Fashion in Music: 4 bài hát thời trang đáng nhớ trong lịch sử
Style

Fashion in Music: 4 bài hát thời trang đáng nhớ trong lịch sử

Chất liệu hữu hình luôn tạo ấn tượng dễ dàng vì chính yếu tố hữu hình của nó. Như sàn diễn thời trang được thiết kế lộng lẫy, xa hoa. Như bộ quần áo mĩ miều lướt qua mọi ánh nhìn. Như dàn người mẫu thần thái trên những bước đi. Nhưng sự thăng hoa sẽ không ở đó nếu ta quên ấn nút Play, để dòng chất liệu vô hình được chảy tràn khắp bầu không khí, gắn kết mọi vật hữu hình thành một khối sắc đẹp cộng hưởng, mãn nhãn và mãn nhĩ.

“Autobahn” của Kraftwerk cho bộ sưu tập Raf Simons Thu Đông 1998-1999

Xuất thân từ một “kẻ ngoại đạo”, Raf Simons là một trong những biểu tượng vững chắc của ngành thời trang với ý tưởng nổi loạn mà tài hoa. Đặc biệt, ông còn được nhớ đến như một gã si mê với âm nhạc. Hầu như tất cả bộ sưu tập của ông đều mang đậm cảm hứng âm nhạc, từ phần nhạc nền đến dấu ấn trên thiết kế. Với những ai đã theo dõi nhiều về ông, David Bowie là một trong những thần tượng lớn nhất mà Raf Simons luôn xem trọng. Tuy nhiên, bên cạnh một biểu tượng đại chúng như David, có một nhóm nghệ sĩ khác, đi sâu vào trong tâm niệm và quan điểm sáng tạo của Raf Simons một cách âm thầm, họ chính là Kraftwerk.

Kraftwerk là nhóm nhạc người Đức tiên phong trong thể loại âm nhạc điện tử, là tác giả của những album kinh điển như “Trans-Europe Express” hay “The Man-Machine”, tạo cảm hứng lớn cho các nghệ sĩ cùng ngành về sau. Năm 1975, nhóm nhạc phát hành single mang tên “Autobahn” (tạm dịch: hệ thống cao tốc quốc gia Đức). Là single thứ hai và cũng là cuối cùng trong album cùng tên, bài hát nói lột tả cảm giác của người tài xế khi phóng xe trên những cung đường cao tốc. Bài hát đánh dấu lần đầu tiên nhóm nhạc sử dụng lời cho một bài hát, và cũng là bản hit đình đám nhất của nhóm tại Mỹ, khi đạt vị trí thứ 25 trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100 năm ấy.

Những tưởng bài hát sẽ chỉ gói gọn tầm ảnh hưởng trong cộng đồng âm nhạc, năm 1998, Raf Simons gây chấn động cho làng thời trang thế giới với bộ sưu tập Thu Đông lấy cảm hứng hoàn toàn từ Kraftwerk và ca khúc đình đám năm 1975. Buổi trình diễn độc đáo từ cách dàn dựng đến thiết kế trang phục. Theo nhịp điệu của ca khúc “Autobahn”, dàn người mẫu bước xuống từ bậc thang cuốn với dáng đi như rô bốt, tạo nên khung cảnh vị lai rợn người. Look cuối cùng của màn trình diễn, dàn người mẫu đồng loạt bước ra trong bộ trang phục bản sao từ những bộ quần áo Kraftwerk đã mặc trên bìa album “The Man-Machine” năm 1978. Cũng chính tại bộ sưu tập này, Raf Simons đập tan đi mọi hoài nghi của công chúng về gã tay ngang chỉ biết làm đồ cho giới trẻ và thiếu sự tinh tế. Chỉ sử dụng hai gam màu đỏ và đen, ông lần đầu tiên giới thiệu những bộ skinny suit, áo khoác và quần dài được may đo tỉ mỉ và sắc sảo cho thương hiệu. Đây cũng là cột mốc mở đầu cho niềm đam mê thời trang may đo phá cách sau này của Raf.

Raf FW9-Model-15

“Navigate Navigate” của These New Puritans cho bộ sưu tập Dior Homme Thu Đông 2007

Năm 2007 là cột mốc đáng nhớ trong lịch sử thời trang, khi đây là năm cuối tại vị của Hedi Slimane tại chiếc ghế Giám đốc sáng tạo của Dior Homme, được Kim Jones đổi thành Dior Men từ năm 2018. Bất kể ở Dior, Saint Laurent hay hiện tại là Celine, Hedi Slimane luôn là chính mình với những thiết kế đậm phong cách punk/rock và tạo hình trẻ trung, điên loạn. BST Thu Đông 2007 tại Dior Homme cũng không là ngoại lệ, với dàn trang phục sắc đen chủ đạo, điểm nhấn là dòng áo khoác ngoài bóng bẩy cùng boots da sang trọng.

Và để thể hiện được sự nổi loạn của mình, Hedi Slimane đã tin tưởng nhóm nhạc These New Puritans non trẻ. Thành lập từ 2006, nhóm vẫn còn là một tên tuổi xa lạ, ở giai đoạn mở đầu của sự nghiệp. Họ theo đuổi phong cách nhạc rock pha trộn cùng chất electronic và experimental, hòa lẫn giữa màu sắc hiện đại và kinh điển. Nhưng cũng chính sự mới mẻ ấy mà nhóm đã lọt vào “mắt xanh” của Hedi, vốn luôn mặn mòi với những cá tính độc đáo và nền văn hóa ẩn sâu của xã hội. Bài hát thời trang “Navigate Navigate” ra đời chỉ trong một tuần, với thời lượng lên đến 16 phút – bài hát dài nhất These New Puritans từng sáng tác. Sau buổi diễn, không ít lời tán dương dành cho cả Hedi và nhóm nhạc trẻ tuổi. Từ đó, Hedi Slimane bắt đầu “bôn ba” sang Saint Laurent rồi đến Celine. Tháng 2/2021, bộ đôi chính thức tái xuất trong BST Thu Đông 2021 “Teen Knight Poem” của Celine Homme. Lần này, These New Puritans xuất hiện ở một nghệ danh khác là “The Loom”.

“Em Muốn” của Tia Hải Châu, chỉ đạo sản xuất bởi Trần Dũng cho bộ sưu tập Công Trí Xuân-Hè 2018

Nếu có một nhà thiết kế thời trang người Việt nào đủ sức sánh vai cùng các đồng nghiệp quốc tế, thì đó chính là Công Trí. Đằng sau dáng vẻ điềm đạm, trầm tư của người đàn ông khiêm tốn là một tâm hồn bay bổng và tâm huyết vì cái đẹp. Thời trang Công Trí luôn hướng đến sự thanh lịch, chỉn chu và tỉ mỉ. Ông cũng chính là nhà thiết kế người Việt đầu tiên trình diễn tại New York Fashion Week – một trong bốn tuần lễ thời trang nổi tiếng nhất thế giới. Và tất nhiên, đằng sau những thành tựu vô tiền khoáng hậu ấy không thể thiếu một đội ngũ trong mơ với những cá thể tài giỏi ở từng lĩnh vực. Nhắc đến âm nhạc tại các show diễn của Công Trí, chúng ta không thể bỏ qua Trần Dũng.

Trần Dũng, hay được biết đến là DJ N.E.O, là một nhà sản xuất âm nhạc có kinh nghiệm tại nhiều chương trình thời trang. Anh đã từng “chinh chiến” tại các sự kiện Miss Universe trước khi chính thức hợp tác cùng NTK Công Trí qua lời mời từ nhạc sĩ Đức Trí. Năm 2018, Công Trí trình làng bộ sưu tập Xuân-Hè với tên gọi “Coco dấu yêu”. Bộ sưu tập là lời tri ân sâu sắc của ông đến Coco Chanel, một trong những biểu tượng vĩ đại của ngành thời trang quốc tế. Với những thiết kế đậm chất nữ tính và sang trọng, Công Trí muốn tìm kiếm một màu nhạc đủ cá tính và phù hợp tinh thần của Coco. Trần Dũng cho ông nghe qua tất cả những bài hát mình từng làm, và Công Trí chọn ngay bài hát “Em Muốn” từ những giây phút đầu tiên. Phối khí đậm chất đương đại cùng giọng hát huyền ảo của Tia Hải Châu đã thuyết phục Công Trí hoàn toàn. Tại buổi trình diễn, những chiếc áo dài cách tân theo phong cách Coco trở nên lung linh trên nền nhạc bay bổng của Trần Dũng. Ca khúc nói riêng và show diễn nói chung nhận được rất nhiều lời tán dương khi ấy. Cũng từ đó, Công Trí tìm ra người đồng hành lâu dài trong âm nhạc thời trang. Trần Dũng tiếp tục làm việc cùng Công Trí đến thời điểm hiện tại. Anh là người đứng sau những bản nhạc nền cho show Công Trí, kể cả những buổi trình diễn tại New York Fashion Week.

“PLANNINGTOKENZO” của Planningtorock cho bộ sưu tập Kenzo Thu Đông 2021

Ngày 4/10/2020, nhà thiết kế vĩ đại Kenzo Takada qua đời trong đầy sự nuối tiếc của giới mộ điệu. Mang tinh thần trẻ trung và khai phá sự tự do, Kenzo Takada là nguồn cảm hứng vô tận của nhiều nghệ sĩ từ phong cách thiết kế đến những ý tưởng dị biệt ông đem vào sàn diễn thời trang.

Ngày 26/3/2021, Kenzo, dưới sự dẫn dắt của Oliveira Baptista, chính thức trình làng BST Thu Đông 2021 nhằm tri ân nhà sáng lập quá cố tài ba. Đầy sắc màu và mộng mơ, Oliveira biến những phom dáng kinh điển đậm chất siêu thực của Kenzo Takada trở thành thời trang đường phố kiểu mới của thế kỷ 21. Cùng một tinh thần luôn luôn lạc quan, không biết sợ hãi. Và để có thể truyền tải tối đa tinh thần ấy, vị Giám đốc Sáng tạo người Pháp đã chọn Planningtorock – nhạc sĩ người Anh nổi tiếng với phong cách electropop, đậm cảm hứng retro của giai đoạn 1970 -1990.

Không chỉ vậy, Planningtorock còn là người đấu tranh quyết liệt cho quyền tự do giới tính qua các tác phẩm cá nhân. Sự đồng điệu ấy đã đem cô đến với show diễn thời trang đầy ý nghĩa này. Bài hát thời trang “Kenzo, always” góp phần mang đến sự uyển chuyển, lả lướt, và một tinh thần khát khao tự do mãnh liệt đến những nhân vật tại buổi diễn.

Lắng nghe 4 bài hát thời trang đáng nhớ trên Spotify:

Đặt ấn phẩm ???’? ????? ??????? – ??? ????? ????? chỉ với 99,000 VND tại ĐÂY:

Tham gia MEN’s FOLIO Fashion Clubhouse tại Facebook để cập nhật tất cả thông tin, hình ảnh mới nhất về thời trang thế giới và nội địa!

 

Related Article