Có những cuộc gặp gỡ, đôi khi chỉ là trong khoảnh khắc, của những con người tài hoa mà định mệnh đã thu xếp cho họ đến với nhau, để cùng nhau làm nên lịch sử của thế giới thời trang.
Nhà thơ người Anh John Donne có một tác phẩm nổi tiếng mang tựa đề “No Man is an Island”, thật vậy, “chẳng ai là một hòn đảo” cả. Đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật nói chung và thế giới thời trang nói riêng, không một nhân vật nào trở thành huyền thoại mà…chơi một mình. Dù tài năng của những người nghệ sĩ ấy là điều không ai có thể chối bỏ, nhưng tài năng ấy không chạm phải một đòn bẩy đặc biệt thì có lẽ ngày hôm nay, chúng ta không có Dolce & Gabbana, không có Yves Saint Laurent vững vàng, không Karl Lagerfeld với nhà Chanel lừng lẫy và có thể không có cả chiếc túi Birkin Hermès được muôn người mến mộ.
Bàn tay của định mệnh luôn khéo léo thu xếp những con người tài hoa đến với nhau, có thể là tình yêu, có thể là tình bạn, có thể là sự đồng điệu của hai thế hệ, cũng có thể những cảm hứng nối dài trường kỳ, mà đôi khi chỉ trong khoảnh khắc vô tư. Họ đã đến với nhau bằng một sự tình cờ và cùng nhau ghi những dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử thời trang.
Đến với nhau bằng tình yêu
Trong thế giới nghệ thuật đầy hào quang tán tụng mà cũng nhiều phù phiếm tâm tư, để tìm được một người kết nối với mình bằng sợi dây tình cảm là điều ai cũng mong, nhưng không phải ai cũng may mắn có được. Thế nhưng, hai nhà thiết kế người Italy là Domenico Dolce và Stefano Gabbana lại có được điều đó nhờ cuộc gặp gỡ tình cờ tại một hộp đêm. Trong thời gian này, Dolce đang làm trợ lý cho nhà thiết kế Giorgio Correggiari sau khi ước mơ làm việc cho Armani còn dang dở. Bởi Dolce vốn trầm tính, khép kín nên khi bắt gặp ngoại hình ưa nhìn và cởi mở của Gabbana anh đã lập tức bị ấn tượng. Ngay trong buổi trò chuyện, khi biết Gabbana đang tìm việc, Dolce khuyên Gabbana đến gặp Correggiari. Cuối cùng, chàng trai đã được nhận để thiết kế đồ thể thao. Suốt thời gian này, Dolce dạy Gabbana cách phác thảo và các bước cơ bản để thiết kế, nhờ quá trình thân thiết ấy mà họ đã yêu nhau và trở thành vợ chồng.
Sau khi Gabbana đi nghĩa vụ bắt buộc 18 tháng và trở về năm 1982, cả hai đã thôi việc và dọn ra làm riêng cùng nhau. Stefano Gabbana từng chia sẻ rằng kể: “Khi còn là những nhà thiết kế tự do, chúng tôi luôn có những hợp đồng và hóa đơn riêng rẽ dù cùng chung một khách hàng. Có lần người kế toán thắc mắc, tại sao không làm chung một hóa đơn cho cả hai và đặt là Dolce & Gabbana ở đầu trang. Thế là thương hiệu được ra đời”. Cho đến ngày hôm nay, tình yêu của hai nhà thiết kế huyền thoại này vẫn luôn được công chúng ngưỡng mộ, họ không ngừng cùng nhau mang đến những tuyệt phẩm thời trang cho thế giới.
Để nói về những con người đến với nhau và làm nên lịch sử, không thể kể thiếu bộ đôi nhà thiết kế huyền thoại Yves Saint Laurent và người tình Pierre Bergé. Chàng Yves đích thực là một người nghệ sĩ, tài năng đưa anh đến đỉnh cao danh vọng nhưng ông mệt mỏi với đời sống hiện thực do chứng trầm cảm và suy nhược từ nhỏ. Pierre Bergé nói: “Yves Saint Laurent yêu nghệ thuật, thời trang nhưng lại chán ghét cuộc sống đời thường”. Và trong gần 20 năm gắn bó, tất cả mọi việc liên quan đến thương hiệu đều do Pierre Bergé đảm nhiệm để Yves hoàn toàn tập trung vào sáng tạo. Ngay cả khi di chuyển bằng ô tô, ông luôn là người xuống trước Yves ở phía sau, như một vị hoàng tử hay một ông vua. “Ông vua là đấng sáng tạo, và đấng sáng tạo phải là Yves” – Pierre Bergé chia sẻ. Nhờ thế mà thế giới mới có những mẫu thiết kế đi vào lịch sử của nhân loại như bộ suit Le Smoking kinh điển hay Safari Jacket đầy tính tiền phong.
Kể cả sau 20 gắn bó bên nhau, cặp đôi quyết định chia tay thì họ vẫn giữ mối quan hệ gắn bó. Đến khi Saint Laurant qua đời vào năm 2008, thì Bergé vẫn là người giữa lửa cho nhà mốt lừng danh nước Pháp này.
Sự kết nối kỳ diệu
Những cuộc gặp gỡ định mệnh làm nên lịch sử thời trang thế giới đôi khi lại không phải hai người sống cùng thời điểm mà lại hai thế hệ với khoảng cách thời gian xa xôi nhưng tâm hồn của họ chung một nhịp. Đó chính là ngài Karl Lagerfeld và huyền thoại Coco Chanel. Tài năng của Karl bộc lộ từ khi còn là một thanh niên 21 tuổi, ông đã từng được nhà thiết kế Pierre Balmain mời về làm trợ lý. Trước khi đến với nhà Chanel, Karl Lagerfeld từng làm việc ở nhiều thương hiệu danh tiếng như Jean Patou (1958-1963), Chloé (1963-1978), Fendi (bắt đầu từ 1965). Mãi cho tới năm 1983, Karl mới trở thành Giám đốc sáng tạo và thiết kế Haute Couture cho Chanel. Phải nói rằng, ở thời điểm đó, hầu hết đều khuyên can ông không nên về nhà mốt này bởi sau sự ra đi của huyền thoại Coco Chanel năm 1971, thương hiệu biểu tượng thời trang nước Pháp lung lay và đứng bên bờ phá sản, đến nỗi mà báo chí phương Tây khi đó còn cho rằng sự chấm hết chỉ là vấn đề thời gian.
Thế nhưng, có lẽ ngài Karl Lagerfeld khi đó cảm nhận được sự đồng điệu trong tinh thần sáng tạo của mình với chính huyền thoại Coco Chanel mà ông ngưỡng mộ, pha với đó là sự liều lĩnh táo bạo của tuổi trẻ mà ông nhận lời làm việc. Chính ông từng chia sẻ với tờ New York Times rằng: “Ai cũng bảo tôi bỏ qua lời mời, thương hiệu đó đã chết, không thể cứu vãn. Song, với tôi, đó là một thử thách”. Danh tiếng của nhà Chanel hôm nay, gắn liền với hình ảnh của ngài Karl, là minh chứng rõ ràng nhất cho sự đúng đắn đó. Trong suốt quãng thời gian làm việc tại Chanel cho tới lúc qua đời, Karl Lagerfeld không chỉ vực dậy cả một tượng đài mà còn liên tục kế thừa và phát triển di sản mà tiền nhân để lại, tạo thành một đường dây nối dài giữa quá khứ – hiện tại và cả tương lai.
Trong thế giới nghệ thuật thời trang này, có những cuộc gặp gỡ ở khoảng cách thời gian xa đến vậy, nhưng cũng có khoảnh khắc định mệnh thật tình cờ. Câu chuyện xảy ra trên chuyến bay của hàng hàng không quốc gia Pháp – Air France, cô Jane Birkin sơ ý làm văng một vài vật dụng trong chiếc túi của mình. Một người đàn ông thấy thế bèn nói: “Tôi nghĩ cô nên sử dụng một chiếc túi xác với các ngăn chứa”. Jane liền đáp: “Khi nào Hermès sản xuất, chắc chắn tôi sẽ có nó!”. Và quý cô ấy không ngờ rằng, người đàn ông ngồi cạnh mình chính là Jean-Louis Dumas, Giám đốc điều hành thương hiệu Hermès. Ngay lập tức, ngài Dumas trả lời: “Tôi chính là Hermès đây. Tôi sẽ thiết kế những chiếc túi như vậy cho cô”. Và thế là chiếc túi Birkin kinh điển được giới mộ điệu toàn cầu ao ước đã ra đời vào năm 1984 như vậy.
Chính ngài Dumas cũng không ngờ rằng, mình đã được truyền cảm hứng để tạo nên một vật phẩm huyền thoại cho nhà Hermès nói riêng và ngành thời trang nói chung chỉ trong khoảnh khắc vô tư đến thế. Cuộc sống quả thực có rất nhiều điều kỳ diệu, và để lý giải cho điều kỳ diệu đó, ta đặt một niềm tin rằng định mệnh đã sắp xếp tất cả.