Các thương hiệu xa xỉ nhận thức rõ tầm ảnh hưởng của những nghệ sĩ Hàn Quốc đối với việc thu hút khách hàng trẻ tuổi và tạo ra làn sóng trên mạng xã hội.
Thời gian gần đây, các thương hiệu ngày càng tận dụng sức ảnh hưởng của ngôi sao Hàn Quốc bằng việc để họ xuất hiện trên hàng ghế đầu tại show diễn. Không chỉ thế, nhiều nghệ sĩ còn trở thành gương mặt đại diện của nhãn hàng tại khu vực châu Á hay trên toàn cầu như Jennie cho Chanel, Jisoo cho Dior, Jimin cho Dior Men và Tiffany & Co., J-Hope cho Louis Vuitton, Suga cho Valentino… và nhiều tên tuổi khác cũng được nhãn hàng ưu ái.
Tầm quan trọng của Đại sứ thương hiệu
Đại sứ thương hiệu hay còn được biết đến với danh xưng “Brand Ambassador” là gương mặt đại diện cho nhãn hàng hay nhà mốt thời trang. Các đại sứ sẽ trở thành người đồng hành với hãng trong chiến dịch quảng cáo ở một giai đoạn nhất định. Họ thường gương mặt có sức ảnh hưởng trong cộng đồng hay người nổi tiếng ở lĩnh vực nghệ thuật như âm nhạc, điện ảnh, thời trang. Các hãng sẽ lựa chọn nhân tố phù hợp với hướng phát triển để làm người đại diện.
Lý do dễ dàng nhận thấy nhất chính là nhà mốt muốn tận dụng tầm ảnh hưởng, hàng triệu lượt theo dõi trên mạng xã hội của nghệ sĩ để đưa hình ảnh thương hiệu đến gần hơn với công chúng, đồng thời thúc đẩy tiềm lực phát triển nhãn hàng. Nhiệm vụ của họ là kết hợp cùng chiến dịch truyền thông để đạt được hiệu quả cao nhất bằng công cụ quảng cáo, tham dự sự kiện của hãng hay tương tác với người hâm mộ trên trang cá nhân.
Sức hút hấp dẫn của sao Hàn Quốc đã được chứng minh bằng con số thực tế trong thị trường âm nhạc. Theo ước tính, doanh thu toàn cầu của Kpop đạt 5,6 tỷ USD vào năm 2018. Những sản phẩm âm nhạc đăng tải trên mạng xã hội cũng tăng gấp 3 lần kể từ năm 2012, với 34 tỷ lượt xem năm 2018. Số liệu phân tích khiến các nhà mốt thế giới bắt đầu suy nghĩ hợp tác với ngôi sao Hàn Quốc có tầm ảnh hưởng đến giới trẻ. Việc lựa chọn gương mặt ở quốc gia này trở thành đại sứ phần nào thể hiện sự quan tâm và tình cảm của thương hiệu dành cho đối tượng khách hàng nơi đây.
Ở thị trường thời trang, tầm ảnh hưởng của các sao Hàn Quốc còn được chứng minh bằng con số thực tế khi đảm nhận vai trò đại sứ thương hiệu tại một quốc gia. Tháng 5/2019, Dior cho biết lượt tìm kiếm thương hiệu tăng 420% sau khi thông tin BTS mặc trang phục của nhà mốt trong tour diễn. Tờ Korea Times từng chia sẻ: “Doanh thu Dior đạt được trong 2 năm qua ấn tượng hơn nhiều so với các hãng thời trang khác cùng doanh số bán hàng tăng lần lượt 6% và 21,6% khi lựa chọn các gương mặt đại sứ phù hợp với thương hiệu”.
Từ năm 2019, Jennie trở thành một trong những người đại diện của hãng mỹ phẩm cao cấp Hera. Sau 14 tháng ra mắt, dòng phấn Black Foundation do cô làm đại diện bán ra hơn 4,3 triệu sản phẩm, thu về tổng cộng 213,7 triệu USD. Nhờ sản phẩm này, doanh thu của thương hiệu tăng 246% trong nửa đầu năm 2020. Theo Wall Street Journal, nền tảng mua sắm Lyst tiết lộ lượt tìm kiếm chiếc túi CELINE Triomphe trên toàn cầu tăng 66% trong ngày Lisa đăng ảnh món phụ kiện này lên mạng.
Theo báo cáo của nền tảng tiếp thị thương hiệu Lefty, Jimin (BTS) tạo ra 17 triệu USD giá trị EMV (số liệu đo lường hiệu quả truyền thông, xác định giá trị của nội dung chia sẻ trên nền tảng mạng xã hội) và mang về doanh thu cho thương hiệu Dior với 2 bài đăng tải trên trang cá nhân dưới cương vị Đại sứ thương hiệu toàn cầu. Giá trị hiệu quả truyền thông của nam ca sĩ chiếm 54% tổng EMV của Dior ở Tuần lễ thời trang Thu Đông 2023, vượt qua Kylie Jenner, Rosalia, Jeonghan…
Dựa trên số liệu thực tế của Vogue, mức độ tuơng tác trên instagram của các thành viên nhóm nhạc BTS cao gấp đôi so với những người nổi tiếng khác. Nhiều chuyên gia cũng dành sự khen ngợi cho các ngôi sao Hàn Quốc khi họ có mức chuyển đổi, biến khách hàng tiềm năng trở thành người mua hàng và tăng doanh thu cho những thương hiệu thời trang xa xỉ.
Jimin (BTS) được đánh giá là nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất tại Tuần lễ thời trang Paris với tỉ lệ tương tác 18% trên mạng xã hội và giá trị EMV của Dior tăng lên 370% gấp đôi so với Saint Laurent trong danh sách 50 thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới. Không chỉ thế, từ khoá “Jimin” và “Dior” đã dẫn đầu trên Google xu hướng toàn cầu ở thời điểm diễn ra Tuần lễ thời trang.
Xét về khía cạnh doanh thu khi hợp tác cùng các ngôi sao Hàn Quốc, trang Bloomberg News nhận định Hàn Quốc là quốc gia chi tiêu cho hàng hiệu lớn nhất thế giới. Tờ này nhận định thêm những yếu tố khiến giới trẻ Hàn Quốc mua đồ cao cấp gồm mức độ phổ biến của phương tiện truyền thông và hoạt động quảng bá của người nổi tiếng với tư cách là đại sứ thương hiệu.
Theo CNBC, ngân hàng Morgan Stanley ước tính tổng chi tiêu của người dân Hàn Quốc cho mặt hàng cao cấp cá nhân tăng 24% vào năm 2022, đạt mức 16,8 tỷ USD và tương đương khoảng 325 USD/người. Con số này cao hơn nhiều so với mức chi tiêu tương ứng tại thị trường Trung Quốc và Mỹ, lần lượt là 55 USD và 280 USD.
Sự ưu ái dành cho các đại sứ của châu Á
Các nhãn hàng xa xỉ cũng thường có nhiều yếu tố để lựa chọn đại sứ như tiêu chí phù hợp với định vị thời trang cao cấp, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng trong phân khúc xa xỉ phẩm. Hơn hết, đại sứ phù hợp là người thể hiện được tinh thần của hãng, giúp kết nối gần hơn với khách hàng.
G-Dragon từng để lại ấn tượng nhiều nhất cho mọi người về hình ảnh đại sứ Chanel đến từ phong cách ăn mặc khác biệt, biết cách cân bằng giữa xu hướng thời trang và cá tính riêng. Không ai có thể phù hợp với tiêu chí thương hiệu đặt ra cho người đại diện như nam nghệ sĩ và hơn hết thần thái của anh luôn toát lên vẻ sang trọng – điều mà nhà mốt Pháp tâm niệm khi tìm kiếm gương mặt cho hãng. Thậm chí, nam ca sĩ cùng siêu mẫu Cara và nữ diễn viên Kristen Stewart không chỉ là nguồn cảm hứng để Karl Lagerfeld sáng tạo ra những bộ cánh thời trang đẳng cấp, mà còn như tác phẩm nghệ thuật của Chanel.
Ở thời đại thế hệ Gen Z là những người tiêu tiền nhiều cho hàng xa xỉ, việc tiếp cận đối tượng này là điều tiên quyết. Không ít thương hiệu thay đổi DNA trẻ hóa thiết kế, số còn lại tận dụng tầm ảnh hưởng của dàn sao đang được giới trẻ quan tâm để trở thành gương mặt đại diện. Tuy nhiên, để trở thành đại sứ, họ phải là người có gu ăn mặc sành điệu, thể hiện tư duy khác biệt và hiểu rõ tinh thần thương hiệu đang hướng đến đối tượng khách hàng.
Lim Myung-ho, giáo sư tâm lý học tại Đại học Dankook, cho biết: “Người tiêu dùng trẻ tuổi càng tìm hiểu về các thương hiệu xa xỉ thông qua thần tượng Kpop, càng muốn mua hàng. Thậm chí, còn có một bài kiểm tra tính cách có tên ‘Bạn là thương hiệu xa xỉ nào? Điều khiến tôi ngạc nhiên là thời gian gần đây, bọn trẻ ví thứ bậc của các thần tượng Kpop với thứ bậc của các thương hiệu cao cấp mà họ làm đại sứ. Trong nhiều trường hợp, người tiêu dùng trẻ cảm thấy như những người nổi tiếng là một phần mở rộng của chính nhãn hãng”.
Việc trở thành gương mặt đại diện cho một thương hiệu còn từ tình cảm thân thiết giữa người nghệ sĩ và giám đốc sáng tạo. Điển hình như sự hợp tác giữa Karl Lagerfeld và G-Dragon chính là hâm mộ tài năng âm nhạc, tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của trưởng nhóm Big Bang trên thế giới. Chính mối quan hệ thân thiết giúp anh tiếp tục giữ vững vị trí đại sứ thương hiệu cho nhà mốt Pháp. Trong thời gian nhập ngũ, hình ảnh nam ca sĩ hợp tác trong các chiến dịch vẫn được sử dụng. Sau đó, để bác bỏ tin đồn “chia tay”, Chanel còn thông báo rằng trưởng nhóm Big Bang vẫn là gương mặt đại diện của hãng khi đăng ảnh trên Instagram bên cạnh ngôi sao Pharrell Williams cùng dòng chú thích: “House ambassador G-Dragon” (tạm dịch: Đại sứ thương hiệu G-Dragon).
Việc lựa chọn gương mặt ở các quốc gia châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc trở thành đại sứ phần nào thể hiện sự quan tâm và tình cảm của thương hiệu dành cho đối tượng khách hàng nơi đây. Chuyên gia Megan Collins thuộc hãng tư vấn Trendera cho biết: “Jennifer Lawrence, George Clooney hay Emma Stone đều là những người nổi tiếng nhưng họ không phải người có tầm ảnh hưởng vì bản thân ít sử dụng phương tiện truyền thông xã hội. Đơn giản hơn chính là việc dàn sao này hiếm khi tương tác với người hâm mộ. Các ngôi sao Kpop trở thành người tiên phong cho tầm ảnh hưởng mạnh mẽ trên mạng xã hội. Làn sóng của châu Á thật sự rất lớn. Một ngày nào đó sức ảnh hưởng sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa”.
“Trong khi đó, ngôi sao Hàn Quốc và Trung Quốc, Thái Lan đều là những người có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ đến khán giả. Họ tham gia các buổi trò chuyện trực tuyến hay đăng tải nội dung yêu thích cùng sự tương tác với fan. Điều đó có phần giúp ích cho các thương hiệu thời trang khi muốn hình ảnh đến gần hơn với công chúng”, cô phân tích.
Sự nổi tiếng, tầm ảnh hưởng cùng việc gắn kết với người hâm mộ trở thành công thức thành công khi các nghệ sĩ như Jennie, Jimin, J-Hope hay Suga của nhóm nhạc BTS và thành viên Hanni, Hyein trong nhóm nhạc nữ New Jeans muốn hợp tác cùng nhà mốt để quảng bá hình ảnh. Công việc của họ chính là trò chuyện, phục vụ fan để nhận được sự tin yêu trên mạng xã hội.
“Tôi đăng tải mọi thứ lên mạng với mong muốn khán giả nhìn thấy cuộc sống đằng sau sân khấu của nghệ sĩ. Tôi sử dụng mạng xã hội chia sẻ những điều thú vị đến người hâm mộ”, G-Dragon trả lời trên Business of Fashion.