Cuộc phối ngẫu giữa hoa và nghệ thuật
LifestyleArts & Culture

Cuộc phối ngẫu giữa hoa và nghệ thuật

Trong dòng chảy nghệ thuật, những bông hoa rực rỡ luôn là nguồn cảm hứng bất tận, để người nghệ sĩ đắm chìm và khai mở vẻ đẹp đầy kiều diễm. Bằng những mảng màu nghệ thuật cùng cá tính riêng của tác giả, những bức tranh về hoa tựa như một bản hòa ca lãng mạn của thiên nhiên, âu yếm và xoa dịu tâm hồn người xem.

Under the Blossom that Hangs on the Bough (1917), John William Godward.

Nhiều người thực hành nghệ thuật thường chia sẻ, hoa ban tặng cho họ hàng trăm họa phẩm tuyệt đẹp. Như thể mọi tác phẩm đều là một cuộc đối thoại bất ngờ, một cuộc phối ngẫu diệu kỳ chất chứa những xúc cảm mới lạ giữa người nghệ sĩ với hoa. Dù thuộc bất kỳ trường phái nghệ thuật nào, dù vẽ diên vĩ, mẫu đơn trắng hay phong lan, dù qua góc nhìn tiền cảnh, trung cảnh hay hậu cảnh, mỗi bức tranh về hoa đều là một tuyên ngôn mới về cái đẹp của tự nhiên.

Tác phẩm White Flower (Hoa trắng) của họa sĩ Georgia O’Keeffe (1932)

Georgia O’Keeffe không chỉ là nữ nghệ sĩ tiên phong cho “phong trào suốt đời chỉ vẽ hoa” mà còn để lại cho nhân loại các tác phẩm nghệ thuật độc đáo, đầy tính mỹ cảm về thiên nhiên. Với phong cách vẽ trừu tượng tài tình, các tác phẩm của O’Keeffe luôn thu hút người xem bởi màu sắc gợi cảm, vừa mang tính chuẩn xác trong chi tiết vừa trừu tượng với lối chuyển màu êm dịu xen lẫn các khoảng màu.

Jimson Weed, White Flower No. 1 là tác phẩm miêu tả một cách chân thực hình ảnh của bông hoa trắng số 1, hoa của cây cà độc Jimson. Bằng việc điều chế màu mực trắng tinh khiết cùng sắc vàng và xanh lá đậm, nữ danh họa đã mang đến một bức họa có chiều sâu với sự kết hợp đầy tinh tế giữa ánh sáng và bóng tối. Georgia O’Keeffe không tập trung vào các chi tiết trên thân hoa Jimson, bà chỉ miêu tả phần cánh và lá sao cho thật mềm mại, đơn giản nhưng vẫn đầy ắp tính thẩm mỹ.

Jimson Weed, White Flower No. 1.

Tác phẩm Bullfinch and Weeping Cherry Blossoms (Chim sẻ khóc trên nhành hoa anh đào) của Katsushika Hokusai (1840)

Katsushika Hokusai được xem là một trong những nghệ sĩ vĩ đại của nước Nhật bởi những tác phẩm có sức ảnh hưởng lớn đến nghệ thuật thế giới. Khi Nhật Bản mở cửa biên giới năm 1850, các tác phẩm nghệ thuật Nhật nhanh chóng được đón nhận, đặc biệt là tranh của Hokusai. Trên thực tế, Hokusai còn được đánh giá là bậc thầy định hình trong phong trào nghệ thuật Ấn tượng ở châu Âu.

Trong tranh của Hokusai, phong cảnh là một trong những đề tài thường xuyên được ông lựa chọn. Với tác phẩm Chim sẻ khóc trên nhành hoa anh đào, ông đã đặc biệt khắc họa hình ảnh chú chim sẻ ểnh ương nằm khóc trên nhành anh đào mùa xuân với nền trời trong xanh. Hình ảnh chú chim sẻ nằm lảo đảo trong một vườn hoa trắng khiến người xem cảm nhận được cảm giác vô trọng lực. Đặc biệt, những chùm hoa trắng được ông khắc họa bằng màu phớt hồng nhẹ thay vì trắng thuần thường thấy, tạo cảm giác vừa gần gũi mà cũng vừa tách biệt. Điểm nổi bật trong tác phẩm này đến từ sự khác biệt trong phong cách phác họa của tranh Nhật Bản, khiến người xem dường như lạc bước giữa một thế giới hoa anh đào vô định, mắt nhìn dường như không thể dừng lại cố định ở một điểm bất kì.

Tác phẩm Blue Water Lilies của họa sĩ Claude Monet (1910 – 1926)

Là một trong những họa sĩ nổi tiếng và được nhắc đến với danh xưng “người tiên phong cho trường phái Ấn tượng Pháp (Impressionism), Claude Monet thường biết đến như một bậc thầy về màu sắc với các tác phẩm ẩn chứa sức ám ảnh đầy mê hoặc. Xuất phát từ niềm yêu thích với việc vẽ tranh ngoài trời và nắm bắt thứ ánh sáng diệu kỳ của tự nhiên, ông bắt đầu đưa kỹ thuật này lên đỉnh cao mới khi thể hiện sự quan sát của bản thân về cùng một chủ thể với nhiều thời điểm và trình tự khác nhau trong ngày. Lẽ đó, các tác phẩm của ông dù vô cùng rực rỡ nhưng vẫn mang tính trừu tượng nhất định và được giới thiệu cho các thế hệ sau.

Đối với bức họa Blue Water Lilies, Monet chia sẻ rằng, khi về già ông vô cùng thích thú khi được đắm chìm trong chính khu vườn của mình, đặc biệt là hồ nước nơi ông tự tay gieo trồng những bông hoa lily nước. Đây cũng chính là nguồn gốc của bức họa nổi tiếng này. Những bông hoa lily trắng muốt đua nở trên mặt hồ rộng như đang phản chiếu thứ ánh sáng diệu kỳ của nắng chiều khiến không gian cũng trở nên xanh mướt và trải dài đến vô tận. Thông qua kỹ thuật phản chiếu giữa bề mặt với chiều sâu và cách khắc họa vật thể gần-xa, tương phản nước-hoa, bức tranh khiến người xem khi nhìn gần thì ngỡ như cánh hoa lily đang dần hòa trong nét vẽ nghiêng của người nghệ sĩ, nhìn xa lại thấy như những ngôi sao đêm tỏa sáng lấp lánh.

Tác phẩm Vase with Pink Roses của họa sĩ Vincent van Gogh (1890)

Vincent van Gogh là danh họa người Hà Lan, được biết đến như một nhân vật tiên phong của trường phái Hậu-Ấn tượng. Các tác phẩm nổi tiếng của ông đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị và là một trong số các bức họa đắt nhất trên thế giới.

Trong số các bức tranh vẽ về hoa nổi tiếng của Vincent van Gogh bao gồm cả loạt tranh vẽ hoa hướng dương của ông đã tốn không ít giấy mực của giới phê bình nghệ thuật. Song, Vase with Pink Roses (1980) lại là một câu chuyện khác của tác giả, tác phẩm đặc biệt từ cách sử dụng màu sắc cho đến những mảng màu tương phản mà ông chọn lựa. Trong bức tranh, những bông hoa thiếu đi sắc sáng thường thấy, một trong những màu sắc yêu thích của Van Gogh, song lại mang một ý niệm riêng của nó (màu hồng dần phai nhạt trước sắc trắng) để thể hiện cho một điều khác lạ: những bông hoa nhợt nhạt với hình dáng rũ xuống theo những nét vẽ lượn sóng mang sắc xanh rực rỡ phía sau chúng.

Tác phẩm Flower Garden bởi họa sĩ Gustav Klimt (1905)

Gustav Klimt là cây cọ xuất chúng thuộc trường phái Tượng trưng và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến hội họa thế kỷ 20. Bắt đầu với công việc trang trí những công trình tại Vienna theo phong cách cổ điển, Gustav Klimt nhận bằng khen của hoàng đế Franz Josef I (Áo) vào năm 1888 vì những đóng góp của mình. Chính kinh nghiệm trong quá trình vẽ tường và trần nhà đã ảnh hưởng không nhỏ đến phong cách hội họa của ông với những yếu tố trang trí bằng nhiều mảng màu rực rỡ, thậm chí là dát vàng.

Từ những khung cảnh nên thơ mà ông nhìn thấy khi triệu tập ở Litzberg, Gustav Klimt đã miêu tả những cánh đồng hoa tựa như những điều tượng trưng cho công việc trong thời kỳ hoàng kim của ông. Trong số đó, bức họa Flower Garden được xem là tác phẩm vẽ phong cảnh đẹp nhất được ông miêu tả bằng vô số những bông hoa sặc sỡ. Bức tranh mang ý nghĩa tôn vinh vẻ đẹp mộc mạc của một vườn hoa rực rỡ, nằm ngoài ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện thực.

Sotheby’s cũng nhận định rằng: “Phong cảnh ấn tượng này bắt nguồn từ thế giới tự nhiên nhưng đồng thời vươn tới biểu tượng tiên phong, trang trí. Chính sự kết hợp của vẻ đẹp tự nhiên và sự hài hòa này đã mang lại một tác phẩm vô cùng chất lượng.”

Một số tác phẩm vẽ hoa nổi tiếng khác:

Bức “Mohn in Blauer Vase” (tạm dịch: Cây thuốc phiện trong bình màu xanh lam), Cuno Amiet.

“Poppy Field near Vetheuil” (tạm dịch: Cánh đồng hoa anh túc gần Vetheuil) bởi Claude Monet (1879).

Tác phẩm “Water Lilies” bởi họa sĩ Claude Monet (1908).

Bài: Phương Uyên
Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article