Home Life Botto, MidJourney, DALL-E: Những làn gió mới thổi vào nghệ thuật, con người sẽ dần bị lãng quên?
Bên cạnh sự ra đời của các công cụ vẽ tranh trực tuyến đó, những khái niệm liên quan như “nghệ thuật AI” – được hiểu là những tác phẩm nghệ thuật được tạo ra với sự trợ giúp của công cụ này cũng được hình thành. Bất chấp sự xuất hiện của khái niệm mới trong khung lý thuyết nghệ thuật, câu hỏi liệu các tác phẩm do AI tạo ra có mang đến giá trị nghệ thuật và phù hợp với thẩm mỹ của con người hay không vẫn luôn được tranh luận.
Trí tuệ nhân tạo tác động to lớn đến nhiều chiều như tính sáng tạo, động lực, nhận thức về bản thân của người làm nghệ thuật, nhưng liệu nó có sở hữu các đặc điểm tương tự về tính sáng tạo và cảm xúc như các quá trình lao động nghệ thuật truyền thống hay không?
Botto là một hệ thống tạo ra hình ảnh bằng cách sử dụng các thuật toán phân tích và tổng hợp dữ liệu từ lịch sử nghệ thuật, bao gồm chủ nghĩa siêu thực, chủ nghĩa lập thể và chủ nghĩa ấn tượng. Nói dễ hiểu hơn, Botto tạo ra một chuỗi câu và từ ngẫu nhiên được lấy từ VQGAN (Vector Quantize to Narrative Adversarial Networks) – một mô hình có khả năng tạo ra hình ảnh khác, VQGAN sẽ sử dụng chuỗi từ đó kết hợp với cơ sở dữ liệu về các tác phẩm nghệ thuật trước đây của nó để tạo ra hình ảnh.
Botto đồng thời xây dựng cộng đồng DAO (Decentralized Autonomous Organization) gồm những người bỏ phiếu để quyết định hình ảnh nào sẽ được chuyển thành dạng NFT và đấu giá cho người trả giá cao nhất trên nền tảng SuperRate. Số tiền thu được từ đấu giá được chia sẻ giữa những người bỏ phiếu và kho bạc của Botto, thúc đẩy quá trình sáng tạo liên tục của AI.
Trong cuộc đấu giá đầu tiên vào tháng 11-2021, Botto đã thu về được hơn 1 triệu đô từ 4 tác phẩm của mình. Tiêu biểu là “Genesis” – tác phẩm ra đời trong thời kỳ đầu phát triển mô hình Botto, được bán với giá 57.6 ETH (xấp xỉ gần $300.000) và giá trị hiện đã lên đến 194 ETH (tương đương $600.000).
Vào tháng 10-2024, tại triển lãm nghệ thuật Sotheby’s, nghệ sĩ AI này đã kết thúc buổi đấu giá với số tiền thu được là $351.600 – một tín hiệu cho thấy sản phẩm sáng tạo của Botto đã có được công nhận trong mắt các nhà sưu tập và nhà đầu tư nghệ thuật. Và tính đến thời điểm hiện tại, Botto đã tạo ra được doanh thu khoảng 4 triệu đô với 140 tác phẩm, đưa tên tuổi của mình lên một tầm cao mới ở cả thị trường tranh kỹ thuật số và tranh truyền thống.
Trong khi AI tự tạo ra các hình ảnh phục vụ nhu cầu của các cá nhân riêng biệt, những người tham gia Botto lại có ảnh hưởng đáng kể hơn qua việc chọn ra các tác phẩm mà họ cho là xứng đáng để đấu giá. Dựa trên những phản hồi của cộng đồng, Botto hình thành nên “gu” nghệ thuật, phản ánh chính xác thị hiếu và sở thích của người tham gia quá trình đánh giá. Quá trình này chính là điều làm cho Botto khác biệt so với các hệ thống AI khác.
Bên cạnh Botto, DALL-E hay MidJourney cũng là những cái tên tiên phong trong sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo và nghệ thuật. Với DALL-E, đây là mô hình được thiết kế để hiểu và chuyển đổi các mô tả trong câu từ, ngôn ngữ thành hình ảnh, cho phép người dùng tùy ý tạo nên hình ảnh dựa trên những ý tưởng sơ khai hoặc các khái niệm được định hình rõ ràng.
Tương tự, chúng ta còn có MidJourney nhưng mô hình này được đánh giá có tính nghệ thuật cao và phong cách nghệ thuật độc đáo hơn. Do đó, MidJourney thường được sử dụng bởi các nghệ sĩ và nhà thiết kế để khám phá ra các ý tưởng sáng tạo. Điểm chung của các công cụ này là đều có thể cho ra đời bức tranh hoàn chỉnh chỉ bằng một câu lệnh, vài từ khóa mô tả, rút ngắn thời gian và công sức lao động nghệ thuật.
Những bức tranh lâu đời nhất đã có từ trước khi những nền văn minh xuất hiện, điều đó chứng tỏ rằng bất cứ ai, trong bất kỳ thời đại nào, cũng có thể tạo nên một bức tranh hay thậm chí một trường phái nghệ thuật mới mà không có rào cản nào.
Trong bối cảnh khoa học kỹ thuật phát triển, việc công nghệ tham gia vào diễn trình sáng tạo nghệ thuật là việc hoàn toàn có thể lường trước và được dự đoán sẽ còn vượt xa con người về mặt sáng tạo, tiện lợi và phổ biến với đại chúng. Tuy nhiên, điều khiến bức tranh mang giá trị sâu sắc, trường tồn với thời gian lại chính là câu chuyện đằng sau, ý nghĩa mang tính cột mốc của nó với một cá nhân, tập thể hay với cả lịch sử thế giới.
Trong thời kỳ đồ đá, khi con người mới chập chững những bước đầu tiên trong thế giới nguyên thủy và hoang dã, với những công cụ thô sơ như viên đá, cành cây, que củi, họ đã biết khắc nên dấu ấn của mình trên những bia đá để ghi lại hành trình cuộc sống. Đó là những hình vẽ với các đường nét đơn giản mô tả con người, động vật, mặt trăng, mặt trời hay những hiện tượng sự kiện kỳ thú mà họ lần đầu chứng kiến.
Những nét vẽ này là minh chứng cho sự phát triển đầu tiên về mặt nhận thức của loài người khi họ biết ghi chép, diễn tả thế giới và đánh dấu cho việc tạo ra chữ viết, ngôn ngữ để giao tiếp với nhau. Nhờ những bức tranh như vậy mà con người mới có thể hình dung được một giai đoạn quá khứ, khơi gợi cảm hứng cho vô vàn cuộc khai quật khoa học để khám phá về thuở sơ khai hay những tác phẩm điện ảnh kinh điển cũng đã khai thác nhiều về đề tài này.
Một ví dụ khác gần hơn là danh họa Van Gogh – người góp phần làm nên ảnh hưởng to lớn cho trường phái Hậu ấn tượng (Post-Impressionism). Khi còn sống, ông không nhận được sự tôn trọng, đánh giá cao mà phải sống cả một đời cô đơn. Tuy nhiên, chính trong những ngày tháng cô độc đó, ông đã tạo ra loạt tác phẩm độc đáo nhằm phác họa chân thực diễn biến cảm xúc của ông qua từng giai đoạn cuộc đời.
Tiêu biểu với tác phẩm Đêm đầy sao (Starry Night) được vẽ khi ông đang điều trị tại bệnh viện tâm thần, chính từ góc cửa sổ nơi phòng ông ở là nguồn cảm hứng để thể hiện nội tâm của ông. Bức tranh cho thấy sự đối lập giữa hỗn loạn của bầu trời và cái yên bình, tĩnh lặng của ngôi làng phía dưới, cũng như cuộc đấu tranh nội tâm giữa sự cô đơn và khao khát có được bình yên trong tâm trí.
Trở lại với câu hỏi liệu AI có phải nghệ sĩ thực thụ hay không, ta dễ dàng nhận thấy AI vốn khuyết đi sự rung cảm của người làm nghệ thuật. Công nghệ có thể hỗ trợ con người phác họa tranh ảnh nhưng về bản chất, AI phát triển dựa vào nguồn dữ liệu khổng lồ đầu vào mà con người cung cấp để nó học tập và sử dụng.
Một bức tranh do AI tạo ra có tổng thể mới mẻ nhưng vẫn có xuất phát điểm là dữ liệu của con người tạo nên, từ câu lệnh và mong muốn của con người. Sự sáng tạo của AI rõ ràng bị hạn chế trong giới hạn sáng tạo của loài người bởi công nghệ này buộc phải dựa vào các tác phẩm trước đó – tức cái có sẵn để “học hỏi”, “lấy cảm hứng” rồi từ đó mới làm nên “tác phẩm mới”.
Rõ ràng, lượng lớn nội dung do AI tạo ra dù với tốc độ đáng kinh ngạc nhưng vẫn còn phụ thuộc nhiều vào các thuật toán, chưa có tính hoàn thiện và chính xác cao trong việc truyền đạt câu chuyện, cảm xúc đằng sau từng tác phẩm. Nghệ thuật do con người tạo ra không bằng cách áp dụng công thức và nghe theo mệnh lệnh từ ai khác; nghệ thuật cũng là một cái đích có vô vàn lối đi và có giá trị to lớn nhờ vào câu chuyện làm nên nó. Đây là lý do mà AI không thể thay thế con người trong sáng tạo nghệ thuật.
MEN’S FOLIO, tạp chí quốc tế về thời trang và phong cách sống dành cho Quý Ông sành điệu, có bề dày hơn 25 năm kể từ ngày thành lập đầu tiên vào năm 1997 tại Singapore. Men’s Folio mang sứ mệnh quảng bá tài năng châu Á, cũng như xu hướng thời trang nổi bật nhất qua các mùa. Hiện ấn phẩm đã có mặt tại đa quốc gia, hoạt động mạnh mẽ ở các nước Đông Nam Á, và chính thức có mặt tại Việt Nam vào tháng 11/2020. Ấn phẩm Men’s Folio Vietnam hội tụ những bài viết tinh hoa, hình ảnh bắt mắt, giới thiệu những nhân vật danh tiếng của ngành công nghiệp thời trang và giải trí Việt Nam. Cùng cái nhìn tổng quan về xu hướng, thời trang và phong cách sống nổi bật nhất dành cho phái mạnh theo từng mùa/năm.
Copyright © 2024 Luxuo Media Vietnam. All Rights Reserved. Website Developed by Tony Toàn