thay đổi về đơn vị nắm giữ bản quyền, mọi thứ đã có xáo trộn, cũng như không còn tìm thấy tiếng nói chung. Nhưng tôi nhận thấy, xét về năng lực và tiềm năng thì đội ngũ của mình hoàn toàn có thể tạo nên một sân chơi khác, không việc gì phải cuốn theo cuộc chơi của người khác.
Quan điểm của tôi là cái “ngã” đau nhất là ngã trên “đỉnh” của mình. Ngay khi có cơ hội chọn một hành trình mới để phiêu lưu là tôi bắt đầu ngay. Dù giờ bạn hỏi tôi khi đó có chắc chắn sẽ thành công với sân chơi mới hay không, chắc chắn là “không” rồi. Nhưng tôi là kiểu người dám dấn thân và muốn làm cho bằng được điều mình tin là đúng.
Có nhiều ý kiến cho rằng sân chơi dành cho phái đẹp hiện đã bão hoà. Nhưng tôi nghĩ, thêm vào quá nhiều thứ người ta không cần thì nó mới bão hoà, nếu mình nghĩ ra một thứ đủ hấp dẫn thì mình đang vượt lên trên ngưỡng bão hoà. Đó là chưa kể, thị trường Việt Nam vẫn là thị trường tiềm năng và thế giới vẫn nhìn nhận Việt Nam là một miền đất hứa cho những cuộc thi sắc đẹp.
Sự khác biệt giữa Miss Cosmo và phiên bản trước?
Riêng về sự ra đời của cái tên “Cosmo”, chúng tôi tư duy rất nhiều. Tôi cho các team “pitching” ý tưởng với nhau, và “Cosmo” là dự án được chọn. Từ đó, chúng tôi phát triển thành một cuộc thi quốc tế. Trong nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực này, tôi có nhiều mối quan hệ rất tốt trên thế giới với các giám đốc quốc gia, tổ chức quốc tế. Trong một khoảng thời gian ngắn, chúng tôi kết nối các nguồn lực đó lại với nhau; và dựa trên những gì đã làm, không khó để chúng tôi thiết lập được sự tin tưởng nhất định về tương lai và tiềm năng của Cosmo, kết quả là có hơn 70 tổ chức đồng ý.
Cách thức triển khai bản quyền là tôi không mời trực tiếp, mà cho mọi người tự đăng ký và tôi thu phí. Phần lớn các đơn vị đồng ý trả phí, tất nhiên chỉ là một mức phí tượng trưng cho năm đầu tiên. Nhưng điều đó cho thấy họ cam kết một cách nghiêm túc.
Đáng nói hơn, Miss Cosmo sẽ không thuần tuý là một cuộc thi sắc đẹp, mà sẽ mang không khí lễ hội mà người ta luôn thấy mình trong đó và có cơ hội tương tác trực tiếp. Sắp tới, tôi làm rất nhiều hoạt động ngoài trời, mà tôi sẽ gọi là thế vận hội sắc đẹp. Tôi sẽ kết hợp với mỗi tỉnh thành mình đến một sự kiện lễ hội nho nhỏ mà người dân có thể tham gia. Tiếp nữa, tôi đưa nhiều yếu tố về công nghệ để những bạn trẻ cảm thấy gần gũi hơn với chương trình. Tôi rất vui khi không ngừng nới rộng độ tuổi xem chương trình.
Tôi không quá đặt nặng những điều mình đã làm được, mà thường sẽ muốn thử thách với những điều mới hơn.
Trong suốt một chặng đường lài lập nghiệp, có lẽ anh cũng trải qua đôi ba lần “bị từ chối”. Lời từ chối nào giúp anh khai mở tư duy mới, thức tỉnh khỏi vũ trụ an toàn?
Tôi nhận ra rằng thành công không bao giờ là một chuỗi liên tục. Muốn có thành công cao hơn, thì phải từng “ngã ngựa”, bởi nếu không, bạn không bao giờ biết thành công lớn hơn là gì. Mọi người sẽ không biết được có những dự án tôi cũng ấp ủ, tâm huyết, thậm chí là hy sinh một số tiền lớn, nhưng cuối cùng cũng không ra mắt được. Từ những bài học đó, tôi chấp nhận một điều rằng, không phải thứ gì muốn cũng làm được, nhưng mình vẫn sẽ tiếp tục muốn.
Với anh, “lãnh đạo” là một công việc như thế nào? Từ đó, anh xây dựng phong cách lãnh đạo ra sao?
Tôi thường không chọn cách lãnh đạo người khác theo khuôn mẫu, như thế này thì đúng, như thế kia thì sai, hoặc đây là những cách các bạn phải làm/có thể làm. Tôi lãnh đạo bằng hình mẫu và mục tiêu.
Về hình mẫu, tức là nhìn vào người dẫn dắt của mình, nhân sự sẽ học cách phấn đấu và vươn lên. Về mục tiêu, tôi đưa ra một mục tiêu chung để cả tập thể cùng hướng về. Tôi giúp họ hiểu được vai trò của mỗi người, và từ việc được định hướng rõ ràng, họ sẽ chủ động hơn để tìm ra lối đi. Tôi tin chỉ cần mình tạo động lực đủ lớn thì nhân sự sẽ có thêm sức mạnh để vượt qua những trở ngại. Nhìn chung, tôi sẽ cung cấp cho họ những bộ kỹ năng cơ bản thiết yếu, còn tiến xa được đến đâu còn tuỳ vào mỗi người.
Anh đã tạo ra những động lực nào để thúc đẩy sự sáng tạo của nhân sự nhằm đạt được những sự đổi mới?
Tôi thích thúc đẩy người khác bằng sự khơi gợi. Đối với những sản phẩm cần tính sáng tạo, tôi thường trao đổi với đội ngũ bằng những cảm xúc, cảm nhận mà mình muốn mang tới cho người xem. Sau đó, họ sẽ bắt đầu suy nghĩ bằng hình ảnh, ngôn ngữ và cách thức truyền đạt. Khi muốn cho ra mắt một cuộc thi mới, thì câu hỏi là: “Có quá nhiều cuộc thi rồi, vậy thì tại sao người ta phải thấy thích thú với cuộc thi của mình?”. Câu chuyện sau đó là những đổi mới của Miss Cosmo Vietnam mà bạn đã biết.
Tài sản lớn nhất của anh ở thời điểm hiện tại là gì?
Tôi muốn những gì mình có là những điều người khác nhìn nhận; và những điều người khác nhìn nhận đồng nhất với những điều tôi muốn được nhìn nhận, cũng như những gì tôi thật sự sở hữu. Tôi không muốn ba yếu tố này tách rời nhau. Khi cả ba khía cạnh ấy đồng nhất, tôi vô cùng hạnh phúc. Điều đó đã tạo nên một năng lượng lớn giúp tôi khai phóng tiềm năng của mình.
Cảm ơn những chia sẻ của anh.
——–
Bài viết nằm trong chuyên đề “Game Changers” được thực hiện trên ấn phẩm Men’s Folio Vietnam #23
Trong bối cảnh với nhiều biến đổi khôn lường từ nhiều phương diện, có lẽ một trong số những thách thức lớn nhất đến từ chính bản thân mỗi người, đó là dám dũng cảm bứt phá, dám tiên phong tạo ra những tiêu chuẩn mới, dám tin tưởng vào chính mình, vì vậy chúng ta rất cần những người thay đổi cuộc chơi. Ban biên tập đã trò chuyện cùng chị Trần Hà Mi – nhà đồng sáng lập của trang thời trang Style-Republik và SR Fashion Business School, người luôn nỗ lực vinh danh những giá trị thật của thời trang; CEO Unimedia Trần Việt Bảo Hoàng – người đã vượt khỏi sự nhận diện bằng những thành công trong việc sáng tạo nên các sân chơi sắc đẹp; và đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, nhà làm phim không ồn ào và có niềm tin tuyệt đối vào năng lực của chính mình.