Dù đề tài gia đình có vẻ quen thuộc, các nhà làm phim vẫn không ngừng tìm tòi những góc nhìn mới lạ để tạo nên sự độc đáo và hấp dẫn. Thay vì lặp lại những câu chuyện đã quá quen thuộc, họ thường kết hợp thêm nhiều yếu tố, chủ đề khác nhau để tạo nên những tác phẩm đa dạng và bất ngờ.
1. Xoáy sâu mâu thuẫn thế hệ
Ra mắt vào năm 2021, “Bố Già” đánh dấu bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của Trấn Thành khi ông chính thức trở thành đạo diễn. Với “Bố Già”, Trấn Thành đã khắc họa hình ảnh Ba Sang – một người cha đầy yêu thương nhưng cũng đầy những nỗi lo toan, cô đơn. Bộ phim không chỉ là câu chuyện về một gia đình mà còn là bức tranh chân thực về cuộc sống của những người đàn ông trung niên khi đối mặt với những áp lực của xã hội và sự thay đổi của thời đại.
Với thông điệp sâu sắc về tình cha con và ý nghĩa gia đình, “Bố Già” đã trở thành hiện tượng phòng vé khi thu về doanh thu 427 tỷ đồng. Ra mắt vào thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, bộ phim không chỉ mang đến những tiếng cười, những khoảnh khắc xúc động mà còn góp phần sưởi ấm trái tim của hàng triệu khán giả.
Tiếp nối thành công của “Bố Già”, “Nhà bà Nữ” của Trấn Thành cũng khai thác những câu chuyện gia đình gần gũi. Bộ phim xoay quanh việc xây dựng chân thực những mâu thuẫn thế hệ thường gặp trong các gia đình Việt, đồng thời gửi gắm thông điệp ý nghĩa về sự thấu hiểu và dung hòa. Tiếp nối “Bố Già”, “Nhà bà Nữ” xuất sắc mang về doanh thu ấn tượng với 475 tỷ đồng.
Đầu tư gần 50 tỷ đồng, “Mai” của Trấn Thành tiếp tục mang đến một trải nghiệm điện ảnh đầy cảm xúc về đề tài gia đình. Bộ phim không chỉ gây ấn tượng bởi hình ảnh đẹp mắt mà còn bởi câu chuyện sâu sắc về cuộc đời của Mai, một người phụ nữ phải đối mặt với những định kiến xã hội. Qua nhân vật Mai, Trấn Thành đã khơi gợi những suy ngẫm về tình yêu, sự đồng cảm và ý nghĩa của cuộc sống.
Dù khoác lên mình lớp áo của một câu chuyện tình yêu, “Mai” thực chất vẫn xoay quanh những vấn đề gia đình quen thuộc mà Trấn Thành đã từng khai thác thành công ở “Bố Già” và “Nhà bà Nữ”. Bằng cách này, đạo diễn đã khéo léo đưa khán giả đến gần hơn với những câu chuyện đời thường, nơi mỗi người đều có thể bắt gặp một phần của mình trong đó.
2. Sự xung đột giữa tình mẫu tử và sự trưởng thành
Ra mắt vào tháng 4/2024, “Lật mặt 7: Một điều ước” đã đánh dấu sự khác biệt trong series “Lật mặt” của Lý Hải. Mặc dù vẫn giữ lại một số gương mặt quen thuộc từ phần 6, bộ phim đã có một bước chuyển mình khi từ các yếu tố hành động, hài hước sang khai thác sâu hơn về tình cảm gia đình. Khác với hai phần phim trước đó là “Lật mặt 4: Nhà có khách” và “Lật mặt 5: 48H”, nơi yếu tố gia đình chỉ đóng vai trò phụ trợ, “Lật mặt 7” đặt câu chuyện về trách nhiệm với cha mẹ lên hàng đầu, tạo nên một góc nhìn mới mẻ và sâu sắc .
Với “Lật mặt 7: Một điều ước”, nhân vật trung tâm là bà Hai, một người mẹ già có 5 người con. Cuộc sống của bà bình yên cho đến khi biến cố ập đến, đặt ra câu hỏi: Ai sẽ là người chăm sóc bà khi tuổi già sức yếu? Qua câu chuyện của bà Hai, bộ phim đã phơi bày một bức tranh đa chiều về tình cảm gia đình, nơi tình yêu thương, sự hy sinh đan xen với những nỗi lo toan và cả sự vô tâm của con cái.
Bộ phim không lên án bất cứ đứa con nào mà đặt góc nhìn đầy cảm thông với những vất vả, cay cực họ phải đối diện giữa cuộc đời, khắc họa rõ nét sự bất lực giữa mong muốn báo hiếu và nỗi lo thường nhật của họ. Từ đó, khán giả có thể dễ dàng nhận ra bóng dáng của gia đình mình trong những tình huống éo le mà bà Hai phải đối mặt, từ những gia đình giàu có, thành đạt cho đến những gia đình nghèo khó, vất vả mưu sinh.
Dù không có những tình tiết kịch tính hay nhân vật phản diện điển hình, “Lật mặt 7” vẫn giúp khán giả trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc. Những nút thắt trong kịch bản được cài đặt khéo léo, đưa người xem từ nỗi xót xa này đến nỗi đau đớn khác. Điều này đã khiến bộ phim mang về doanh thu ấn tượng với hơn 400 tỷ đồng sau 3 tuần ra mắt.
3. Dạy con tử tế giữa sự khắc nghiệt của cuộc đời
Khác với những tên tuổi như Trấn Thành và Lý Hải đã nhanh chóng tạo dựng được chỗ đứng trong lĩnh vực điện ảnh, đạo diễn Vũ Thành Vinh lại chọn một con đường đi chậm rãi và chắc chắn hơn. Sau 25 năm, ông chính thức ra mắt dự án điện ảnh đầu tiên “Hai Muối”, ra mắt vào dịp lễ 02/09 vừa qua. Đây cũng là bộ phim đánh dấu sự trở lại của nghệ sĩ Quyền Linh sau 20 năm vắng bóng trên màn ảnh rộng.
Lấy bối cảnh làng muối ấp đảo Thiềng Liềng huyện Cần Giờ, “Hai Muối” kể về câu chuyện cảm động của cô gái trẻ Muối (Huỳnh Bảo Ngọc). Mồ côi mẹ từ nhỏ, Muối lớn lên trong vòng tay yêu thương của cha – ông Hai Muối (Quyền Linh). Cuộc sống lam lũ ở làng muối đã hun đúc nên một cô gái mạnh mẽ, luôn khát khao vươn lên. Tuy nhiên, con đường theo đuổi ước mơ ở thành phố đã đặt ra nhiều thử thách cho cô.
“Hai Muối” không chỉ là câu chuyện về hành trình trưởng thành của cô Muối mà còn là bức tranh chân thực về sự xung đột giữa hai thế hệ. Ông Hai, đại diện cho những giá trị truyền thống, luôn mong muốn con gái mình sống cuộc sống bình yên bên gia đình. Ngược lại, Muối, với khát khao vươn xa, lại luôn tìm kiếm những cơ hội mới ở thành phố. Sự khác biệt trong suy nghĩ và lối sống đã tạo nên những mâu thuẫn sâu sắc trong mối quan hệ cha con.
Bên cạnh việc khai thác sâu vào mối quan hệ cha con, “Hai Muối” còn thành công trong việc khắc họa rõ nét sự đối lập giữa lối sống giản dị, bình yên ở làng quê và nhịp sống sôi động, đầy cám dỗ của thành phố. Chính sự xung đột này đã tạo nên những tình huống trớ trêu và cảm động, để lại ấn tượng trong lòng khán giả. Dù cốt truyện đơn giản về tình phụ tử, “Hai Muối” vẫn chinh phục khán giả và đạt được doanh thu ấn tượng chỉ sau vài ngày công chiếu.
4. Sử dụng yếu tố tâm linh để kể chuyện gia đình
Khác với những bộ phim kinh dị truyền thống, “Làm Giàu Với Ma” của đạo diễn Nguyễn Nhật Trung khéo léo sử dụng yếu tố tâm linh để kể một câu chuyện gia đình đầy cảm xúc. Nội dung phim xoay quanh nhân vật Lanh (Tuấn Trần), một thanh niên ham mê cờ bạc, đã lao đầu vào những cuộc đỏ đen để kiếm tiền nhanh chóng. Trong một lần chạy trốn chủ nợ, anh tình cờ gặp gỡ hồn ma Na (Diệp Bảo Ngọc) và cả hai đã lập ra một giao kèo đầy rủi ro. Na sẽ giúp Lanh kiếm tiền, đổi lại, Lanh phải giúp cô tìm lại đứa con thất lạc đã 25 năm.
Tuy nhiên, những phi vụ làm giàu nhanh chóng của Lanh lại mang đến những hậu quả khôn lường khi cha anh, ông Đạo (NSƯT Hoài Linh), liên tục gặp phải những tai nạn kỳ lạ. Khi sự thật về những vụ tai nạn này được phơi bày, Lanh mới nhận ra hậu quả nghiêm trọng của những hành động của mình.
Bộ phim cũng khéo léo khai thác tình mẫu tử thiêng liêng thông qua hành trình tìm con của Na. Dù chưa từng được ôm con trong vòng tay, Na vẫn luôn canh cánh nỗi nhớ con suốt 25 năm qua. Khát khao được nhìn thấy con một lần, được biết con sống ra sao đã trở thành động lực thôi thúc cô giúp đỡ Lanh. Câu chuyện của Na như một lời nhắc nhở sâu sắc về tình mẫu tử, một tình cảm mà bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng đều trân trọng.
Bằng việc lồng ghép những tình huống hài hước và tâm linh vào câu chuyện, “Làm Giàu Với Ma” khéo léo truyền tải thông điệp ý nghĩa về tình yêu thương và sự gắn kết gia đình. Mặc dù ngại ngùng trong việc thể hiện tình cảm, nhưng tình yêu của cha mẹ dành cho con cái vẫn luôn là một trong những mối quan hệ thiêng liêng nhất.
Dường như không cần chiêu trò cầu kỳ, phim về đề tài gia đình vẫn luôn có một sức hút kỳ lạ đối với khán giả Việt. Đặc biệt trong bối cảnh xã hội như hiện nay, những câu chuyện ấm áp về tình thân gia đình càng trở nên ý nghĩa, khán giả càng khao khát tìm thấy sự an ủi và đồng cảm trong những câu chuyện đầy cảm xúc.
5. Khai thác góc khuất xoay quanh việc làm dâu nhà giàu
Sau thành công của “Chị Chị Em Em 2”, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cùng nhà sản xuất Will Vũ tiếp tục ra mắt bộ phim mới mang tên “Cô Dâu Hào Môn”. Bộ phim khai thác chủ đề gia đình nhưng được tiếp cận theo một góc nhìn độc đáo, khác biệt hoàn toàn so với những tác phẩm như “Bố Già”, “Nhà bà Nữ”. Dù không có kịch bản quá phức tạp, “Cô Dâu Hào Môn” nổi bật nhờ cách làm rõ sự phân hóa giàu nghèo, với sự đối lập giữa hai gia đình ông Hòa (Kiều Minh Tuấn) – bà Mạt (Lê Giang) và nhà bà Phượng (Thu Trang) – bà Kỳ (NSND Hồng Vân). Mối quan hệ đầy nghiệt duyên giữa ba gia đình này tạo nên tiền đề cho một kế hoạch phông bạt đầy chấn động trên màn ảnh.
Bộ phim khắc họa rõ nét rằng dù giàu hay nghèo, ai cũng có những nỗi khổ riêng và quá khứ đầy đau thương khiến cuộc sống trở nên đảo lộn. Tham vọng đổi đời của người nghèo không đáng trách, nhưng nếu chọn sai con đường, họ sẽ phải đối mặt với kết cục bi thảm. Tương tự, việc người giàu mong muốn sống đúng với địa vị của mình không sai, miễn là họ không để sự xem thường và khinh miệt lấn át.
Điểm nhấn khiến khán giả không khỏi bất ngờ khi xem “Cô Dâu Hào Môn” chính là những cú twist đầy kịch tính. Từ kế hoạch phông bạt của gia đình ông Hòa và bà Mạt, những mánh khóe làm giàu của hai gia đình danh giá do bà Phượng và bà Kỳ đứng đầu dần bị lật tẩy. Hóa ra, để đạt được sự giàu có như hiện tại, họ cũng đã phải sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi.
Bên cạnh đó, “Cô Dâu Hào Môn” cũng vạch trần sự phô trương và sự khắc nghiệt giữa hai thế giới giàu – nghèo, từ đó ca ngợi giá trị của tình yêu gia đình. Trước khi tiến hành kế hoạch phông bạt, ông Hòa muốn chắc chắn rằng con gái mình thật sự yêu Bảo Hoàng, và ông cũng chuẩn bị sẵn cho hai con một khoản tiền riêng. Tương tự, bà Phượng cũng yêu Bảo Hoàng theo cách riêng, mong muốn con mình được hạnh phúc trong sự giàu có và một cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối.
Xuyên suốt bộ phim “Cô Dâu Hào Môn” không chỉ có tiếng cười mà còn đan xen những giọt nước mắt của sự hối hận và nỗi đau về những sai lầm trong quá khứ. Dù câu chuyện không quá phức tạp, nhưng vẫn đủ sức cuốn hút và khiến khán giả cảm thấy thú vị.