Đạo diễn Cao Trung Hiếu: “Sự tự do trong sáng tạo của tôi được đúc kết từ trải nghiệm”
LifestyleArts & Culture

Đạo diễn Cao Trung Hiếu: “Sự tự do trong sáng tạo của tôi được đúc kết từ trải nghiệm”

Trò chuyện cùng Giám đốc sáng tạo/Đạo diễn sân khấu anh Cao Trung Hiếu cho tôi cơ hội đặt chân vào một thế giới màu nhiệm. Những sự truy vấn tôi dành cho anh cốt chỉ muốn diễn giải thứ ngôn ngữ phức tạp của nghệ thuật và sáng tạo, thành một cách hiểu tinh khôi hơn. 

Cảm ơn anh Cao Trung Hiếu đã đồng hành cùng Men’s Folio Vietnam trong ấn phẩm lần này. Tôi vẫn biết và ngưỡng mộ anh qua những sáng tạo của anh trong đa lĩnh vực như sân khấu, bìa album, bộ ảnh thời trang… Tôi nên nói gì đây, mối duyên của anh với nghệ thuật là một định mệnh được báo trước chăng?

Từ những ngày thơ bé, tôi đã thích chụp ảnh và nghe nhạc. Lớn lên, tôi theo học Trường Đại học Kiến trúc, khoa Mỹ thuật Công nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, tôi có cơ hội làm các công việc liên quan đến những thứ mình tưởng tượng và yêu thích, như thiết kế bìa album, làm Giám đốc sáng tạo và Giám đốc nghệ thuật cho các tạp chí Việt Nam, và hiện nay là đạo diễn sân khấu. Tôi không hoạt động nghệ thuật sớm, nhưng may mắn là tôi hiện thực hóa những gì mình yêu thích thuận lợi như một dòng chảy êm đềm. Sự suôn sẻ ở đây được làm nên từ tinh thần quyết liệt theo đuổi giấc mơ và sự bồi đắp của tôi mỗi ngày.

Sân khấu là ý tưởng của riêng anh nhưng cũng là sản phẩm của tập thể. Anh làm thế nào để hướng những trái tim đa cảm cùng một nhịp đập với mình?

Khi làm đạo diễn sân khấu, bạn không phải một nghệ sĩ sáng tạo độc lập, mà cùng làm với hàng trăm con người. Bạn chỉ là đầu tàu lèo lái con thuyền đi đến đích. Tôi luôn tự hỏi nếu tôi làm việc trong tập thể, thì tính sáng tạo cá nhân có còn hay không? Qua một thời gian dài làm nghề, tôi dần tìm ra cách sáng tạo, cách suy nghĩ, để hướng mọi người đến tính cá nhân của mình. Tôi từng dùng hình ảnh mang kỷ niệm cá nhân như tổ chim, chiếc lá bồ đề, một quả trứng… để làm ý tưởng sân khấu. Đó đều là những hình ảnh mà ai cũng có thể nắm bắt và hiện thực hóa. Sự thân thuộc đã giúp chúng tôi dễ dàng đối thoại với nhau hơn.

Anh đề cập đến tầm quan trọng của đối thoại, vậy anh có bao nhiêu cuộc đối thoại trước khi bắt tay vào thực hành sáng tạo?

Có 3 cuộc đối thoại. Trước tiên là đối thoại với bản thân. Dù đã làm nhiều sân khấu khác nhau trong 10 năm, mỗi khi bắt đầu một chương trình mới, đầu óc tôi trống rỗng với câu hỏi “Bắt đầu từ đâu bây giờ?” Sự run rẩy và lo sợ trong tôi luôn thường trực. Nhưng ở cuối mỗi hành trình, từ nỗi sợ “không biết làm gì” đến một sân khấu thành hình, tôi lại thấy vui như trẻ nhỏ nhận được một món quà. Thứ hai là cuộc đối thoại với ekip. Đây là cuộc đối thoại quan trọng nhất vì họ là người biến những ý tưởng vô hình của mình thành hữu hình.

Sau cùng là cuộc đối thoại với người thưởng thức. Tôi suy nghĩ nhiều về tính tồn tại trong các sáng tạo của mình, nó vốn dĩ không phải là một tác phẩm nghệ thuật tồn tại cùng thời gian. Dù sân khấu có hoành tráng và rực rỡ đến mấy cũng mất đi, chỉ còn lưu lại bằng hình ảnh. Vì chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định, nên nó đòi hỏi sự thưởng thức mang tính tập trung của những người nghệ sĩ và khán giả.Đây là cuộc đối thoại rất quý giá với tôi vì tính hữu hạn của nó.

Anh nói mình lo sợ và run rẩy trước những bài toán sân khấu, tức là một chuyên gia cũng có thể gặp rắc rối và cảm thấy không đủ sức như bất kỳ ai trong lĩnh vực của họ?

Tôi cũng có sự mưu cầu được thể hiện của người làm sáng tạo. Nhưng sự lo sợ và thận trọng tôi dành cho nghề đến từ việc trăn trở “tạo ra một tác phẩm”, chứ không phải mối bận lòng “tác phẩm này phải xuất sắc hơn tác phẩm trước”. Tôi nghĩ hành trình đó đôi khi rất đơn độc. Tôi luôn được mọi người quan tâm và khen ngợi khi các tác phẩm của tôi thể hiện sự cô độc, nhưng giờ tôi lại nghĩ, có lẽ do mọi người cũng mưu cầu điều đó (cười).

Anh từng chia sẻ khi tự do ta sẽ có nhiều cơ hội để suy ngẫm, để thả mình trong mạch sáng tạo đang chảy cuồn cuộn bên trong. Nhưng theo nhà phân tâm học Erich Fromm, tự do cũng đi kèm với sự chia cắt, bất lực và sợ hãi. Vậy thì “tự do” trong sáng tạo anh đề cập là gì, và nó không làm anh chới với chứ?

Sự tự do trong sáng tạo của tôi được đúc kết từ trải nghiệm. Tự do tôi nói đến không phải là một người mãi miết đi tìm sự tự do, mà là hãy đi tìm sự tự do trong cái hộp, trong khuôn khổ, mà đại diện ở đây là sân khấu. Việc làm sáng tạo trong cái hộp thì tự do ở đâu? Tự do là tôi được chọn chính chiếc hộp đó để sống, để tan đến tận cùng. Khi bạn ở trong chiếc hộp, hãy nghĩ rằng mình “được” đặt trong chiếc hộp đó thay cho cảm giác “bị nhốt”, lúc đó bạn sẽ biết cách tìm ra được nhiều niềm vui!

Quan sát những sâu khấu của anh, lúc thì tôi cảm thấy có một sự tĩnh lặng xôn xao, khi thì lại bồi bồi như thời gian dừng lại trước mắt mình. 

Tôi nghĩ tôi biết cảm nhận của bạn đến từ đâu. Kỳ thực tôi rất quan tâm đến những bài thơ Haiku, nghệ thuật cắm hoa Ikebana, liệu pháp tắm rừng, phong cách Wabi sabi. Qua những bộ môn nghệ thuật đó, tôi thấy mình bình yên giữa những bộn bề của công việc và những vận hành của cuộc sống. Tôi nghĩ sự bình tĩnh nhất định của mình hình thành nên các tạo vật mỹ thuật tự toát lên câu chuyện. Tôi rất thích tạo ra sự tĩnh lặng sôi động trong phong cách thực hành sáng tạo của mình. Trên hết, tôi nghĩ việc sáng tạo phải để chính tôi thưởng thức trước tiên (dù nó sẽ có cuộc đời mới trong những suy niệm của khán giả) đã giúp mọi người hiểu hơn về chủ nhân của nó (cười).

Tôi đã suy nghĩ nhiều về nỗi ám ảnh của anh, thứ thật sự làm nên một tạo phẩm mỹ thuật biết kể chuyện. Câu trả lời có phải là không gian và thời gian không?

Không gian và thời gian đều tạo ra những cảm giác khó tả thành lời, và “cảm giác” là điều làm tôi ám ảnh. Bởi chính thứ cảm giác của người làm sáng tạo mới là điều vô cùng quan trọng, nó quyết định rất lớn trong việc truyền tải ý niệm của mình đến người thưởng thức. Dù bằng sự vô ngôn, mọi người vẫn nhìn thấy muôn vàn điều được tôi cất giữ rất kín đáo trong lòng. 

Đạo diễn sân khấu chịu trách nhiệm rất lớn cho hiệu năng và phần nhìn của một chương trình. Anh tốn năng lượng vào khâu nào nhiều hơn? Vì sao?

Nói chuyện với chính mình tốn nhiều năng lượng nhất. Bản thân chúng ta là một cá thể phức tạp, vật lộn với quá nhiều thứ trong vũ trụ của chính mình. Chỉ việc tự dàn xếp với mình để ngừng sự hỗn mang trong lòng đã là một hành trình dài. 

Cảm ơn những chia sẻ thú vị của anh!

Phỏng vấn và biên tập: Huyền My Trương  
Nhiếp ảnh gia: Đức Ngô  
Stylist: Đức Phạm  
Trợ lý nhiếp ảnh: Như Khôi
Trang phục: Yohji Yamamoto, Rich Owens, Raf Simons  
Địa điểm: ArtClass Studio
 

Related Article