Đạo diễn Nguyễn Phạm Thành Đạt – “Đàn cá gỗ” và hành trình làm phim để tỏ lòng mình

  • by Huyền My Trương
  • July 7, 2025

Trong phim của Nguyễn Phạm Thành Đạt, nhân vật thường mắc kẹt giữa những lựa chọn – không đơn thuần là chọn đúng hay sai, mà là chọn con đường mình có đủ can đảm để đi đến tận cùng. Ngoài đời, Đạt cũng từng có trải nghiệm như thế, khi cơ hội đến không phải để đưa ta đến nơi dễ chịu, mà đôi khi kéo ta về hướng ngược chiều, đầy giằng co. Nhưng chính ở đó, người làm phim trẻ này tìm thấy lý do để vững bước: không phải chuyện thắng hay thua, mà để hiểu mình sâu hơn sau mỗi quyết định.

“Đàn cá gỗ”, từ một dự án tốt nghiệp tại Trường Sân khấu Điện ảnh đến giải thưởng “Cánh diều vàng 2024” và nay là công chiếu tại quê nhà, quá trình này đặc biệt mang đến những cảm xúc nào?

Đó là một điều kỳ diệu xảy đến với bộ phim, tôi làm với tâm thế có thể hiện thực hoá chuyện này nhưng khi bộ phim được xác nhận có thể chính thức ra rạp đã làm tôi cảm thấy vui mừng, như thể một chuyện khó tin như thế đã thực sự xảy ra.

“Chẳng phải phép màu, vậy sao chúng ta gặp nhau?” từ ca khúc nhạc phim “Phép màu” là câu hát gieo vào lòng người nghe rất nhiều cảm xúc, và vì nó có những sự gắn bó mật thiết với “Đàn cá gỗ” trên nhiều phương diện, thành thử tôi muốn hỏi Đạt về “phép màu” và “niềm hy vọng”. Bạn nghĩ gì về những “tồn tại” màu nhiệm này trong cuộc sống?

Phải thú thực, “phép màu” trong “Đàn cá gỗ” không nói đến một tương lai tươi sáng đầy hy vọng. Đó là câu chuyện của quá khứ, là giữa bộn bề cuộc sống mưu sinh, nhân vật chính nhìn lại những điều tuyệt vời trong tuổi trẻ của mình với một thái độ trân quý. Tôi nghĩ sự màu nhiệm không phải một thứ sẽ đến trong sự chờ đợi có phần thụ động, mà là cách chúng ta nhìn lại và trân trọng những điều đẹp đẽ từng có.

Tôi không thường mơ mộng nên cũng không có khoảnh khắc nào như trong mơ. Nhưng thành công của MV “Phép màu” thực sự là một phép màu đối với chúng tôi, nó thay đổi rất nhiều định hướng và kế hoạch của những người làm ra sản phẩm đó.

“Đàn cá gỗ” không chỉ mô tả những chiếc tàu – thể hiện mối liên kết, sự gắn bó giữa những con người trong làng chài, giữa những người cùng chung một nỗi niềm và cùng nhau vươn ra biển để mưu sinh, mà trong câu chuyện của chính nó trên màn ảnh, còn là sự đấu tranh giữa việc theo đuổi đam mê âm nhạc hay bám trụ lại nghề biển dù tương lai bấp bênh của nam chính. Đam mê của nhân vật thì ta sẽ thấy nó trên màn ảnh, còn đam mê của Đạt? Hãy chia sẻ với tôi về thứ đam mê đang rực cháy trong bạn, nó đã đưa bạn đến những hành trình và cột mốc nào?

Cảm ơn câu hỏi rất ý nghĩa này. Tôi yêu điện ảnh, tôi muốn làm phim, tôi luôn muốn dốc hết tâm huyết cho những “đứa con tinh thần” của mình. Chúng có thể chưa hoàn hảo nhưng phải là những tác phẩm tốt nhất tôi có thể làm trong thời điểm đó.

Tôi sinh ra và lớn lên ở Mộc Châu, trong một gia đình có truyền thống làm nghề y. Từ nhỏ, tôi đã dành nhiều thời gian học tập để nối nghiệp gia đình, như một lẽ tự nhiên. Vì vậy, khi tôi quyết định theo đuổi điện ảnh, cả nhà đều rất lo lắng. Họ không hiểu nhiều về lĩnh vực này, cũng không có bất kỳ mối quan hệ nào có thể hỗ trợ tôi trên con đường mới – một con đường đầy thử thách và xa lạ với tất cả chúng tôi. Nói đúng hơn, không chỉ tôi, mà cả gia đình tôi đều bước vào thế giới điện ảnh một cách rất… hồn nhiên (cười).

Tôi đến với điện ảnh chỉ vì xem phim thấy hay quá rồi muốn tự mình làm phim. Còn bố mẹ tôi, dù ban đầu lo lắng nhưng thấy con trai đã quyết tâm thì cũng cố gắng đồng hành và ủng hộ. Vậy nên, mỗi khi có dịp đưa bố mẹ tham dự các Liên hoan phim, lễ trao giải hay sự kiện điện ảnh ở nước ngoài, tôi đều cảm thấy đó là một điều vô cùng ý nghĩa.

Cột mốc quan trọng đầu tiên là năm 2022, khi bộ phim “Khu rừng của Páo” được Netflix tài trợ 10.000 đô-la và giành Giải Nhất trong cuộc thi làm phim do nền tảng này tổ chức. Nhờ đó, tôi có cơ hội làm quen với nhiều anh chị, bạn bè trong giới làm phim – những người sau này trở thành cộng sự thân thiết của tôi. “Khu rừng của Páo” sau đó cũng giành giải “Best Short Film” tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội và được chọn vào “Top 20 CILECT” tại Pháp.

Năm 2024, tôi tốt nghiệp thủ khoa Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội với “Đàn cá gỗ”, bộ phim sau đó giành giải “Cánh Diều Vàng” như bạn đã biết.

Gần đây nhất, tôi thực hiện phim ngắn “Tàn sữa”, tác phẩm được chọn vào Top 5 dự án xuất sắc nhất tại cuộc thi phim ngắn CJ và nhận tài trợ 300 triệu đồng để sản xuất. Đây chính là tiền đề cho “Flying Cows” – dự án phim dài đầu tay của tôi, cũng vừa đoạt giải “Best Genre Project” tại Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng 2025.

Tôi nghĩ khoảnh khắc bỏ ngành Y để theo học điện ảnh, nghe hơi sến nhưng điều giữ tôi tiếp tục con đường này tới giờ là tình yêu thuần khiết dành cho điện ảnh và khao khát làm ra những bộ phim hay.

Nhiều nhân vật trẻ trong phim Đạt làm thường đứng trước một lựa chọn không dễ dàng: đi hay ở, theo hay bỏ, mơ hay quên. Đạt có nghĩ rằng, trưởng thành là học cách chọn một con đường dù không ai vỗ tay khi mình bước tiếp?

Chọn một con đường hay đưa ra một quyết định không đồng nghĩa với việc ta đã trưởng thành. Nhưng khó khăn từ chính những lựa chọn đó là chất liệu giúp ta lớn lên. Với tôi, sự trưởng thành theo cách đó là một hành trình không có điểm dừng, bởi con đường mình muốn đi thường sẽ ngày càng xa hơn, gian nan hơn. Và trong chính mỗi thử thách lại mở ra cơ hội để tôi đối thoại với bản thân, để không ngừng hoàn thiện và tiến xa hơn nữa.

Trong “Đàn cá gỗ”, có một cảm giác sẽ làm người xem thấy dính mắc nhiều nhất: nhân vật như mắc kẹt giữa yêu thương và lựa chọn. Điều này mở ra ra hai trạng thái – tự do và ràng buộc. Có thể, tự do ở đây không phải là được làm cho thoả chí điều mình muốn, mà là dám quyết định và dám chịu trách nhiệm. Mặt khác, ràng buộc không hẳn là xiềng xích, mà nó là hệ quả của yêu thương, trách nhiệm và gốc rễ. Đạt đang muốn nói gì với lòng mình, và đang muốn đối thoại gì với thế giới?

Làm phim không phải là hành trình có thể sớm gặt hái thành quả. “Đàn cá gỗ” là bộ phim tôi làm ra như một lời tri ân cho những năm tháng nỗ lực cùng nghệ thuật. Đồng thời, đó cũng là món quà tôi dành tặng cho bạn gái, người đã luôn âm thầm ủng hộ tôi trên con đường nhiều chông gai này.

Tôi nghĩ, bộ phim là cách để tôi tự đối thoại với chính mình, về những mâu thuẫn đó, về vị trí của một cá nhân giữa đam mê và trách nhiệm gia đình. Đam mê, hoài bão cá nhân và trách nhiệm với gia đình, đó là hai vẻ đẹp tôi muốn đặt cạnh nhau. Không phải để chọn một, mà để chúng cùng tồn tại, cùng va chạm, đối thoại và soi chiếu lẫn nhau. Còn ý nghĩa cuối cùng, tôi muốn để nó nằm lại ở người xem, tùy vào cảm nhận và quan điểm của mỗi người.

Người trẻ thường bị thôi thúc phải ra khơi, phải đi xa khỏi vùng an toàn. Nhưng Đạt lại làm một bộ phim rất lặng về việc ở lại. Đạt nghĩ thế nào vào sức mạnh của những khoảng lặng trong điện ảnh như cách mình chọn kể một nỗi buồn mà không dùng đến bi kịch?

Với tôi, có vài dạng nỗi buồn không phải là bi kịch và không cần thiết thể hiện qua bi kịch trong phim. Tôi muốn làm một bộ phim điện ảnh náo nhiệt, mọi thứ được đẩy xa đến mức không ngờ tới rồi thả nhẹ một nhịp. Chính trong khoảng lặng đó, mọi suy tư và mâu thuẫn của nhân vật đều được hiển lộ một cách tự nhiên, không tạo cảm giác gượng ép. Lý do cho việc này rất đơn giản, vì nó tương tự với cách tôi tiếp cận với nỗi buồn trong cuộc sống thường nhật, nên tôi không thể làm nó khác đi trên phim.

“Đàn cá gỗ”, “Khu rừng của Páo” hay “Tàn sữa” không chỉ là những tác phẩm điện ảnh, mà còn là đại diện cho tiếng nói của thế hệ những nhà làm phim trẻ, mà ở đây là từ Đạt và đội ngũ Mounter. Đạt có nghĩ rằng mình, hay thế hệ mình, đang làm phim như một cách để trả lời cho những điều mà xã hội chưa nhìn đủ lâu, hoặc chưa đủ kiên nhẫn để lắng nghe?

Tôi không thường so sánh những điều mình làm với xã hội như vậy, hay phải đặt sản phẩm của mình trong sự kỳ vọng của xã hội. Tôi và Mounter muốn làm ra những bộ phim mà chúng tôi muốn xem, những vấn đề trong phim xuất phát từ những tâm tư tình cảm rất riêng tư, rồi triển khai chúng ra một cách thú vị với toàn bộ sự sáng tạo chúng tôi có.

Những đề tài hay những chủ đề nào mà Đạt muốn khai thác trong thời gian tới?

Tình yêu và gia đình luôn là đề tài tôi quan tâm. Trong thời gian tới, tôi muốn đặt chúng trong những bối cảnh xã hội, thời điểm lịch sử thú vị để xem cách chúng va chạm với nhau và va chạm với những mối quan hệ khác.

Cảm ơn những chia sẻ Đạt.

library