Đen Vâu ơi! Hạnh phúc khi mang tiền cho mẹ thì cứ mang và cứ hát, chẳng ngại gì!
PopMusic & Film

Đen Vâu ơi! Hạnh phúc khi mang tiền cho mẹ thì cứ mang và cứ hát, chẳng ngại gì!

Nói Đen phải chịu trách nhiệm về sự bất toàn của ca khúc mới, cũng chẳng khác gì nói xem “Người phán xử” làm gia tăng tình trạng băng nhóm, hay “Harry Potter” khiến trẻ em lao đầu vào tường nhà ga nhiều hơn.

Hình ảnh Đen Vâu trong ca khúc Đem Tiền Về Cho Mẹ “gây sốt” thời gian qua

Trước khi bắt đầu câu chuyện, hãy để tôi, với vai trò là một người nghe nhạc không chuyên, một người không được học qua trường lớp gì về nghệ thuật và tâm lý học, bày tỏ suy nghĩ của mình: “Tại sao lại phải bàn bạc nhiều đến thế về ca khúc mới của Đen Vâu, với sự tham gia của nhiều tên tuổi uy tín và cả – nhiều lý thuyết – đến thế?”.

Đen Vâu và đội ngũ của mình đã thu về 22 triệu lượt xem chỉ trong vòng 1 tuần, và còn hơn thế: chắc chắn đây là lần đầu tiên cậu nhận được nhiều phản biện đến thế. Trong bài viết ngắn gọn (mà cũng không nên dài) này, tôi sẽ không khen ngợi sự thông minh của người nghệ sĩ, mà chỉ cố gắng bày tỏ quan điểm của mình về những gì đang diễn ra: sự phản ứng của một bộ phận công chúng với những điều “chưa hoàn thiện và hợp lý” trong ca khúc của Đen.

Rapper Đen Vâu và ca sĩ Nguyên Thảo cùng hợp tác trong ca khúc Đem Tiền Về Cho Mẹ

Ai cũng có quyền được khen và chê, thích và không – đó là quyền của công chúng. Đây là một điều không ai phủ nhận, nhưng cũng có một vế quan trọng mà mọi người thường hay bỏ qua: sự khen chê, yêu ghét đó nên được nhìn nhận và biểu đạt trên một cơ sở văn minh và thấu hiểu. Hay nói bỗ bã thì – “nó phải có lý”. Tức là sao? Tức là anh không thể chê con cá không biết leo cây, ghét cái cây vì lá không có màu tím, hay – sửa lời bài hát của Đen vì không đủ “phản kháng”. Vì chúng vốn chẳng phải như vậy, thế thôi.

Rap ra đời như một công cụ phản kháng của cộng đồng “dưới mặt đất”, thế nhưng ở thời điểm hiện tại rap đã vượt ra khỏi hàm nghĩa ban đầu của mình để trở thành một thể loại âm nhạc – được quy định rõ ràng bởi nhịp điệu và những kỹ thuật đặc thù, chứ không phải bởi thái độ. Và Đen Vâu lựa chọn một lối tiếp cận rất “đời”, khi thể hiện cảm xúc cá nhân và câu chuyện của mình qua từng ca khúc – điều ta có thể nhìn thấy rất rõ khi dõi theo hành trình hơn 10 năm của rapper sinh năm 1989 này. Sự trưởng thành của một con người, chứ không phải một tinh thần phản kháng, một tâm hồn hiện sinh hay bất kỳ cái gì mang tầm “căn tính” chung cả. Nếu bạn tình cờ thấy đồng cảm, điều đó thật tuyệt, nhưng nếu không thì cũng chẳng vấn đề gì.

Tại sao lại yêu cầu một cá nhân phải truyền tải một tư tưởng mang tính phổ quát cho hợp bối cảnh xã hội (mà có hợp thật không thì chưa chắc) khi người nghệ sĩ muốn bày tỏ sự riêng tư trong tâm hồn mình thông qua âm nhạc?

Nếu đặt câu chuyện này ở phạm vi của ca khúc và tác giả, hãy nhớ một chuyện quan trọng mà chính tác giả đã chia sẻ nhiều lần: đây là ca khúc Đen viết về chính gia đình mình và đã được ấp ủ trong hơn ba năm. “Fact check” là một yếu tố luôn được nhắc đến trong các cuộc tranh luận hiện đại, thay vì tách tác phẩm ra khỏi hoàn cảnh ra đời và nói đến lý luận “cái chết của tác giả”. Điều này cũng đặc biệt phù hợp với thể loại rap và lý thuyết nghệ thuật hậu hiện đại, khi mỗi tác phẩm hướng đến cái cá nhân nhiều hơn là đại chúng – hay “cộng đồng trẻ tuổi và kiếm tìm sự khai phóng” lại đòi hỏi những điều khác?

Mang nhiều những lý luận hàn lâm để đánh giá và bóc tách phi lý một khía cạnh đơn giản của tâm hồn, thì đó nên hiểu là…nâng cao quan điểm!

Với vai trò là một sản phẩm âm nhạc mang màu sắc tự sự, chúng ta liệu có nên đòi hỏi Đen phải tránh nhắc đến những câu đe nẹt của mẹ, hay phải giấu đi ước mơ “muốn được mẹ mắng” để thấy mình vẫn trẻ dại? Đã có những người đưa ra các “giải pháp thay thế”, ví dụ như thay vì “mang tiền về cho mẹ” đổi thành “mang niềm vui về cho mẹ”, sử dụng các từ ngữ mang tính giáo dục và hoà bình hơn chẳng hạn… Khoan nói đến việc vần điệu – bởi Đen nổi bật bởi thứ giai điệu của riêng mình – nhưng sản phẩm cuối cùng là gì? Một ca khúc “được lòng” công chúng hơn, phù hợp với “lứa 9x về sau” và các vấn đề xã hội đương đại hơn, có thể. Nhưng mẹ của Đen Vâu, có lẽ sẽ chẳng hiểu con mình đang viết về ai.

Nói câu chuyện ở một phạm vi lớn hơn, nghệ thuật chẳng hạn, ta có gì? Một sự “trân trọng” thái quá dành cho vai trò của nghệ thuật trong trường hợp của Đen Vâu, có lẽ vậy. Một cái áo quá rộng cho một chủ thể không có khả năng tự biện hộ cho chính mình trước ngàn ngàn lớp lớp quan điểm trái chiều, hay một di sản thừa kế của nền nghệ thuật mang tính định hướng, tuyên truyền. Chỉ mới vài tháng trước, công chúng còn xôn xao vì quy định của nước hàng xóm cấm một loạt thể loại phim vì lo ngại ảnh hưởng tới đạo đức xã hội, thì nay cũng lại quay ra lo ngại ca khúc của Đen Vâu “cổ suý cho khuynh hướng bạo lực”, “định đặt giá trị con người bằng vật chất”. Đen Vâu có thực sự quyền năng đến thế?

Những người “nhiều chữ” có lẽ đã đề cao quá quyền năng nghệ thuật của Đen Vâu.

Tôi vẫn đồng ý với quan điểm của Oscar Wilde trong cuốn “Bức hoạ Dorian Gray” –“Nghệ thuật vô dụng ở chỗ mục đích nó đơn thuần tạo ra một tâm trạng. Nó không có ý chỉ dẫn, hay ảnh hưởng đến hành động theo bất kì cách nào.” (bản dịch Nguyễn Tuấn Linh, NXB Hội nhà văn 2018). Dĩ nhiên Oscar Wilde là nghệ sĩ theo trường phái Nghệ thuật vị nghệ thuật, và còn có nhiều hơn một cách hiểu tác phẩm, tuy nhiên, người nghe cũng có nhiều lớp lưới lọc cho hành vi của mình hơn là một ca khúc. Từ gia đình, nhà trường, đến xã hội, công việc và cả quan điểm của chính bản thân – đã bao nhiêu người “về quê nuôi cá và trồng thêm rau” thật, một cách thành công? Mà nuôi cá và trồng rau còn là một thứ vô hại, chứ mẹ đánh con mà bảo là làm theo Đen Vâu thì…

Nếu Đen Vâu cần phải suy nghĩ vẹn toàn hơn đến mọi yếu tố, lời khuyên của tôi dành cho cậu bạn đồng niên chưa từng gặp mặt này sẽ là: “Đừng làm gì nữa cho khoẻ”. Bởi chúng ta đang tiến gần đến sự “khai phóng” theo một cách hơi lạ kỳ: làm gì cũng bị chỉ trích. Cách đây vài bữa, Netflix bị người Ukraine chỉ trích vì “làm xấu hình ảnh người Ukraine trên phim” trong “Emily in Paris 2”. Lại vẫn là Netflix, tiếp tục bị chỉ trích về “nam tính độc hại” khi đưa một nhân vật tổng thống nữ vào “Don’t Look up” – một bộ phim “đá đểu” hầu như mọi thứ. Vòng xa hơn, đến “Tom và Jerry” cũng bị chỉ trích vì “thiếu tính giáo dục” và “làm gương xấu” cho trẻ nhỏ. Đến giờ này, lứa chúng tôi, những đứa bé lớn lên chỉ có hoạt hình Sói và Thỏ, Tom và Jerry vẫn không có mấy đứa cầm búa nện vào mặt nhau như trong phim. Biết làm gì cho đúng đây?

“Nghệ thuật vô dụng ở chỗ mục đích nó đơn thuần tạo ra một tâm trạng. Nó không có ý chỉ dẫn, hay ảnh hưởng đến hành động theo bất kì cách nào” – Oscar Wilde

Nếu tính toán như thế, ca khúc của Đen Vâu chắc chắn là một sản phẩm tệ hại của thói ích kỷ và thiếu suy nghĩ: Thế cậu không nghĩ cho những người không mang được tiền về cho gia đình à? Cậu không nghĩ cho bố à mà bảo bố phải xin tiền mẹ? Sao không mang nhà mang xe về cho mẹ mà mang Dior làm gì? Thế cậu phủ nhận sự nỗ lực của bản thân mà cái gì cũng của mẹ cho à? Câu cuối cùng, tôi đọc được khi lướt bình luận trên facebook. Đến thế thì, Đen ạ, đừng hát nữa.

Nhưng, vì Đen Vâu là Đen Vâu, và mẹ cậu cũng không phải mẹ của ai khác ngoài cậu, nên tôi tin rằng Đen vẫn cứ hát như chính mình, vẫn cứ rap theo cách riêng, và vẫn tạo ra những sản phẩm mà không ai có thể cover lại được. Có những nghệ sĩ thực hành nghệ thuật hướng tới công chúng và những giá trị phổ quát, nhưng cũng có những tiếng nhạc như tiếng lòng – kể câu chuyện của mình, và kiếm tìm “đồng âm” chia sẻ. Có một Đen Vâu chán chường với đầy nỗi buồn hiện sinh, cũng có Đen Vâu nói lời thị dân muốn phản kháng xã hội, và – nếu bạn đã nghe đủ lâu sẽ thấy cũng không thiếu những bài rap của một Đen Vâu “underground” đâu đó. Nhưng, tất cả các tính cách đó đều thuộc về một nghệ sĩ duy nhất – một rapper “sợ mẹ” tuổi ngoài 30.

Hãy công bằng hơn trước khi gõ phím. Và Đen ơi, cứ hát đi, chẳng ngại gì!

Đen Vâu có chia sẻ với báo giới: “Tôi hạnh phúc khi mang tiền về cho mẹ”. Thế là đủ để chấm dứt tất cả những cuộc tranh luận vô nghĩa.

Thực ra thì, Đen Vâu chưa từng thay đổi. Năm 2018, trong một ca khúc mang tên “Đừng gọi anh là Idol” hát cùng Lynk Lee, Đen Vâu đã một lần nữa khẳng định chính mình:

“Anh không muốn áp lực phải là thần tượng của một ai

Vì điều đó sẽ biến anh thành người khác vào một mai

Sống không được là mình, ôi điều đó thật là đau đớn sao

Anh ghét việc bị trở thành một thứ gì đó thật lớn lao

Yo, anh ghét việc bị trở thành một thứ gì đó thật lớn lao”

Đặng Trần Quân
 

Related Article