Là huấn luyện viên đội tuyển Skateboard Việt Nam tại SEA Games 30 và được cộng đồng skateboard đánh giá là tay chơi trượt ván số 1 Việt Nam, nhưng Đỗ Ngọc Linh chưa lúc nào thôi luyện tập chỉ vì “ghét” cảm giác mình không tiến bộ hơn từng ngày.
Say mê những chiếc ván trượt từ các chương trình truyền hình hay phim ảnh chủ đề đường phố, Đỗ Ngọc Linh (sinh năm 1990) bắt đầu làm quen với ván trượt 20 tròn 20 năm về trước. “Dù trước đó ở Hà Nội có phong trào trượt patin, nhưng với tôi ván trượt thoải mái hơn, cảm giác cũng bay hơn.” Linh nhớ về những ngày bắt đầu luyện tập, ở Hà Nội chỉ có khoảng 30 người tập trượt ván, và biết đến nhau nhờ việc cùng tập trung chơi ở công viên Lenin lúc bấy giờ, nơi có không gian rộng, mặt sàn phẳng, nên tất cả những người mới bắt đầu trượt đều tìm đến khu vực này để thực hành các động tác cơ bản.
15 năm gắn bó với skateboard mang đến cho Linh cơ hội tham dự những giải đấu trong mơ như Thrasher King of Road tại Trung Quốc, Chung kết thế giới ở Nam Phi, thậm chí năm 2017 anh được một thương hiệu ván trượt Mỹ mời sang New York để quay phim tài liệu về trượt ván “Linh Do in NYC”. Nhiều người chơi skateboard, nhưng không phải ai cũng có thể tiến đến nấc thang chuyên nghiệp và đạt được những thành tích như vậy, Linh nói lý do có lẽ ở việc thực sự muốn gắn bó nghiêm túc với trượt ván chứ không phải hình thức giải trí hay tập luyện thể thao đơn thuần.
Nếu vận động viên trượt ván người Mỹ Rodney Mullen nói rằng skateboard với anh ta cũng như thiền định, thì Linh thấy nó phức tạp hơn như vậy. Hôm thì Linh trượt trong tâm thế thoải mái, khi lại thấy căng thẳng, nhất là những lúc không thấy mình tiến bộ hay có gì mới mẻ. Căng thẳng, rồi thấy mình phải vượt qua nó bằng nỗ lực hơn, rồi cái sự vui nó đến sau, như vậy mới là kiểu của Đỗ Ngọc Linh. Nhiều người sẽ ngạc nhiên khi nghe nói một Huấn luyện viên đội tuyển quốc gia như Linh vẫn dành ra ít nhất 3-4 tiếng mỗi ngày cho việc luyện tập kĩ thuật, “giờ với tôi nó vừa giống thói quen vừa là nguyên tắc tôi tự đặt ra cho mình.”
Anh còn nhớ những ngày đầu tiên tiếp xúc với trượt ván? Và thời điểm khi anh bắt đầu tập chuyên nghiệp?
Nếu là lần đầu tiên tôi trượt thì là năm 2001, còn nếu bắt đầu tập hẳn hoi thì là 2004. Ở thời điểm đó ở Hà Nội chắc chỉ có khoảng 30 người tập môn này. Lúc đó tôi nhớ Internet chưa phát triển lắm, mọi người cũng không có điện thoại di động nhiều, chủ yếu là điện thoại bàn. Bọn tôi chỉ biết là mọi người hay tụ tập chơi ở đấy, như Công viên Lenin mà bây giờ gọi là Công viên Thống Nhất chẳng hạn. Khi thấy tôi tập thì bố mẹ tôi tất nhiên là lo lắng, bởi thời ba mẹ trước kia thì chỉ muốn con cái đi học đại học, có công việc ổn định. Chơi trượt ván được xếp vào hạng “những thứ có thể làm con cái học tập kém đi”. Bây giờ mọi người nghĩ khác hơn rồi.
Theo anh, trượt ván dành cho tất cả những người yêu thích hay chỉ cho những người có năng khiếu nhất định?
Ai cũng chơi được cả. Năng khiếu cũng chỉ chiếm 5-10% thôi. Cái gì cũng cần phải có sự luyện tập trong khoảng thời gian dài mới có thể tiến bộ được. Ví dụ như bây giờ tôi vẫn tập hàng ngày.
Trong quá trình tập luyện anh Đỗ Ngọc Linh đã từng gặp phải tai nạn hay chấn thương nặng nào không?
Tôi may mắn chưa gặp phải tai nạn nào được coi là quá khủng khiếp. Nhưng trượt chân té ngã, trầy xước chỗ này chỗ nọ thì nhiều.
Những kiểu địa hình trượt ván yêu thích của anh?
Nó tùy giai đoạn. Khi 24-25 tuổi thì tôi thích trượt nhảy ở chỗ có địa hình cao. Bây giờ thì tôi chuộng kỹ thuật hơn là nhảy xuống cầu thang các thứ. Nhưng chung qui đều ở ngoài trời vì ở Hà Nội hay thậm chí Việt Nam chưa có sân trượt nào trong nhà đủ tiêu chuẩn cả. Những yêu cầu cần với địa hình trượt ván gồm thứ nhất, nó phải rộng; thứ hai là mặt sàn phải tốt, phải phẳng và mịn. Những người mới tập thì chỉ tập đi, tập những động tác cơ bản, vậy nên địa điểm trượt phải có địa hình thuận tiện cho việc đó.
Từ vận động viên trở thành huấn luyện viên đội tuyển quốc gia, hai vị trí ấy khác nhau như thế nào về mặt quá trình, cảm giác?
Huấn luyện viên trượt ván không giống như huấn luyện viên đá bóng hay boxing. Môn này về căn bản không phải là môn có thể huấn luyện được. Vì kĩ thuật và cách mọi người đặt cơ thể lên tấm ván khác nhau, tùy vào cơ địa cơ thể. Chẳng hạn như hình dáng bàn chân, lòng bàn chân khác nhau thì sẽ dẫn đến kỹ thuật khác nhau. Vì vậy, mọi người phải tự cảm nhận. Công việc của huấn luyện viên thì chủ yếu là về mặt tâm lý và sắp xếp công việc, thứ tự kỹ thuật. Về phần các vận động viên thì các bạn ấy đã biết làm chủ các kỹ thuật ấy theo cách của mình rồi. Các vận động viên có người có chiến thuật, chiến lược cho riêng mình, nhưng có những người sẽ không có khả năng đó.
Công việc của tôi trong đợt dẫn SEAGAMES năm đó thiên về quản lý nhiều hơn là huấn luyện. Tôi đảm bảo cho các bạn ấy tập nhiều, tập theo một lộ trình, chiến thuật nhất định, chia sẻ những kinh nghiệm thi đấu trước kia. Đi thi đấu sẽ khác so với tập chơi theo tiêu chuẩn bình thường. Đi thi đấu sẽ yêu cầu về độ chắc, vì các bạn chỉ có 45 giây thôi. Tôi không thể bắt các bạn khi ra sân phải làm cái này cái kia theo ý tôi, giây phút ra sân nếu các bạn cảm nhận được mình làm tốt cái này cái nọ thì các bạn cứ làm thôi.
Mức độ của người chơi trượt ván ở Việt Nam đang nằm ở đâu so với các bạn quốc tế nói chung và Đông Nam Á nói riêng?
Các bạn chơi trượt ván ở Việt Nam đang có rất nhiều triển vọng. Vận động viên ở Việt Nam vốn có thế mạnh trong các môn yêu cầu sự khéo léo hơn là thể lực, vì vậy họ trượt vẫn đẹp khi đặt chung với các bạn quốc tế, nhưng về mặt trình độ thì chưa bằng. Lý do liên quan nhiều đến điều kiện tập luyện chưa phát triển. Các bạn ở đây thì chỉ có sân trong công viên, ở ngoài đường nên bị hạn chế rất nhiều. Đúng là về bản chất đây vẫn là môn đường phố. Tất cả mọi quốc gia đều bắt nguồn từ đường phố như vậy, kể cả Mỹ cách đây hai ba chục năm cũng thế, chỉ đến sau này họ mới bắt đầu xây dựng sân trượt đủ tiêu chuẩn. Và nó còn liên quan đến độ tuổi nữa. Ở Mỹ người ta chơi trượt ván từ hồi 4-5 tuổi, hoặc như Trung Quốc thì bắt đầu lúc 6-7 tuổi.
Anh Đỗ Ngọc Linh nghĩ sao về tính trình diễn trong bộ môn trượt ván?
Nói theo từ chuyên môn thì trượt ván là bộ môn trình diễn chứ không phải là môn thi đấu. Đi thi đá bóng hay boxing về còn biết mình thắng hay thua. Còn ở trượt ván, kể cả một người chơi trượt ván 14-15 năm và chơi rất giỏi, chính họ cũng chưa dám nhận mình thắng ai cả. Nó cũng thuộc về tư duy và tư tưởng của từng người. Có người muốn nhìn môn này theo kiểu thi đấu thì đương nhiên họ sẽ quan tâm đến chuyện thắng thua. Trượt ván không có qui luật gì về việc bạn phải biểu diễn thế này mới đẹp hay bạn phải thể hiện ra sao. Nó chỉ đa dạng về phong cách thôi. Mỗi người có phong cách khác nhau, nó liên quan đến cách họ nghe nhạc, chọn giày,…
Làm sao để tập trung khi bên ngoài có quá nhiều tiếng ồn khi luyện tập và thi đấu trượt ván? Đó là kĩ năng có thể luyện tập hay thuộc về bản năng?
Chuyện này cũng tùy người. Có người thì cần phải tập luyện. Có người thì tiếng ồn không là vấn đề gì với sự tập trung, càng đông người lại càng hào hứng, càng vui. Nói chung thì cứ tâm lý thoải mái, rồi bạn sẽ tự động tập trung. Trong thi đấu cũng có người nghe nhạc có người không. Người nghe nhạc thường là vì họ muốn tập trung, hạn chế nghe các tiếng ồn bên ngoài và tăng độ hưng phấn. Tôi thì không nghe nhạc, vì thích nghe tiếng ván hơn là tiếng nhạc. Lúc thi đấu tôi chỉ thích nghe xem MC nói gì, bạn bè tôi ở ngoài hò hét như thế nào thôi.
Tôi tò mò khi trượt ván, anh thường có tâm trạng như thế nào?
Có lúc thoải mái có lúc stress. Stress thường là vì mình không có kỹ thuật mới, không tiến bộ và chỉ dậm chân tại chỗ. Tôi không thích cảm giác “bấy nhiêu được rồi, chủ yếu chơi vui vui”.
Theo anh Đỗ Ngọc Linh, yếu tố nào đã quyết định những thành công của những vận động viên trượt ván?
Thứ nhất nó liên quan tới chuyện bạn nhìn nhận giá trị của môn trượt ván theo hướng nào. Ví dụ, nếu bạn coi nó là một thú vui giải trí giống như việc chạy bộ buổi sáng, thì thành tích của bạn cũng chỉ dừng lại trong phạm vi của một thú vui thôi. Còn nếu trượt ván đối với bạn quan trọng như là công việc và sự nghiệp cả đời, thì thành tích của bạn cũng vì thế mà to lớn hơn. Tôi thì không hẳn là coi nó như môn thi đấu đâu. Thậm chí khi thi đấu tôi cũng chọn theo đúng sở trường của mình. Nếu không thi đấu thì tôi chỉ đến nói chuyện với bạn bè và quan sát họ chơi.
Phong cách trượt ván hiện tại của anh là gì? Nó đã thay đổi như thế nào so với trước đây?
Tôi tập nghiêng về kĩ thuật, chứ không theo đuổi freestyle. Kỹ thuật thường gắn với địa hình: đường phố, lòng chảo, từ bên này qua bên kia. Tôi chủ yếu tập trên địa hình đường phố nên kỹ thuật của tôi sẽ tập trung vào slide, ….
Hiện tại, việc trượt ván hàng ngày với anh là một thói quen hay là một nguyên tắc tập luyện?
Cả hai! Sau giai đoạn lockdown, sẽ cảm thấy hơi khó chịu khi bắt đầu trở lại tập luyện được 1-2 tuần. Vì trượt ván là môn thiên về kỹ thuật nhiều nên sẽ mất mấy ngày để phục hồi lại. Khi bạn đã làm cái gì đó lâu năm mà bỗng dưng bị nghỉ, không được làm nữa thì cảm giác khó chịu là điều tất nhiên.
Xem bài viết này trên Instagram
Theo anh Đỗ Ngọc Linh, trượt ván có ảnh hưởng hoặc nó thể hiện tính văn hóa đường phố như thế nào?
Trong cộng đồng trượt ván, mọi người chơi với nhau theo nhóm quyết định bởi trình độ và phong cách. Chẳng hạn, người muốn trượt ván theo hướng thi đấu sẽ thường gom lại với nhau, hoặc người quan tâm đến ăn mặc thời trang trượt ván nhiều hơn kĩ thuật cũng sẽ gom lại với nhau. Không khí trượt ván cũng tùy vào văn hóa của từng nơi. Có nơi ra sân tập mọi người thích yên ắng tập trung hơn. Có nơi lại ồn ào náo nhiệt hơn. Tôi thì không nghĩ trượt ván du nhập vào Việt Nam là nhờ vào văn hóa đại chúng như nhạc hay phim ảnh, nhưng cũng có thể nó là lí do khiến một số người hứng thú với bộ môn này.
Cảm ơn anh vì những chia sẻ thú vị!
Bài viết thuộc ấn phẩm MF#7 – The Street Culture Issue. Đặt mua ấn phẩm tại ĐÂY:
Tham gia MEN’s FOLIO Fashion Clubhouse tại Facebook để cập nhật tất cả thông tin, hình ảnh mới nhất về thời trang thế giới và nội địa!