Vài năm trở lại đây, thương hiệu LSEOUL đã vang danh không chỉ trong nước, mà còn nhận được sự yêu thích hết mực của những người nổi tiếng trên thế giới. Hiện tại của nhà sáng lập Nguyễn Trọng Lâm là quá đỗi tươi sáng, còn tương lai thì nhiều đợi mong (hẳn là thế); vậy nên, tôi muốn về lại quá khứ 10 năm trước, để hiểu những thăng trầm trong quá trình lập nghiệp trong lĩnh vực thời trang của Lâm, và lắng nghe những góc nhìn mang tính tham khảo cao của bạn với dòng chuyển và sự đổi mới của thị trường thời trang nội địa Việt.
Xin chào Trọng Lâm, rất vui khi lần đầu tiên được trò chuyện với bạn. Trong vài năm trở lại đây, thị trường thời trang nội địa đang trở nên rất sôi động, là một phần trong dòng chảy đó, cảm xúc của bạn thế nào?
Xin chào Men’s Folio Vietnam. Với tư cách là nhà sáng lập thương hiệu thời trang, đương nhiên tôi rất vinh hạnh khi trở thành một phần trong dòng chảy thời trang đã, đang và sắp tới đây sẽ rất phát triển. Việc thị trường local brand trở nên sôi động chứng tỏ sự phát triển của ngành thời trang và sự sáng tạo của ngành này đang được đẩy lên ở mức cao nhất. Ngoài ra, điều này còn chứng tỏ sự quan tâm, kỳ vọng của người Việt dành cho các thương hiệu nội địa ngày càng nhiều hơn.
Thời trang là phần quan trọng trong cuộc sống của tôi. Không chỉ xem nó là một mô hình kinh doanh đơn thuần, mà tôi còn ăn, ngủ, sống với nó, vì thế mà tôi luôn tìm cách bám trụ và không bao giờ ngừng cố gắng với lĩnh vực này. Cũng nhờ đó, tôi chứng kiến được sự thăng trầm của thời trang nước nhà, đặc biệt là local brand, và tuyệt vời hơn khi cả thời trang và các thương hiệu Việt đang vươn mình lên những tầm cao mới, thể hiện được sự độc bản và tinh thần sáng tạo.
Khởi nghiệp kinh doanh từ năm 20 tuổi đến nay đã gần chạm ngưỡng 30, Lâm nhận định thế nào về cách kinh doanh một thương hiệu thời trang, đã có những sự khác biệt nào cần lưu tâm trong cách vận hành cũng như tiếp thị trong 10 năm trở lại đây, để một thương hiệu thời trang có thể phát triển bền vững và khẳng định được bản sắc?
Trong 10 năm qua, thị trường thời trang có nhiều biến đổi đáng kể. Có thể nói đến sự lên ngôi của thương mại điện tử, sức ảnh hưởng từ các KOL, influencer, content creator… cũng quyết định hành vi mua sắm của khách hàng; hay những yếu tố trước đây chúng ta chưa được chăm chút như packaging (bao bì, đóng gói) chẳng hạn, nay trở nên vô cùng quan trọng.
Điều tôi học được trong những năm qua là sự kiên nhẫn, không ngừng học hỏi và cầu tiến. Tôi không muốn an toàn và càng không bao giờ ở yên một chỗ. Thấy điều gì trúc trắc, chưa hợp lý hay chưa hoàn hảo ở thương hiệu của mình là tôi luôn cố gắng thay đổi bất kể phải đối mặt với khó khăn, thử thách thế nào. Một điều rất may mắn với tôi và LSEOUL chính là việc chúng tôi nắm bắt được cơ hội, thích nghi với sự thay đổi của thời trang nước nhà lẫn thế giới, nên mới có được một LSEOUL độc lập, mới mẻ như hiện nay. Những quyết định thay đổi, chuyển hướng không bao giờ dễ dàng, nhưng tôi vẫn suy nghĩ một cách thận trọng, nghiên cứu để đưa ra quyết định đúng đắn cho thương hiệu. “Trộm vía” thì đến bây giờ, tôi tự tin mình đã không hối hận vì bất kỳ điều gì, có tiếc nuối thì chỉ tiếc là sao mình không làm sớm hơn hoặc làm nhiều hơn.
Thêm một điều nữa khi nói đến một thương hiệu thời trang có thể phát triển bền vững và khẳng định được bản sắc thì câu chuyện của thương hiệu, trải nghiệm khách hàng đã trở nên lớn lao hơn bao giờ hết. Giờ đây, người ta không chỉ mua sản phẩm chỉ vì nó đẹp, ngoài kia có biết bao nhiêu lựa chọn, tại sao người ta lại chọn mình. Còn nếu đã chọn mình thì ắt hẳn phải có lý do, giá trị của sản phẩm, câu chuyện đằng sau, được nhiều người có sức ảnh hưởng tin dùng hay sự chỉn chu của thương hiệu…
Dù là lý do gì, (trộm vía) tôi đã thành công rồi đấy, thành công khiến khách hàng chú ý đến thương hiệu mình. Ngoài ra, các thương hiệu cũng phải chịu khó cập nhật xu hướng để đáp ứng được nhu cầu thay đổi của thị trường từ Coquettecore, Balletcore, Y2K,… hay cổ điển. Nhưng cái khó ở đây là mình phải đổi mới liên tục nhưng vẫn phải duy trì bản sắc, cá tính riêng của thương hiệu. DNA của một thương hiệu luôn là thứ quan trọng nhất, nên dung hòa được hai chuyện đó thì chắc chắn thương hiệu này sẽ thành công.
10 năm dài chinh phục giấc mơ kinh doanh thời trang với một số vốn khởi đầu 200 triệu, vậy nên tôi muốn biết nhiều hơn về việc anh đã lên kế hoạch tài chính như thế nào, trước là để tối ưu nhất có thể cho những bước đi đầu tiên của mình, và sau là không phải rơi vào tình trạng đứt gánh giữa chừng?
Từ lúc mở thương hiệu thời trang cho nam đến đồ nữ như LSEOUL, tôi may mắn có sự hỗ trợ từ người thân, đồng nghiệp, bạn bè trong việc cân đối và lên kế hoạch tài chính. Đặc biệt, hiện nay team kế toán của LSEOUL là một trong những nhân vật “máu mặt”, khó tính nhất tại văn phòng, đến cả tôi còn phải “rén” trước các bạn. Lý do là vì team kế toán luôn “tỉnh táo” với những ý tưởng bay bổng của tôi và các bạn làm sáng tạo. Các bạn luôn kéo mình về thực tại và cân đối tài chính cho mình một cách tỉ mỉ nhất. Lúc trước, tôi cũng phải tự mình làm cho mình “tỉnh táo” rất nhiều, bắt đầu từ việc lập kế hoạch ngân sách thật cụ thể chi tiết như chi phí sản xuất, mặt bằng, xưởng gia công, chi phí marketing và hàng trăm chi phí phát sinh khác.
Sau này, tôi còn học thêm phân tích dòng tiền, điểm hoà vốn để dự đoán tiền ra tiền vào, đảm bảo mình luôn có đủ ngân sách để chi trả các khoản, không để thương hiệu rơi vào tình trạng thiếu hụt tài chính. Tôi dần biết được cách kiểm soát chi tiêu, tạo kế hoạch dự phòng A, B và theo dõi sát sao mặc dù vẫn phải làm công việc thiết kế, sáng tạo hằng ngày. Dạo đó, Trọng Lâm như được chia thành hai thái cực (cười).
Một thử thách về mặt tài chính nhất từ trước đến nay trong quá trình vận hành doanh nghiệp của Lâm là gì?
Cũng gần đây thôi, chính là kinh phí để tổ chức minishow ngốn hơn 10 tỷ. Số tiền khủng này là thành quả team LSEOUL đã hoạt động hết công suất sau vài tháng để có được, dự tính ban đầu chỉ tầm 3 tỷ thôi nhưng cũng vì tính cách của mình, đã làm thì làm đến cùng và phải làm cho ra trò, vậy là con số cứ leo thang dần.
Thật ra, ban đầu tôi có kêu gọi tài trợ để mong được san sẻ tài chính nhưng không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào hợp lý với nhãn hàng, lại khúc mắc trong vấn đề “branding” nên thôi, team LSEOUL “chiến” luôn một mình vậy. Nhưng sau đó thì khá đau đầu để kiếm lại số tiền đã bỏ ra, may mắn là mình đã chạy số kịp trước đó, có thêm khoảng dự trù và truyền thông từ show diễn cũng mang về sự quan tâm lớn, giúp bán được nhiều sản phẩm nên khủng hoảng cũng đã qua đi.
Đối với chuyện một vài item “cháy hàng”, mà cụ thể ở đây là trường hợp của chiếc váy nằm trong set đồ Calos được Jennie chọn lựa, đó là một niềm tự hào lớn đối với giới mộ điệu thời trang Việt. Còn cá nhân bạn với tư cách là một nhà sáng lập, kể từ thời điểm đó, bạn đã suy nghĩ về chiến lược/định hướng phát triển trong tương lai? Vì tôi nghĩ một thành tựu hay một niềm vui sẽ mở ra những ý tưởng/hoài bão mới, thậm chí là những mục tiêu mới.
Việc chiếc váy trong set đồ Calos được Jennie lựa chọn đã mang lại hiệu ứng tích cực rất lớn với thương hiệu. Không riêng Jennie, sự quan tâm và lựa chọn mà các ngôi sao khác ở Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam dành cho LSEOUL đều khiến chúng mình rất rất tự hào. Tuy nhiên, sự kiện đó cũng là động lực để chúng tôi nhìn nhận lại chiến lược của mình và định hình rõ ràng hơn đường đi nước bước trong tương lai.
Tôi hiểu rằng, để duy trì và phát triển thương hiệu một cách bền vững, tôi và các cộng sự cần không ngừng sáng tạo và đổi mới. Do đó, chúng tôi vẫn bận rộn với các kế hoạch mở rộng thị trường quốc tế, đồng thời tiếp tục nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới, đảm bảo chất lượng và độ độc đáo, tính ứng dụng cao.
Ngoài ra, LSEOUL cũng chú trọng vào việc xây dựng một cộng đồng khách hàng trung thành thông qua việc cung cấp trải nghiệm mua sắm tốt nhất và dịch vụ chất lượng trước và sau khi bán được hàng. Việc kết nối và hợp tác với các nhân vật nổi tiếng, người có sức ảnh hướng cũng quan trọng không kém, điều này không chỉ giúp thương hiệu gia tăng độ nhận diện, mà còn mở ra cơ hội để tiếp cận các đối tượng khách hàng mới.
Từ năm 2017 đến nay, mô hình kinh doanh của LSEOUL cụ thể đã có những sự thay đổi nào, để thuận lợi đưa LSEOUL từ một thương hiệu thời trang Việt, có thể mạnh mẽ tiến ra thị trường quốc tế?
Thay đổi rất nhiều, chúng tôi từng bước thay đổi theo thời gian, quá trình và kinh nghiệm. Từ một team nhỏ, đụng việc gì cũng phải làm thì giờ đây, thương hiệu đã có những phòng ban đa chức năng từ phòng thiết kế, gia công, marketing, PR đến kế toán, nhân sự. Tôi cũng tạo một không gian làm việc khiến nhân sự cảm thấy thoải mái, sáng tạo nhất có thể, cùng với những quy tắc nội bộ để hướng hình ảnh thương hiệu trở nên chuyên nghiệp, uy tín. Để làm được những điều trên một cách trơn tru, hiệu quả nhất, tôi hướng đến mô hình kinh doanh mà nơi đó các phòng ban được định hình giống một doanh nghiệp hoàn chỉnh. Mỗi cá nhân như một bánh răng giúp cỗ máy hoạt động mượt mà.
Đi sâu hơn một chút về phương hướng và tôn chỉ kinh doanh. Hiện tai, có lẽ Lâm không lạ khi phần lớn người tiêu dùng rất quan tâm đến tính bền vững trong các ngành công nghiệp nói chung. LSEOUL tiếp cận và xử lý vấn đề này thế nào, nhất là khi thương hiệu đang ra mắt các bộ sưu tập với tần suất đều đặn hàng tháng?
Tôi đã lường trước điều này khi đặt KPI cho team thiết kế: một tháng phải có một bộ sưu tập. Nhưng chúng tôi đã chủ động chia ra hai phân khúc (tầm trung và cao cấp) để sản phẩm đến đúng tay tệp khách hàng. Tôi cũng chủ động nghiên cứu kỹ đối tượng và hành vi của khách hàng để đặt ra số lượng sản xuất phù hợp. LSEOUL không sản xuất ồ ạt dẫn đến tình trạng hàng tồn quá nhiều. Bởi bài toán hàng tồn, lãng phí cũng là bài toán khó mà tôi tìm cách giải quyết trong thời gian dài.
Đến thời gian gần đây, khi thương hiệu thu thập phản hồi của khách thông qua tin nhắn “pre-order” hay phản hồi để sắp xếp theo từng mức độ yêu thích. Từ đó, LSEOUL mới tiến hành may sản phẩm với đầy đủ kích cỡ, số lượng, yêu cầu để tránh lãng phí thời gian, nhân lực và tiết kiệm được chất liệu. Những sản phẩm cháy hàng hoặc đã “sold out” thì mình có thời gian nhận đơn và giao hàng riêng. Cách này vừa giữ chân và làm hài lòng khách mà vẫn giải quyết được vấn đề bền vững của thương hiệu.
Thế giới không thay đổi sau một đêm nhưng những hành động nhỏ có giá trị hơn nhiều so với việc cố gắng tạo ra một sự thay đổi lớn, nên tôi và các cộng sự đang cố gắng từng ngày để thay đổi từ cái nhỏ nhất để sau này thực hiện được một thứ gì đó lớn lao hơn.
Trong câu chuyện kinh doanh nói chung, lĩnh vực thời trang nói riêng, ai học nhanh hơn thì người đó thắng, Lâm nghĩ có đúng không?
Trong khuôn khổ kinh doanh nói chung và trong ngành thời trang nói riêng, khả năng tiếp thu thông tin nhanh chóng có thể là chìa khóa cho sự thành công, cạnh tranh. Việc nắm bắt kịp thời các xu hướng mới, áp dụng nó thế nào và linh động trước những phản ứng, biến động của thị trường là điều quan trọng.
Tuy nhiên, xét rộng hơn, tôi nghĩ học nhanh chưa đủ để “chiến thắng” trong lĩnh vực này, vì còn phải dựa trên nhiều yếu tố khác bao gồm đảm bảo chất lượng sản phẩm, hiểu rõ nhu cầu khách hàng, triển khai chiến lược kinh doanh hiệu quả và khả năng thích nghi nữa.
Thử thách tiếp theo của bạn và LSEOUL?
Tôi xin nói về dự định xa hơn, vì tham vọng của tôi luôn muốn đưa tên tuổi của LSEOUL ra xa nhất có thể. Tôi hy vọng thương hiệu của mình có thể đặt cửa hàng ở nhiều nơi trên thế giới, tiếp cận được khách hàng ở đa quốc gia, đa khu vực. Đó là mục tiêu lớn mà tôi muốn hướng tới. Còn trong năm 2024 tôi sẽ “chăm sóc” cho cửa hàng ở Thái Lan, New York và sắp tới là hai cửa hàng đang trong quá trình hoàn thiện là Dubai và Paris. Chắc chắn sẽ có những cú nổ lớn diễn ra trong năm nay. Tôi cũng sẽ đầu tư mạnh vào truyền thông để LSEOUL tiếp tục được các sao lớn trên thế giới “chọn mặt gửi vàng”.
Ai là người ảnh hưởng sâu sắc đến con đường sự nghiệp và tư duy làm nghề của Lâm?
Chắc chắn là thầy Kim Jeong Min, người mà tôi vô cùng kính trọng, đến nỗi tri ân thầy bằng cách đặt tên thương hiệu là nơi thầy sinh sống. Lúc tôi còn loay hoay với định hướng và đam mê khi còn là sinh viên đại học, thì may mắn được gặp gỡ thầy, thầy đã cho tôi rất nhiều lời khuyên từ công việc đến cả cách cân bằng cuộc sống, gợi ý nhiều lĩnh vực cho tôi thử sức để rồi nhờ những giúp đỡ của thầy, tôi mới tìm ra niềm đam mê với thời trang như hôm nay.
Đến cả tên của thương hiệu đầu tiên tôi thành công là L’Jin cũng do thầy nghĩ ra, với “Jin” là Lâm trong tiếng Hàn. Sau này, tôi đặt tên cho thương hiệu đồ nữ là LSEOUL, dù có biết bao người thắc mắc, băn khoăn thì tôi vẫn luôn hài lòng, không bao giờ nghĩ đến chuyện thay đổi. Tôi luôn biết ơn người thầy đã hết lòng dìu dắt cậu sinh viên còn bỡ ngỡ ngày nào. Đặt chữ SEOUL (với L là viết tắt của tên Lâm) vì cái tên này thật sự có ý nghĩa sâu sắc với bản thân tôi, là tiền đề để tôi sống hết mình, cống hiến cho thời trang nước nhà.
Cảm ơn những chia sẻ của Lâm.