Sau một thời gian dài im ắng, “Black Mirror” mùa 7 đã tái xuất trên Netflix như một lời thì thầm ở kỷ nguyên số. Nó không còn la hét về tận thế công nghệ, mà đơn giản là những cái vuốt ve lạnh buốt lên tâm trí người xem. Charlie Brooker đã đi một nước cờ bất ngờ: thay vì đẩy mọi thứ đến đỉnh điểm như trong “Bandersnatch”, ông nhẹ tay hơn, trầm ngâm hơn nhưng cũng sắc sảo hơn bao giờ hết ở mùa phim mới. Không còn là “Black Mirror” của thời “White Bear” hay “Shut Up and Dance”, đây là một mùa phim trưởng thành, nơi nhân vật không chỉ là nạn nhân bị thao túng mà còn góp phần lập trình nên những bi kịch.
Từng gây choáng với “Striking Vipers” – nơi tình bạn thời trai trẻ trượt dài trong một trò chơi thực tế ảo mang sắc thái homoerotic đầy giằng xé, “Black Mirror” mùa 5 khiến khán giả đặt ra những câu hỏi về định nghĩa giới tính lẫn tình yêu hiện đại. Bước sang mùa 7, “Common People” tiếp tục khai thác sự đan xen giữa cảm xúc và giá trị tiêu dùng, khi ký ức tưởng chừng là phần thiêng liêng nhất của con người lại bị đem ra định giá và phân phối qua các gói đăng ký “freemium”, “plus”, “lux”.
Nếu “Striking Vipers” gây sốc bằng ý niệm, thì “Common People” khiến người xem lạnh gáy vì sự quen thuộc. Không cần bước vào “metaverse”, chúng ta vẫn thấy mình trong hành vi “tiêu dùng cảm xúc” mỗi ngày – trả tiền để lưu giữ kỷ niệm, mua gói nâng cấp để yêu sâu hơn. Có lẽ, ranh giới giữa công nghệ và cảm xúc ngày nay mỏng như chính sợi dây truyền dữ liệu giữa ký ức và bộ nhớ đám mây.
Khác với mùa 5 từng bị chỉ trích là nhạt nhòa, mùa 7 đã kể một câu chuyện theo cách thức mới. “Eulogy” với màn hoá thân xuất sắc của Paul Giamatti là minh chứng cho việc Brooker không cần những cú “twist” đau đớn để khiến người xem nghẹn ngào. Chỉ cần một người đàn ông cô độc, lần lượt chạm vào những mảnh ký ức và mỗi lần như thế, quá khứ tan chảy, hiện tại nhòe đi, để lại người xem lơ lửng giữa hai chiều thời gian, bất lực nhưng cũng được giải thoát.
Tập phim gợi nhớ đến “San Junipero” – viên ngọc của mùa 3 và cũng chính là nơi ký ức trở thành nơi trú ẩn. Nhưng nếu “San Junipero” là khúc hát tình yêu thì “Eulogy” là bài tụng niệm dịu buồn cho những gì đã đánh mất.
Brooker như đang đặt một câu hỏi gai góc: Nếu tự do chỉ là được chọn giữa hai nỗi đau, thì liệu đó có còn là tự do? Điều này thể hiện rõ trong “USS Callister: Into Infinity” – phần tiếp theo hiếm hoi của loạt phim, nơi các nhân vật số hóa tuy không còn bị kiểm soát như trước, nhưng vẫn mắc kẹt trong một thế giới giả lập không có lối ra rõ ràng.
Việc Brooker quay lại và mở rộng vũ trụ “Callister” cho thấy ông không còn chỉ muốn làm từng câu chuyện rời rạc với cú “twist” bất ngờ, mà đang hướng tới một kiểu kể chuyện có chiều sâu và khả năng phát triển dài hơi hơn. Đây là bước chuyển đáng mừng, nhất là sau những thử nghiệm chưa thật sự thuyết phục như “Bandersnatch” – tập phim tương tác nhiều ý tưởng nhưng gây tranh cãi vì rườm rà – hay “Ashley Too”, một câu chuyện đơn giản, màu mè và thiếu đi sự sắc lạnh quen thuộc của “Black Mirror”.
Ở tập “Bête Noire”, “Black Mirror” không còn kể về trí tuệ nhân tạo hay thực tế ảo. Không có thiết bị tương lai nào xuất hiện, tất cả bắt đầu từ một cuộc gặp tưởng như vô hại giữa hai người bạn cũ, nhưng càng trò chuyện, không khí càng trở nên khó hiểu, mơ hồ và ngột ngạt. Sự thân mật ban đầu dần bị thay thế bởi cảm giác lo âu và ngờ vực – một kiểu căng thẳng rất con người.
Điều khiến tập phim này ám ảnh không nằm ở công nghệ, mà nằm ở cách con người tác động đến nhau: chỉ một câu nói úp mở, một ký ức bị lôi ra đúng lúc, cũng đủ khiến người ta mất bình tĩnh và rơi vào vòng xoáy hoang mang. Nhân vật chính không bị điều khiển bởi máy móc – họ bị đẩy đến giới hạn bởi sự thao túng tinh thần.
So với những tập như “Smithereens” (mùa 5), nơi nỗi sợ đến từ mạng xã hội và sự phụ thuộc vào công nghệ, thì “Bête Noire” lại tạo cảm giác rùng mình vì quá gần gũi. Nó không cảnh báo về tương lai – nó nói về hiện tại: sự bất an giữa người với người, khi lòng tin trở nên mong manh và dễ bị lợi dụng hơn bao giờ hết.
Từng có thời điểm nhiều người cho rằng “Black Mirror” đang cạn ý tưởng, nhất là sau mùa 5 với số tập ít và nội dung thiếu điểm nhấn. Nhưng mùa 7 đã chứng minh điều ngược lại. Brooker đã thay đổi cách tiếp cận với nhiều ý tưởng táo bạo hơn.
Từ một series nổi tiếng với nhiều pha giật gân, “Black Mirror” giờ đây trở nên trầm tĩnh hơn, chọn cách đi sâu vào cảm xúc thay vì chỉ tập trung vào công nghệ. Dù không phải tập nào cũng thật sự nổi bật nhưng mỗi câu chuyện đều trở nên có chiều sâu và dễ chạm hơn. Và có lẽ, chính sự tiết chế đó lại là điều cần thiết trong một thế giới đã quá ồn ào. Mùa 7 không mang đến cảm giác choáng ngợp, nhưng để lại cảm giác sâu lắng đủ để khán giả có thể suy ngẫm và soi chiếu lại chính mình.
MEN’S FOLIO, tạp chí quốc tế về thời trang và phong cách sống dành cho Quý Ông sành điệu, có bề dày hơn 25 năm kể từ ngày thành lập đầu tiên vào năm 1997 tại Singapore. Men’s Folio mang sứ mệnh quảng bá tài năng châu Á, cũng như xu hướng thời trang nổi bật nhất qua các mùa. Hiện ấn phẩm đã có mặt tại đa quốc gia, hoạt động mạnh mẽ ở các nước Đông Nam Á, và chính thức có mặt tại Việt Nam vào tháng 11/2020. Ấn phẩm Men’s Folio Vietnam hội tụ những bài viết tinh hoa, hình ảnh bắt mắt, giới thiệu những nhân vật danh tiếng của ngành công nghiệp thời trang và giải trí Việt Nam. Cùng cái nhìn tổng quan về xu hướng, thời trang và phong cách sống nổi bật nhất dành cho phái mạnh theo từng mùa/năm.
Copyright © 2024 Luxuo Media Vietnam. All Rights Reserved. Website Developed by Tony Toàn