Cơ chế lịch vạn niên – Mối tương quan giữa con người và vũ trụ
Editor's PickTime

Cơ chế lịch vạn niên – Mối tương quan giữa con người và vũ trụ

Mỗi khi năm mới đến, vòng lặp thời gian 365 ngày sẽ lại được khởi chạy. Dòng chảy thời gian này được thể hiện vô cùng hấp dẫn trên những chiếc đồng hồ tinh xảo, được biết đến với tính năng phức tạp và hấp dẫn nhất mà thế giới đồng hồ mang lại – Perpetual Calendar (lịch vạn niên).

Perpetual Calendar hay thường được gọi là QP (viết tắt của quantième perpétuel) được giới thiệu vào giữa những năm 1700 bởi Thomas Mudge, thợ đồng hồ người Anh, người đã sản xuất một chiếc đồng hồ bỏ túi với cơ chế phức tạp vào năm 1762. Chức năng lịch vạn niên thu hút sự chú ý của những người đam mê trải nghiệm các thiết kế đồng hồ phức tạp, những tạo phẩm thời gian với khả năng đáng kinh ngạc không chỉ cung cấp thông tin như thứ, ngày, tháng, lịch mặt trăng, mà còn tự động chuyển số ngày trong tháng và chính xác với cả năm nhuận trong một thế kỷ. 

Để mang tới tính năng Perpetual Calendar, các nghệ nhân cần phải trang bị cho đồng hồ một cỗ máy cực kỳ phức tạp với bộ nhớ cơ khí kéo dài tới 1461 ngày. Cỗ máy này có cơ chế chuyển động riêng biệt với bánh chỉ giờ bao gồm hàng trăm bánh răng, bánh đà, đòn bẩy và nhiều bộ phận khác. Như ta thấy, ngoài việc thành thạo về kỹ thuật, những người thợ đồng hồ ở cấp độ ưu tú còn phải giải quyết một số phép toán dựa trên thiên văn học. Vacheron Constantin, Patek Philippe, Piaget, A.Lange & Sohne đều là những hãng sản xuất đồng hồ lâu đời, hãy cùng xem cách họ “định nghĩa” vòng lặp thời gian 100 năm như thế nào.

Vacheron Constantin Patrimony Perpetual Calendar Ultra-thin

Được thành lập vào năm 1755, Vacheron Constantin cho đến nay là hãng sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ lâu đời nhất thế giới, nổi tiếng với kiểu dáng đẹp và các tính năng phức tạp. Trong số đó phải kể đến lịch vạn niên, thứ vẫn tạo ra sức hấp dẫn cho đến ngày nay vì mối quan hệ của con người với chính vũ trụ bao quanh nó. Điều đáng chú ý là Vacheron Constantin là nhà sản xuất đầu tiên phát triển Lịch vạn niên đạt được chứng nhận đồng hồ bấm giờ Loại 1.

Chiếc đồng hồ lịch vạn niên Vacheron Constantin Patrimony siêu mỏng với mặt số màu xanh mê hoặc, được đặt gọn trong một chiếc vỏ thanh mảnh, chỉ với 8,9 mm nhưng chứa vô số bộ phận và nhiều sự phức tạp về mặt kỹ thuật. 

Những đường nét mảnh mai tỏa ra từ điểm tựa của mặt số, làm phong phú thêm khung cảnh đồng hồ với họa tiết tia nắng. Ba mặt số phụ thu hút ánh nhìn khi chiếm giữ khu vực phía trên của mặt số. Màn hình hiển thị ngày được đặt ở vị trí 3 giờ, chỉ báo ngày được đặt ở vị trí 9 giờ và màn hình hiển thị tháng nằm ở vị trí dưới buổi trưa. Ba mặt số phụ và lịch tuần trăng lấp đầy khung cảnh đồng hồ một cách tối ưu. Mọi yếu tố đều có chỗ để thở và truyền đạt thông tin một cách rõ ràng. 

Mặt sau nổi bật với thiết kế lộ cơ cho ta cái nhìn trọn vẹn về bộ chuyển động Calibre 1120 QP. Đồng hồ được trang bị dây đeo bằng da cá sấu màu xanh đậm, có lớp vỏ bên trong bằng cá sấu và được kết hợp với khóa gấp bằng vàng hồng 18 carat 5N. Xét tổng thể, Patrimony mang đến một khung cảnh hoàn hảo để bộc lộ vẻ đẹp nội tại, phức tạp nhưng tinh tế, mạnh mẽ nhưng thanh lịch.

Patek Philippe 5270J Grand Complications

Trong thế giới Patek Philippe, bộ sưu tập Grand Complications có sức ảnh hưởng rất lớn. Đó là tập hợp những thiết kế đồng hồ cơ học đỉnh cao, sở hữu ngoại hình ấn tượng, gói gọn nhiều chức năng trên một bộ máy cơ và được trang trí tỉ mỉ. 

Ra mắt lần đầu tiên vào năm 2011, mẫu đồng hồ bấm giờ kết hợp cơ cấu lịch vạn niên của Patek Philippe là Ref. 5270 – một tuyệt tác có thiết kế mang đậm tính di sản, kế thừa hầu hết những tinh hoa của nguyên mẫu 1518 rất nổi danh. Đặc biệt, Ref. 5270 còn thể hiện mạnh mẽ dấu ấn thương hiệu khi ứng dụng bộ vỏ chế tạo từ chất liệu vàng trắng, cũng như bộ máy cơ hoàn hảo do chính Patek Philippe nghiên cứu và sản xuất.

Xuất hiện trong dáng dấp của một chiếc đồng hồ cổ điển nhưng lại kết hợp chức năng bấm giờ chronograph thể thao, phiên bản Ref. 5270J-001 đánh dấu sự trở lại của chiếc vỏ 41mm làm bằng chất liệu vàng 18k. Đây được xem là một chi tiết nhấn mạnh cho phong cách vintage đang hiện diện trên mẫu đồng hồ này.

Xứng đáng với tên gọi Chronograph Perpetual Calendar, tạo tác này tự hào sở hữu mặt số Opal bạc hài hòa với các kim hình lá và cọc số bằng vàng, bộ đếm Chronograph xuất hiện đồng bộ cùng đĩa tuần trăng tại vị trí 6 giờ, cửa sổ lịch vạn niên ở vị trí 12 giờ và đặc biệt không thể thiếu thang đo Tachymeter đặc trưng của dòng đồng hồ chronograph. Tất cả đều phối hợp để mang lại góc nhìn rõ ràng nhất để chủ nhân có thể thuận tiện tính toán thời gian làm việc hoặc lịch công tác hàng ngày.

Chronograph Perpetual Calendar Ref. 5270J-001 được các nghệ nhân trang bị dây da cá sấu màu nâu thanh lịch và vận hành chính xác nhờ bộ máy cơ lên dây cót thủ công Calibre CHR 29-535 PS Q có mức năng lượng dự trữ kéo dài tới 65 giờ. 

Piaget Polo Perpetual Calendar Ultra-thin 

Thiết kế trứ danh Piaget Polo vươn tới đỉnh cao chế tác vào năm 2023 với mẫu Piaget Polo Perpetual Calendar Ultra-thin, sử dụng bộ máy cơ 1255P. 

Piaget Polo Perpetual Calendar Ultra-Thin gây chú ý nhờ mặt số màu xanh lục bảo với hoa văn gadroon với ba mặt số phụ hiển thị ngày, tháng (cùng với chỉ báo năm nhuận), ngày trong tuần ở vị trí 9, 12 và 3 giờ, song song cơ cấu chỉ báo lịch tuần trăng ở vị trí 6 giờ. Đúng như truyền thống của Piaget, các mặt số phụ được hoàn thiện đặc biệt để tăng sự phong phú về mặt hình ảnh khi ánh sáng chiếu qua chúng, đồng thời cũng được phủ dạ quang Super-Luminova®. 

Bộ sưu tập Piaget Polo lần đầu tiên chào đón tính năng lịch vạn niên – cơ chế phức tạp nổi bật nhất mà Piaget triển khai trên một số dòng đồng hồ khác của hãng. Được thiết kế để chỉ báo chính xác thứ, ngày và năm cho đến năm 2100, chỉ báo tháng, chu kỳ mặt trăng cũng như chu kỳ các năm nhuận, đồng hồ lịch vạn niên thu hút đối tượng khách hàng khó tính, những người am hiểu và trân trọng nghệ thuật haute horlogerie savoir faire.

Bộ máy siêu mỏng 1255P dày chỉ 4mm được Piaget phát triển từ bộ máy 1200P với độ tin cậy đã được chứng minh, đồng thời bổ sung chức năng lịch vạn niên, cùng cơ chế lịch tuần trăng. Với độ dày tổng thể chỉ 8,65mm, chiếc Piaget Polo Perpetual Calendar Ultra-Thin 42mm mới gói trọn cả vũ trụ lên cổ tay trong khi vẫn giữ được tinh thần vui tươi và khéo léo phô trương lối sống đẳng cấp. Các cải tiến khác liên quan đến hệ thống SingleTouch hoàn toàn mới ở bộ dây có thể hoán đổi, vì mẫu này đi kèm với một dây đeo thay thế bằng cao su mang họa tiết gadroon tương tự như mặt số, góp phần đa dạng hóa cách đeo và đảm bảo an toàn cho chiếc đồng hồ trên cổ tay.

A.Lange & Sohne Tourbograph Perpetual Honeygold

Để kỷ niệm cho sự kiện khai sinh ra xưởng chế tác đồng hồ của mình ở thị trấn Glashutte vào ngày 7/12/1845, A.Lange & Sohne đã cho ra đời 3 chiếc đồng hồ giới hạn thuộc dòng “Homage to FA Lange” danh giá là 1815 Rattrapante Honeygold, 1815 Thine Honeygold và cuối cùng, cũng là phiên bản phức tạp nhất mang tên Tourbograph Perpetual Honeygold – một kiệt tác đích thực, kết hợp giữa tính năng bấm giờ kép, lịch vạn niên, tourbillon tích hợp hệ thống côn xích và lịch tuần trăng.

Ra mắt lần đầu tiên vào năm 2010, Honeygold là hợp kim vàng độc quyền của A.lange & Sohne nổi tiếng nhờ màu sắc độc đáo, giống như màu vàng của mật ong. Về tổng thể, kiệt tác này khoác bộ vỏ được chế tạo từ vật liệu Honeygold có đường kính 43mm, các nút bấm chức năng chronograph cùng rattrapante tại vị trí 2 và 4 giờ, bên cạnh một nút bấm tại vị trí 10 giờ. Ngoài ra, nhà chế tác còn cung cấp các nút chức năng riêng ở cạnh vỏ để điều chỉnh lịch ngày cùng lịch tuần trăng.

Chiếc đồng hồ sở hữu bộ phận Cam 48 bước, cơ cấu lịch vạn niên được hiệu chỉnh để hoạt động chính xác đến ngày 1.3.2100. Đĩa tuần trăng chỉ bắt đầu lệch sau 122,6 năm. Để chống lại trọng lực, cũng như sự suy yếu của dây cót, bộ máy của A.lange & Sohne sẽ dựa vào tourbillon và cơ chế côn-xích, để tạo ra một lực không đổi nhằm nâng cao độ chính xác cho đồng hồ. Theo đó, bộ xích này được kết thành từ 636 chi tiết riêng biệt.

Tourbograph Perpetual Honeygold vận hành thông qua bộ máy cơ lên dây cót thủ công Lange manufacture calibre L133.1 cấu thành từ 684 chi tiết với mức năng lượng dự trữ 36 giờ. Riêng phần chữ được chạm khắc thủ công và phủ Rhodium đen để hợp tông với bề mặt cũng như các hoa văn trên cầu chronograph.

Đặc biệt, tại đỉnh cầu tourbillon còn được đính 2 viên kim cương – thể hiện sự tôn trọng của thương hiệu đối với một tính năng tuyệt hảo, từng xuất hiện trên những mẫu đồng hồ bỏ túi mà thương hiệu từng sản xuất trong lịch sử.

Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article