Đạo diễn Victor Vũ: Dốc hết giới hạn có thể

  • by Khanh Duyen
  • April 28, 2025

Tôi tự hỏi điều gì khiến một người vẫn làm việc họ làm hết lần này đến lần khác, dù biết đỉnh cao hôm nay có thể chỉ là điểm khởi đầu cho một lần nỗ lực tiếp theo? Tôi đi tìm câu trả lời cùng Victor Vũ, rằng điều gì thôi thúc anh chinh phục những đỉnh cao mới, dẫu biết rằng hành trình sáng tạo là một vòng lặp vô tận?

Tôi từng xem “Thiên Mệnh Anh Hùng” với những màn võ thuật đẹp mắt, “Cô Dâu Đại Chiến 2” với loạt tình huống dở khóc dở cười và “Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh” trong trẻo, đầy hoài niệm. Nhưng lúc ấy, tôi chỉ đơn thuần là một khán giả thưởng thức câu chuyện, chẳng mảy may quan tâm người “thổi hồn” vào những thước phim ấy. Mãi đến thời điểm, “Mắt Biếc” làm mưa làm gió với những khung hình thơ mộng và mối tình đơn phương day dứt giữa Ngạn và Hà Lan, tôi mới thực sự bị Victor Vũ gây ấn tượng mạnh mẽ.

Nhìn lại hành trình ấy, hóa ra tôi đã vô tình chạm vào thế giới điện ảnh của anh từ rất sớm, chỉ là chưa đủ tò mò để lần theo dấu vết của người kể chuyện. Đến “Mắt Biếc”, có lẽ sự rung động sâu sắc đã thôi thúc tôi tìm hiểu về “người lái đò” cảm xúc tài ba này. Dấn thân vào lĩnh vực điện ảnh hai thập kỷ, Victor Vũ chưa từng bó buộc mình trong một giới hạn nhất định. Thay vào đó, anh ngày càng mở rộng biên độ sáng tạo, luôn tìm kiếm những chất liệu mới lạ và giàu ý nghĩa ở mỗi dự án điện ảnh.

Tôi đặt câu hỏi, điều gì giúp anh giữ được sự đa dạng và luôn khơi gợi những bất ngờ? Anh đáp gọn ghẽ, đó là bản năng. “Bản năng làm phim cần được kiểm soát bằng lý trí, để chạm đến cảm xúc khán giả một cách sâu sắc nhất”. Triết lý này đã đồng hành và định hình con đường nghệ thuật của Victor Vũ. Và giờ đây, với một vùng đất mới, đầy bí ẩn và tâm linh qua dự án “Thám Tử Kiên: Kỳ Án Không Đầu”, tôi càng nhận thấy rõ hơn về sự bền bỉ của vị đạo diễn người Mỹ gốc Việt này.

Trước đây, Victor Vũ từng lập vô số thành tích ở các bộ phim kinh dị. Giờ anh nâng thể loại này lên với chiều sâu tâm lý, thẩm mỹ cổ trang và cả yếu tố trinh thám. Đây sẽ là một trải nghiệm điện ảnh thế nào?

Với “Thám Tử Kiên: Kỳ Án Không Đầu”, tâm niệm của tôi là mang lại một trải nghiệm điện ảnh trọn vẹn cho khán giả: Mãn nhãn về thị giác, nghẹt thở trong từng nút thắt, chạm đến những cung bậc cảm xúc, đồng thời đem đến sự giải trí đích thực. Sự pha trộn giữa kinh dị, trinh thám và yếu tố ly kỳ vốn là giấc mơ điện ảnh tôi luôn ấp ủ nhưng chưa có dịp thực hiện. Lần này, khi ước nguyện thành hình, tôi dồn hết tâm trí và sức lực đầu tư bài bản, chỉn chu đến từng chi tiết ở mọi khâu, từ kịch bản, bối cảnh, trang phục cho đến khung hình. Tôi tin bộ phim sẽ là một “bữa tiệc” điện ảnh đủ đầy sắc vị, mang đến cảm giác thỏa mãn cả về thị giác lẫn cảm xúc cho người xem.

“Người Vợ Cuối Cùng” và “Thám tử Kiên: Kỳ Án Không Đầu” đều lấy cảm hứng từ tiểu thuyết “Hồ Oán Hận” của nhà văn Đinh Hồng Thái, và chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa và bối cảnh lịch sử. Nhưng qua mỗi lần chuyển thể, anh luôn thổi vào một hơi thở đương đại…

Đó là khát vọng xuyên suốt trong từng thước phim của tôi. Dẫu câu chuyện ấy diễn ra cách đây hai trăm năm, hai mươi năm, hay hai năm, điều tôi thực sự mong mỏi là khán giả vẫn cảm nhận được hồn cốt của nó. Họ nắm bắt được bối cảnh, hiểu được lịch sử được gói ghém một cách tự nhiên trong từng khung hình, chứ không cần phải dày công tra cứu thêm để giải mã bộ phim. Để làm được điều đó, tôi chấp nhận có những điều phải tiết chế hoặc điều chỉnh, đôi khi là hư cấu hoặc gia giảm các chi tiết, miễn sao vẫn giữ được tinh thần của thời đại, nhưng gần gũi hơn với cảm nhận của người xem ngày nay.

Ví dụ rất đơn giản là ngôn ngữ. Thay vì dùng cổ ngữ hay phương ngữ gây trúc trắc cho người xem, tôi chọn những từ ngữ phổ thông, vẫn giữ được hồn Việt, nhưng gần gũi và dễ hiểu với khán giả. Nhờ đó, họ nắm bắt được ngay mà không phải “vò đầu bứt tai” lấy làm khó hiểu. Đó là cách tôi muốn câu chuyện xưa cũ vẫn sống động trong lòng người xem.

Nhiều người cho rằng anh đang đưa phim trinh thám đến gần hơn với khán giả Việt. Với anh, đây là sự tiếp nối tự nhiên trong hành trình làm phim, hay là một cú rẽ với những câu hỏi mới chưa từng thử nghiệm?

Nếu đây là tác phẩm đơn thuần lặp lại những công thức cũ, có lẽ, tôi đã không mặn mà. Tôi xem “Thám Tử Kiên: Kỳ Án Không Đầu” là bước tiến mới, một sự đào sâu hơn trong hành trình khai phá đề tài tâm linh và ly kỳ ở vùng đất điện ảnh của mình. Xét về thể loại, đúng là “Thám Tử Kiên: Kỳ Án Không Đầu” vẫn mang màu trinh thám, yếu tố tâm linh và sự ly kỳ. Tuy nhiên, cách tiếp cận câu chuyện và bối cảnh đã hoàn toàn thay đổi. Phim không đi theo kiểu phá án hiện đại mà đặt trong bối cảnh xưa, một thời đại đã qua. Chính điều đó khiến bộ phim trở nên mới mẻ, thậm chí có phần xa lạ và hấp dẫn hơn với khán giả.

Một bộ phim trinh thám kết hợp tâm linh với nhịp kể dồn dập và logic chặt chẽ hẳn không thể chỉ dựa vào cảm giác thuần tuý. Có triết lý hoặc ảnh hưởng nào từ các nhà văn/tác phẩm về trinh thám, mà anh đã được truyền cảm hứng?

Thuở còn thiếu niên, những tác phẩm của Agatha Christie, Doyle… đã gieo vào đầu tôi những hạt giống đầu tiên. Nhưng Alfred Hitchcock mới là người thực sự mở đường. Tôi đã yêu thích những bộ phim của ông từ rất lâu, bởi tính giật gân và khả năng đào sâu tâm lý nhân vật vào những góc tối trong tâm hồn mà ít ai nhìn thấy.

Hitchcock đã dạy tôi rằng, sự hồi hộp trong một bộ phim không nhất thiết phải đến từ các chiêu trò hay những cảnh tượng gây sốc. Đôi khi, nó đến từ những cảm xúc chưa được nói ra và cả sự kỳ vọng mà khán giả dần xây dựng trong tâm trí.

Làm phim trinh thám cũng vậy. Sự hồi hộp ấy không chỉ phụ thuộc vào kịch bản, âm thanh, hình ảnh hay diễn xuất, mà còn nằm ở cách dẫn dắt người xem. Một bộ phim ly kỳ, dù có cấu trúc phức tạp vẫn phải được đặt để sao cho khán giả có thể theo dõi một cách trực quan, song không làm mất đi sự căng thẳng hay cuốn hút. Những bộ phim trinh thám thành công là khi đạo diễn dẫn dắt khán giả theo nhịp điệu câu chuyện, khiến họ không thể rời mắt, đồng thời cảm nhận trọn vẹn từng khoảnh khắc, dẫu câu chuyện có chồng chéo đến đâu.

Anh từng chia sẻ: “Cứ 5-10 phút sẽ có một điều mới xảy ra và điều đó sẽ diễn ra liên tục từ đầu đến cuối phim”. Đó là một tuyên ngôn về nhịp kể hay là một thử thách với chính anh trong việc giữ khán giả tỉnh táo suốt mạch phim?

Cốt lõi vẫn là tâm lý nhân vật. Tôi xây dựng bộ phim trên nền tảng tâm lý vững chắc của từng người trong câu chuyện. Hầu hết động cơ, hành động đều phải xuất phát từ nội tâm, chứ không đơn thuần theo kịch bản sẵn có. Vì khi khán giả thấu hiểu động cơ của nhân vật, họ sẽ thấy bóng dáng mình hoặc đồng cảm với những đấu tranh nội tâm. Đó mới là bất ngờ có sức nặng. Tôi gọi cảm xúc này là điều bất ngờ “thấm vào xương tủy” – không ồn ào nhưng dai dẳng. Và lúc mọi thứ được neo đậu trên nền tảng tâm lý vững chắc, khán giả sẽ không cần gồng mình suy diễn, thay vào đó để cảm xúc dẫn lối.

Điều gì đã đưa anh đi xa trong hành trình của mình? 

Đó là lý tưởng nghề nghiệp mà tôi luôn giữ gìn và theo đuổi. Thật ra, tôi không quá đặt nặng vào khía cạnh kỷ luật trong quá trình làm phim, vì có nhiều thứ nằm ngoài tầm kiểm soát, từ con người cho đến hoàn cảnh. Điều duy nhất tôi có thể kiểm soát là: Làm sao để bộ phim có thể chạm được cảm xúc của khán giả?

Tôi luôn tâm niệm, một tác phẩm điện ảnh thành công không nằm ở việc tuân thủ khuôn mẫu hay phô diễn kỹ thuật, mà ở sức sống bền bỉ của nó.

Nó không bị phủ bụi theo thời gian, cũng chẳng trở thành một thứ nghi lễ sáo rỗng mỗi khi tái chiếu. Đó mới là khi điện ảnh đạt đến sự “vĩnh cửu”. Nghe có vẻ đao to búa lớn, thực tế, đích đến chẳng hề bằng phẳng. Song, nó luôn là “kim chỉ nam” âm thầm dẫn lối tôi từ những ngày đầu bước chân vào nghề cho đến tận bây giờ.

Một tác phẩm vượt thời gian đòi hỏi những yếu tố nào?

Một tác phẩm điện ảnh đúng nghĩa là hạt mầm được gieo vào ký ức người xem, sau đó nảy mầm thành những cảm xúc, những suy tư, thậm chí vang vọng trong tâm trí khán giả rất lâu sau khi đèn rạp đã sáng. Bởi lẽ, khi nó đã chạm đến trái tim khán giả, nó sẽ để lại những “dấu triện” khó phai, không chỉ là những cảm xúc nhất thời. Với tôi, đó mới là giá trị bền vững của điện ảnh.

Cảm ơn những chia sẻ của anh.

library