Sự phổ biến ngày càng gia tăng của ChatGPT, một mô hình cung cấp thông tin bằng AI có khả năng trả lời tự nhiên và lưu loát do công ty khởi nghiệp OpenAI trình làng, đã làm dấy lên những suy đoán về việc “ngôi vương” trong lĩnh vực công cụ tìm kiếm của Google bị đe dọa.
Chỉ trong một tháng đầu năm 2023, ChatGPT ghi nhận có khoảng 590 triệu lượt truy cập trên toàn cầu với hơn 100 triệu người dùng, theo dữ liệu từ công ty phân tích Similarweb. Đây được xem là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất đối với một ứng dụng tiêu dùng. Thậm chí, ChatGPT còn vượt qua hẳn TikTok khi nền tảng video ngắn phải mất đến 9 tháng để đạt mốc 100 triệu người dùng.
Khi đặt cạnh Google, ChatGPT cho thấy thế mạnh truyền tải thông tin và tương tác với người dùng bằng ngôn ngữ một cách tự nhiên, mượt mà, vốn là điều mà công cụ tìm kiếm phổ biến nhất hành tinh không thể thực hiện được. Tuy nhiên, xét về khối lượng dữ liệu, tốc độ truy cứu, ChatGPT lại không có cửa đọ với Google. Ngay cả chính CEO của OpenAI, Sam Altman còn khẳng định rằng ChatGPT chưa đủ để cạnh tranh với gã khổng lồ tìm kiếm vì công cụ chỉ đang trong những giai đoạn đầu phát triển.
Về giao diện người dùng, Google đã quá quen thuộc khi có thanh tìm kiếm để nhập các từ khóa và tra cứu kết quả trên Internet. Thông thường, người dùng sẽ nhận về kết quả ngay lập tức và theo dạng đường link hiển thị các trang web có chứa nội dung liên quan đến keyword tìm kiếm.
Trong khi đó, ChatGPT được xây dựng như một chatbot có thể phản hồi thông tin đầu vào của người dùng theo dạng đối thoại, người hỏi và máy trả lời. Trong một số trường hợp nhận được câu trả lời thiếu ý, chưa đúng hay không phù hợp, người dùng có thể yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung hoặc thậm chí xin lỗi ngược lại. Tuy nhiên, thời gian để nhận được một câu trả lời từ chatbot phải mất một vài giây, tùy thuộc vào độ khó của câu hỏi.
Ví dụ, với cùng một câu hỏi: “Google và chatgpt ai thông minh hơn”, Google sẽ trả về kết quả các bài viết có chứa từ khóa Google và ChatGPT, trong khi ChatGPT lại đưa ra câu trả lời rằng “Không có ai ‘thông minh hơn’ giữa Google và ChatGPT” kèm lời giải thích về đặc điểm của cả hai.
Điểm khác biệt tiếp theo ở Google và ChatGPT nằm ở độ chính xác của dữ liệu, câu trả lời được đưa ra. Theo đó, với cùng một câu hỏi dân số Việt Nam hiện tại, ChatGPT trả về kết quả 96,8 triệu dân và Google cho ra 99,4 triệu dân. Sự khác biệt này đến từ việc con số mà ứng dụng chatbot có được là dữ liệu cũ từ năm 2021, trong khi Google cập nhật thông tin mới nhất từ Liên Hợp Quốc vào cuối tháng 1 năm nay.
Khi được hỏi lấy dữ liệu từ đâu, ChatGPT tự trả lời rằng thông tin có được nhờ vào tài liệu mở và trên Internet, cùng với sự đào tạo bằng máy học và AI của OpenAI. Thêm vào đó, công cụ được huấn luyện với nguồn thông tin khủng có từ trước năm 2021 nên việc đưa ra câu trả lời kém chính xác và không được đa dạng cũng là điều dễ hiểu.
Ngoài những câu hỏi cơ bản, một số người đã kiểm tra độ thông minh của ChatGPT bằng cách thử giải toán của các môn chuyên ngành trên đại học, song kết quả cho ra lại không chính xác.
Với tiềm năng to lớn mà ChatGPT mang lại, các chuyên gia nhận định công cụ này có thể khiến Google Search phải thay đổi các thức hoạt động trong tương lai. Đặc biệt là khi OpenAI nhận được sự hậu thuẫn từ Microsoft nên nhiều khả năng công cụ tìm kiếm Bing của hãng sẽ được thừa hưởng những ưu điểm mà ChatGPT có được và giúp Bing quay lại đường đua cạnh tranh với Google.
Song các công ty khác ngay cả Google cũng không ngồi yên khi chứng kiến sự trỗi dậy của ChatGPT. Ban lãnh đạo của Google đã đưa ra “báo động khẩn” khi triệu tập nhiều cuộc họp về chiến lược AI của Google và chỉ đạo tập trung nỗ lực vào việc giải quyết mối đe dọa mà ChatGPT gây ra cho hoạt động kinh doanh. Hay “Google của Trung Quốc”, Baidu cũng nhanh chóng tuyên bố sẽ sớm tung ra chatbot AI riêng vào tháng 3 tới.