Cải thiện hơi thở có mùi để “tự tin đến gần nhau hơn”
Grooming

Cải thiện hơi thở có mùi để “tự tin đến gần nhau hơn”

Hơi thở có mùi là khi dù bạn đã đánh răng, súc miệng nhưng không cải thiện được tình trạng của vấn đề. Đó là lúc bạn hãy thôi đừng chủ quan vào sức khỏe của bản thân mà thay vào đó hãy ngồi xuống cùng Men’s Folio và xem xét thật kỹ triệu chứng để “bốc thuốc đúng bệnh” cho vấn đề của mình.

Hôi miệng không chỉ là vấn đề đánh răng buổi sáng

Hầu hết chúng ta cứ hay lầm tưởng rằng mùi hôi hơi thở có thể thường xuất hiện vào buổi sáng sau khi ngủ dậy do vi khuẩn trong khoang miệng gây ra, hoặc do chúng ta ăn những thực phẩm “nặng mùi” như hành, tỏi, mắm,…Nếu tình trạng của bạn rơi vào hai trường hợp trên thì bạn có thể thở phào nhẹ nhõm vì đây chỉ là những nguyên nhân ngoại lai có thể dễ dàng được giải quyết bằng một chiếc bàn chải, một tuýp kem đánh răng và một chai nước súc miệng.

Tuy nhiên, đối tượng mà bài viết này đang hướng đến chính là những ca mắc chứng hôi miệng mãn tính cho nhiều nguyên nhân khác gây ra, nhưng phần lớn đến từ nếp sinh hoạt chưa lành mạnh và tình trạng sức khỏe chưa ổn định. Cụ thể, nguyên nhân khiến hơi thở khó chịu cứ đeo bám bạn dai dẳng có thể được liệt kê như sau:

1. Nhịn đói hoặc ăn kiêng

Nước bọt đóng vai trò quan trọng trong việc làm sạch răng miệng. Vì chúng không chỉ giúp phá vỡ thức ăn để đưa xuống họng dễ dàng hơn mà còn theo động tác nuốt những vi khuẩn gây mùi trong khoang miệng cũng bị làm sạch. Cho nên, khi miệng không có thức ăn sẽ không thể điều tiết nước bọt, từ đó dẫn đến lượng vi khuẩn trong khoang miệng nhiều hơn nước bọt khiến hơi thở có mùi khó chịu. Trong khi đó, nếu bạn lựa chọn những biện pháp lowcarb hay non-cab để giảm lượng tinh bột nạp vào sẽ khiến mức độ hơi thở có mùi tăng lên.

2. Hút thuốc lá và uống rượu bia

Hơi thở có mùi là một trong những hậu quả của hút thuốc lá. Hút thuốc vừa làm tăng lượng hợp chất tạo mùi trong miệng và phổi, vừa làm khô miệng, dẫn đến việc sản xuất ít nước bọt hơn. Tương tự với trường hợp uống rượu bia, chất cồn có trong rượu bia cũng gây khô miệng, nhất là trong khi ngủ. Khi miệng ở tình trạng khô thì những vi khuẩn gây mùi tích tụ ở lưỡi sẽ hoạt động mạnh mẽ hơn bao giờ hết và hậu quả phía sau thì chúng ta không cần tốn nhiều công sức để phán đoán.

3. Mắc bệnh tiểu đường

Miệng có mùi khác thường thậm chí là mùi hoa quả chính là một dấu hiệu mà cơ thể cho bạn thấy rằng này nội tiết tố insulin đang ở mức rất thấp, và cơ thể phải sử dụng chất béo (thay vì glucose) để tạo ra năng lượng. Chính vì vậy, nếu bắt đặt tình trạng này, các chuyên gia khuyến cáo bạn nên đặt lịch hẹn với bác sĩ càng sớm càng tốt để được chuẩn đoán xem mình có đang thuộc diện nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường loại 1 hay không.

4. Các vấn đề về nha khoa

Sâu răng, nha chu, niềng răng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến vấn đề hôi miệng. Vì đây là lúc vi khuẩn hoạt động mạnh và cần có các biện pháp can thiệp từ bác sĩ chuyên khoa để khắc phục triệt để thay vì chỉ cố gắng đánh răng thông thường.

Làm cách nào để khắc phục tình trạng hơi thở có mùi?

1. Vệ sinh răng miệng đầy đủ và đúng cách

Nên đánh răng 2 lần mỗi ngày trong vòng 2 phút mỗi lần. Tuy nhiên, bạn không nên đánh răng ngay lập tức sau khi ăn mà thay vào đó hãy chờ tầm 30 phút. Vì sau khi ăn, axit tấn công men răng và khiến răng dễ bị tổn thương. Ngoài ra, trong khi đánh răng, bạn đừng quên chải lưỡi để làm sạch răng miệng vì đây cũng là nơi có chứa nhiều vi khuẩn.

2. Hạn chế ăn uống những thực phẩm dễ tạo mùi

Không nên hút thuốc, uống rượu và hạn chế uống cà phê cũng là cách giúp bạn giảm thiểu tình trạng mùi hôi trong hơi thở. Thay vào đó, bạn nên uống nước nhiều hơn để kích thích khoang miệng tiết nước bọt, làm sạch miệng và giảm mùi hôi. Nếu công việc của bạn luôn thường xuyên phải giao tiếp với người khác thì bạn nên hạn chế ăn các loại gia vị nặng mùi như hành, tỏi để để ngăn ngừa hơi thở có mùi hôi. 

3. Điều trị bệnh lý

Nếu hơi thở có mùi là do bệnh lý, bạn cần đến các bác sĩ chuyên khoa để được điều trị và khắc phục. Đây là cách giúp bạn lấy lại sự tự tin trong giao tiếp và bảo vệ sức khỏe của chính mình. 

Bài: Linh Bùi
Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article