“Flow”: Hành trình tìm kiếm bản ngã trong thế giới hậu tận thế

  • by Huyền My Trương
  • March 7, 2025

Tuân thủ nguyên tắc kinh điển của điện ảnh “Show, don’t tell” (thể hiện, đừng kể), “Flow” khiến người xem phải tập trung tối đa vào toàn bộ chi tiết được trình chiếu để hiểu được bối cảnh câu chuyện, từ đó chiêm nghiệm những triết lý nhân sinh ở mỗi thước phim. 

“Flow” là bộ phim hoạt hình do đạo diễn Gints Zilbalodis cầm trịch. Anh vốn nổi tiếng với phong cách làm phim hoạt hình độc lập và từng gây ấn tượng với dự án không lời thoại mang đậm dấu ấn cá nhân – “Away” (2019). Trở lại ở “Flow”, Zilbalodis tiếp tục giữ vững phong độ và phát huy thế mạnh của mình. Bằng ngôn ngữ điện ảnh giàu cảm xúc, bộ phim nhận được nhiều lời khen “có cánh” từ giới phê bình, đồng thời giành được giải thưởng “Phim hoạt hình xuất sắc nhất” tại Quả cầu vàng 2025. Đặc biệt hơn, “Flow” ngạo nghễ hạ gục các “ông lớn” như Disney, Pixar… tại lễ trao giải Oscar 2025, để mang về chiếc tượng vàng danh giá cho hạng mục “Phim hoạt hình hay nhất”. 

Điều khiến “Flow” trở thành viên ngọc quý trong nền công nghiệp hoạt hình hiện nay là dám vượt qua ranh giới của kể chuyện truyền thống. Không giải thích, cũng chẳng có lời thoại, bộ phim dùng sự “câm lặng” để khơi gợi những điều không thể diễn đạt ngôn từ, hay nói chính xác hơn: tiếng người. Zilbalodis dám kể chuyện bằng những thanh âm của thiên nhiên, chuyển động, cử chỉ từ các loại động vật trong phim, bao gồm: chó, mèo, chuột lang, chim thư ký, vượn cáo… Mỗi tiếng động, mỗi cử chỉ, mỗi ánh mắt đều mang một ý nghĩa riêng, góp phần xây dựng nên câu chuyện đầy cảm xúc và suy tư. Qua đó, mời gọi khán giả cảm nhận nhịp điệu của cuộc sống, phản chiếu những xung đột bên trong với thế giới bên ngoài và nhu cầu tìm một nơi để thuộc về. 

Tờ Hollywood Reporter đánh giá, “Flow” là lựa chọn tuyệt vời dành cho trẻ em vì lứa tuổi nhỏ có thể dễ dàng cảm nhận một cách ngây thơ nguồn năng lượng trong lành từ bộ phim. Mặt khác, khán giả lớn tuổi có thể tìm hiểu thêm sâu hơn về tầng ý nghĩa của sự ra đi và sự sống. 

Đoàn kết là sức mạnh

“Flow” kể về hành trình của chú mèo đen trong thế giới hậu tận thế, nơi một trận lụt thảm khốc gần như đã xóa sạch nền văn minh. Chú phải tìm kiếm nơi trú ẩn mới trên chiếc thuyền nhỏ, kết bạn với các loài động vật khác có cùng chung số phận. Phim được mở đầu bằng một phân cảnh đơn giản nhưng đầy sức gợi, khi chú mèo nhỏ vô tình gây chiến với bầy chó hoang trong khu rừng tràn ngập hoa. Ngay sau đó, nó tìm thấy được chỗ trú ẩn trong cabin bỏ hoang, nơi những bức tường chạm trổ khổng lồ, gợi nhớ về một nền văn minh đã biến mất từ lâu. 

Ngày nọ, một trận lụt ập đến, nước dâng cao, nhấn chìm mọi thứ trong biển nước mênh mông. Chú mèo nhỏ mất đi nơi trú ẩn quen thuộc, buộc phải dấn thân vào một cuộc hành trình sinh tồn đầy gian nan. Trong hành trình này, nó gặp gỡ những người bạn đồng cảnh ngộ: chú chó Golden Retriever trung thành, chuột lang nhanh nhẹn, chim thư ký thông minh và vượn cáo tinh nghịch. Từ đây, cả nhóm bắt đầu hành trình “theo dòng”, băng qua tàn tích của thế giới cũ. Chúng cùng nhau vượt qua những thử thách khắc nghiệt, đối mặt với những nguy hiểm rình rập, từ những cơn sóng dữ dội đến những loài vật săn mồi hung dữ. 

Không cùng giống loài, không cùng chung tiếng nói, cộng thêm tính cách trái ngược nhau, nhưng khi đứng trước sinh tử, bản năng sinh tồn trỗi dậy, xóa nhòa mọi ranh giới của chúng. Trận đại hồng thủy không đơn thuần một thảm họa thiên nhiên, mà còn là một phép thử khắc nghiệt đối với sự đoàn kết và lòng trắc ẩn. Chú mèo vốn đơn độc, nay buộc phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ những loài vật khác. Chú Golden Retriever trung thành, dù có thể tự mình sinh tồn vẫn quyết định ở lại bảo vệ bạn bè. Chuột lang sẵn sàng chia sẻ thức ăn và nơi trú ẩn. Chim thư ký với trí tuệ và kinh nghiệm, dẫn dắt cả nhóm vượt qua những nguy hiểm. Vượn cáo, tuy tinh nghịch và hay phá phách, cũng biết cách tạo ra niềm vui và sự gắn kết.

Trong những khoảnh khắc sinh tử, sự khác biệt về loài, ngôn ngữ, tính cách trở nên vô nghĩa. Điều quan trọng nhất là sự sống, tình đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Cả bọn học cách lắng nghe, thấu hiểu, chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt. Nhờ đó, chúng nhận ra rằng chỉ khi cùng nhau mới có thể vượt qua được những thử thách khắc nghiệt của cuộc sống.

Sự sống vẫn luôn hiện hữu

Trong thế giới hậu tận thế của “Flow”, Zilbalodis đã khéo léo khắc họa một bức tranh hoang tàn, nơi những dấu vết mờ nhạt của một nền văn minh đã qua hiện lên qua những công trình đổ nát.  Những công trình kiến trúc từng sừng sững chỉ còn là những mảnh vỡ, những tác phẩm điêu khắc dành riêng cho loài mèo, và những vật dụng bỏ đi của con người tạo nên một không gian vừa xa lạ vừa quen thuộc.

Khi trận lụt ập đến, nhấn chìm mọi dấu tích của nền văn minh, chú mèo nhỏ bé đứng chơ vơ trên một hòn đảo giữa đại dương mênh mông. Bức tượng mèo khổng lồ – biểu tượng của một quá khứ huy hoàng, gần như bị nhấn chìm hoàn toàn, chỉ còn trơ lại những mảnh vỡ của công trình nhân tạo đã bị biển cả nuốt chửng. Những hình ảnh này không chỉ phản ánh sự tàn lụi của loài người, mà còn là lời nhắc nhở về sự phù du, vô thường và tính tạm thời của cuộc sống.

Tuy nhiên, trong sự hoang tàn ấy, Zilbalodis vẫn gieo vào lòng khán giả những tia hy vọng. Thiên nhiên vẫn tiếp tục sinh sôi, những loài vật vẫn kiên cường chống chọi, và trên hết, chú mèo nhỏ bé vẫn không ngừng tìm kiếm một nơi thuộc về mình. Điều này đã phản ánh ngay cả trong những thời khắc tăm tối nhất, vẫn luôn có những tia sáng hy vọng và sự sống sẽ tiếp tục, kể cả khi nền văn minh có sụp đổ.

Học cách “trôi dòng”

Tựa phim “Flow” (dòng chảy) thể hiện hàm ẩn cho câu chuyện. Dòng chảy là ẩn dụ cho cuộc sống luôn thay đổi mỗi ngày. Con người buộc phải học cách thích nghi, sẵn sàng rời bỏ nếu muốn tồn tại. Chống lại dòng chảy không phải là cách khôn ngoan, thay vào đó chúng ta phải học cách trôi dòng.

Nhân vật trung tâm là chú mèo đen xám không được chỉ mặt đặt tên. Vốn dĩ, nó chỉ một sinh vật nhỏ bé trôi dạt giữa thế giới rộng lớn. Thế nhưng, sự vô danh này không hề ngẫu nhiên, mà trở thành dụng ý nghệ thuật của đạo diễn Gints Zilbalodis. Nó đại diện cho sự phổ quát, cho mỗi cá nhân trong chúng ta, những người đang loay hoay tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống, tìm kiếm một nơi thuộc về.

Hành trình của chú mèo trong “Flow” là con đường tìm kiếm bản ngã, ý nghĩa của sự tồn tại. Giữa cơn đại hồng thủy, chú mèo phải đối mặt với những thử thách khắc nghiệt, buộc nó phải tự khám phá bản thân, tìm hiểu những mong muốn và nhu cầu sâu thẳm nhất. Hành trình này cho thấy quá trình của con người trong việc tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống. Trước dòng đời khắc nghiệt, ai cũng có lúc lạc lối, mất phương hướng. Nhưng chính những trải nghiệm, những vấp ngã, những cuộc gặp gỡ đã giúp ta dần hiểu rõ bản thân mình hơn. 

Cũng thông qua đó, “Flow” nhắc nhở chúng ta rằng cuộc sống vốn không phải đường thẳng, mà là một dòng chảy liên tục, đầy bất ngờ và thử thách. Mỗi bước đi, mỗi trải nghiệm, dù tốt hay xấu, đều góp phần tạo nên con người chúng ta ngày hôm nay. Và đôi khi, để tìm thấy bản thân mình, chúng ta phải chấp nhận mất phương hướng, chấp nhận đối mặt với những điều không chắc chắn.

Bài: Khánh Duyên
Ảnh: Tổng hợp

library