Dahan Phương Oanh: Tính chuyên nghiệp bắt đầu từ sự tử tế
Talent HubMF Talent Hub

Dahan Phương Oanh: Tính chuyên nghiệp bắt đầu từ sự tử tế

Dahan Phương Oanh luôn cho rằng cạnh tranh là một phần tất yếu của nghề người mẫu. Cô sẵn sàng cạnh tranh với những người mẫu nước ngoài chuyên nghiệp để giành lấy công việc một cách xứng đáng.

5 năm trôi qua, với khuôn mặt góc cạnh đậm nét châu Á và chiều cao 1,8 m, người mẫu Dahan Phương Oanh hiện trở thành niềm tự hào của ngành thời trang Việt. Cô trở thành chân dài đắt show nhất của Tuần lễ thời trang tại New York với 8 show diễn liên tục trong mùa Thu Đông 2023. Oanh còn là người mẫu Việt đầu tiên xuất hiện trong show diễn của thương hiệu Lemaire, Marc Jacobs, Alexander Wang, Peter Do, Prabal Gurung, 3.1 Phillip Lim…

Lời đầu tiên chúc mừng Phương Oanh khi là một trong những người mẫu đắt show nhất tại Tuần lễ thời trang New York Thu Đông 2023. Điều này ý nghĩa như thế nào với Oanh?

Được lọt vào danh sách người mẫu trúng nhiều show nhất tại Tuần lễ thời trang New York khiến tôi rất vui và điều này tiếp thêm một phần năng lượng giúp bản thân càng tự tin hơn để đến với những tuần lễ thời trang tiếp theo tại Châu Âu. Việc nhiều nhà thiết kế tin tưởng và lựa chọn tôi xuất hiện trong show của họ, tôi chỉ nghĩ đơn giản là họ nhìn thấy sự khác biệt và cá tính riêng bên trong cô gái tên Dahan Phương Oanh và tôi có thể là mảnh ghép thú vị cho bộ sưu tập nên họ đã lựa chọn tôi. Như tất cả những công việc khác, tôi cũng phải trải qua rất nhiều vòng casting để được lựa chọn trở thành người mẫu trong show diễn.

Oanh cảm thấy ra sao khi tại thị trường nước ngoài được săn đón, còn thị trường Việt Nam thì ngược lại?

Thật ra tôi cảm thấy không quá bận tâm vì tôi hiểu ở mỗi thị trường đều có tiêu chí lựa chọn người mẫu khác nhau. Tuy nhiên, khi làm việc cùng các thương hiệu tên tuổi như Lemaire, Helmut Lang, Prabal Gurung, 3.1 Phillip Lim, Alexander Wang, Marc Jacobs… tôi nhận thấy tính chuyên nghiệp của họ đều bắt đầu từ sự tử tế đối với mọi người cùng tham gia đóng góp cho công việc bất kể ở vị trí nào. Nếu bạn có góp công sức, bạn được đền đáp xứng đáng và đúng lúc.

Trong các show thời trang lớn, đâu là buổi trình diễn khiến Oanh ấn tượng nhất? Vì sao?

Tôi ấn tượng nhất với show thời trang của Marc Jacobs vì buổi trình đấy tưởng niệm một cố nhà thiết kế mà tôi vô cùng yêu mến là Vivienne Westwood. Ngoài ra tôi còn được làm mới diện mạo của mình với bộ tóc tẩy trắng hoàn toàn. Tôi phải cắt tóc, nhuộm và nhuộm cả lông mày, lông mi hết. Tóc thì còn mọc lại dài, nhưng cơ hội diễn cho một show thời trang lớn không đến nhiều lần.

Để trở thành người mẫu đắt show tại New York, Oanh đã phải cạnh tranh như thế nào với những chân dài tên tuổi khác?

Tôi cạnh tranh một cách công bằng thôi. Tất cả chúng tôi cùng đi casting cho buổi trình diễn, nếu phù hợp thì sẽ được chọn. May mắn là ở New York nhiều nhà thiết kế cảm thấy tôi phù hợp với họ. Cạnh tranh là một phần tất yếu của nghề người mẫu. Tôi luôn sẵn sàng cạnh tranh với những người mẫu nước ngoài chuyên nghiệp để giành lấy công việc một cách xứng đáng.

Tiêu chí của những thương hiệu quốc tế dành cho người mẫu Châu Á như thế nào?

Tiêu chí hình thể và số đo là tiêu chí chung bất kể chủng tộc. Còn lại thì lựa chọn sẽ dựa theo việc thần thái của người mẫu có đủ góp phần thể hiện được chất của bộ sưu tập theo ý đồ của nhà thiết kế không. Ở Paris là một cuộc cạnh tranh khốc liệt nhất bởi kinh đô thời trang này luôn có số lượng người mẫu rất nhiều vào mỗi mùa mốt. Tôi không thể nhận xét được câu chuyện phân cấp giữa người mẫu châu Á và các quốc gia khác, cũng như không lý giải được nguyên do của việc này. Nhưng thực tế đã minh chứng rõ ràng chính là tỉ lệ người mẫu Châu á được chọn cho các show diễn luôn thấp hơn so với nước khác.

Ở thị trường quốc tế, vị trí Vedette hay first face có quá quan trọng cho sự nghiệp người mẫu như ngành thời trang Việt Nam?

Đối với tôi, vị trí mở hay kết màn luôn có vị thế đặc biệt hơn trong show diễn, tuy nhiên sự lựa chọn người mẫu cho vị trí này không mang nặng tính “chiêu trò” để giật tít câu view như ở Việt Nam. Sự khác biệt lớn nhất tôi nhận thấy là chênh lệch giữa ngành thời trang Việt Nam và quốc tế đến từ khâu tổ chức và sắp xếp thời gian. Sự ngăn nắp trong khâu tổ chức giúp một ngày làm việc ở quốc tế hiệu quả hơn rất nhiều. Còn về người mẫu Việt Nam, các bạn cần phải có sự tò mò với chính bản thân mình, quan sát cơ thể và tập cách lắng nghe nó. Hãy là chính bản thân mình thì dễ dàng có cơ hội xuất hiện trên sàn diễn quốc tế.

Oanh có nhận thấy những điểm thiếu sót mà cả người mẫu và thương hiệu Việt so với thị trường quốc tế?

Tất cả đều cần quá trình. Với một ngành công nghiệp thời trang non trẻ như Việt Nam, thì điều cần nhất ngoài thời gian còn là những người dám bắt đầu đòi hỏi cao hơn cả từ bản thân họ và thị trường để cùng tiến về phía trước.

Với kinh nghiệm trình diễn quốc tế, Oanh có từng cảm thấy chạnh lòng khi NTK Việt chỉ chuộng Hoa hậu, người có tầm ảnh hưởng đảm nhận vai trò vedette mà không phải là người mẫu có kinh nghiệm như bạn?

Chạnh lòng thì không vì mỗi nhà thiết kế sẽ chọn đối tượng phù hợp với mình và điều họ muốn hướng tới trong mỗi show diễn thời trang. Đây chỉ là câu chuyện “Ngưu tầm ngưu mã tầm mã” mà thôi. Tôi không cảm thấy buồn vì ngưu không là mã hay ngược lại được. Đối với tôi quan trọng nhất là sự thành công của bộ sưu tập và người được chọn diễn ở vị trí vedette hay firstface sẽ làm tròn vai trong con mắt của nhà thiết kế. Trong tương lai khi thời trang Việt Nam đến gần hơn với thị trường quốc tế, tôi tin người mẫu sẽ có tầm ảnh hưởng không kém gì hoa hậu.

3 năm “chinh chiến” ở thị trường quốc tế, Oanh được và mất những gì?

Tôi nghĩ mình được nhiều hơn mất. Tôi được trải nghiệm, học hỏi nhiều hơn và trưởng thành hơn trên con đường mình đi. Định hướng 2023 của tôi sẽ tập trung phát triển ở kinh đô thời trang New York. Thương hiệu tôi mong muốn được góp mặt trình diễn, thì có sẵn một danh sách dài rồi nhưng thôi để bước qua rồi tôi sẽ chia sẻ nhé.

Ảnh: Dahan Phương Oanh
 

Related Article