Cuội: Đến với nhau bằng “Duyên”, đi cùng nhau bằng trang sức kỉ vật
Local - Don't Miss

Cuội: Đến với nhau bằng “Duyên”, đi cùng nhau bằng trang sức kỉ vật

Đặt chân đên một góc nhà nhỏ gọn nằm trên tầng ba của một khu chung cư cũ kỹ ở đường Nguyễn Đình Chiểu, tôi phải cúi thấp đầu xuống một chút để đưa người vừa tầm đi qua cánh cửa. Ở đây, tôi được gặp Cuội – thương hiệu trang sức thủ công mang đậm văn hóa miền Tây và vẻ đẹp mộc mạc.

Người đưa tôi đến với không gian cửa hàng là Miên, hiện đang là Art Director cho Cuội. Miên đưa tôi vào trong, để gặp thêm hai người nữa, là Anh Thoại và Anh Thi, cả hai bạn là đồng sáng lập của thương hiệu đậm màu hoài niệm này. Anh Thoại là người chịu trách nhiệm gần như mọi công đoạn sáng tạo cũng như câu chuyện cốt lõi làm nên thương hiệu, trong khi Thi sẽ tiếp quản trọng trách truyền thông, đem Cuội đến những nơi cần đến.

Sau một vài phút tham quan, chia sẻ để cảm nhận phần nào tinh thần của thương hiệu, chúng tôi chọn chiếc bàn ăn ở cạnh lối vào để ngồi lại cùng nhau, và có những giây phút trò chuyện thân mật, sâu sắc hơn về đứa con tinh thần của Thoại, Thi và Miên.

Thông điệp chính của Giêng Concept?

Thoại: Ở bộ sưu tập Giêng đợt này, nó chỉ đơn giản là “ký gửi niềm tin” cho nhau. Mà không chỉ là những cặp đôi, mà ở đâu đó còn có những tri kỷ, những người bạn xa về khoảng cách địa lý… không thể nào gặp nhau được trong mùa dịch. Cái cách họ ký gửi niềm tin như thế nào, cái cách họ nuôi niềm tin đó như thế nào… rồi cuối cùng là tận hưởng niềm tin đó bằng một cái “quả” như thế nào. Thì đó là thông điệp đơn giản mà Giêng Concept muốn truyền tải.

“Giêng” có phải chỉ mang ý nghĩa là “ra sau Tết”? Hay còn là cách nói cho câu chữ nào khác?

Thoại: “Giêng” đại diện cho hai lớp nghĩa: một là “ra Riêng”, là sự độc lập, sự khẳng định trưởng thành của những cặp đôi chuẩn bị bước vào giai đoạn mới trong hôn nhân. Ý nghĩa thứ hai chính là để ấn ý về cái “Duyên”; hình ảnh sợi tơ trong bộ sưu tập lần này chính là hình ảnh tượng trưng cho chữ “Duyên” đó. Thì trong mùa dịch vừa rồi, chính cái “Duyên” đó cũng là niềm tin, thứ nuôi sống tinh thần của con người mình. Nó không dừng lại ở việc mình có được hy vọng, mà còn là động lực để bản thân vượt qua và xem nhẹ những khó khăn. Theo Thoại, bất cứ việc gì xảy ra trên đời, cũng đều phải có một cái “Duyên”. Nó là yếu tố xâu chuỗi hết mọi cốt lõi trong cuộc sống.

Ở bộ ảnh Giêng Concept vừa qua, Cuội cũng có sự cộng tác khá sâu sát từ TimTay và Phiêu?

Thoại: TimTay và Cuội thì khỏi phải nói, tụi mình đồng hành quá nhiều việc. Phiêu thì chỉ mới lần đầu tiên làm việc, nhưng mình rất bất ngờ vì họ quá dễ thương, hỗ trợ Cuội hết mình khi qua cửa hàng chọn đồ. Chị Tuyền (nhà sáng lập thương hiệu Phiêu) cũng vậy, chị dễ thương lắm! Chị hay nói chuyện với mình trên mạng, lúc nào cũng hỏi han có hỗ trợ được gì cho mình không, chứ không đòi hỏi gì. Thoại nghĩ, đó là thứ mà ít ai có thể làm được, thay vì quan tâm đến lợi ích cá nhân. Rất là đáng quý. Cho nên, để Giêng Concept có thể thành hình như ngày hôm nay cũng là một điều may mắn. Ông bà độ (cười)!

Trước khi đến với thời trang phụ kiện và lập nên Cuội, Thoại là người như thế nào?

Thoại: Để mình kể cho mọi người nghe câu chuyện chưa bao giờ kể cho ai (cười)… Trước khi làm Cuội, mình cũng đã từng khởi nghiệp với một thương hiệu về grooming cho nam, tên là SIR, vào năm hai Đại học. Lúc đó, mình chủ yếu tập trung vào viết nội dung; mình muốn làm một sản phẩm mà ở đó phải có câu chuyện. Tuy nhiên, thương hiệu không đi được đến cùng, tại vì nhiều vấn đề trong cuộc sống xảy ra. Thoại quyết định dừng lại; sau đó, mình cũng đi làm nhiều việc khác nhau.

Anh Thoại, nhà sáng lập thương hiệu trang sức Cuội

Có lần tình cờ ngồi cà phê với một người bạn, mình chia sẻ những kinh nghiệm và nguyện vọng của bản thân, là mình muốn làm một sản phẩm có câu chuyện bên trong, và đặc biệt là sản phẩm đặc trưng của Việt Nam. Người bạn đó hỏi Thoại: “Ngày xưa anh học cái gì?”, khiến mình nhớ đến ngàng học Tạo dáng Công nghiệp và ngành kim hoàn vốn không suôn sẻ với mình trong quá khứ. Xong rồi người bạn mới hỏi tiếp: “Hồi xưa có học trang sức không?” Lúc đó mình mới nghĩ: “À, trang sức là một loại phụ kiện, mà cũng là một phương tiện để truyền tải được giá trị tinh thần, mà đặc biệt là chúng ta mang theo bên mình mỗi ngày nữa.” Từ đó, ngọn lửa đầu tiên bắt đầu nhen nhóm. Thoại bắt đầu suy nghĩ về việc thử sức mình với trang sức, cộng thêm vốn kinh nghiệm làm nội dung và quãng thời gian khá dài làm cho TravelMag nữa. Nó giúp Thoại tích lũy nhiều thứ, và Cuội lúc đó đến như một lẽ tất yếu.

Lúc mới thành lập, Cuội đã có sự đồng hành của Thi và Miên chưa nhỉ?

Thoại: Lúc đó thì chưa có Miên, chỉ mới có Thi trước. Miên thì mình may mắn gặp gỡ ở giai đoạn sau dịch. Xuất phát ban đầu của Miên cũng chỉ là khách hàng thôi, và rồi bạn cũng tâm sự với anh nhiều. Anh cũng cảm nhận rằng Miên là người làm việc liên quan nhiều đến sự hoài niệm này. Thành ra là thôi, anh em cứ về nhà thử sức rồi xem thế nào!

Ở thế giới sáng tạo hiện đại, nơi mọi người có nhiều phương cách để tạo nên giá trị riêng, chúng ta không bắt buộc phải làm một sản phẩm độc nhất vô nhị đúng nghĩa. Thay vào đó, việc nuôi dưỡng một câu chuyện sẽ giúp mình giữ được giá trị cốt lõi của riêng sản phẩm.

Còn Thi thì đúng là từ ban đầu luôn, bạn là đồng sáng lập của Cuội với mình. Câu chuyện gặp Thi cũng trùng hợp lắm: hai anh em cùng quê, mà lại không có nhiều liên lạc, cho đến khi lên Sài Gòn, thì kết nối lại với nhau qua một… bức ảnh Hà Giang. Mình và Thi đã biết nhau rồi, có chơi chung hội nhóm với nhau, nhưng mà không thân lắm, không nói chuyện nhiều. Tới khi có chuyến đi Hà Giang đó về, thì mới có sự liên kết. Hai anh em ra nói chuyện, thì mình cũng chia sẻ những dự định về Cuội. Lúc đó, mình chỉ hỏi một câu đơn giản thôi: “Giờ làm không?” – “Làm thì làm luôn!” (cười). Đó chỉ có vậy thôi, mọi thứ đều có “Duyên” mà đến, chứ không hề có gì sắp đặt hết.

Thoại gặp những khó khăn gì trong những ngày đầu thiết kế sản phẩm cho Cuội?

Thoại: Những giai đoạn đó phải nói là cực kỳ khó khăn luôn, chứ không chỉ là khó khăn bình thường. Thật ra, ý tưởng của Cuội bắt đầu từ năm 2018, nhưng mình chần chừ mãi đến năm 2020. Mình gặp rất nhiều người bạn chia sẻ về ý tưởng, thì người nào cũng ủng hộ hết. Tuy nhiên, chính bản thân Thoại cảm thấy mình vẫn chưa đủ kiến thức cho ngành hàng này. Cho đến khi có một người bạn đến nói với mình: “Cứ đi đi rồi sẽ tới!” Lúc đó, mình cũng chưa suy nghĩ nhiều, mà vẫn tiếp tục trau dồi mỗi ngày. Đến một ngày, tự nhiên mình cảm thấy “Cứ tìm hiểu hoài vậy thì biết tới bao giờ mới đủ”, nên thôi quyết định bắt tay vào làm luôn. Tháng 6/2020, Thoại có cho mình bộ ảnh đầu tiên của Cuội. Cũng từ thời gian đó, những gì khách hàng hỏi mà mình không biết, Thoại cũng tự tìm hiểu để giải đáp. Cứ trau dồi dần, thì đến một ngày, nó sẽ tự đầy đủ, giống như mình xây nhà.

Để đến được bộ ảnh tháng 6/2020, Cuội mất bao lâu từ việc lên ý tưởng đến khi chốt thành phẩm cuối cùng?

Thoại: Nếu mà tính đầy đủ giai đoạn chuẩn bị thì nó rất dài, khoảng hơn 1 năm trước đó. Thoại xuất thân là designer (thiết kế đồ họa) thôi, mình cũng mới là khởi nghiệp thôi, không có nhiều vốn liếng. Giai đoạn đầu chính là khoảng thời gian mình đi tìm người đồng đội, đồng chí hướng trong lĩnh vực kim hoàn này, mà ở bên sản xuất. Quá trình đó đã đưa Thoại qua gần 20 xưởng gia công khác nhau. Giai đoạn testing (thử nghiệm) tốn của Thoại rất nhiều công sức và tiền bạc. Đến một ngày, khi “Duyên” đủ và chín mùi, mình gặp được đúng người đồng đội của mình, và họ đi cùng mình đến ngày hôm nay luôn. Trải qua hơn 1 năm, để mình chuẩn bị cho đến ngày đầu tiên bản thân được thấy sản phẩm mà mình ưng ý. Khi chị ấy đúc thành những sản phẩm, thì anh không còn gì để góp ý nữa. Nó có tất cả những gì mà Thoại muốn đặt vào sản phẩm, cứ như có một sự liên kết và đồng tần số với nhau vậy.

Là người gắn bó cùng thương hiệu từ những ngày đầu tiên, Thi có trải nghiệm như thế nào trong việc nỗ lực lan tỏa hình ảnh của một thương hiệu ngách như Cuội?

Thi: Đối với Cuội, từ ban đầu, khi những thiết kế mà anh Thoại làm ra, cho đến lúc chị sản xuất đúc nên thành phẩm, cả hai anh em đều ưng ý lắm. Thi không nghĩ các sản phẩm sẽ khó tiếp cận với khách hàng, Có một giai đoạn thương hiệu không bán được thật, nhưng Cuội may mắn có được những người bạn khá đồng điệu, để từ đó, tụi mình mới lan tỏa dần. Bây giờ, mỗi khi nhắc tới Cuội là như nhắc đến một phong cách. Hễ cái gì mộc mạc, thân thiện, gần gũi thì người ta lại nói là “Cuội quá!” (cười).

Ở Cuội, Men’s Folio Vietnam ấn tượng với thiết kế một, thì phải ấn tượng với câu chuyện đến mười. Hầu hết nguồn cảm hứng xuyên suốt cho câu chuyện của Cuội đều đến từ văn hóa miền Tây?

Thoại: Điều đó phần lớn là do mình và Thi đều xuất thân từ Kiên Giang. Mỗi khi nhắc tới Việt Nam, các bạn sẽ nghĩ về cung đình Huế, triều Nguyễn, dân tộc miền núi… đa phần là như vậy. Nhưng Thoại vẫn chưa thấy được sự ấn tượng đủ lớn về văn hóa miền Tây Nam Bộ trên các phương tiện truyền thông. Mình thấy đây là một hướng đi riêng, chưa có nhiều người khai thác và quá là màu mỡ, quá nhiều thông tin hay mà mình cần phải lan tỏa cho nhiều người khác. Mình mới chọn xuất phát điểm là văn hóa miền Tây, khi bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn thì mới được biết về Óc Eo, rồi Chân Lạp và những văn hóa gắn liền không chỉ về hình hài, vật thể hay di tích mà còn gắn liền với phong cách sống của người miền Tây.

Theo Thoại, bất cứ việc gì xảy ra trên đời, cũng đều phải có một cái “Duyên”. Nó là yếu tố xâu chuỗi hết mọi cốt lõi trong cuộc sống.

Mình thấy nó giống như một câu hỏi mà bất cứ ai cũng đi tìm, “Tôi là ai?”, “Tôi đến từ đâu?”, “Tại sao tôi có hình thái và cách cư xử này?”… Chính môi trường, phong tục ở địa phương làm nên con người của mình. Thoại đặt tên “Cuội” cũng với ý nghĩa này: “trở về với cội nguồn”, “về với chính mình”, “tìm xem mình là ai”.

Với một thương hiệu đặc thù và có câu chuyện rất riêng như Cuội, việc xây dựng concept cho một bộ ảnh quảng bá chắc hẳn cũng rất khó khăn?

Thoại: Thật ra không chỉ mỗi mình mà là cả nhóm, mỗi lần mình ấn định thời gian lên concept là cả nhóm chuẩn bị mất ăn mất ngủ rồi đó (cười)! Mỗi bộ ảnh giống như món quà tinh thần mà mình gửi tặng hàng năm. Mỗi một năm, tụi mình sẽ gửi gắm vào đó những câu chuyện riêng biệt. Cội, Thơ, và Giêng đều có một câu chuyện khác nhau. Thoại là người viết ra ý tưởng lớn (big idea) trước hết. Rồi sau đó nhóm mới bắt đầu đóng góp dần lên…

Ê-kíp thực hiện bộ ảnh Giêng Concept, trong đó có Anh Thoại (áo thun trắng), Anh Thi (áo đen ở ria bên phải) & Miên (đeo kính đen, đứng phía sau)

Thoại là người có ý tưởng trước, mới bắt tay vào thiết kế sản phẩm? Hay ngược lại, suy nghĩ một câu chuyện phù hợp sau khi đã có sản phẩm?

Thoại: Xuất phát điểm của Thoại luôn là từ câu chuyện, từ cảm hứng trước. Mình sẵn sàng đón nhận ý tưởng thêm mà mỗi người góp vào. Mỗi người có một cảm nhận khác nhau, và Thoại sẽ đặt mình ở một góc nhìn thứ ba, không đặt cái tôi vào đó, để xem các ý tưởng này có điểm chung nào với nhau. Từ đó, mình mới tìm ra sợi dây liên kết lớn nhất – gọi là ý tưởng lớn (big idea). Ví dụ như ở Giêng Concept, ý tưởng lớn là sợi tơ. Đối với Thoại, câu chuyện rất quan trọng; nó là cốt lõi của sản phẩm. Tuy nhiên, mình cũng không vì thế mà quá cứng nhắc trong việc sản xuất. Nhiều lúc, mình thấy những vật thể nhất định, dù không hẳn là trang sức, nhưng lại có cùng tần số với câu chuyện của mình, thì bản thân vẫn lấy ý tưởng một chút từ những vật thể đó.

Ở thế giới sáng tạo hiện đại, nơi mọi người có nhiều phương cách để tạo nên giá trị riêng, chúng ta không bắt buộc phải làm một sản phẩm độc nhất vô nhị đúng nghĩa. Điều đó dường như là không thể. Bởi vì, thỉnh thoảng, sẽ có những ý tưởng trùng nhau mà mình không thể biết được. Thay vào đó, việc nuôi dưỡng một câu chuyện sẽ giúp mình giữ được giá trị cốt lõi của riêng sản phẩm.

… nó giống như một câu hỏi mà bất cứ ai cũng đi tìm, “Tôi là ai?”, “Tôi đến từ đâu?”, “Tại sao tôi có hình thái và cách cư xử này?”… Chính môi trường, phong tục ở địa phương làm nên con người của mình. Thoại đặt tên “Cuội” cũng với ý nghĩa này: “trở về với cội nguồn”, “về với chính mình”, “tìm xem mình là ai”.

Về chất liệu, Cuội sử dụng chất liệu đồng khá nhiều. Vì sao vậy?

Thoại: Đơn giản thôi, tại vì không ai dám làm (cười)! Ở Việt Nam, có khá nhiều làng nghề về đồng, nhưng đa phần là làm các sản phẩm to như chuông hoặc các sản phẩm công nghiệp. Đồng rất là khó sử dụng cho da, dễ gây kích ứng da. Thời điểm ban đầu, Thoại chọn đồng là tại vì mình nghĩ, nó là cái gì đó rất lạ. Mình đã từng sử dụng bạc rồi, vàng rồi, thì mình thấy “Ai cũng có thể làm được”. Điều quan trọng là mình dám làm điều người khác không dám, đúng sai thì chưa bàn tới, mà bản thân phải làm ra trò hay không đã. Lúc làm đồng, mình cũng gặp ra nhiều vấn đề. Ba tháng đầu tiên mở bán chính là ba tháng mình thử nghiệm cực kỳ nhiều. Bản thân mình là người có mồ hôi muối, nên mình tự đeo tất cả sản phẩm để thử. Không có gì là chân thật bằng cảm nhận bản thân, khi đứng ở góc độ là khách hàng của chính thương hiệu của mình. Thoại đặt mình ở góc nhìn là một khách hàng khó tính nhất, xem liệu họ sẽ nghĩ gì về sản phẩm…

Giai đoạn đầu, Cuội sử dụng chất liệu chính là đồng đỏ, sau đó mới phát triển thành đồng vàng, xem như là tiệm cận với công thức mà mình mong muốn. Cuối cùng, thương hiệu áp dụng đồng mạ vàng, vì chất liệu vừa mang được tính truyền thống của đồng, vừa mang được giá trị hình thể của vàng, vừa thể hiện được một phần văn hóa miền Tây rằng người ở đây rất thích đeo vàng. Phải là vàng trầm, vàng tươi luôn thì họ mới thích, chứ không phải các loại vàng ở bên Châu Âu. Cốt lõi ở đây là, Cuội phải làm sao để thể hiện được màu vàng đậm chất miền Tây ấy nhưng không bị sến. Giêng Concept cũng chính là bộ sưu tập mà Cuội bắt đầu áp dụng hình ảnh “vàng khè” của miền Tây. Trên bộ ảnh, người mẫu diện những đôi bông tai, dây chuyền rất nổi, nhưng nó vẫn rất vừa đủ, vừa mắt. Mình nghĩ, đó là một thành công của thương hiệu trong việc bước đầu tiếp cận hình ảnh ấy.

Phải mất gần 1 năm thì mới được thấy một bộ sưu tập mới của Cuội. Mình có cảm thấy đây là khoảng cách quá lâu?

Thoại: Có chứ, thực chất đó là điều mình rất là trăn trở luôn! Không có một thương hiệu nào mà bây giờ còn bán hay nghỉ bán cũng không biết (cười). Đó là điều mà bản thân Thoại cũng cảm thấy có trách nhiệm. Nhưng là một người làm nghệ thuật, Thoại cũng khó lòng dồn ép cảm xúc của mình. Kể cả khi hát một bài hát cũng vậy, Thoại không vì nghe người nói hay mà phải nghe cho bằng kịp. Điều gì đến thì nó sẽ tự đến thôi, chứ mình không muốn cưỡng cầu.

Lúc đầu, Thoại cũng định sẵn trong đầu, mỗi bộ sưu tập sẽ cách nhau đâu đó 6 tháng thôi. Trước Giêng, là mình cũng đã chuẩn bị 2 bộ sưu tập nữa rồi, nhưng đến khi chuẩn bị ra thì lại dính dịch. Thôi thì coi như là, một cái tín hiệu của vũ trụ! Thực chất, hai bộ sưu tập chưa ra mắt lại là hai bộ sưu tập mà Thoại tâm đắc hơn (Giêng). Cho nên Thoại không muốn cưỡng cầu bất cứ điều gì. Có một câu nói của anh Trần Đặng Đăng Khoa mà mình mang theo đến ngày hôm nay, đó là “The plan is to have no plan”. Trong thực tế cuộc sống, những điều mang lại thú vị không phải là cái mình đã lên kế hoạch trước, mà là thứ nằm ngoài dự tính. Nó tạo sự tươi mới cho mỗi người: mình không biết, khách hàng cũng không biết, nhưng đôi khi nó lại tự đến, tạo nên cảm xúc thú vị, và mọi người lại có những câu chuyện để nói với nhau.

Cuội thường quản lý chất lượng sản xuất như thế nào?

Thoại: Bên Cuội hiện tại thì đa phần nhân sự đều thuộc nội bộ hết. Ở nhóm sản xuất sẽ có một chị quản lý làm việc trực tiếp với mình. Mình sẽ nắm những điểm trọng yếu như tiến độ sản xuất. Mỗi lần ra một bộ sưu tập mới, khó khăn lớn nhất đối với sản xuất là cân bằng được tiến độ sản xuất giữa sản phẩm đang bán và sản phẩm mới. Mình phải sắp xếp thời gian sao cho khoa học. Ở Cuội, khách hàng phải đặt trước để được gia công chính xác, nên tụi mình phải đảm bảo giao hàng đúng hạn chót như đã hứa.

Với Thoại, mỗi sản phẩm ở Cuội đều mang nhiều giá trị tinh thần, nên các đường nét và chi tiết đều phải có hồn. Mình không quan trọng chuyện đẹp-xấu, mà là sản phẩm có hồn hay không. Để có được một sản phẩm tạo được rung cảm với người xem, bắt buộc người thợ phải có tâm, phải đủ cảm xúc. Chẳng hạn như xem một bức tranh, nó không cần quá xuất sắc, mà chỉ là một vài đường ngô nghê. Nhưng tại sao lại có người rưng rưng, chi hàng triệu đô cho bức tranh đó? Thoại luôn đặt những quãng thời gian nhất định, cân bằng giữa việc nghỉ ngơi và làm việc với nhóm sản xuất, để họ lúc nào cũng có được một sự thoải mái. Bản thân làm người sáng tạo, Thoại rất hiểu chuyện không nên cưỡng cầu cảm xúc. Để nhóm bình tâm, thoải mái mà làm, vẫn đảm bảo thời hạn là được. Nên việc định lượng thời gian quyết định rất nhiều thứ. Khi mình định lượng kỹ, đặt ra nhiều kế hoạch dự phòng, thì nó sẽ lợi thứ hơn cho cả nhóm, giúp mình không bị động. Thoại rất hạn chế hối thúc, vì sản phẩm ra sẽ không được như ý muốn, thậm chí nó còn đem lại những giá trị không mong muốn ở khách hàng. Đó là điều tối kỵ của Thoại.

Thông thường, khi đặt trước, khách hàng sẽ nhận sản phẩm sau bao lâu?

Thoại: Thông thường, đối với các bộ sưu tập trước, sẽ là 10-15 ngày. Tuy nhiên, với Giêng, nó sẽ hơi dài hơn tí xíu, bởi vì giai đoạn gia công sẽ cần chỉn chu hơn. Ở bộ sưu tập Cội, Thoại thậm chí còn để cho nhóm được lả lướt với các chi tiết ở trên sản phẩm. Nhưng riêng với Giêng, thì mình phải có sự tính toán lẫn cảm nhận tỉ mỉ ở bên trong, chứ không thể muốn làm gì cũng được như trước.

Mình không quan trọng chuyện đẹp-xấu, mà là sản phẩm có hồn hay không. Để có được một sản phẩm tạo được rung cảm với người xem, bắt buộc người thợ phải có tâm, phải đủ cảm xúc.

Sau gần 2 năm, doanh thu tại Cuội có đủ giúp thương hiệu duy trì hay mở rộng hơn?

Thoại: Mình cũng chia sẻ thẳng, là hiện tại, doanh thu ở Cuội là đang ở mức duy trì cho hoạt động sản xuất và các khâu vận hành, chứ còn dư thì chưa dư. Ai trong nhóm cũng đang hy vọng mọi thứ sẽ vào khuôn khổ hơn. Cuội cũng may mắn là vừa rồi, mình được cộng tác với nhiều thương hiệu thời trang, góp mặt trong chiến dịch Behind The Label. Việc cộng tác mang lại tín hiệu đáng mừng cho doanh thu, cũng như kiểm soát được thời gian và khối lượng công việc của cả nhóm. Đâu đó, Thoại nghĩ Cuội đang định hình bộ khung. Đối với Thoại, dù thương hiệu có câu chuyện hay cách mấy đi chăng nữa, mà làm không ra tiền thì cũng là thất bại. Vì vậy, điều tiên quyết mà Thoại đặt ra, trước khi có câu chuyện nữa, là sản phẩm đó phải phù hợp với thị hiếu của khách hàng đã. Phải đúng nhu cầu, không được quá kén người dùng.

Thoại có phương châm sản phẩm rõ ràng, chia làm ba hướng: sản phẩm niche (ngách) dành riêng cho một khoảng thời gian nhất định, sản phẩm elegance (thanh lịch) sẽ là sản phẩm mình tập trung nhiều vì ai cũng dùng được, nhưng ở đâu đó nó vẫn có được sự độc đáo nhất định, và sản phẩm performance (chức năng) nhưng không quá tầm thường như các sản phẩm công nghiệp khác. Thoại chọn cho nhóm bộ khung như vậy, để Cuội có thể cân bằng được việc sáng tạo nghệ thuật và đảm bảo tài chính. Ngoài bán lẻ, Cuội còn tập trung sản xuất B2B (business-to-business; sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp khác).

Thi: Hiện tại, ở Sài Gòn, mình thấy các thương hiệu thời trang sẽ có định hướng cho ra các dòng trang sức, phụ kiện riêng. Vì vậy, Cuội có định hướng trở thành người bạn đồng hành cho những thương hiệu thời trang như vậy và có phong cách, tinh thần phù hợp với Cuội.

Hiện tại, Cuội có đồng hành làm trang sức riêng cho Duc Studio đúng không?

Thi: Và với Subtle Studios. Thời điểm đó, các bạn có ra một bộ sưu tập mới, và các bạn có nhờ bên Cuội làm một số sản phẩm trang sức để có thể fitting chung với quần áo theo định hướng thiết kế bên ấy.

Định hướng B2B ở Cuội vẫn sẽ có một giới hạn nhất định, gói gọn ở các thương hiệu có cùng tầm nhìn hoặc phong cách?

Thoại: Nó quay lại với vấn đề sản xuất. Hiện tại, Cuội chưa tập trung vào khả năng sản xuất số lượng lớn như trên các sàn thương mại điện tử. Mình chỉ tập trung nhiều vào các thương hiệu khởi nghiệp nội địa (local brand), bởi vì họ có cùng tinh thần và cộng đồng. Ngoài ra, mình tập trung vào giá trị độc đáo, câu chuyện của sản phẩm nhiều hơn; nếu không, nó sẽ đi ngược với phương châm của Cuội. Mình không nhất thiết phải can thiệp quá nhiều vào câu chuyện của thương hiệu khác, tuy nhiên, ở góc độ của một nhà kim hoàn, Cuội sẽ cung cấp cho họ những giải pháp, định hướng để họ có thể duy trì việc kinh doanh sản phẩm trang sức cùng với thời trang. Đó là con đường mà Cuội đang thực hiện từng ngày, rất mong muốn để có thể hoàn thiện ngày càng tốt hơn. Điển hình như Duc Studio vừa rồi cũng là một câu chuyện rất thú vị. Mọi thứ đến rất chớp nhoáng.

Thi: Đức (nhà sáng lập Duc Studio) biết mình muốn gì. Mà đó là một trong những điều khó nhất ở các khách hàng luôn, vì thường họ không biết mình muốn gì.

Cuội có bao giờ nghĩ đến chuyện hợp tác với các thương hiệu thời trang, đặc biệt TimTay và Phiêu?

Thoại: Trước đó thật ra cũng có rồi. Bộ sưu tập Thơ là Cuội có hợp tác với thương hiệu lụa Mauve… Chắc là sẽ tùy theo từng giai đoạn khác nhau, tùy theo cái duyên. Để xem mình sẽ có những sự đồng điệu nào. Lúc mình ra mắt Giêng, đúng ra là sẽ kết hợp với TimTay, nhưng vì một vài dự án khác, nên không thành. Về cơ bản, trang sức phải đi với thời trang, không thể đi một mình được. Không có ai không mặc đồ mà đeo trang sức hết á! Nên việc hợp tác là một điều hiển nhiên. Nhưng điều Thoại nghĩ quan trọng ở việc kết hợp thời trang-trang sức vẫn là sự đồng điệu.

Vậy còn những hoạt động cộng đồng thì sao?

Miên: Trước đây, Cuội có từng kết hợp với TimTay để làm một workshop tương tự, tên là Chạm. Mọi người tham gia đều rất vui vì họ có thể tạo ra một thứ dành tặng riêng cho bản thân hoặc ai đó. Workshop sẽ có ý nghĩa rất nhiều cho người được tặng và người được nhận. Đó là những giá trị mà họ đong đếm, ký gửi vô trong sản phẩm mà mình tự làm ra. Họ thậm chí rất nôn nóng để nhận được sản phẩm, và khi nhận được, họ cũng có những phản hồi rất chân thành rằng, họ yêu quý nó.

Thoại: Đi tuần tự với buổi workshop đó, sắp tới Cuội sẽ làm một talkshow. Mình sẽ kết hợp với một thương hiệu về hoa khá nổi tiếng. Cuội sẽ nói về việc cá nhân hóa lễ cưới. Chuẩn bị cho một buổi lễ hôn nhân là việc duy nhất trong cuộc đời. Nhưng hiện tại, đa phần các cặp kết hôn sẽ lắng nghe tư vấn từ gia đình, hoặc thuê agency để làm hết, không có một dấu ấn cá nhân bên trong. Chính vì vậy, Cuội sẽ chia sẻ cách tạo nêm đám cưới mang dấu ấn riêng trên từng nhánh hoa, từng chiếc nhẫn, từng ngọn nến đặt trên bàn. Cho đến địa điểm tổ chức cũng sẽ không giống như bình thường. Cuội mong muốn có thể đem đến một cách làm lễ cưới sâu sắc, đặc biệt đối với những người làm nghệ thuật. Một buổi cưới duy nhất một lần trong đời.

Cho đến bây giờ, Cuội đem lại điều gì đáng quý nhất cho Thoại?

Thoại: Thoại được là chính mình. Được hiểu mình đang làm gì, và biết mình đang làm cho chính mình. Cái ý nghĩa của việc “làm cho chính mình” không phải là cái tôi, mà là việc mình đang bỏ đi cái tôi. Nó lạ lắm, khi mình làm việc cho tập thể, cho tập đoàn lớn, mình sẽ nghĩ tới quyền lợi của mình. Nhưng khi làm cho mình, bản thân Thoại nghĩ cho mọi người nhiều hơn. Nghĩ đến lợi ích xung quanh trước đã, rồi mới nghĩ tới bản thân. Điều hành doanh nghiệp cũng giống như mang trên mình một sứ mệnh, của cuộc đời chứ không chỉ mỗi công việc đó.

Xin cảm ơn Anh Thoại, Anh Thi và Miên với những chia sẻ đầy cảm hứng về câu chuyện đầy ý nghĩa làm nên Cuội!
Ảnh: Tổng hợp từ thương hiệu
 

Related Article