Tác phẩm nghệ thuật của đạo diễn Denis Villeneuve có thể ví như một thiên tình sử, ở đó có đầy đủ những nguyên tố tạo nên sức sống, thông qua thời không gian của một hành tinh cát!
(bài viết tiết lộ chi tiết nội dung phim)
Theo dấu gia tộc
Kết thúc phần phim đầu tiên vào năm 2021, “Dune” ngay lập tức trở thành “tượng đài điện ảnh” của Denis – kẻ chuyên trị vì thể loại phim khoa học viễn tưởng mà điển hình là việc làm “sống” lại tác phẩm kinh điển “Blade Runner” trước đó. Câu chuyện của “Dune” – hành tinh cát, tưởng chừng diệu vợi nhưng thực ra lại gần gũi và dễ thấm thấu, khi xoay quanh nó vẫn là quyền lực trong lòng bàn tay con người, và chỉ có con người mới đủ khả năng xoay chuyển vận mệnh. Nối tiếp hành trình còn dang dở ở phần một, Paul Atreides cùng mẹ Jessica đang mang thai, trú ngự trong hành tinh Arrakis – một xã hội thu nhỏ của những người Fremen bao gồm Chani – người con gái Paul cảm mến, và Stilgar – vị chỉ huy, kẻ cậy nhờ vào niềm tin xác tín với đấng cứu thế mà ông tin rằng Paul đang là ứng cử viên tiềm năng.
Cũng trong tập phim mới nhất này, Denis Villeneuve tiết lộ nhiều hơn một chi tiết về Paul Atreides – chàng công tước đang phải gánh trên vai chiếc áo quá nặng, kể từ sau khi cha mình qua đời vì âm mưu thôn tính các gia tộc của vị hoàng đế thâm hiểm. Một mặt, câu chuyện tách rời Paul và mẹ Jessica dẫn đến cuộc xung đột nội tâm giữa chính anh và người mẹ của mình; mặt khác tác phẩm xoáy sâu vào số mệnh của Paul buộc anh phải lựa chọn trở thành kẻ trị vì “Lisan al Gaib” của người Fremen, mặt khác chấp nhận thân phận thật sự đằng sau mẹ Jessica và người cha mà anh tôn kính Leto Atreides. Đấy là chưa kể ẩn tình giữa Paul và Chani, cùng nhân vật bí hiểm là công chúa Irulan cũng tạo cơ hội cho phần phim này trưng trổ, tỏa sáng và lôi cuốn người xem vào trong tầng nghĩa các câu chuyện đan cài.
Xuất thân của Paul có tác động gì đến vai trò là người dẫn đường cho dân Fremen? Anh có khám phá ra lí do vì sao gia tộc mình, đặc biệt là người cha Leto, bị hành quyết ở phần một bộ phim? Trong suốt quá trình xây dựng niềm tin và tình yêu với Chani, Paul luôn bị giằng co giữa việc bảo vệ người thương và trách nhiệm với người dân, cũng như vâng lời mẹ Jessica – giờ đây trở thành Mẹ chí tôn mang nhiều bí mật và quyền năng mà Paul vẫn còn hoài nghi về bản ngã? Cuộc chiến với Nam tước Baron Harkonnen liệu có ngã ngũ, và liệu còn cản trở nào trên bước đường để Paul trở thành “Lisan al Gaib”?
Nam quyền sẽ thất thủ?
So với hình ảnh có phần bị động ở phần một, giờ đây Paul Atreides sớm trở nên kiên cường và bất khuất, có thể tự mình lèo lái những con sâu cát khổng lồ, tồn tại ở hành tinh Arrakis mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Lần đầu tiên, người ta thấy Paul phát huy sức mạnh không chỉ bằng hành động, mà còn bằng câu từ, lời nói, âm độ vang rộng, quyết liệt và dứt khoát… như thể một người hùng đứng lên đấu tranh vì dân tộc. Mặc dù luôn bị đốc thúc bởi người mẹ Jessica, Paul vẫn cố gắng đi theo những giấc mơ báo mộng, tạm gọi là lý tưởng và chân lý mà anh mang theo. Paul có thể phải hoặc không phải Đấng cứu thế mà người Fremen trông chờ, song đúng như Chani đã từng thổ lộ, Paul mang dáng vẻ của sự chân thành, và điều đó có thể giúp anh chiến thắng kẻ ác.
“Dune 2” không chỉ mô phỏng tính nam của Paul trỗi dậy mạnh mẽ, tác phẩm còn rẽ hướng sang vai trò của người phụ nữ ở trong thế giới nơi mà đàn ông đang phần lớn nắm quyền (với sức mạnh phi thường). Mẹ Jessica, Chani, hay thậm chí công chúa Irulan, Lệnh bà Margot… đều thật sự mang thông điệp “lái” cánh mày râu đi theo mục đích của họ. Ta thấy Lệnh bà Margot – một thành viên của tổ chức Bene Gesserit, chỉ bằng ánh mắt, đôi môi cũng đủ sức thu phục “con mồi” Feyd-Rautha hay Chani – cảm xúc của cô đủ khả năng khiến Paul phải thay đổi quyết định; đặc biệt nhất là Jessica – sau khi trở thành Mẹ chí tôn, liền thủ vai trò quan trọng trong việc khai phá nhiều chi tiết “giải mã” nội dung phim, giúp người xem hiểu qua về tôn giáo, chính trị…
Đấy là chưa kể, Denis Villeneuve còn “nhá nhẹ” chi tiết về người em gái Paul (vẫn chưa chào đời), người có khả năng trở thành thủ lĩnh mới của các gia tộc, đi đến hồi kết tốt đẹp nhất. Nhân vật này vừa là hiện tại, cũng vừa là tương lai của Paul, khi có khả năng trò chuyện cùng anh trai mình ngay từ lúc còn trong bụng mẹ, dẫn lối để Paul hoàn thành sứ mệnh. Paul nhìn chung, đang là kẻ mở đường, khiến cho người Fremen tin răm rắp (ngoại trừ Chani), nhưng anh sẽ đi tiếp ra sao, đến đâu… còn phụ thuộc vào những người phụ nữ trong giấc mơ báo mộng. Chưa biết phần ba sẽ là trận Thánh Chiến tôn sùng Paul, hay chính nó cướp đi quyền trở thành Đấng cứu thế của anh!
“Hội chứng Chala”
Năm ngoái, vào mùa Lễ hội, “Wonka” trở thành “siêu sao” cứu rỗi doanh thu phòng vé và từ đó, cụm từ “Hội chứng Chala” trở nên thịnh hành trên mạng xã hội, cụm từ này nhằm ám chỉ sức hút khó cưỡng của tài tử Timothée Chalamet – chàng Paul Atreides nam tính và điển trai. Điều này có nghĩa rằng, doanh thu tuần mở đầu của “Dune 2” tại thị trường Mĩ hiện rất khả quan, và nó kéo dài sang các quốc gia khác trong tuần công chiếu thứ hai. Phần một của phim chỉ mang về gần 500 triệu USD, tuy là con số khả quan nhưng chưa ấn tượng, tuy nhiên với phần trăm đặt vé giảm khá thấp, “Dune 2” nhiều triển vọng chạm tới mốc doanh thu tương tự phim “Oppenheimer” năm ngoái.
“Dune 1” đã có đời sống trọn vẹn với 6 giải Oscar hồi 2022, trở thành phim nổi tiếng nhất của Timothée, vượt trên cả phim diễm tình “Call Me By Your Name”. “Dune 2” nhiều khả năng xây dựng anh trở thành siêu anh hùng mới ở Hollywood, và là dấu ấn khó quên trong sự nghiệp diễn xuất, bất chấp việc nó có thể đưa Timothée đến với các dự án siêu anh hùng “xôi thịt” mà ít chất xám, hiện đang “thất sủng” vì cạn kiệt ý tưởng. Những kiểu phim siêu anh hùng “ăn xổi”, kém tư duy… có thể khiến tài tử trẻ lao vào kiếm tiền thay vì lựa chọn các dự án nghệ thuật nâng cao tay nghề diễn xuất. Chính Timothée tiết lộ với báo giới rằng tài tử Leonardo từng khuyên anh không nên sử dụng chất cấm và đóng phim siêu anh hùng.
Loạt phim “Dune” thực chất là phim sci-fi mang tính sử thi, với vai trò người hùng được xây dựng sâu sắc dựa trên bản dạng giới của sức mạnh nam tính và tư duy logic. Đó cũng là yếu tố giúp bộ phim tạo được thiện cảm, sự thấu hiểu nơi người xem bởi suy cho cùng, con người đều phải trải qua mọi cung bậc nhỏ nhặt nhất để tiến đến cảm xúc lớn mạnh hơn. Rốt cuộc, Paul có vì Chani hay vì ý thức hệ lớn lao hơn? Câu hỏi này có thể được hồi đáp ở phần phim thứ ba.
Về hình thức, Timothée Chalamet từ lâu đã được ví von như vẻ đẹp kiểu mới ở Hollywood, pha trộn giữa sự cổ điển và các đường nét “vượt thời gian”. Mái tóc, màu mắt là hai trong số những đặc điểm tạo nên tính lãng mạn ở nhan sắc này, khiến nó dung hòa hiệu quả tính thi vị hóa câu chuyện phim, bằng cảnh Paul và Chani khiêu vũ trên cát, hay mường tượng trước mặt họ là bao la biển chứ không phải đồi cát trải dài…
Điểm lại các yếu tố giúp “Dune 2” ăn khách, ngoài Timothée Chalamet và Denis Villeneuve, những tên tuổi còn lại đều làm tốt vai trò được giao, trong đó nổi bật nhất là Rebecca Ferguson – người thủ vai mẹ Jessica, sở hữu nhiều phân cảnh ấn tượng, có độ “ép-phê”; và tài tử mới nổi Austin Butler với tạo hình và cá tính có sức hút… Dàn diễn viên nữ phụ tuy xuất hiện chớp nhoáng nhưng đều để lại dư âm bao gồm Léa Seydoux, Souheila Yacoub… Riêng Florence Pugh và Anya Taylor-Joy có nhiều khả năng xuất hiện trở lại ở phần ba với vai trò then chốt.
Tiêu tốn 200 triệu USD kinh phí, “Dune 2” cho thấy nhiều bối cảnh hoành tráng, kỹ xảo thượng thừa và phần hòa thanh, nhạc nền xuất chúng, bổ trợ khắng khít, tạo cảm xúc cho người xem. Tuy mạch phim diễn giải khá chậm (slow-burn) song Denis Villeneuve luôn biết cách gieo vào lòng khán giả những tiểu tiết, chi tiết… giúp phim luôn cân bằng giữa hành động, căng thẳng… cảm xúc, sự cô đọng… từ đó cấu thành tác phẩm nghệ thuật đạt tới độ tinh tế, giải trí cao cấp.