BizLab: VĐV Lâm Túc Ngân – Khi thể thao nhìn qua “lăng kính” kinh tế
LifestyleMF TVBusiness

BizLab: VĐV Lâm Túc Ngân – Khi thể thao nhìn qua “lăng kính” kinh tế

Không chỉ có kinh nghiệm thi đấu và lập thành tích trong bộ môn triathlon (ba môn phối hợp), vận động viên Lâm Túc Ngân còn là một người có chuyên môn về marketing. Bức tranh kinh tế và thể thao có gì trong suy nghĩ của nữ vận động viên từng hai lần góp mặt giải Ironman Vô địch Thế giới? Điều đó có trong series video BizLab được thực hiện bởi Men’s Folio Vietnam.

Hai lần đoạt suất tham gia giải đấu Ironman Vô địch Thế giới, phải chăng đây là cơ duyên đã định sẵn giữa Ngân và “Người sắt”?

Xuất phát điểm của tôi không phải là vận động viên chuyên nghiệp. Tôi đi học, tốt nghiệp và đi làm công việc toàn thời gian như bao người. Cũng chính công việc ấy đã giúp tôi “nên duyên” với bộ môn ba môn phối hợp. Khi ấy, công ty tôi muốn thúc đẩy phong trào thể thao trong nội bộ nên khuyến khích nhân viên tham gia các giải đấu, và giải Ironman 70.3 Đà Nẵng là giải đấu đầu tiên tôi góp mặt. Năm 2018, tôi trở thành VĐV nữ Việt Nam trẻ nhất đoạt suất tham dự Ironman 70.3 tại Nam Phi và suốt 3-4 năm sau đó, tôi quyết tâm giành suất tham dự Ironman tại Mỹ để hoàn thành nhng nỗ lực còn dang dở. 

Hơn 5 năm tìm đến và gắn bó với thể thao, Lâm Túc Ngân có từng soi chiếu vào bên trong mình và nhận thấy điều gì thay đổi trong suốt hành trình đó không?

Mục đích ban đầu khi tôi quyết định đến với thể thao là vì muốn thử sức, sau đó đạt được một vài thành tích và danh hiệu… cho đến khi gặp phải sự thất bại tại một giải đấu, tôi nhìn lại và tự hỏi liệu những gì đang làm có phải là ý nghĩa thực sự khi đến với thể thao không.

Và tôi nhận ra những danh hiệu, sự tán dương, hào nhoáng bên ngoài không phải giá trị cốt lõi tôi mong muốn. Điều tôi tìm kiếm là sự trui rèn bản thân và theo đuổi đam mê thực thụ.

Vì lẽ đó, giải đấu ngay sau đó là giải khiến tôi cảm thấy vui nhất vì khi ấy, tôi đã nhận ra được điều bản thân muốn và tận hưởng cả hành trình nỗ lực, trân trọng mồ hôi, công sức, thời gian mình bỏ ra. 

Đứng ở góc nhìn của một vận động viên có chuyên môn marketing trong ngành thể thao, Ngân thấy được gì trong bức tranh kinh tế thể thao ở Việt Nam?

Tôi nghĩ bản thân mình khá may mắn khi không chỉ là vận động viên thể thao mà còn có kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực thể thao 5 năm qua. Từ đó, tôi nhìn thấy tốc độ và số lượng người đam mê thể thao mỗi năm luôn nhân đôi, nhân ba lên, chứng tỏ tiềm năng phát triển của thể thao phong trào tại Việt Nam còn rất lớn.

Việc tham dự các giải đấu ở khắp nơi trên thế giới từ châu Á, Châu Phi, Châu Úc đến Châu Mỹ cho tôi thấy các giải đấu ở Việt Nam có sự đầu tư không hề kém cạnh. Sở dĩ có được sự biến chuyển này vì mọi người đến với thể thao và xem nó là một lối sống lành mạnh, gắn kết và thúc đẩy nhau. 

Về mặt kinh tế, tôi thấy sự kiện thể thao giúp kích cầu kinh tế địa phương rất lớn. Ví dụ như tại giải Ironman, chi phí trung bình 1 VĐV chi ra cho 1 giải đấu là 200 triệu, thời điểm diễn ra giải sẽ có khoảng 10-20,000 VĐV và Cổ động viên tại hòn đảo. Riêng ở Việt Nam, giải Ironman 70.3 trung bình sẽ khoảng 10 – 20 triệu/ VĐV tại những ngày sự kiện. Ngoài ra, còn chi phí luyện tập, trang thiết bị, dinh dưỡng, y tế, du lịch,… 

Từ những quan sát của mình, Ngân nghĩ mất bao nhiêu thời gian thì ngành kinh tế thể thao ở thị trường Việt Nam sẽ phát triển mạnh?

Theo quan sát của tôi thì khoảng 2-3 năm nữa. Mỗi người đều cần thời gian để hiểu bản thân mình cần gì và có phương pháp đầu tư bài bản. Nhưng nếu thị trường chưa sẵn sàng và mối quan tâm của mọi người vẫn là câu chuyện phải mua bộ quần áo nào, tại sao phải trả tiền để thi đấu, mua ảnh,… thì chuyện đầu tư để đi học còn xa lắm. Không chỉ những người chơi thể thao hay vận động viên, các học viện và trung tâm đào tạo cũng phải cân nhắc về những hạng mục đầu tư và doanh thu. Đó là bài toán mà tôi nghĩ cần 2-3 năm để đi tìm lời giải. 

Không ít người suy nghĩ rằng đam mê và theo đuổi thể thao cũng cần một tiềm lực tài chính mạnh mẽ. Ngân nghĩ như thế nào về nhận định này?

Không thể phủ nhận rằng sự đầu tư thời gian, tiền bạc vào trang phục, thiết bị, dụng cụ, các chi phí khác để theo đuổi các bộ môn thể thao rất lớn, đặc biệt là 3 môn phối hợp. Việc này đòi hỏi mình phải có tài chính ổn định ở một độ tuổi nhất định. Ở độ tuổi khoảng 23-24, tùy vào lựa chọn và nhu cầu mỗi người nhưng phần lớn có xu hướng chi tiêu, tìm kiếm niềm vui thông qua du lịch, tụ họp ăn uống hay bận bịu việc xây dựng tổ ấm gia đình mới, việc đầu tư luyện tập và du lịch thể thao sẽ ít được ưu tiên lựa chọn.

Nhưng khi ở tuổi ngoài 35, con người sẽ bắt đầu quan tâm nhiều hơn về mặt sức khỏe thông qua các hoạt động thể thao. Và một khi đã đầu tư rồi thì phải tìm cách tối ưu hóa thời gian và thành tích mình muốn đạt được. Khi đó, sẽ là câu chuyện kinh tế thể thao. 

Có vẻ con đường nào đi rồi cũng sẽ đến điểm cuối, vậy Ngân có từng nghĩ đến một thời điểm nào đó, mình sẽ khép lại chặng đường theo đuổi đam mê thể thao của mình không?

Đối với thể thao nói chung, tôi nghĩ mình sẽ không dừng lại vì sức khỏe là sự đầu tư lâu dài. Đối với bộ môn 3 môn phối hợp mà tôi đang theo đuổi, tôi sẽ tìm cách rẽ hướng khác nếu không còn thấy được tiềm năng phát triển của bản thân. Tôi đến với thể thao để rèn luyện tích cách và nhận về những thứ mình muốn, thông qua sự đầu tư nghiêm túc, nhưng một khi sự đầu tư này không mang lại hoặc tạo ra giá trị nữa, đó là lúc tôi nên tìm hướng đi khác.

Hành trình của tôi không phải của một người bước đến đỉnh cao ngay lập tức mà bắt đầu từ con số 0, nên tất cả bài học thăng trầm về cảm xúc, tôi gần như đã trải qua hết nên sẽ biết lúc nào mình cần dừng lại. 

Ngân có thể chia sẻ về mục tiêu trong tương lai gần nhất của mình?

Giải đấu sắp tới tôi tham dự tại Đức sẽ khép lại hành trình trở thành người Việt Nam đầu tiên chinh phục Ironman & Ironman 70.3 khắp 5 châu lục. Mục tiêu hiện tại của tôi bây giờ không phải chiến thắng ai hết, mà phải chiến thắng chính mình để vượt qua thành tích từng có. Những thứ gắn mác “đầu tiên” có thể xem là may mắn, nhưng những lần sau đó, tôi phải nỗ lực và cố gắng thật nhiều. 

Cảm ơn những chia sẻ thú vị của Lâm Túc Ngân!

Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article