BizLab: Kỳ lân công nghệ Gojek rút khỏi Việt Nam, tập trung vào những thị trường trọng điểm
Business

BizLab: Kỳ lân công nghệ Gojek rút khỏi Việt Nam, tập trung vào những thị trường trọng điểm

Gojek, nền tảng xe công nghệ có trụ sở tại Indonesia, đã tuyên bố ngừng kinh doanh tại thị trường Việt Nam sau ngày 16/9. Sáu năm cho hành trình xây dựng thương hiệu cùng tham vọng thâu tóm thị trường xe ôm công nghệ Việt Nam đã tới hồi kết, Gojek lùi bước trước sức cạnh tranh quá lớn từ Grab và ShoppeFood.

Năm 2015, ứng dụng Gojek đã ra mắt vào tại thị trường Indonesia, cung cấp 3 dịch vụ đặt xe máy (GoRide), dịch vụ giao hàng (GoSend) và dịch vụ đi mua sắm hộ (GoMart). Đây là kỳ lân đầu tiên của Indonesia, cũng là công ty duy nhất ở Đông Nam Á được đưa vào 50 công ty của Fortune đã thay đổi thế giới năm 2017 và xếp thứ 17 cùng với Apple, Unilever, và Microsoft. Gojek tham gia vào thị trường Việt Nam từ tháng 8/2018 với tên GoViet. Đến tháng 8/2020, GoViet từ bỏ tên cũng như logo chuyển từ màu đỏ sang màu xanh và chính thức trở thành Gojek Việt Nam.

Thời điểm này, Gojek bị kẹt trong cuộc chiến huy động vốn với Grab, và câu chuyện của công ty chuyển từ thống trị Indonesia – nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á và dân số lớn thứ tư thế giới – sang mở rộng ra nước ngoài và lấp đầy khoảng trống được tạo ra khi Uber rời khỏi.

Tại Việt Nam, Gojek bắt đầu là dịch vụ gọi xe máy, sau đó mở rộng sang vận chuyển bằng ô tô và các dịch vụ khác, hy vọng sẽ tái hiện sự hiện diện mạnh mẽ của mình tại Indonesia. Tuy nhiên, công ty đã phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ. Grab của Singapore, vốn đã có mặt tại Việt Nam, đang tích cực mở rộng dịch vụ gọi xe và giao hàng, trong khi các công ty gọi xe địa phương như Be Group cũng đang hoạt động. Trong lĩnh vực giao đồ ăn, Gojek chỉ chiếm 3% thị phần tại Việt Nam về giá trị hàng hóa gộp, kém xa so với 47% của Grab và 45% của ShopeeFood, theo khảo sát của công ty tư vấn Momentum Works có trụ sở tại Singapore.

Phần đông khách hàng và tài xế khá bất ngờ trước động thái này, tuy nhiên những khó khăn tài chính từ công ty mẹ đã có từ rất sớm. Cụ thể, GoTo vẫn tiếp tục báo cáo lỗ ròng nói chung. Con số này đã tăng lên 90 nghìn tỷ rupiah (5.8 tỷ đô la) vào năm 2023. Mặc dù đã thu hẹp khoản lỗ đó trong nửa đầu năm 2024 xuống còn 2.8 nghìn tỷ rupiah, các nhà đầu tư vẫn đang thận trọng, do môi trường lãi suất cao sau đại dịch COVID-19. Cổ phiếu của GoTo đã giảm hơn 80% kể từ khi công ty ra mắt trên sàn giao dịch chứng khoán Indonesia vào năm 2022.

Từng được kỳ vọng trở thành ứng dụng gọi xe đứng đầu Việt Nam, “ông lớn” dần đuối sức trước những người mới, khi thị phần liên tục tuột dốc. Theo đó, hoạt động tại Việt Nam của GoTo chiếm chưa đến 0.5% tổng khối lượng giao dịch trong quý từ tháng 4 đến tháng 6, và việc rút lui sẽ không ảnh hưởng đến tình hình tài chính của công ty. Trước đó, Gojek đã rút khỏi Thái Lan vào năm 2021. Với việc rút khỏi Việt Nam, hoạt động kinh doanh duy nhất của công ty bên ngoài Indonesia sẽ là ở Singapore, nơi công ty cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt với Grab.

Đại diện Gojek Vietnam cũng cho biết, quyết định này được đưa ra nhằm tập trung vào các hoạt động có thể mang lại tác động đáng kể lên thị trường một cách bền vững, phù hợp với chiến lược tăng trưởng dài hạn của Tập đoàn GoTo, việc rút khỏi thị trường Việt Nam là một phần trong kế hoạch tái cấu trúc toàn cầu của công ty. Theo Business Times, Gojek Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 1% tổng giá trị giao dịch của GoTo trong quý II/2024. Điều này chứng tỏ việc rút khỏi Việt Nam sẽ không ảnh hưởng lớn đến tình hình tài chính của tập đoàn.

Việc dừng hoạt động tại Việt Nam cho phép GoTo tập trung nguồn lực vào các thị trường tiềm năng hơn như Indonesia và Singapore, nơi mà Gojek đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể, trong quý II/2024, giá trị giao dịch và số lượng đơn hàng tại Indonesia tăng lần lượt 18% và 24% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức cao kỷ lục.

Ngoài ra, các tài xế của Gojek cho hay trước đây, họ được thưởng lên đến 280.000 đồng/ngày nếu chạy được hơn 60 điểm (điểm số sau mỗi cuốc xe, sau này nâng lên 80) và tổng thu nhập 700.000 – 1 triệu đồng/ngày. Tuy nhiên, để đạt được thu nhập này, tài xế phải chạy gần 300 km/ngày. Còn 2 năm qua, thu nhập khi chạy Gojek giảm rất mạnh, chỉ còn 300.000 – 500.000 đồng, chính sách thưởng cuốc xe cũng khó ai đạt được.

Theo nghiên cứu của Mordor Intelligence, thị trường gọi xe và giao đồ ăn tại Việt Nam vẫn tiếp tục là mảnh đất màu mỡ với tốc độ tăng trưởng ước tính 19,5% trong giai đoạn 2024-2029.

Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article