Câu chuyện về sự thuần khiết của thương hiệu The Purists Club
NewsLocal - Don't MissStyle

Câu chuyện về sự thuần khiết của thương hiệu The Purists Club

The Purists Club là một thương hiệu không chạy theo số đông, không theo đuổi các nhãn hàng thời trang cao cấp quen thuộc. Họ mang đến những gì tinh khiết nhất dành cho người yêu thích chủ nghĩa và cái đẹp thuần túy.

Xin chào The Purists Club, một chút về sự ra đời của thương hiệu, tại sao lại là The Purists Club mà không phải một thương hiệu khác? Điều này có ý nghĩa như thế nào với anh/chị?

Trước khi bắt đầu hình thành concept mang tên The Purists Club, chúng tôi có cơ hội tham quan và tìm hiểu nhiều concept về thời trang và phong cách sống khác nhau Amoury Hồng Kông và New York, Puyi Optical hay đặc biệt là Mr. Porter, đây có lẽ là một concept gây hứng khởi nhiều nhất đến với chúng tôi.

Thuần khiết là giá trị cốt lõi mà chúng tôi hướng đến và không tự nhận mình là những chuyên gia hay nhà sưu tập, đơn giản là người theo chủ nghĩa thuần tuý “purists” hay những người say mê “enthusiasts” cái đẹp. Cái tên The Purists Club đến một cách rất tự nhiên như cách chúng tôi nhìn nhận từ những người bạn, khách hàng. 

Họ là người sở hữu phong cách sống hoặc đang xây dựng phong cách sống cho riêng mình, bằng tình yêu với những thứ “hàng hiệu” kín tiếng, đề cao sự nguyên bản và chế tác thủ công. Chúng tôi cũng không gắn với những cái tên như Store hay Boutique, mà Club là từ gần gũi như một câu lạc bộ của những người yêu thích chủ nghĩa và cái đẹp “Thuần Túy”.

Để góp phần đem lại sự hoàn hảo tuyệt đối cho các sản phẩm trước khi đến tay khách hàng, tôi có thể thấy The Purists Club không bỏ qua yếu tố không gian, thành phần duy nhất kết nối giữa người và người, anh/ chị có thể chia sẻ nhiều hơn về điều này?

Không gian The Purists Club lấy cảm hứng từ phong cách Đông Dương, nơi chúng tôi đề cao trải nghiệm của khách hàng, từng món đồ nội thất và trang trí cũng như các sản phẩm đều được cá nhân hóa theo phong cách riêng, điều này có thể thấy rõ thiết kế không bị trộn lẫn so với các concept khác.

Đi sâu vào khai thác chủ đề này, chính bản thân tôi cũng thấy có nhiều điều thú vị và hứng khởi, chúng tôi có biển hiệu trên phố, nhưng không dễ tìm, nằm trên tầng hai của một căn nhà Pháp cổ, khách hàng thường sẽ tìm hiểu về thương hiệu trước khi tìm đến và từng cung bậc cảm xúc giống như các bức màn được vén ra trong mỗi hành trình, đi từ phố, lên cầu thang và mở cửa bước vào bên trong.

Thiết kế của cửa hàng trống giống như một phòng living room, nơi mà khách hàng có thể tưởng tượng ra sự thân thuộc giống như 1 căn phòng có thể ngồi thư giãn cả ngày một mình hoặc với bạn bè.

Nhiều thương hiệu khác tập trung vào phân khúc sản phẩm thời trang, nhưng ở The Purists Club tôi cảm thấy kinh doanh nhiều dòng sản phẩm khác nhau, thương hiệu đã áp dụng chiến lược nào để tăng độ nhận diện, thu hút khách hàng tiềm năng?

Ban đầu chúng tôi đơn giản chỉ muốn kết hợp giữa thời trang cổ điển cùng kính mắt, tuy nhiên theo thời gian, thương hiệu mong muốn mang nhiều trải nghiệm khác đến với khách hàng. Vì chúng tôi thích làm những điều mới, nên hiện tại The Purists Club có thể mang đến cho khách hàng những món đồ độc đáo.

Có nhiều sản phẩm rất thú vị, mà khi chúng tôi đặt câu hỏi, muốn mua tặng bạn trai một món quà nhỏ xinh như bộ dao cạo râu xịn và đẹp thì mua ở đâu, hay các món phụ kiện khác như những chiếc ô thủ công hàng trăm năm tuổi. Chiến lược của chúng tôi là tạo ra một concept độc đáo “nhỏ mà có võ” duy nhất ở Việt Nam.

Mô hình kinh doanh phân phối sản phẩm các thương hiệu xuất hiện khá nhiều ở thị trường Việt Nam, theo quan điểm của anh/ chị thì đâu là điểm mạnh và điểm yếu của mô hình kinh doanh này? Định hướng của cho The Purists Club?

Điểm mạnh thứ nhất của chúng tôi chính là tính độc đáo từ các thương hiệu đang làm đại diện chính thức, trong đó có rất nhiều nhãn hàng là đại lý độc quyền tại Việt Nam.

Điểm mạnh thứ hai chính là con người, The Purists Club là một mô hình kinh doanh gia đình cùng những người bạn đồng hành với nhiều kinh nghiệm làm việc và rất hiểu nhau. Chúng tôi tự chủ trong mọi việc, từ sản xuất nội dung, hình ảnh, video cho đến chiến lược kinh doanh.

Mỗi người tại The Purists Club đều rất yêu công việc mình đang làm và không gian thương hiệu, thế nên bất kỳ lúc nào khách hàng ghé đến đều sẽ luôn thấy sự tươi mới từ những mùi hương độc đáo, hay các đóa hoa tươi theo mùa.

Điểm yếu chắc chắn phải có rồi, nhưng cá nhân tôi nghĩ theo một chiều hướng tính cực đó chính là khả năng phát triển rộng về quy mô sẽ gặp vấn đề về con người, nguồn nhân lực cho công việc này, không

dễ để tìm được những bạn đồng hành gắn bó. Mô hình này cũng sẽ không phát triển một cách rộng rãi như các thương hiệu mainstream khác được.

The Purists Club đánh giá thế nào về những lợi thế hay bất lợi trước những đối thủ cạnh tranh?

Rất nhiều lần chúng tôi tự hỏi bản thân mình về điều này và rốt cuộc câu trả lời là thương hiệu có đủ nguồn lực tài chính từ nội tại của chính mình để phát triển mô hình theo hướng đi riêng mà không chịu áp lực lớn nào từ các đối thủ cạnh tranh. Chúng tôi cũng không quá tập trung vào việc tiếp cận hay gây áp lực bán hàng đến khách hàng.

Chúng tôi sẽ luôn làm những điều đúng đắn trong kinh doanh, đưa những thứ đẹp đẽ từ khắp mọi nơi trên thế giới về Việt Nam để mọi người có cơ hội trải nghiệm, chúng tôi tin chắc rằng mọi người khi đến trải nghiệm trực tiếp sẽ đều cảm nhận được cái tâm và tình yêu của đội ngũ với thương hiệu.

Theo The Purists Club, câu chuyện tạo dựng hay vận hành thương hiệu ở thời đại 4.0 hoàn toàn khác so với trước đây, bởi thế hệ trẻ đang là những người có sự đổi mới trong tư duy, với cá nhân anh/chị để làm thương hiệu ở thời điểm hiện tại, thì những giá trị cốt lõi nào cần có để có thể phát triển một cách bền vững?

Tôi thấy rằng mạng xã hội là một công cụ rất quan trọng, cầu nối giữa thương hiệu với khách hàng, đặc biệt là những người tiêu dùng có vị trí địa lý xa. Tuy nhiên, những gì chúng ta chia sẻ trên mạng xã hội hay tại các cửa hàng vật lý, con người vận hành, nhân viên bán hàng phải đồng nhất. Có rất nhiều bạn trẻ bắt đầu trên mạng xã hội rất nhanh và thành công, nhưng vận hành thực tế lại nhận thấy bản thân có quá nhiều lỗ hổng. Quản trị con người, quản trị thương hiệu, quản lý tài chính rồi xây dựng chiến lược đều phải học cả đời.

Tôi nghĩ rằng thị trường Việt Nam rất tiềm năng, tuy nhiên thực tế sẽ không đúng với quy mô dân số, hầu hết ngành hàng cao cấp đều nằm ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh. Do vậy nếu các bạn muốn xây dựng những mô hình kinh doanh hoặc thương hiệu ở phân khúc cao cấp, tôi nghĩ rằng nên tập trung tại hai thành phố kể trên. Và bản thân luôn tin rằng thị trường và phân khúc cao cấp vẫn đi theo hướng vận hành “old school” (mô hình cổ điển), bạn cứ làm đúng, làm tốt với cái tâm và tình yêu của mình, khách hàng sẽ đón nhận mình.

Ảnh: The Purists Club
 

Related Article