Gần đây, DECION được người yêu nghệ thuật đường phố, đặc biệt là những ai có niềm say mê với art toy (đồ chơi nghệ thuật) biết đến nhiều hơn khi nhóm kết hợp cùng Duc Studio trong sự kiện “CHƠI:ĐỒ”. Nhưng tất cả những điều ta biết về nhóm những bạn trẻ say mê sáng tạo và thực hành nghệ thuật chỉ là bề nổi.
Vậy nên nhân dịp hai thành viên của nhóm là Đăng Khoa và Trọng Hiển góp mặt trong sự kiện triển lãm sắp tới, tôi không chỉ tìm hiểu kỹ hơn để đưa chân dung các bạn trẻ tài năng đến gần hơn với công chúng, mà còn tiến sâu hơn vào thế giới đồ chơi nghệ thuật sống động và những câu chuyện tự lập trên hành trình theo đuổi đam mê của các bạn.
Xin chào Trọng Hiển và Đăng Khoa. Men’s Folio Vietnam rất hào hứng khi có sự xuất hiện của hai bạn trong sự kiện lần này. Hiện tại, công việc sáng tạo mà các bạn đang theo đuổi là gì?
Đăng Khoa: Mình đang rèn luyện và phát triển ở mảng 3D, graphic designer tại DECION và đang chập chững bước vào con đường làm art toy. Mình là kiểu người hài hước, cứng đầu, một khi đã quyết định làm gì, mình sẽ theo nó tới cùng.
Trọng Hiển: Bên cạnh làm về stop motion animator (người diễn hoạt hình tĩnh vật) tại DECION, mình cũng đang làm art toy. Mình là kiểu người luôn muốn tìm những phương án “giải đề” mới khi được giao cho một dự án thay vì chuộng những cách thông thường. Mình muốn thử tìm lối đi riêng, không dễ hài lòng với những điều sẵn có. Mình cũng là kiểu người khá tham vọng nên ở giai đoạn này, mình đang tận dụng cơ hội để trải nghiệm nhiều, tích góp thêm kinh nghiệm, về sau sẽ tập trung vào một thế mạnh nhất định của bản thân.
Hành trình gắn bó với art toy của hai bạn hẳn là không dễ dàng vì thông thường, từ nói đến làm, từ suy nghĩ đến hiện thực hóa là cả một chặng đường dài…
Đăng Khoa: Đúng là như vậy. Từ hồi còn học lớp 3 lớp 4, mình đã thích nghe nhạc hip hop, rap; dù nghe không hiểu lắm nhưng mình cảm thấy giai điệu và thời trang đường phố hợp với mình đến lạ. Art toy cũng xuất hiện trong những music video mình xem và chúng lập tức gieo vào lòng một niềm yêu thích. Nhưng mình không nghĩ nhiều về nó, mình để nó tạm ngủ yên. Gia đình cũng không khuyến khích mình làm những việc liên quan đến nghệ thuật vì sợ con trai sẽ bay bổng. Nhưng mình hiểu mình muốn gì và sẽ gắn bó được với ngành nghề nào, và mình vượt lên trên mọi trở ngại, theo học ngành thiết kế tại trường RMIT. Tới đây thì mình vẫn chưa nghĩ sẽ bắt tay làm art toy. Mãi cho đến sau này khi đi xem các triển lãm, mình thấy các art toy cool quá và chớm lên ý định bắt tay vào làm luôn.
Trọng Hiển: Ngày trước mình định thi nhạc viện đấy chứ nhưng mẹ khuyên là nhạc có thể học như một sở thích, còn học art vừa là cái mình thích vừa có tương lai rõ ràng hơn. Vậy là mình quyết định theo học ngành Thiết kế truyền thông đa phương tiện. Năm 2018, mình có dịp đi hội chợ Toy Expo của Thái Lan và nhận ra art toy thú vị quá nên quyết định làm thử. Điều thúc đẩy mình nhiều nhất đó là biến nó từ ý tưởng thành thành phẩm. Bật mí với bạn là mẹ không ủng hộ mình làm art toy lắm đâu vì… thu nhập không ổn, lúc bán được lúc thì không (cười).
Tôi tin DECION vừa là một bước đi có phần liều lĩnh, vừa là trợ lực tốt của các bạn vì các bạn sẽ sánh vai trong những nhiệm vụ khó khăn nhất và cùng trưởng thành. Lúc này đây, hai bạn muốn chia sẻ điều gì nhất về DECION?
(Minh Khuê – Đăng Khoa – Trọng Hiển – Thành Phương)
Đăng Khoa: DECION là tập họp 4 chàng trai có niềm đam mê với animation (họat hình). Khoa phụ trách 3D, Hiển làm stop motion, Minh Khuê chuyên về hình ảnh và Thành Phương đảm nhận motion graphics (đồ họa động). Chất lượng công việc của từng người sẽ được đánh giá công tâm và khách quan từ các thành viên khác. DECION có thể được hiểu là “decision”, quyết định thành lập nhóm. Xâu xa hơn nữa, DE- trong chữ “design”, tức là chia sẻ cùng một đam mê với thiết kế, còn -CION trong chữ “scion”, là mầm cây. Tụi mình quyết định trở thành một nhóm, với mong muốn từ những chồi non sẽ lớn dần, trưởng thành và lành nghề theo thời gian.
Trọng Hiển: Lo ngại của đa số người sẽ là những mâu thuẫn không thể tránh khi những cá nhân đồng hành cùng nhau như một nhóm. Nhưng ở DECION, chúng mình tôn trọng, lắng nghe và tin tưởng nhau nên không bao giờ những khác biệt về ý tưởng hay quan điểm được đẩy lên cao trào cả.
Tự khen bản thân một chút, tinh thần người trẻ xông pha được tìm thấy ở đâu trong hai bạn?
Đăng Khoa: Đó là có dự án nào DECION cũng nhận hết (cười). Bất kể dự án có độ khó cao hoặc đòi hỏi kỹ thuật mà team chưa từng thử, chúng mình đều đón nhận nó như cơ hội.
Trọng Hiển: Chọn gắn bó với stop motion là một sự xông pha với mình. Đây là một công việc ít người làm vì mỗi dự án ngốn nhiều thời gian và công sức. Vì sao? Nhắc đến stop motion, đó là một loạt chuyển động được chụp từ rất nhiều hình ảnh, cụ thể là 12 hình/giây. Một ngày mình chụp được có vài giây trên phim thôi.
Văn hóa đường phố có ý nghĩa như thế nào đối với hai bạn? Và các bạn ở đâu trong bức tranh văn hóa đường phố này?
Đăng Khoa: Văn hóa đường phố đóng vai trò không nhỏ trong việc hình thành phong cách, suy nghĩ, tính cách của mình. Mình chịu ảnh hưởng từ văn hóa đường phố rất nhiều.
Trọng Hiển: Mình không hẳn thuộc về văn hóa đường phố. Nhưng có một điều mà mình chắc chắn, đó là văn hóa đường phố dành cho tất cả mọi người, nó là một cộng đồng lớn, nơi mọi người giao lưu, nâng đỡ và truyền cảm hứng cho nhau. Tinh thần đó làm cho văn hóa đường phố trở nên vô cùng đặc biệt và ngày càng có nhiều người yêu thích, dù trạng thái thường thấy của nó là những đợt sóng ngầm.
Thuộc nhóm nghệ sĩ của phòng Recognize, đại diện cho văn hóa đường phố gần như được xem là một phần của văn hóa đại chúng. Cảm xúc của hai bạn như thế nào?
Đăng Khoa: Lúc nhận được lời mời của Men’s Folio Vietnam, mình cảm rất rất vui, đây là lần đầu tiên mình tham gia vào một triển lãm quy mô như vậy; và việc xuất hiện trong căn phòng số 5 là điều khiến mình rất tự hào.
Trọng Hiển: Đến với triển lãm lần này, tinh thần hợp tác giữa các nghệ sĩ thông qua các tác phẩm là điều mình muốn lan tỏa. Hãy cứ làm đi, dù đơn giản hay phức tạp. Thật sự mình khá hồi hộp khi những art toy của mình và anh Sky Toy lộ diện trong triển lãm lần này.
Rất đáng mong chờ, hai bạn có thể chia sẻ nhiều hơn về những art toy mình đem đến “Ẩn Concept” không?
Đăng Khoa: Art toy mình mang đến cũng là đứa con tinh thần đầu tiên của mình, có tên là WITH HEART. Cái tên nói lên tâm tư tình cảm mình dành cho art toy, mình đến với nó và làm ra nó bằng cả trái tim. Ban đầu định làm kích thước nhỏ và làm khoảng 15-20 con nhưng mình muốn sản phẩm đầu tiên phải khác biệt một chút, nên làm hẳn con bự 80 cm và chỉ có một con duy nhất.
Trọng Hiển: Đây là một dạng art toy khá đặc biệt, nó làm bằng chất liệu soft vinyl, ở Nhật được gọi là sofubi. Anh Sky Toy, người Singapore mình đã gặp ở Toy Expo tại Thái Lan, là người đã thiết kế ra mẫu nguyên bản – màu trắng (blank). Sau đó, theo mẫu này, những nghệ nhân làm sofubi tại Nhật Bản đã sản xuất ra với kỹ thuật đổ khuôn sofubi khá phức tạp, đòi hỏi độ chính xác cao. Sau đó, anh Sky gởi cho mình 5 bản trắng và mình tiếp tục thiết kế từ các chủ đề khác nhau và dùng các kỹ thuật tạo hình, điêu khắc để tạo ra các bản thể custom như các bạn sẽ thấy trong triển lãm. Đây là cách rất hay để các nghệ sĩ giao lưu với nhau.
Là một người sáng tạo đồ chơi, thế mạnh của hai bạn là gì? Điều gì làm nên sự khác biệt của các bạn?
Trọng Hiển: Mình rất thích các mô hình art toy robot và kaiju (quái vật) kiểu cũ của Nhật Bản. Chúng mang những thiết kế rất tối giản nhưng đạt hiệu quả rất cao về mặt hình ảnh. Thế mạnh của mình là làm nhân vật có phom dáng hoạt hình nhưng phủ lên đó là lớp texture chi tiết. Mình triển khai tốt được loại art toy như vậy. Ngoài ra, có lẽ mình sẽ luôn vô tình (một cách cố ý) đặt vào nhân vật một chi tiết vui vui, để người chơi từ từ khám phá ra. Tức là dù nhân vật đó có là một quái vật “ngầu đét”, hay một cục kẹo bông gòn, mình cũng thường gắn thêm chi tiết gì đó để người chơi khi thấy hoặc nghe về chủ đề/ý tưởng sẽ mỉm cười.
Đăng Khoa: Thế mạnh của mình là vẽ. Mình có thể vẽ phác thảo nhanh nhiều ý tưởng mình muốn hoặc nghĩ đến, thế nên mình có nhiều cách phát triển art toy.
Cảm ơn những chia sẻ thú vị của Đăng Khoa và Trọng Hiển!