Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng quả thật tôi thích làm một kẻ nghiệp dư trên hành trình sáng tạo vô tận trong nền công nghiệp tổ chức biểu diễn. Bởi chỉ có cách đó, tôi mới không giới hạn bản thân mình trong bất kỳ “chiếc hộp” nào…
Thời điểm năm 2019, tôi đã có thâm niên gần 10 năm lăn lộn nơi hậu trường của nghề làm sự kiện tổ chức biểu diễn ở Việt Nam. Thế nhưng, ước mơ trở thành người đạo diễn một chương trình vẫn luôn thúc giục ở trong tim. Chưa kể, đó còn là khao khát được làm với những ngôi sao hàng đầu Việt Nam. Vì chỉ có những người hàng đầu mới dám chắp cánh cho những ý tưởng điên rồ, vượt ngoài khuôn khổ và không sợ bất cứ rào cản nào về mặt sáng tạo mà tôi nung nấu bấy lâu.
Trong quãng thời gian gần một năm rưỡi thuyết phục Sơn Tùng MTP, để Tùng chấp nhận cho tôi làm đạo diễn của “Sky Tour” diễn ra ở 3 thành phố lớn tại Việt Nam là TP.HCM, Đà Nẵng và Hà Nội là những ngày cảm xúc tôi trồi sụt theo đồ thị hình sin. Mỗi lần gặp Tùng là thêm một bài toán cần giải, cho đến cuối cùng, tôi nhận ra bài toán quan trọng nhất để làm cho Tùng là mang Tùng lên một vị trí mới trong showbiz Việt bằng cái nền “Sky Tour”. Để Tùng hát, nhảy, biểu cảm… Rồi từ đó Tùng thăng hoa và xé toạc lớp áo cũ mà từng mặc trước đó. Sau “Sky Tour”, rõ ràng Sơn Tùng MTP đã là một phiên bản rực rỡ cũng như ấn tượng hơn.
Với live show “Tri Âm” của Mỹ Tâm diễn ra ở hai đầu thành phố lớn của Việt Nam, tôi lại phải đi ra khỏi giới hạn của mình một lần nữa, khi Mỹ Tâm gần như là một huyền thoại sống của nhạc Việt trong khoảng 30 năm trở lại đây.
“Tri Âm” là một liveshow kỳ lạ nhất trong lịch sử nhạc Việt khi khoảng cách thời gian giữa hai show diễn ra là gần 2 năm (2021-2022). Ngay từ cái tên gọi, cũng đã là một “case study” rất thú vị khi tên Tri Âm chiết tự ra nhiều ý nghĩa liên quan đến Mỹ Tâm. Với nghĩa bình thường nhất, Tri là tri kỷ, Âm là âm nhạc thì gần như ai cũng hiểu. Nhưng Tri Âm nếu bỏ đi hai ký tự r và i thì chúng ta có tên của chính chủ nhân live show…
Thách thức của “Tri Âm”, với tôi, không nằm ở âm nhạc mà lại chính là khán giả.
Vì với âm nhạc thì gia tài bài hát đồ sộ của Mỹ Tâm đủ để tạo “cơn bão” trên bất kỳ sân khấu lớn nhỏ nào. Trong khi đó, thâm niên 20 năm trong nghề và vẫn còn hiện diện trên sân khấu ở vị trí ngôi sao hàng đầu, khán giả của Mỹ Tâm có sự kết nối, kế thừa giữa các thế hệ rất lớn.
Cũng giống như lời của Mỹ Tâm tự sự về bộ phim tài liệu “Tri Âm The Movie”: Người giữ thời gian, rằng: “Tất cả mọi chuyện trước đó có thể không đúng. Nhưng giây phút đúng nhất là lúc Tâm từ cổng bước vào sân, gặp ekip và bước lên bục nâng và bước ra sân khấu…” Và tôi nghĩ mình đã tìm ra được những khoảnh khắc giá trị nhất nhằm tạo nên live show “Tri Âm”. Tôi tin không chỉ khán giả hiện diện ở sân khấu 2 live show, mà sắp tới đây vào ngày 8/4/2023 khi bộ phim tài liệu ra mắt khán giả tại các cụm rạp trên toàn quốc, mọi người sẽ chứng thực được những giới hạn mà tôi – với tư cách là đạo diễn – đã cùng với chị Mỹ Tâm vượt qua.
Với tôi, nền công nghiệp tổ chức biểu diễn ở Việt Nam còn quá nhiều tiềm năng. Những gì chúng ta nhìn thấy trong mấy chục năm qua, thật sự vẫn chưa chứng tỏ được nội lực của những người làm trong ngành này cũng như các nghệ sĩ biểu diễn.
Tuy nhiên, có rất nhiều hạn chế mà các sự kiện tổ chức biểu diễn của chúng ta gặp phải. Những gạch đầu dòng quan trọng nhất phải kể đến việc chúng ta không có những không gian biểu diễn đẳng cấp và xứng tầm; sự đầu tư tiết mục chưa xứng đáng của nghệ sĩ trong mỗi lần xuất hiện; không có các fandom đủ lớn để tạo ra thêm sức ảnh hưởng với thị trường; các show diễn miễn phí diễn ra với tần suất dày đặc với sự bảo trợ của các nhãn hàng; và cuối cùng là tầm nhìn của phần lớn nghệ sĩ bị câu chuyện “cơm áo gạo tiền” che khuất…
Thế hệ Gen Z ngày hôm nay đang là những khán giả quan trọng nhất. Thị hiếu của Gen Z cũng như nhu cầu đòi hỏi của các bạn về chất lượng nghệ thuật các show diễn tại Việt Nam là rất cao. Khán giả đang thay đổi từng ngày từng giờ khi họ được tiếp cận với quá nhiều show diễn đẳng cấp ở khắp nơi trên thế giới, thông qua việc đến xem trực tiếp hoặc xem qua các bộ phim tài liệu… Do đó, tôi nghĩ nếu những người làm trong ngành tổ chức sự kiện biểu diễn như chúng tôi cũng như các nghệ sĩ, vẫn cứ “bọc mình” trong những vành đai an toàn thì chính chúng tôi sẽ bị thải loại ra khỏi con đường làm nghề nhanh nhất có thể.
Trong mỗi buổi sáng thức dậy, tôi luôn muốn mình phải là một phiên bản tốt hơn của ngày hôm qua. Song đồng thời, tôi cũng không muốn bản thân mình nhớ đến những thành công mình đã tạo dựng. Hôm nay đã là một hành trình mới. Và tôi thì không thích sống với ký ức của mình dù nó tuyệt đẹp đến bao nhiêu. Cũng như tôi thích làm công việc sáng tạo, bởi vì không có công thức nào là mẫu số chung cho sự thành công.
Tôi hiểu, một khi tự cho mình là chuyên nghiệp hay chuyên gia thì khả năng tự học hay cập nhật xu hướng sẽ xuống rất thấp. Vì lúc nào mình cũng nghĩ rằng mình đã đạt tới mốc của sự lớn mạnh rồi, nhưng cuộc đời này thực tế không bao giờ có đỉnh cao nhất. Bản thân sự sáng tạo không có điểm giới hạn về tầm cao hay sự hoàn hảo, mà nó luôn thay đổi và ngày càng đa dạng hơn với hằng hà sa số góc nhìn. Bởi vậy, phải luôn nghĩ mình chỉ là hạt cát trên sa mạc (nghiệp dư) thì mình sẽ tiếp tục đi tìm giải pháp, phương án, cách thức để thúc đẩy sự sáng tạo lên cao hơn nữa. Đó mới chính là bản chất của sự phát triển của một người làm nghề.
Thế giới đang thay đổi chóng mặt. Nó biến tất cả chúng ta thành kẻ nghiệp dư chỉ sau một đêm… Đó cũng là lý do khiến tôi không sợ sai, không sợ vấp ngã, không sợ tiếc nuối… chỉ sợ mình bỏ cuộc và ngừng cố gắng trong khi bản thân còn có thể.
Với ngành công nghiệp tổ chức biểu diễn tại Việt Nam, tên tuổi của tôi vẫn là một tên tuổi rất mới trong mắt của nhiều người. Và thật ra, tôi cũng ước ao mình sẽ mãi “rất mới” như thế theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Vì chỉ có như vậy, tôi mới nuôi dưỡng được sự háo hức, chứng tỏ sự sáng tạo của mình, trong mỗi show diễn sẽ mở màn trong tương lai gần đây…
Tôi thật sự chỉ muốn làm một kẻ nghiệp dư trong nghề để thách thức mọi giới hạn…