BizLab Video Series SS3: 4 case study vàng trong cuộc chơi kinh doanh cà phê
LifestyleBusiness

BizLab Video Series SS3: 4 case study vàng trong cuộc chơi kinh doanh cà phê

Trong vòng 0.34 giây, chúng ta có thể nhận được gần 36 triệu kết quả nếu tìm kiếm “kinh nghiệm kinh doanh cà phê” trên Google. Điều đó cho thấy rằng, cà phê nằm trong kế hoạch kinh doanh của rất nhiều người.

Kinh nghiệm sẽ không bao giờ là đủ, bởi mỗi người mỗi cảnh, bất cứ điều gì cũng có thể xảy đến trong quá trình kinh doanh của mình. Do đó, dù 36 triệu là một con số khủng để nói về “kinh nghiệm kinh doanh cà phê”, nhưng Men’s Folio vẫn muốn đóng góp những tích lũy hiện có về chủ đề này qua chuỗi câu chuyện được khai thác trong BizLab Video Series mùa 3 đến với độc giả của mình, hoặc những ai đang đi tìm điều đó.

BizLab Video Series là nơi Men’s Folio lắng nghe các thế hệ lãnh đạo chia sẻ và lan tỏa “những công thức thử nghiệm” gầy dựng việc kinh doanh từ hoài bão lớn của họ. Ở mùa 3, chúng tôi chào đón những câu chuyện, kinh nghiệm từ những người lựa chọn gắn bó với cà phê, đó là: co-founder Every Half Coffee Roaster – Trần Lê Minh Trúc, CEO & founder S’mores Saigon Caffè – Nguyễn Hoàng Trung Hưng, general manager RedDoor Cafe – Nguyễn Thanh Đạo và co-founder ẤP Cafe – Nguyễn Tiến Phong.

Mùa 3 BizLab Video Series qua đi, để lại cho Men’s Folio một bức tranh đa màu và ý nghĩa về chuyện kinh doanh cà phê, được “phác thảo” bởi 4 khách mời. Và giờ đây, chúng tôi muốn mang điều đó – kinh nghiệm, bí quyết hay trong kinh doanh cà phê – đến với độc giả của mình.

Tinh tế trong pha chế

Kinh doanh cà phê nói riêng và F&B nói chung đòi hỏi ở người làm chủ việc đầu tư rất nhiều khía cạnh. Bởi quy mô không gian, concept trang trí, hương thơm, âm nhạc,… đều là những điều mà khách hàng rất chú trọng khi bước chân vào một quán cà phê nào đó. Tuy nhiên, để giữ chân được họ, dường như chỉ có một yếu tố, đó là chất lượng đồ uống. Sẽ chẳng ai muốn ghé đến một quán cà phê nhiều lần mà nước uống dở, dù cho quán có đẹp, có thơm đến mức nào.

Do đó, chú trọng và tỉ mỉ trong khâu pha chế, các quán cà phê có thể giải quyết được phần nào bài toán giữ chân khách hàng của mình. Chị Thanh Đạo – General Manager RedDoor Cafe đã chia sẻ trong BizLab Video Series rằng: “Dù thời gian để tạo ra mỗi món uống là khác nhau nhưng chúng tôi có một số tiêu chí nhất định. Hầu như các món cà phê sẽ không có đường, còn sữa đặc thì có quán tôi dùng loại mua ở ngoài, có quán tôi nấu sữa tươi thành sữa đặc để có vị đặc biệt hơn”. Do đó, nếu có cơ hội đến RedDoor Cafe thưởng thức, bạn sẽ thấy được hương vị “kỹ lưỡng” của cà phê.

Đặc biệt với món thức uống cực kỳ phổ biến của người Việt như cà phê sữa, thì việc tạo ra một hương vị đặc trưng, không hòa lẫn với bất cứ thương hiệu nào khác là điều không dễ đối với những ai kinh doanh cà phê. Nếu như RedDoor lựa chọn việc tự tay nấu ra hương vị sữa chất lượng thì co-founder Every Half Coffee Roasters – Minh Trúc lại có một cách thức khác để có thể định vị được cà phê của mình trên bản đồ cà phê Việt.

“Every Half luôn cố gắng sáng tạo hương vị mới lạ cho những thức uống truyền thống. Tôi nghĩ gen Z ngày nay có xu hướng muốn tìm về những điều thân quen nhưng cũng phải mới lạ. Do đó, cà phê sữa ở Every Half không chỉ có vị ngọt và đắng thường thấy mà còn có cả một chút vị chua hoàn toàn tự nhiên từ cà phê” – Minh Trúc chia sẻ.

Một ly thức uống được tạo nên bởi sự kết hợp hài hòa của rất nhiều nguyên liệu. Do đó, đảm bảo chất lượng của từng “tiểu tiết” sẽ giúp đồ uống dễ chạm đến trái tim khách hàng hơn.

Ứng dụng yếu tố văn hóa

Văn hóa và kinh doanh mặc dù là 2 hoạt động hướng đến những mục đích khác nhau nhưng chúng lại có mối liên hệ chặt chẽ. Trong một thời đại mà việc kinh doanh cạnh tranh khốc liệt bao giờ hết, có thể vận dụng sự sáng tạo từ những yếu tố tưởng chừng không liên quan, chúng ta lại có thể xây dựng được chỗ đứng cho thương hiệu của mình. Vừa hay, văn hóa là một “mảnh đất” cực kỳ màu mỡ mà chúng ta có thể khai phá không giới hạn, cũng đúng lúc, các nhà sáng lập cà phê đã và đang nhìn thấy điều đó.

S’mores Saigon Coffè có thể xem là chuỗi cà phê làm rất tốt điều đó. Ở cả ba chi nhánh, S’mores lồng ghép rất khéo tinh thần và hơi thở Sài Gòn vào từng chi tiết, từ chất liệu, thiết kế, âm thanh, màu sắc… để mỗi khách hàng khi đến đây, tìm thấy một cảm giác rất mới lạ. Nói về điều này, Trung Hưng chia sẻ: “Lồng ghép trong không gian S’mores là những chi tiết rất nhỏ nồng đượm hơi thở Sài Gòn đến từ những vật liệu như gạch kính, đá mài, kính hạt lựu. Chúng ta có thể đã nhìn thấy những thứ đó tại nhà, hàng ngày nên không mấy để ý. Khi đến quán và vô tình thấy, bạn sẽ ồ lên thích thú rằng sao nó quen thế này! Tuy nhiên, cảm giác nhìn những vật liệu đó ở nhà và ở quán là hoàn toàn khác biệt, nhưng đều rất dễ chịu và an toàn”. 

Còn với ẤP Cafe, Đà Lạt lại là thành phố khơi dậy nguồn cảm hứng cho sự xuất hiện của quán cà phê này. Những con người có chung niềm yêu đối với Đà Lạt đã mang không gian đậm chất thành phố sương mù về giữa lòng Sài Gòn. ẤP mở cửa từ 5 giờ sáng, ẤP chọn tông nâu gỗ, ẤP có rất nhiều đĩa nhạc từ Trịnh Công Sơn và Khánh Ly,… Do đó, khách hàng khi đến ẤP chủ yếu là muốn tìm cảm giác “chilling”, thơ thẩn, thư thả. Tiến Phong cũng nói với chúng tôi về ẤP rằng: “Sẽ không có thêm ẤP nào ở Sài Gòn nữa vì chúng tôi tạo ra một cái “vibe” Đà Lạt để người Sài Gòn tận hưởng nó, nên không có lý do gì lại làm thêm một nơi tương tự. Và chỉ có thể là ngôi nhà đó mới là ẤP một cách đúng nghĩa”. Thế là điều này giúp cho giá trị của ẤP ngày càng được trân trọng.

Kết nối, kết nối và kết nối

Trong xây dựng thương hiệu, việc kết nối không chỉ là câu chuyện giữa thương hiệu với khách hàng, khách hàng với khách hàng,… Bất cứ khía cạnh, ngóc ngách nào, chúng ta cũng cần tìm kiếm và kết nối để không chỉ tạo sự thống nhất cho thương hiệu mà còn làm nên nét đặc trưng giữa hằng hà sa số quán cà phê ngoài kia. Như Thanh Đạo chia sẻ: “Chuyện học về cà phê không phải khó khăn quá lớn, nhưng để tạo những kết nối chân thành mới khó”.

Đúng như cái tên của mình, Every Half có một sự tìm kiếm và kết nối (những) “một nửa” khá hay mà không phải mô hình cà phê nào cũng làm được. Từ khi bắt đầu vận hàng, Every Half đã bắt tay với các nông hộ sản xuất cà phê ở Điện Biên, Đắk Lắk,… để cùng xây dựng sự bền vững nhất có thể, về cả mặt tài chính và môi trường. Minh Trúc nói rằng: “Khi kết hợp như vậy, những nông hộ sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật chế biến, chúng tôi sẽ đảm bảo được đầu ra cho họ, còn khách hàng sẽ được nghe và cảm nhận nhiều câu chuyện qua hạt cà hơn”. Về địa điểm, 3/4 cửa hàng Every Half kết hợp cùng một cơ sở lưu trú khác để đưa cà phê tiếp cận nhiều khách hàng hơn.

Bên cạnh đó, Every Half còn đặc biệt tổ chức những hoạt động tương tác thú vị để kết nối cộng đồng như mang bộ phim “Aeropress Movie” về Việt Nam rồi đến Hà Nội, Buôn Mê Thuột, Sài Gòn,… để trình chiếu, đồng thời pha cà phê mời mọi người nhằm tạo không gian giao lưu. Hay mua bản quyền cuộc thi “Aeropress Championship” – một cuộc thi cho người pha được ly cà phê ngon nhất bằng dụng cụ Aeropress. Không áp lực về việc cạnh tranh, xếp hạng, tranh giải,… “Aesopress Championship” là nơi mà mọi người đến trong tâm thế kết nối, tương tác, uống cà phê, nghe nhạc, trò chuyện với nhau,…

Ở một “diễn biến” khác, ẤP Cafe cũng nhờ đến sự kết nối mà “được lòng” khách hàng của mình. Sự kết nối ở ẤP được thể hiện rất rõ ở mặt không gian. Vì ẤP mang câu chuyện Đà Lạt nên từ tranh ảnh đến âm nhạc đều được đồng bộ với tinh thần chung. Những nghệ sĩ như Trịnh Công Sơn hay Khánh Ly đã là huyền thoại trong âm nhạc và gắn với Đà Lạt, nên ẤP muốn mình có thể làm cầu nối đưa điều ấy đến những người trẻ.

“Tôi còn nhớ thời điểm bộ phim ‘Em và Trịnh’ công chiếu, mọi người tìm đến ẤP nhiều hơn bởi họ muốn nghe những ca khúc trong phim qua chính những chiếc đĩa than, CD tại đây”. Có thể thấy, một không gian được đồng nhất concept trong mọi chi tiết sẽ giúp việc kết nối với khách hàng của mình trở nên dễ dàng hơn, từ đó, khiến họ muốn quay lại để tìm thấy sự kết nối thú vị chỉ có tại nơi đó.

Hay ở RedDoor Cafe, các bàn không cách xa nhau và cũng không đặt quá nhiều bàn để mọi người có thể dễ dàng xích lại gần nhau. “Đến một ngày nào đó, bàn này gọi ‘í ới’ qua bàn khác thì tôi thấy đó đã là sự thành công của mình” – Thanh Đạo nói.

Sự kết nối ở RedDoor còn được truyền tải thông qua những buổi workshop gắn kết cộng đồng những người đam mê cà phê, đặc biệt, cho mọi người thử những món mà các bạn nghĩ là khó uống.

Kết nối với nguồn cung cấp cà phê, địa điểm, hay kết nối về mặt bày trí không gian,… chỉ là một vài trong rất nhiều cách thức tạo sự kết nối. Nên tùy vào mỗi mô hình và mục đích của mỗi người, chịu khó tìm kiếm và tạo được sự gắn kết chân thật chắc chắn sẽ tạo nên nét độc đáo cho thương hiệu của mình.

Trân trọng những cộng sự

Ngoài việc xây dựng “diện mạo” qua không gian và đồ uống, nội tại bên trong cũng là yếu tố vô cùng quan trọng để cả một quán cà phê vận hành. Nội tại đó tất nhiên không thể chỉ dựa vào những người sáng lập, quản lý mà là tất cả nhân viên đang làm việc. Tuy nhiên, việc đi tìm và tìm ra những người cộng sự hiểu được tinh thần, cùng chung chí hướng không phải là điều trong ngày một ngày hai có thể hoàn thành.

Tiến Phong – Co-founder của ẤP Cafe cũng từng nói với chúng tôi rằng: “Ở thời điểm đầu, chúng tôi từng nghĩ về nhiều rủi ro, nghĩ đến những ngày ngồi nhìn nhau khi quán không có khách”. Đó là một viễn cảnh không mấy tốt đẹp mà ai cũng có thể nghĩ đến khi kinh doanh. Tuy nhiên, tất cả mọi người ở ẤP khi ấy luôn xem việc sáng lập ra ẤP là một “cuộc chơi” mà ai cũng cảm thấy thoải mái và không bị áp lực bởi những điều người khác hay e ngại trong kinh doanh. Không ai kỳ vọng thì cũng chẳng ai thất vọng. Dù tiêu cực hay tích cực, nếu mọi người đều có cùng cách nhìn và đón nhận thì việc có thể cùng nhau đi xa là hoàn toàn khả thi.

Đó là câu chuyện của những nhà sáng lập, mặt khác, việc tuyển chọn nhân viên cùng đồng hành sẽ còn có những cái khó riêng. Là một người đang vận hành 3 chi nhánh cà phê, CEO & founder S’mores Saigon Caffè – Nguyễn Hoàng Trung Hưng chia sẻ kinh nghiệm rằng: “Tôi luôn quan niệm là các bạn phải thấy được ngay từ đầu giá trị công việc của mình. Bạn làm vì công ty hay vì bản thân? Nếu xác định được những điều này sớm thì con đường rất dễ đi. Và chỉ khi xác định rõ rằng “mình làm vì chính mình” thì bạn mới có thể hết mình và cống hiến vì nó. Khi đã rõ ràng thì mọi thứ sẽ diễn ra rất tự nhiên. Cho dù tăng ca mười mấy tiếng thì mình cũng đang làm vì mình, không phải vì bất kỳ ai khác”.

Bởi, không dưng mà chúng ta hay nói rằng “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”. Kinh doanh sẽ không bao giờ dễ dàng nếu không có sự đồng hành và hỗ trợ từ những người cộng sự chung tầm nhìn và tâm huyết. Vì vậy, việc kết hợp kinh doanh cùng ai đó hay tuyển chọn nhân viên đều cần cân nhắc cẩn thận.

Một vài kinh nghiệm thực chiến khác

Trần Lê Minh Trúc Minh Trúc: “Điều quan trọng trước tiên mà các bạn cần học đó là cách nếm cà phê. Khi mình biết nếm, biết được thế nào là ngon thì mình sẽ dễ tìm thấy lỗi và sửa đổi hơn”.

Tiến Phong: “Từ những kinh nghiệm của mình, tôi luôn mong các bạn đi sâu vào nội tại để tìm thấy giá trị của bản thân, tôn trọng và biến nó thành vũ khí. Có được điều đó thì làm gì cũng dễ dàng và tâm thế sẽ sẵn sàng đối diện với khó khăn”.

Nguyễn Hoàng Trung Hưng: “Vận hành là kỹ năng quan trọng. Trong tất cả các mảng mà tôi phải quản lý hiện tại như tài chính, marketing hay kế toán… thì sâu bên trong đều cần sự vận hành. Vận hành cho tôi tư duy logic để suy nghĩ và tìm ra cốt lõi của mọi vấn đề”.

Nguyễn Thanh Đạo: “Suy nghĩ nghiêm túc với cà phê sẽ dần thành hình và ngày càng thôi thúc trong việc phải trau dồi bản thân nhiều hơn, về từng loại thức uống, pha chế, rang cà phê, sơ chế cà phê…”

Với những kinh nghiệm kinh doanh cà phê mà Men’s Folio có được thông qua chuỗi dự án của mình, hy vọng sẽ là một nguồn tham khảo, bài học quý giá giữa 36 triệu kết quả kia cho những ai đã và đang có ý định theo đuổi lĩnh vực này.

—–
VỀ BIZLAB VIDEO SERIES MÙA 3:

Khởi nghiệp dễ hay khó, người trẻ nên bắt đầu với mô hình kinh doanh trong mơ của họ từ đâu, việc vận dụng yếu tố văn hoá và sự kết nối giữa người với người nên được biểu đạt như thế nào… là nguồn cảm hứng lớn của chúng tôi trong việc tìm kiếm những hình mẫu doanh nghiệp giới thiệu đến bạn đọc.

Ở một thời đại mà cách vài bước chân, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp các cửa hàng cà phê; và bản thân những quán cà phê đang là điểm đến làm việc phổ biến hiện nay cho thấy sự đổi mới mạnh mẽ, sự đa dạng trong concept và ngày càng gia tăng với một mật độ chóng mặt, bất chấp sự cạnh tranh khắc nghiệt… thôi thúc chúng tôi chọn các cửa hàng cà phê khởi động cho mùa 3 – People in Cafe and Business Culture.

– Xem thêm những tập đã phát sóng trên kênh Youtube của Men’s Folio.

– Cập nhật thêm thông tin về video series từ hashtag #BizLab trên các nền tảng Facebook và Instagram của Men’s Folio.

Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article