Creative Director Hoàng Minh: Từ đam mê nội thất đến tình yêu nghệ thuật mãnh liệt
Talent HubMF Talent Hub

Creative Director Hoàng Minh: Từ đam mê nội thất đến tình yêu nghệ thuật mãnh liệt

Trước khi gặp Nguyễn Hoàng Minh, tôi đã rất bất ngờ khi chàng trai 9x này không chỉ khẳng định mình ở vai trò là một Creative Director cho hai Music Video (MV) siêu đẹp của Min – “Cà phê” và “Trên tình bạn dưới tình yêu”, mà còn được ghi nhận ở nhiều vai trò liên quan đến sáng tạo và nghệ thuật khác. Chia sẻ về sự đa sắc thái của mình, Minh chỉ cười nói anh đơn thuần là một người yêu nghệ thuật. Thế nên không lấy làm lạ khi từng câu nói của Minh đều lan tỏa đến tôi sự đam mê khủng khiếp mà anh dành cho nghệ thuật.

Xem MV của Min từ “Trên tình bạn dưới tình yêu” đến “Cà phê”, người xem bị ấn tượng bởi cách chơi màu sắc rất điêu luyện. Màu sắc cũng là một phần trong cách kể chuyện của anh?

Có lẽ chúng ta nên bắt đầu với album 50/50, lúc đầu màu album là màu khác vì màu tím trong suy nghĩ của mọi người sẽ rất sến nhưng không có màu nào là sến cả, nếu không biết sử dụng thì màu không sến vẫn sến như thường (cười). 50/50 là mối quan hệ nửa vời, màu đỏ tượng trưng cho sự cuồng nhiệt và bừng cháy, còn màu xanh dương thể hiện sự lạnh nhạt trong một mối quan hệ, và trộn hai màu này lại sẽ thành màu tím. Chính xác thì màu sắc trong MV “Cà phê” tôi chơi ít hơn trong MV “Trên tình bạn dưới tình yêu”. Nhưng không riêng màu sắc, tôi kể chuyện bằng tất cả chi tiết có thể.

Ý tưởng về hàng trăm cốc cà phê xung quanh Min rất thú vị, tại sao anh lại dùng một số lượng lớn như vậy?

Tôi là một một người học bài bản về nội thất nên những ý tưởng đều bắt đầu từ con chữ. Tôi tự hỏi nếu một Creative Director thực hiện phân cảnh này thì người ta sẽ làm gì. Họ sẽ cho một ly cà phê rất to và tạo hiệu ứng để chị Min bơi trong đấy? Hay người ta để chị ngồi mân mê cốc cà phê rồi thở dài thườn thượt? Nếu vậy thì sự chờ đợi của cô gái này cũng quá hời hợt rồi. Một cô gái mong ngóng người mình yêu lâu đến mức pha tận 200 cốc cà phê, cũng có thể lắm chứ?

Tôi muốn nhấn mạnh về số lượng nhiều hơn, không chỉ riêng cà phê, mà còn ở chi tiết có rất nhiều chiếc đồng hồ treo khắp phòng. Tôi sẽ không bao giờ giải bài toán theo công thức dễ đoán. Set quay này rất cực cho ekip, chị Min thì nằm một chỗ với một dáng duy nhất, mọi người muốn vào sửa cái gì cho ca sĩ cũng phải rất rón rén (cười).

Còn những con thỏ thì liên quan gì đến câu chuyện nàng bị chàng cho leo cây?

Trước hết phải thừa nhận là tôi rất thích thỏ bông (cười). Tuy nhiên, phần quan trọng là vì trong MV không có nam chính. Nếu ngồi một mình từ đầu đến cuối thì chị ấy làm gì? Vậy thì cô gái tưởng tượng chơi với thỏ, nói chuyện với thỏ trong khi chờ cũng hợp lý. Thêm nữa, thỏ cũng được liên tưởng đến hình tượng của một “play boy”, nó ẩn dụ cho chàng trai rất không đáng tin.

Không chỉ đảm nhận vai trò Creative Director hay Screenwriter, anh còn là một Art Director, Illustrator, Graphic Designer hay đôi khi còn được credit là Stylist… Gọi anh là một chàng trai đa tài thì có quá lời không?

Hơi quá lời (cười). Mọi người nhìn credit cũng thắc mắc là “Ủa, sao nhìn đâu cũng thấy tên em vậy?” Nhưng tôi chỉ đơn thuần là một người yêu nghệ thuật. Bởi vì yêu nên mới đam mê làm những thứ liên quan đến nó. Credit bài “Cà phê” chỉ xuất hiện 3 giây nhưng tôi muốn nó phải hoàn hảo nhất có thể nên ngồi vẽ từng chi tiết. Mọi người làm credit thường chỉ bỏ chữ vào thôi, còn tôi làm credit mất hẳn 4-5 ngày (cười).

Sau tất cả, anh muốn mình được nhận diện ở vai trò nào nhiều nhất?

Những vai trò đó đến rất tự nhiên, còn điều tôi muốn là trở thành một nghệ sĩ chuyên về nghệ thuật và có những triển lãm của riêng mình. Sắp tới, tôi có dự định đi du học tiếp về thạc sĩ tại London, mong là thời gian tại đây sẽ giúp ích cho những dự định của tôi trong tương lai.

Anh hiện lên là một anh chàng rất cầu toàn, vậy anh cầu toàn đến mức nào?

Tôi vẫn tính toán hết dù đó là những chi tiết rất rất nhỏ không ai để ý. Đôi khi sự cầu toàn sẽ làm những người xung quanh mình khổ nếu người ta không có cùng con mắt nhìn giống mình. Ví dụ, có một cái tủ đựng bát đĩa trong MV “Cà phê” và nó không bao giờ được mở nhưng vẫn chứa đầy ắp đồ. Có những thứ chỉ lên hình đúng 2 giây như chiếc xe đẩy, nó vẫn được bọc lông, những thứ xa nhất chỉ cần có trong khung hình cũng đều được bọc lông hết. Thậm chí, tôi còn kiểm tra MV trên máy chiếu để rà soát từng chi tiết một.

MV đã đăng tải lên Youtube là không thể sửa nữa. Vậy khi mình còn có thể sửa, tại sao không hoàn thiện nó đến mức có thể chứ? Đang còn làm được thì vẫn phải làm. Tôi không muốn nhìn lại sản phẩm của mình và nói “Giá như mình cố gắng thêm 5 phút thôi”. Tôi muốn nhìn thấy một đứa con tinh thần tròn trịa nhất. Có lẽ do mình có nền tảng nội thất nên đặc biệt tính kỹ hơn.

Có nền tảng về nội thất đã đem đến cho anh những lợi thế nào trong công việc sáng tạo?

Nói liên quan trực tiếp thì không hẳn nhưng nó hỗ trợ cho tôi trong công việc sáng tạo rất nhiều. Hồi cấp ba, tôi đã biết kha khá về graphic design và cũng làm việc cho một công ty tại thời điểm đó. Khi đứng ở ngưỡng cửa đại học, tôi không muốn học lại những thứ mình đã thành thục.

Từ nhỏ, bên cạnh việc tiếp xúc với nội thất, tôi còn thích chơi lego, game về sắp đặt nhà cửa, nên quyết định chọn ngành Nội thất – một ngành hot và có điểm rất cao vào lúc đó. Năm năm theo học nội thất giúp tôi biết thêm rất nhiều kỹ năng về đọc bản vẽ, dựng 3D, tỉ lệ không gian, xử lí và hiểu về các chất liệu. Nhờ vậy, mỗi lần xử lý những set design cho MV, tôi thấy nhẹ tênh!

Xét cho cùng, thế mạnh của anh là về hình ảnh hay nội dung?

Tôi cân bằng được cả hai, quan trọng là mình muốn mạnh cái nào hơn thôi. Nhưng làm cái gì tôi cũng muốn phải đẹp trước.

Còn chuyện cân bằng giữa tính thương mại và nghệ thuật thì sao?

Hình ảnh thương mại thường đơn giản, gãy gọn, trực quan còn nghệ thuật thường mang tới nhiều hàm ý phía sau hơn. Tôi nghĩ để cân bằng cả hai thì mình phải nắm chắc và hiểu được tinh thần của hai yếu tố đó.

Có những người luôn tự nhận bản thân rất kém trong khoản sáng tạo, anh nghĩ vấn đề xuất phát từ đâu?

Tôi nghĩ do họ chưa biết cách. Khi làm sáng tạo, mọi người nghĩ tôi sẽ phác thảo đầu tiên nhưng không. Lấy ví dụ về bức tranh tiếp theo của mình. Tôi tự đặt câu hỏi cho mình bằng những con chữ trước khi vẽ để xem bản thân tôi muốn gì. Cụ thể, tôi muốn vẽ người nhưng tôi không giỏi vẽ người thì tôi nên chọn phương án nào phù hợp? Vậy vẽ cái lưng thì sao, có thú vị không? Vẽ cái lưng làm sao để nó liên quan tới toàn bộ các bức tranh còn lại trong chủ đề tôi đã lựa chọn? Có những cách nào để làm chúng vẫn liên quan đến nhau? Tôi thường tự đặt câu hỏi và tự trả lời như vậy rồi mới bắt đầu phác thảo từ những câu trả lời cuối cùng.

Biết tìm con đường sáng tạo là một chuyện, còn nuôi dưỡng sự sáng tạo lại là chuyện khác. Anh đã làm mới nó như thế nào?

Một người làm nghệ thuật thì sách về chuyên môn là điều không thể thiếu, nhưng để bổ trợ cho việc làm MV thì tôi hay đọc truyện trinh thám của Nhật, Hồng Kông hoặc thi thoảng đọc của Mỹ. Thể loại chuyện này có twist trong twist và được giải quyết rất gãy gọn. Tôi vẫn hay đọc đi đọc lại quyển 1367 của Chan Ho Kei, dòng thời gian từ năm 2013 ngược về năm 1967, như một vòng lặp. Mọi sự tưởng tượng của mình khi đọc sách đều chỉ dựa vào con chữ, khác với khi xem phim là người ta bày biện thế nào thì mình thấy như vậy. Nhờ thời gian giãn cách mà tôi đọc được tận 60 quyển sách (cười).

Một người xem sáng tạo như hơi thở sẽ định nghĩa sáng tạo như thế nào nhỉ?

Sáng tạo là làm cho những thứ tưởng chừng đơn giản trong cuộc sống này trở nên thú vị hơn, có câu chuyện, có cảm xúc hơn.

Cảm ơn những chia sẻ của anh.

Ảnh: NVCC
 

Related Article