BizLab: Samsung vượt trội về doanh thu nhưng vẫn thua Apple ở điểm này

  • by Huyền My Trương
  • January 24, 2025

Nên sở hữu một chiếc iPhone hay cầm trên tay một chiếc điện thoại Samsung luôn là điều mà đa số người tiêu dùng phải cân nhắc khi đến các cửa hàng điện thoại.

Theo số liệu thống kê của Counterpoint Research được công bố vào ngày 13/1, Samsung Electronics đứng đầu với 19% thị phần trong tổng thị phần điện thoại thông minh toàn cầu năm ngoái, chênh lệch 1% so với Apple. Điều này đã cho thấy nhu cầu của người tiêu dùng đối với sản phẩm của nhà Samsung Electronics ngày càng gia tăng. 

Tuy “bão doanh thu” là thế nhưng theo danh sách Global 500, bảng xếp hạng 500 thương hiệu giá trị nhất thế giới năm nay do Brand Finance (Anh) công bố, lại chỉ ra Apple tiếp tục giữ vị trí đầu tiên với giá trị thương hiệu ước tính 574.5 tỷ USD – tăng 11% so với năm ngoái trong khi đó “ông trùm điện từ Hàn Quốc” lại nằm ở vị trí thứ 6 với giá trị ước tính 110.6 tỷ USD. Điều gì đã tạo nên sự “nghịch” nhau như thế?

Xét về thâm niên, Samsung có tuổi đời lớn hơn cả Apple, nhưng khi xuất hiện trên thị trường, Apple đã tạo ra làn sóng tiên phong cho cho xu hướng “smartphone” – thứ mà ngày nay trở thành vật bất ly thân. Vì thế Apple đã “thắng” trong tâm lý người tiêu dùng về những sản phẩm của mình – luôn tạo cảm giác bất ngờ và khơi gợi khao khát sở hữu. 

Thường mỗi dịp hai thương hiệu ra sản phẩm mới, dễ nhận thấy được tâm lý muốn trở thành những người đầu tiên chạm tay vào dòng điện thoại tân tiến nhất, với dòng người xếp hàng chờ được mua sản phẩm xuất hiện phần nhiều ở cửa hàng của Apple (đó là chưa nói đến số lượng đặt hàng trước). Bên cạnh đó, theo một số thông tin tin cậy khác thì: “Việc thương hiệu Apple tăng giá trị nhờ mức độ trung thành của khách hàng ngày càng cao. Năm ngoái, công ty này ra mắt iPhone 16, iPad mini, iPad Pro và iPad Air. Gần đây, họ còn tăng ứng dụng AI vào sản phẩm và dịch vụ”. Điều này một phần đã chứng minh được giá trị mà sản phẩm thương hiệu mang lại.

Sau cùng, khi nói đến khái niệm về giá trị của thương hiệu sẽ không đơn thuần quy cho riêng cho một sản phẩm tiêu biểu như điện thoại hay máy tính, mà đó còn là tổng tài sản vô hình và hữu hình. Với Apple, iPhone chiếm hơn một nửa doanh số bán ròng, theo sau là dòng sản phẩm MacBook và iPad; trong khi đó lợi nhuận của Samsung đến từ trải nghiệm thiết bị và giải pháp thiết bị (chất bán dẫn, mạch tích hợp, ổ cứng…) hơn là mảng điện thoại. 

Trong khi thương hiệu “quả táo khuyết” kiếm được tiền từ điện thoại, máy tính xách tay thì Samsung lại tập trung vào chất bán dẫn sau đó mới đến các phân khúc trải nghiệm thiết bị, máy tính, đồ gia dụng – bộ phận này chiếm 30% lợi nhuận trong năm 2022. “Ông lớn” Hàn Quốc có thể đánh bại Apple về mặt thị phần điện thoại (bán ra với số lượng nhiều hơn), thế nhưng Apple với lợi thế về lòng tin của người tiêu dùng và biên lợi nhuận trên mỗi điện thoại cũng như các sản phẩm khác cao hơn, nên vẫn có thể nghiễm nhiên trụ vững trên “hàng ghế đầu về mặt giá trị thương hiệu”.

Bài: Thùy Linh

library