Fashion in Music: Chuyện thời trang nơi hậu trường (P.1)
TrendsPopStyle

Fashion in Music: Chuyện thời trang nơi hậu trường (P.1)

Khi nói về câu chuyện thời trang sau những concert âm nhạc, ta không chỉ đơn thuần kể đến “cuộc chiến” của các stylist và chuyên gia trang điểm (M.U.A), mà còn là tầm ảnh hưởng từ các sáng tạo của họ đối với thời trang thế giới.

hậu trường

Có một video rất nổi tiếng về pha thay đổi trang phục thần tốc của Celine Dion sau hậu trường. Tổng thời gian cô từ sân khấu chạy vào trong cánh gà, thay thổi trang phục, kiểu tóc và layout trang điểm chỉ là 3 phút dưới sự trợ giúp của bốn nhân viên khác. Hậu trường thực sự là một trận chiến thầm lặng, diễn ra khắc nghiệt khi khán giả vẫn còn đang mải mê đắm chìm trong âm nhạc tại những concert.

Vậy, quy trình chuẩn bị trang phục cho một concert diễn ra như thế nào?

Kerry West, head of wardrobe của nhiều nghệ sĩ như Little Mix, Kylie kể về quá trình chuẩn bị trang phục cho một concert: “Khi một nghệ sĩ bắt đầu đi tour, tôi sẽ được giám đốc sản xuất liên lạc để hỏi về lịch trình. Công việc của tôi bắt đầu khi các vũ công và ca sĩ diễn tập, tôi sẽ ở đó để lấy số đo và thử đồ”.

Bản thân các trang phục (thường đến từ các nhà thiết kế lớn) đã được thỏa thuận trong hợp đồng dài hạn. Ngân sách trang phục sẽ do giám đốc  sáng tạo và stylist thương lượng với công ty sản xuất. Phải trải qua rất nhiều lần chỉnh sửa và các buổi mặc thử thì danh sách trang phục mới được “chốt hạ” cho concert. Quá trình đó còn bao gồm việc kiểm tra xem trang phục trông như thế nào trên sân khấu và tốc độ của việc thay đổi.

Các thợ may của Beyoncé tiết lộ rằng khi nhận được trang phục gửi đến từ các nhà mốt, họ phải chỉnh sửa lại cho phù hợp với việc trình diễn: “Một trong số chúng là đồ couture. Dây kéo ẩn và nút thường dùng trên các thiết kế này không đáp ứng được yêu cầu thay đồ thần tốc trong concert”. Do đó, các stylist thường phải linh hoạt tự “cải biên” những bộ trang phục có sẵn để chúng trở nên thuận tiện hơn cho việc thay đổi.

Phòng thay trang phục trong concert của nữ ca sỹ Beyonce

Trong đêm minishow của nam ca sĩ Bùi Anh Tuấn năm 2016, giám đốc hình ảnh kiêm stylist Kye Nguyễn đã lên kế hoạch cho một màn thay đồ thần tốc trên sân khấu. Anh chia sẻ: “Tôi cắt phăng một chiếc áo cổ lọ trắng và bên trong là một chiếc áo đen khác. Đến lúc cởi ra chỉ cần tuột một phát là từ áo trắng thành áo đen rồi mặc áo khoác là có một set đồ khác trong 20 giây”.

Theo Kerry, giày là phần cần chú trọng nhất. Bởi lẽ, các nghệ sĩ cần thoải mái khi nhảy trong suốt buổi diễn mà không bị rộp chân. Do đó, cô sẽ làm giãn giày để giúp da mềm đi, sau đó chà nhám đế để chúng không bị trượt trên sân khấu. Morgan Pinney, stylist của Becky G cho biết các ca khúc của Becky thường đi kèm vũ đạo nên cô sẽ ưu tiên chọn Air Max hay giày bốt đế chunky. Stylist của Beyoncé còn cho biết những đôi giày sẽ được sơn lại sau mỗi đêm diễn để trông luôn mới.

Các stylist còn kiêm luôn trách nhiệm đóng gói các trang phục và phụ kiện để mang theo khi đi tour. Việc này trở nên phức tạp hơn gấp nhiều lần khi nghệ sĩ là nhóm nhạc với nhiều thành viên. Hai stylist Seo Sookyung, Seo Sumyung của nhóm nhạc Hàn Quốc Seventeen với 13 thành viên từng gây sốc khi tiết lộ mỗi lần SEVENTEEN có một buổi biểu diễn, họ phải sử dụng tới 30 vali mới có thể chứa được hết đồ. Riêng một buổi concert, có 5 bộ trang phục nhóm, với 13 thành viên thì tổng cộng 65 bộ đồ tất cả. Ngoài ra còn có trang phục biểu diễn solo, ước tính sẽ vào khoảng 100 bộ.

Đấy là còn chưa tính giày và phụ kiện. Số lượng giày cho cả nhóm có thể lên tới 39 đôi. Seo Sumyung nhấn mạnh: “Mỗi lần đi lưu diễn tôi cảm giác như đi chuyển nhà vậy. Việc quá đông thành viên cũng khiến cho việc lên đồ rất vất vả. Thỉnh thoảng chúng tôi sẽ không thấy một hai thành viên đâu, lúc ấy mọi việc như rối tung lên vậy”. Trong chương trình Point of Omniscient Interfere trước đây, thành viên Mingyu của nhóm cũng từng tiết lộ việc nhóm phải sử dụng tới 40 vali và chở bằng xe tải chuyên dụng khi đi lưu diễn.

Chân dung nhóm nhạc 13 thành viên SEVENTEEN
Seventeen backstage
Số lượng vali khổng lồ trong một chuyến lưu diễn của nhóm
Phải sử dụng xe tải chuyện dụng mới có thể chở hết

Sau đó, khi sân khấu đã được dựng, ca sỹ sẽ có một buổi diễn tập chay để làm quen và một buổi diễn tập khác khi mặc trang phục. Khi show time cũng là lúc cuộc chiến bắt đầu nơi hậu trường. Trang phục cho màn biểu diễn tiếp theo luôn phải được chuẩn bị trước và thời gian thay đổi lý tưởng nhất là dưới một phút. “Mọi thứ lúc đó cực kỳ hỗn loạn. Quần áo bay khắp nơi!”, Kerry cảm khái. Nhiều nghệ sĩ và vũ công có đến 10 trang phục mỗi người, có khi còn hơn thế nữa. Chỉ riêng việc bảo quản chúng cho show diễn tiếp theo cũng là một thử thách không nhỏ.

Quyền lực của thời trang trong các buổi diễn âm nhạc

Trang phục diễn đóng góp một phần vào việc xây dựng thương hiệu cá nhân của một nghệ sĩ. Đó là điều kiện tiên quyết để họ có thể quảng bá hình ảnh bản thân và trở nên nổi bật trước hàng trăm nghệ sĩ khác ngoài kia.

Jon Batiste từng nói: “Mọi người nhìn thấy bạn trước khi họ nghe thấy bạn và vẻ ngoài của bạn phải ‘kể’ lên được một điều gì đó”.

Nữ ca sĩ Jennifer Lopez là ví dụ tiêu biểu cho câu nói này.

Nữ ca sỹ J.Lo mở màn concert trong bộ suit lụa màu tím oải hương

Trong tour diễn thế giới It’s My Party năm 2019, J.Lo đã khiến người hâm mộ phấn khích khi cô mở màn concert trong bộ bodysuit lụa màu tím oải hương đính pha lê Swarovski và đôi cánh bằng vải tuyn đến từ nhà mốt Versace. “Đó là dấu ấn của J.Lo”, stylist Rob Zangardi, người phụ trách trang phục của tour diễn cho biết: “Jennifer đã luôn yêu thích những thứ lấp lánh, trang sức cũng như chủ nghĩa more-is-more”. Trong concert này, Zangardi đã chuẩn bị tổng cộng 195 bộ trang phục cả thảy cho J.Lo, ban nhạc và các vũ công. Tất cả đều được đính hàng trăm, thậm chí hàng nghìn viên pha lê Swarovski.

Sự lấp lánh luôn phát huy tối đa công dụng trong một sân khấu lớn như của J.Lo. Bởi lẽ, các trang phục sử dụng trên sân khấu có quy luật riêng của chúng. “Khi bạn trong một khung cảnh gần gũi hay một sân khấu nhỏ, thì yếu tố tiên quyết là phải nhìn thấy mặt ca sỹ và không bị phân tán sự tập trung. Tuy nhiên, khi bạn đang trình diễn cho 20 nghìn người trong một sân vận động, các khán giả ở phía sau cần phải nhìn thấy bạn và không có gì hào hứng hơn khi nhìn thấy J.Lo tỏa sáng như một viên kim cương trên sân khấu”, Zangardi giải thích.

J.Lo can thiệp rất nhiều vào quá trình chuẩn bị trang phục và concept chung của toàn show diễn. Cô không chỉ remix các ca khúc của mình thành từng setlist mới cho mỗi buổi diễn, mà còn gây ngạc nhiên với những lựa chọn trang phục táo bạo. Rõ ràng, cô ấy hiểu được tầm ảnh hưởng to lớn của thời trang trong những màn trình diễn như thế này. Sự ảnh hưởng của J.Lo đã được minh chứng bằng giải thưởng CFDA Fashion Icon Award 2019.

“Trong mọi thứ mà cô ấy thực hiện với tư cách một nghệ sĩ, J.Lo luôn kể một câu chuyện với thời trang”, Zangardi kết luận.

Nữ ca sỹ Rihanna trong hậu trường concert

Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng của các bộ trang phục diễn không dừng lại ở đó. Chúng còn góp phần khơi nguồn các xu hướng trên thế giới. Stylist Mel Ottenberg, người đóng vai trò quan trọng trong việc định hình phong cách của nữ ca sĩ Rihanna chia sẻ về lần đầu làm việc và nhận ra tiềm năng từ tầm ảnh hưởng của cô trong concert Loud. “Tận mắt chứng kiến đêm diễn mở màn, nhìn thấy người hâm mộ cuồng nhiệt và hát theo, tôi đã bị nghiện”, anh kể.

“Thật sự rất ngầu. Đó là sự ảnh hưởng rất khác mà bạn có thể tận dụng để bắt đầu một xu hướng”, Zangardi.

Khó mà kể hết được những xu hướng thời trang bắt nguồn từ các sân khấu âm nhạc chỉ trong một bài viết. Từ giữa đến cuối những năm 80, thời trang nam giới bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các ban nhạc glam-rock của thập kỷ này. Từ đó, các phụ kiện như áo khoác da và thắt lưng nạm đinh lên ngôi. Năm 1987, các ban nhạc như Nirvana biến grunge thành xu hướng, trong đó nổi bật là áo thun được bán trong các buổi hòa nhạc rock mặc bên dưới áo sơ mi flannel kẻ sọc cùng quần jeans và mái tóc dài bết dính. Hay còn có thể kể đến Bobby – Soxers, Mods, Retro-Futurism, Rave hay gần gũi nhất là kiểu tóc dreadlocks đặc trưng của người Rastafari trở thành một trào lưu khi Bob Marley đạt đến đỉnh cao với dòng nhạc reggae.

Glam-rock thập niên 80
Grunge
Bobby-soxers
Retro Futurism
Mods
Rave
Bob Marley cùng kiểu tóc dreadlocks

Sự cộng hưởng giữa thời trang và âm nhạc này càng chứng tỏ tầm quan trọng của các “chiến sĩ” thầm lặng là stylist và MUA trong các cuộc chiến nơi hậu trường. Họ không chỉ đơn giản là mang đến một hình ảnh đẹp cho người nghệ sĩ, mà còn góp phần thúc đẩy dòng chảy của thời trang.

Đặt ấn phẩm ???’? ????? ??????? – ??? ????? ????? chỉ với 99,000 VND tại ĐÂY:

Tham gia MEN’s FOLIO Fashion Clubhouse tại Facebook để cập nhật tất cả thông tin, hình ảnh mới nhất về thời trang thế giới và nội địa!

 

Related Article