BizLab SS5.EP4: “Bartender là công việc cần sự tư duy toàn diện” – Trần Ngọc Đức, Bar Manager CoCo Whisky Bar

  • by Huyền My Trương
  • January 15, 2025

Trò chuyện với một người anh Đức, người có nhiều kinh nghiệm trong vai trò bar manager, làm việc ở các mô hình quán bar với những quy mô khác nhau, chúng tôi thu hoạch được kha khá những suy nghĩ hay ho về nghề bartender và về ngành công nghiệp bar tại Việt Nam. Khi được hỏi về hình ảnh một ly cocktail mô phỏng chính xác phong cách lãnh đạo của mình, anh chọn old-fashioned, một biểu tượng cổ điển trong thế giới cocktail, mang đến hương vị sâu sắc, đầm ấm và những trải nghiệm chậm rãi, tinh tế mà bất kỳ ai cũng có thể thưởng thức. 

Từ một bartender mới vào nghề đến phát triển và học hỏi để hoàn thiện bản thân trở thành một mixologist thực thụ, anh mất bao nhiêu thời gian? Cụ thể, lộ trình đó của anh đã diễn ra với những cột mốc nào?

Câu chuyện phát triển nghề nghiệp của tôi là một hành trình đầy những cột mốc quan trọng. Đầu tiên, tôi bắt đầu với công việc tại một khách sạn 3 sao trên Đồng Khởi, nơi có một quán bar cơ bản. Đây chính là nơi đã giúp tôi hình thành niềm đam mê và khởi sự trong ngành bartender, một bước đệm quan trọng để tôi nhận thức được sự quan trọng của công việc và nghề nghiệp này.

Cột mốc thứ hai là khi tôi chuyển sang làm việc trong một môi trường câu lạc bộ năng động hơn. Tại đây, tôi không chỉ phát triển tính kỷ luật mà còn học được cách làm việc với tốc độ và sự hiệu quả. Bên cạnh đó, tôi còn rèn luyện các kỹ năng như quản lý hàng hóa, kiểm soát chất lượng đồ uống và cách phục vụ khách hàng trong điều kiện công việc căng thẳng và yêu cầu cao.

Cột mốc thứ ba, công việc tại một quán whisky nhỏ đã giúp tôi trau dồi khả năng giao tiếp với khách hàng. Những người uống whisky thường có kinh nghiệm và yêu cầu cao về chất lượng, điều này đã thử thách tôi trong việc không ngừng học hỏi và cải thiện kỹ năng bán hàng, đồng thời mở rộng kiến thức về whisky và các kỹ thuật pha chế.

Trong suốt quá trình phát triển dấn thân vào công việc này, giai đoạn nào là dễ từ bỏ nhất?

Nhiều người nghĩ rằng giai đoạn khởi đầu trong ngành dịch vụ là thời điểm dễ từ bỏ nhất, vì xuất phát điểm thường thấp, khối lượng công việc nhiều, đặc thù công việc cần sự kiên nhẫn, công việc áp lực, thiếu sự linh hoạt và tương lai khó định hình. Nhưng theo tôi, giai đoạn thách thức nhất lại chính là lúc phải thay đổi bản thân để bắt kịp xu hướng và đáp ứng kỳ vọng của khách hàng. Điều này đặc biệt đúng trong lĩnh vực F&B, nơi thị trường luôn biến động và phát triển không ngừng.

Điều khó khăn lớn nhất là làm sao để thích nghi và đổi mới. Khi thị trường chuyển biến, chúng ta cần liên tục trau dồi kiến thức, chấp nhận thay đổi và nắm bắt mong muốn của khách hàng. Ngày nay, tệp khách hàng chủ yếu là những người trẻ với lối sống năng động và sở thích đa dạng. Để kết nối với họ, chúng ta phải hiểu rõ nhu cầu, kỳ vọng và cách họ trải nghiệm, từ đó điều chỉnh sản phẩm và dịch vụ một cách hợp lý.

Anh chia sẻ cách tư duy của mình lấy sáng tạo và cơ hội làm phương hướng. Vậy khi những sáng tạo không được đón nhận, anh có suy nghĩ gì?

Tôi đã nhiều lần trải qua những tình huống tương tự, đặc biệt trong giai đoạn mới bước chân vào nghề. Lúc ấy, khả năng sáng tạo của tôi thường bị giới hạn do sự thiếu hụt về kiến thức và kinh nghiệm. Không ít lần, tôi phải đối mặt với những phản hồi không tích cực từ khách hàng.

Như nhiều bartender khác, tôi không ngừng thử nghiệm, thất bại và điều chỉnh. Quá trình này không chỉ giúp tôi tạo ra những hương vị như mong muốn mà còn tích lũy kinh nghiệm để giảm thiểu rủi ro trong tương lai. Theo góc nhìn của tôi, sự kiên trì và học hỏi từ thất bại là yếu tố quan trọng để phát triển khả năng sáng tạo, không chỉ trong nghề pha chế mà còn ở bất kỳ lĩnh vực nào.

Đối với tôi, sáng tạo nên bắt đầu từ việc nắm vững những điều cơ bản. Khi đã xây dựng được một nền tảng kiến thức vững chắc, sự sáng tạo mới thực sự có thể tạo nên sự khác biệt. Trong quá trình sáng tạo, mỗi thất bại là một bài học quý giá, giúp tôi nhận ra những điều nên làm, không nên làm, cũng như hiểu rõ các yếu tố cần thiết để sáng tạo một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, tôi cho rằng sáng tạo không nhất thiết phải là thứ quá đột phá hay xa lạ. Thay vào đó, nó nên nằm trong phạm vi mà khách hàng có thể hiểu và chấp nhận. Đây chính là yếu tố giúp đảm bảo rằng sản phẩm của mình không chỉ độc đáo, mà còn được khách hàng đón nhận một cách tích cực.

Là người luôn sẵn sàng nắm bắt cơ hội nhiều hơn e ngại những thử thách đang chờ đón mình. Tôi muốn biết nhiều hơn về cách anh đánh giá rủi ro trong mỗi quyết định mình đưa ra?

Ngành dịch vụ là lĩnh vực có sự tương tác liên tục với con người, và nơi nào có con người, nơi đó sẽ xuất hiện những vấn đề cần giải quyết. Việc xảy ra tình huống ngoài ý muốn trong ngành dịch vụ là chuyện thường ngày. Trước mỗi tình huống, tôi luôn cố gắng giữ lại một nhịp để sắp xếp, đánh giá và đưa ra giải pháp phù hợp. Cách xử lý này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào từng đối tượng khách hàng và trường hợp cụ thể.

Khi giải quyết vấn đề, ưu tiên của tôi là đáp ứng được kỳ vọng của khách hàng, nhưng đồng thời, cũng cần đảm bảo không gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Việc giảm thiểu rủi ro nên dựa trên nguyên tắc cân bằng: thiệt hại cho doanh nghiệp ở mức chấp nhận được và khách hàng vẫn nhận được sự hài lòng nhất định.

Tuy nhiên, không phải yêu cầu nào từ khách hàng cũng nên được đáp ứng. Là người quản lý, tôi luôn cân nhắc để tìm ra giải pháp hài hòa lợi ích giữa hai bên. Điều quan trọng là duy trì sự công bằng và tính bền vững trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp và khách hàng.

Một trường hợp khiến anh nhớ nhất trong quá trình làm việc tại Coco Bar?

Tại một không gian cao cấp, luôn có những tình huống nhạy cảm và những nhu cầu đặc biệt hơn so với thông thường. Tôi từng gặp trường hợp khách hàng là bạn bè của chủ hoặc nhà đầu tư, hoặc những đối tượng vừa là khách quan trọng vừa là đối tác chiến lược. Tuy nhiên, việc đối xử công bằng là nguyên tắc không thể thay đổi. Người sử dụng dịch vụ đều là khách hàng và xứng đáng nhận được sự tôn trọng như nhau.

Với những trường hợp đặc biệt này, tôi thường áp dụng các ưu đãi tinh tế, chẳng hạn như tặng một ly rượu hay một món ăn nhẹ. Tôi sẽ đích thân phục vụ và trò chuyện để tạo cảm giác được quan tâm và trân trọng. Chính sự giao tiếp gần gũi và chuyên nghiệp này mang lại cho họ trải nghiệm đặc biệt, giúp họ dễ chịu và cởi mở hơn, tạo nên mối quan hệ bền chặt hơn với quán.

Thành tựu lớn nhất của anh Đức trong thời gian làm việc tại Coco?

Tôi tự hào vì đã góp phần giúp Coco xây dựng được một vị thế vững chắc trong thị trường đầy cạnh tranh tại Sài Gòn. Trong vô số quán bar ở thành phố, Coco đã nổi bật lên và thu hút được sự yêu mến từ khách hàng. Điều thứ hai tôi cảm thấy tự hào chính là đội ngũ nhân viên. Ban đầu, họ có thể chưa hình dung rõ về con đường mình muốn đi, nhưng sau một thời gian làm việc tại Coco, họ đã thay đổi tư duy về công việc này, hiểu được tầm quan trọng của việc chăm sóc khách hàng và không ngừng trau dồi kiến thức về các loại đồ uống, đặc biệt là whisky. Sự thay đổi này không chỉ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn tạo ra một đội ngũ nhân viên tâm huyết, am hiểu nghề và luôn sẵn sàng mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.

Làm gì để thế hệ trẻ bắt kịp xu thế?

Các cuộc thi là một bước đệm quan trọng giúp nâng cao sự nghiệp của bartender, bởi nó mang lại cơ hội học hỏi, giao lưu và phát triển. Tuy nhiên, đặc thù của ngành không nằm ở những chứng chỉ hay danh hiệu mà ở tư duy và sự thấu hiểu công việc. Nếu muốn gắn bó lâu dài với nghề bartender, các bạn trẻ cần phải hiểu rõ rằng đây là một công việc yêu cầu toàn diện – không chỉ là sáng tạo trong việc pha chế mà còn là chăm sóc khách hàng, quản lý cơ sở vật chất và duy trì một môi trường làm việc chuyên nghiệp. Tư duy toàn diện này sẽ giúp các bạn phát triển nghề nghiệp và mang lại sự hài lòng tối đa cho khách hàng.

Nếu ví phong cách lãnh đạo của anh là một món uống, đó sẽ là gì?

Nó sẽ là một ly old-fashioned, một biểu tượng cổ điển trong thế giới cocktail, mang đến hương vị sâu sắc, đầm ấm và những trải nghiệm chậm rãi, tinh tế mà bất kỳ ai cũng có thể thưởng thức. Cũng giống như trong công việc, tôi luôn cố gắng giữ mọi thứ theo một hướng bền vững, kiên trì và có chiều sâu về kiến thức. Sự tận tâm trong việc phát triển kỹ năng và cải tiến quy trình không chỉ giúp tôi nâng cao chất lượng dịch vụ, mà còn tạo ra những trải nghiệm ngày càng tốt hơn cho khách hàng.

Với anh mà nói, khả năng bền vững của thương hiệu sẽ đến từ những yếu tố nào?

Câu chuyện bền vững sẽ được xây dựng từ ba yếu tố chính. Đầu tiên là việc xây dựng một hệ thống vận hành hoàn thiện, bao gồm việc kiểm soát chi phí và quản lý nhân sự hiệu quả để tối ưu hóa các lợi ích. Thứ hai, một không gian làm việc cởi mở, thân thiện sẽ giúp tạo ra niềm đam mê cho nhân viên, từ đó nâng cao hiệu suất làm việc và sự gắn kết với thương hiệu. Cuối cùng, yếu tố gắn kết với địa phương là vô cùng quan trọng, từ việc hòa nhập với văn hóa địa phương đến việc tạo ra những lợi ích chung cho cả thương hiệu và cộng đồng.

Một thương hiệu thâm niên có thể xây dựng mối quan hệ lâu dài với khu vực và trở thành một phần của cộng đồng đó, tạo ra một điểm đến có giá trị văn hóa đặc biệt.

Bên cạnh đó, yếu tố bên ngoài cũng không kém phần quan trọng, đặc biệt là sự thay đổi nhanh chóng của thời đại. Doanh nghiệp cần hiểu rằng để duy trì sự bền vững, họ phải luôn sẵn sàng dịch chuyển và đổi mới để phù hợp với thị trường và xu hướng mới.

Một món đó cocktail mà anh muốn gợi ý nhiều nhất?

Bạn có thể thử Beer & Bento, món uống vừa thú vị vừa giải khá tốt. Nó được lấy cảm hứng từ thói quen uống bia và ăn khô mực của người Việt Nam. Từ nền ý tưởng đó, tôi muốn thể hiện một cách sáng tạo dưới dạng một ly cocktail. Tôi cô đặc hương vị của bia, kết hợp với whisky, cùng nước dừa được nấu và ủ. Phần nước đó sẽ dùng để thay phần nước trong bia. Beer & Bento mang theo hương vị bia nhưng được làm từ whisky đăng đắng và nước dừa thì ngọt và mát, rất dễ uống.

Sau cùng, làm cách nào nào để bơi trong biển cá mập mà không bị nuốt chửng?

Hãy trở thành một con cá mập. Để trở thành một con cá mập, cần có đủ 3 yếu tố: bền vững, đặc điểm nổi trội, độ mạnh của thương hiệu này. Hãy nỗ lực học liên tục cập nhật kiến thức, đặt mình trong vị thế của khách hàng để hiểu được khách hàng của mình muốn gì và đem lại những giá trị tốt nhất cho khách hàng.

Cảm ơn những chia sẻ của anh.

Guest Speaker: Trần Ngọc Đức
Host: Victor Khương Nguyễn
Content Direction | Script: Trương Huyền My
Art Director: Trọng Hồ
Graphic Design: Sang Trần, Việt Hoàng
Project Coordinator: Trân Nguyễn
Communication: Trân Nguyễn, Thùy Linh
Production Team: Văn Minh Thư, Lộc Phạm, Long Nguyễn, Bách Khoa
Venue: 11.11 Espace

—–

VỀ BIZLAB VIDEO SERIES SS5 – BAR & COFFEE

Những “bão táp” trong ngành F&B thôi thúc đội ngũ Men’s Folio Vietnam khởi động BizLab Video Series SS5, đào sâu vào lĩnh vực kinh doanh của nhóm ngành hàng cà phê – quán bar, một địa hạt cụ thể của bức tranh lớn. Các thương hiệu chúng tôi tìm đến đều được sáng lập, điều hành từ những người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề và có sự am hiểu nhất định về ngành. Thành tựu và trở ngại mà họ có sẽ đem cho chúng ta nhiều công thức thú vị về cách tồn tại và phát triển trong mảnh đất nhiều sự cạnh tranh này. Bên cạnh tìm ra giải pháp và cơ hội của ngành, thì làm sao để bơi trong biển cá mập mà không bị nuốt chửng, cũng là giá trị cốt lõi của mùa 5. 

———

VỀ BIZLAB VIDEO SERIES 

Series video “BizLab” – nơi dành cho các thế hệ lãnh đạo, đặc biệt là các bạn start-up trẻ, chia sẻ những công thức thử nghiệm táo bạo, góc nhìn mới, cách tư duy mới mà họ đã chọn để hiện thực hóa giấc mơ khởi nghiệp và vận hành mô hình kinh doanh của mình.

“BizLab – Thu công thức, nghiệm thành công, không có chi!”

Liên hệ hợp tác, tài trợ qua email: baotran.nguyen@mensfolio.vn  

Ảnh: Men’s Folio Vietnam

library