“Decision To Leave” – Cơn ham muốn và nỗi tuyệt vọng của thám tử Hae-jun
LifestyleMusic & Film

“Decision To Leave” – Cơn ham muốn và nỗi tuyệt vọng của thám tử Hae-jun

Sau năm kể từ ngày gây sốc với tác phẩm diễm tình rùng rợn “The Handmaiden”, đạo diễn nổi tiếng bậc nhất xứ Hàn Park Chan-wook mới trở lại với “Decision To Leave” (Quyết tâm chia tay) – tác phẩm vừa mang về cho chính ông giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes danh giá lần thứ 75.

Ở cuốn phim trinh thám nhuốm màu li kì pha tình cảm lãng mạn này, họ Park một lần nữa đẩy nam nhân vật chính vào tận đáy của sự chịu đựng, nỗi đau, mất mát và hoảng loạn. “Decision To Leave” có kịch bản không khúc chiết, không gãy gọn… song tài năng của Park Chan-wook đã biến cuộc điều tra của chàng trai Hae-jun trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi.

*Bài viết tiết lộ nội dung phim

Mất thăng bằng

Hae-jun được ví von là thám tử trẻ tuổi nhất Busan, người có bề dầy thành tích và kinh nghiệm thực chiến từ rất sớm, tất nhiên để thăng chức và ổn định công việc, Hae-jun đã kết hôn với một phụ nữ đồng trang lứa, Jung-an, làm trong bộ máy nhà nước, người ít nhiều có tác động tích cực vào chiếc ghế mà Hae-jun đang ngồi ở sở cảnh sát. Nhưng trên hết, cuộc hôn nhân của họ được lập trình một cách nhàm chán, rằng dù có ghét nhau, họ vẫn sẽ đều đặn sinh hoạt chăn gối mỗi tuần một lần! 

Nhìn chung, Hae-jun là kiểu mẫu điển hình của những thám tử hoặc cảnh sát sớm rơi vào bế tắc và tuyệt vọng, từ các tác phẩm neo noir thường thấy. Trong “Decision To Leave”, Hae-jun thức trắng đêm cùng đồng đội theo sát nghi phạm, cơn ám thị theo anh lên tới tận giường ngủ, cả trong lúc ân ái với Jung-an, người ra sức tạo ra tiếng kêu như tiếng rên để cố khỏa lấp đi sự lạnh nhạt trong mối quan hệ giữa họ: không con cái, không tương lai… 

Không chỉ bỉ ám ảnh bởi các vụ án chưa thể giải mã, Hae-jun còn là một người thần trí uể oải, vì chứng mất ngủ dần dần xuất hiện, khiến anh luôn lâm vào tình trạng thiếu kiểm soát. Dễ nhận thấy nhất chính là khoảnh khắc Hae-jun tiếp cận Seo-rae, vợ của nạn nhân là nhân viên ưu tú của cục xuất nhập cảnh, tử vong kì lạ tại hiện trường hẻo lánh. Chưa vội đặt nghi vấn ở Seo-rae, Hae-jun đã bị cô gái này hớp hồn theo đúng nghĩa đen lẫn bóng. Từ hành tung bí ẩn, đến nhan sắc mặn mà, cùng với tư thế “ngay thẳng” – thứ cuốn hút Hae-jun, khiến anh quên mất sự tinh nhạy của một thám tử. Vì sao Hae-jun ưa chuộng sự “ngay thẳng” đó, có lẽ nó lại đến từ các cuộc thẩm vấn kì lạ giữa anh và người phụ nữ này.

Seo-rae không có biểu hiện của sự sợ hãi, co rút người mỗi khi đối diện với các dữ liệu, câu hỏi mà Hae-jun đề cập, ngược lại đôi khi nụ cười khó hiểu của cô còn khiến anh cảm thấy tò mò, thích thú. Hae-jun thậm chí phớt lờ chuyện Seo-rae từng là dân Trung Quốc nhập cư bất hợp pháp tại Hàn, cô ở lại Hàn bằng con đường kết hôn với những người đàn ông địa vị và giàu có. Trong mắt Hae-jun lúc này, Seo-rae là người đàn bà đáng thương, với những vết trầy xước ở mu bàn tay, ở sườn đùi… 

Sự ưu ái của Hae-jun lộ rõ đến nỗi, các biểu hiện tứ chi trở nên lúng túng: cầm điện thoại cũng run tay, dáng vẻ không tự nhiên thoải mái, cả việc mua sushi đắt tiền cho cô ăn bữa trưa trong lúc cả hai nghỉ giao lưu sau giờ thẩm vấn. Hae-jun thậm chí coi việc điều tra Seo-rae ở nhà riêng, chỗ cô làm việc… như thể một cuộc theo đuổi có tình ý, chủ đích. Sự mê muội này thực chất đến từ chất nam tính có sẵn trong Hae-jun khi thấy phụ nữ đẹp lạ lùng như Seo-rae hay đơn giản chỉ là cơn hứng tình bất chợt khi đối diện anh là một phụ nữ dày dạn tình trường, tưởng hờ hững nhưng lại hết sức gợi tình?

Định dạng Femme Fatale 4.0

Nếu Hae-jun là hiện thân của một kiểu nhân vật nam “giỏi nhưng lầm lỡ” trong hầu như các phim neo-noir từ kinh điển tới đương đại, thì chắc chắn Seo-rae là phiên bản femme fatale chuẩn mực nhất. Một phụ nữ không rõ lai lịch, càng đào sâu càng thấy phức tạp. Nhưng phức tạp nhất vẫn là tính cách của cô, từ đời sống sinh hoạt, tới hành vi ứng xử… duy nhất một điều, xin nhắc lại, đó là sự “ngay thẳng” mà nói cho dễ hiểu là sự bình thản, ung dung trước mọi thứ. Với điều này, Hae-jun cực kì thiếu và anh khao khát nó ở Seo-rae. 

Trong khi Seo-rae chẳng mấy đau buồn trước sự ra đi của ông chồng lớn tuổi, cô vẫn lao đầu vào săn sóc người già như bổn phận của một điều dưỡng viên lành nghề. Trước khi nhập cư tại Hàn, cô đã từng chăm mẹ già bệnh tật và thể theo nguyện vọng, cô đã đưa bà vài viên thuốc fentanyl để tiễn bà rời cõi trần khổ ải. Nhìn chung, quá khứ bất hảo, hiện tại bất ổn và tương lai vô định không cản bước Hae-jun tiến tới với Seo-reo, theo cách bất bình thường mà như lời Seo-rae thỏ thẻ: “Em muốn anh cứ xem em là nghi phạm!”

Một quan hệ độc hại nhưng lại hứng tình, chính Hae-jun cũng đã nhận ra việc dõi theo Seo-rae bằng chiếc ống nhòm Leica thật tới độ cảm giác như anh đang ở bên cạnh, hít hà mùi cơ thể của cô, lắng nghe giọng nói và khát khao sự dịu dàng trữ tình đó. Trong khi với Seo-reo, để được gặp gỡ Hae-jun danh chính ngôn thuận, cô đã làm điều mà chắc có lẽ chỉ đạo diễn Park Chan-wook mới nghĩ ra: trở thành nghi phạm lần thứ hai, lần thứ ba… để được Hae-jun “săn đón” nhiệt tình. 

Khác với những femme fatale “bị động”, Seo-rae chủ đích tấn công vào não bộ của Hae-jun bằng cách thử thách tài trí anh qua những vụ án mạng tiếp theo sau bởi với cô, chỉ có sự thôi thúc mất ăn mất ngủ đó mới khiến cô đạt được khoái cảm, rằng tình yêu của Hae-jun với cô trung thực tới độ nào. Một ả điên, một người đàn bà nhẫn tâm… tất cả đều dường như phù hợp với Seo-rae, người bị coi như “đồ vật” trong mắt đàn ông trước kia, giờ tìm thấy tình yêu độc hại nhưng đầy đam mê với Hae-jun.

Rất thú vị nhưng không bất ngờ, là khi họ Park mang cho Seo-rae, nàng femme fatale thời đại mới một… chiếc điện thoại, chính là vật dụng truyền tiếp thông tin quan trọng hầu như xuyên suốt bộ phim. Với một tác phẩm có màu sắc cổ điển trau chuốt như “Decision To Leave”, chi tiết chiếc smartphone hiện lên khéo léo, tự nhiên, hòa nhập vào bối cảnh và trở thành “át chủ bài” cho mọi nút thắt của phim.

Nội tiết tố nam

Trong “Decision To Leave” nhắc nhiều tới… tâm sinh lý đàn ông, ở đây không ai khác ngoài Hae-jun, gã đàn ông không thể làm vợ thỏa mãn, cũng không thể khiến bản thân mình ngủ ngon, rõ ràng có vấn đề tâm sinh lý. Chính việc rối loạn âu lo từ các cuộc điều tra, làm Hae-jun giảm dần ham muốn; chính cơn mất ngủ khiến anh mất dần nội tiết tố nam khiến cho sinh hoạt không lành mạnh, tâm lý bất thường… Rõ ràng, một người đàn ông có nhiều thứ để mổ xẻ thay vì chỉ nhìn vào sự cường tráng, nhanh nhẹn bên ngoài.

Để thần trí thông tường, Hae-jun phải ăn ngủ điều độ, mà một trong những liệu pháp anh học được là từ chính giọng nói của Seo-rae. Khổ nỗi, khi cô biến mất sau vụ án đầu tiên, Hae-jun lâm vào tình trạng kiệt sức, thần sắc mờ dần theo thời gian. Chính việc gặp lại Seo-rae ở vụ án mới, anh mới được “sống” cảm giác trở thành một người đàn ông yêu một người phụ nữ. Dĩ nhiên Hae-jun không thể từ bỏ cô vợ Jung-an, nhưng cũng không thể chia tay Seo-rae. 

Mặc cho Jung-an cho rằng chồng cô stress, suy giảm nội tiết tố… dẫn tới việc không còn ham muốn yêu đương, Hae-jun đã hiểu lí do vì sao anh trở nên “lão hóa” sớm đến vậy. Vì Seo-rae chính là liều dược tinh thần mà anh cần có nhất lúc này. Dù giữa họ lại là mối quan hệ giữa thanh tra và nghi phạm, một lần nữa khiến Hae-jun gặp bế tắc trong khi Seo-rae bối rối vì Hae-jun đã giữ khoảng cách bằng… một cây xúc xích thay vì một hộp sushi ngon lành trước đây.

Hae-jun thật sự thay đổi tình cảm dành cho “nghi phạm Seo-rae” hay thực chất anh đang được chữa lành từ các liệu pháp của bác sĩ chuyên ngành? Rõ ràng, Hae-jun và Seo-rae đều ham muốn thể xác lẫn nhau nhưng không thể chạm vào nỗi sợ vô hình. Phim chỉ có duy nhất cảnh hôn môi giữa trời đông giá buốt, nhưng tác phẩm tràn ngập nhục cảm nhờ cử chỉ và điệu bộ của họ. 

Lựa chọn của Park Chan-wook

Vốn là đạo diễn kiêm nhà biên kịch xứ Hàn nổi tiếng sớm nhất với “Oldboy” (giải Grand Prix ở Cannes năm 2004), họ Park khiến người xem bất ngờ trước tài kể chuyện bằng hình ảnh, cùng những thủ pháp nghệ thuật độc đáo. Trong “Decision To Leave”, ông chọn nhiều cú máy lấy góc nhìn từ bên thứ ba, soi rọi vào nhân vật một cách khách quan. Ngoài ra, họ Park còn dụng công dàn cảnh song song giữa hiện thực và trí tưởng tượng và nhiều những thủ pháp điện ảnh khác, nhằm mục đích rút gọn cách kể chuyện thông thường, vừa tạo được cảm giác đuổi theo bám sát nhân vật trong mọi ngõ ngách tâm lý của họ.

Với một tác phẩm có nội tâm phức tạp như “Decision To Leave”, việc chọn cái kết cho Hae-jun và Seo-rae không dễ dàng. Mặc dù người xem phim lâu năm có thể đoán được cái kết thông qua góc nhìn nhân vật, họ Park vẫn cố tình đánh lừa người xem tới phút cuối khi Hae-jun phát hiện ra anh “sập bẫy” Seo-rae trong tích tắc yếu lòng. Tuy nhiên, đó là cái bẫy Seo-rae tự bịa ra để được chia tay Hae-jun một cách quyết tâm. Quyết tâm ra sao, thì phải để xem phim, vì dù chi tiết rất nhỏ, vẫn le lói vào những giây cuối cùng. 

Nhìn chung, tác phẩm hoàn thành được mục tiêu “rất Park Chan-wook” – điều hiếm nhà làm phim tác giả nào có được. Bộ phim không thuần túy là một phim thương mại, nhưng tính arthouse của phim đã được dung hòa khá nhiều để dễ xem, dễ cảm hơn. Điều thú vị là “Decision To Leave” không chỉ chiếu rạp, nó còn được mua bản quyền phát hành trực tuyến từ MUBI – một kênh điện ảnh đẳng cấp với rất nhiều tác phẩm vĩ đại tự cổ chí kim. Việc phát hành “Decision To Leave” là sự kiện quan trọng của MUBI, vì đây là năm đầu tiên họ bỏ số tiền lớn mua bản quyền phát hành tác phẩm mới toanh.

Thành công của “Decision To Leave” không thể không nhắc tới Thang Duy và Park Hae-il, với chiều sâu nội tâm được hai diễn viên thực lực thể hiện tinh tế trên màn ảnh. Khi mà kịch bản trông có vẻ bình thường, thậm chí ít xung đột, ít cú twist hơn các vụ án “căng não” khác, thì mọi tiểu tiết từ nhân vật, bối cảnh… đều trở thành công cụ truyền tải cảm xúc, thông điệp. So với Park Hae-il gợi cảm hứng từ Will Dormer, Zhang Zili, Brother Cham… Thang Duy dường như nổi bật hơn với việc thay đổi ngoại hình, mái tóc liên tục trong phim. Những ai yêu thích minh tinh này, dễ dàng nhận ra họ Park “mê” Thang Duy tới mức đã “mượn” nhân vật nữ chính trong “Long Day’s Journey into Night” vào phim này, thông qua chiếc đầm xanh “đổi màu”.

Decision To Leave kết thúc bằng việc đặt cho người xem một câu hỏi, rằng Seo-rae thực chất quyết tâm chia tay Hae-jun vì yêu anh hay vì sự trả thù đàn ông? Kể cả việc cô không hạ sát Hae-jun thì cô cũng đã giết chết trái tim anh. Seo-rae thực chất đáng thương hay chỉ là một kẻ rối loạn nhân cách? bởi công bằng mà nói, Seo-rae đưa ra giải pháp tốt nhất cho cả hai. Đó là tình yêu, hay sự lãng mạn gây tổn thương sâu sắc? Park Chan-wook dường như muốn nhấn mạnh rằng, tâm trí con người có thể thay đổi, tình yêu cũng vậy…

Bài: Đức Noise
Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article