Tôi rất yêu thích những bài học từ hành trình lập nghiệp của chị Phương Nguyễn (CEO & Co-Founder của ứng dụng thời trang “second hand” Piktina). Từ quá trình khởi nghiệp, kinh nghiệm gọi vốn, đến hành trình 5 năm tự học và ứng dụng công nghệ để phát triển mô hình kinh doanh.
Cảm ơn chị Phương Nguyễn vì đã nhận lời mời xuất hiện trên Men’s Folio Vietnam. Theo quan sát của tôi, ứng dụng Piktina lấy việc xây dựng và kết nối các cộng đồng làm giá trị cốt lõi, để vận hành và phát triển trong thị trường thời trang bền vững. Điều gì khiến chị muốn bắt đầu với một “ý tưởng lớn” như vậy?
Khởi nguồn cho ý tưởng về Piktina đến từ hai yếu tố khách quan và chủ quan. Khách quan thì tôi nghĩ thời trang bền vững cần sự tham gia của nhiều bên một cách sâu rộng hơn. Nếu không xây dựng và nhân rộng lên thì rất khó biến thời trang bền vững thành xu thế. Về mặt chủ quan, tôi muốn tạo ra sản phẩm có hàng triệu người dùng, tạo ra một ảnh hưởng tích cực cho xã hội bằng việc giúp hàng triệu người trẻ kiếm tiền từ tủ đồ của mình và sau đó nung nấu ý tưởng kinh doanh trong tương lai. Nói rộng ra thì mô hình này nếu thành công sẽ giúp cho người trẻ Việt nói riêng và người Việt nam nói chung sống đẹp hơn. Điều này quan trọng hơn hết.
Mục tiêu của Piktina là kết nối con người và thời trang, đồng thời giảm tác động tiêu cực của ngành công nghiệp này đối với môi trường. Đến nay, chị đánh giá lộ trình này thế nào?
Chúng tôi ra mắt ứng dụng Piktina vào tháng 6/2022 nhưng phải đến tháng 8/2022 mới chạy hết tốc lực. Đến giờ, Piktina được 6 tháng tuổi, thu về những con số rất khả quan với 350.000 người dùng, 150.000 sản phẩm từ 25.000 người bán khác nhau, tiêu thụ 9 tấn sản phẩm, giảm thiểu khoảng 180 triệu lít nước và 225 triệu tấn CO2 thải ra không khí. Riêng các chiến dịch truyền thông đăng tải trên các kênh mạng xã hội, chúng tôi tính được có khoảng 105 triệu lượt xem. Các sự kiện cộng đồng thu hút hàng ngàn khách hàng đến tham dự. Nếu cứ kiên trì con đường này, tôi hy vọng sẽ tạo ra một ảnh hưởng đủ lớn cho xã hội về đồ đã qua sử dụng.
Ứng dụng Piktina là cái trước mắt mà ta thấy, còn những lối đi dài hơi khác thì sao?
Không ngoài dự đoán của bạn. Khi kinh doanh, chúng tôi nhìn rất xa với chiến lược phát triển trong 10 năm tới. Chúng tôi chia kế hoạch ra từng cột mốc và xem mình sẽ làm được những gì. Chúng tôi hiểu cần phải có những điểm chạm đa điểm, từ website tới những điểm bán hàng. Chúng tôi cũng xác định không dừng câu chuyện này ở Việt Nam. Dòng chảy thời trang đã qua sử dụng thường sẽ luân phiên đến các nước, với sự phân phối từ tốt nhất đến kém nhất theo thứ tự, đầu tiên là Nhật Bản, Hàn Quốc; tiếp theo đến Thái Lan, Việt Nam; sau nữa sẽ đến Pakistan, Campuchia, còn không dùng được nữa sẽ chuyển đến châu Phi, hoặc các nước ở Đông Âu – những nước rất nghèo cần quần áo để tạo khí đốt sưởi ấm.
Dòng chảy như vậy sẽ tạo ra lượng thải carbon lớn. Nếu không thu hẹp khoảng cách giữa người mua và người bán, vấn đề khí thải vẫn là nút thắt gây đau đầu. Tôi nghĩ cần tầm nhìn đủ lớn mới có thể giải quyết câu chuyện không tưởng này. Cách cấp thiết nhất bây giờ là làm tăng vòng đời sản phẩm, và đó là lý do mô hình này ra đời.
Khởi nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn, Piktina đã đương đầu với những vấn đề gì?
Với những mô hình start-up nhỏ nói chung, tuyển dụng nhân sự là câu chuyện khó. Tôi may mắn có những cộng sự đồng hành ngay từ đầu, tuy không nhiều nhưng họ đều là những người tinh nhuệ. Khó khăn thứ hai là nguồn tiền. Không phải ai cũng gọi vốn thành công. Người có tiền thì vấn đề còn lại là mô hình kinh doanh.
Nếu đặt chân vào lĩnh vực đã có những “ông lớn” làm rồi thì khả năng cạnh tranh rất thấp. Do đó thường buộc phải chọn các ngách ít đối thủ, hoặc những mô hình kinh doanh mang hàm lượng công nghệ rất cao. Khi đó con đường chắc chắn rất khó và gian nan vô cùng, vì giá trị của mô hình lẫn sản phẩm chưa thể hiện rõ rệt trong thời gian đầu. Ngành thời trang bền vững tôi theo đuổi còn khá mới ở Việt Nam, và đặc thù của ngành thời trang là có tính phân mảnh. Tôi nhận thấy mong muốn hợp tác của mọi người không cao.
Piktina gọi vốn thành công từ quỹ đầu tư mạo hiểm Touchstone Partners. Với kinh nghiệm sẵn có, theo chị thì các nhà sáng lập nên lưu ý những điểm nào?
Về căn bản, họ phải làm rõ quan điểm về gọi vốn, không phải mình đi “xin tiền” mà mình đang bán đi một phần công ty. Câu hỏi đặt ra là “Tôi sẽ tìm người như thế nào để đầu tư?” Chứ không phải lấy tiền của ai cũng được! Cách tiếp cận vấn đề phải khác trước đã. Thứ hai, chúng ta cần tự trả lời ba câu hỏi: Mô hình kinh doanh có khả thi không? Nó có phù hợp phát triển tại thị trường Việt Nam trong thời điểm hiện tại không? Bạn và đội ngũ của bạn có phải là những người tốt nhất trong thị trường này và đủ khả năng thực hiện hoá mô hình này không? Nếu các quỹ từ chối bạn, tức là họ không tin vào tính khả thi và phù hợp của mô hình. Họ thường không muốn làm mình tổn thương nên sẽ chọn cách nói tránh.
Xây dựng thương hiệu bằng AI (trí tuệ nhân tạo) là xu hướng mới của các doanh nghiệp. Là người có nghiên cứu và hiểu biết nhất định về công nghệ, chị nhận định thế nào về làn sóng này?
Không thể phủ nhận vai trò và tác dụng của AI nếu áp dụng đúng. AI thuộc phạm trù công nghệ, nên nếu những công ty truyền thống không có đội ngũ chuyên môn nhất định để hiểu về nó, thì rất khó tạo ra sự khác biệt và hữu ích cho mô hình kinh doanh nói chung. Tôi nghĩ chúng ta nên thật sự cẩn trọng với sự kỳ vọng quá đà. Tôi là người dị ứng trước những trào lưu. Quan niệm kinh doanh của tôi là khi thị trường ảm đạm thì hãy tiên phong, còn cái gì đang gây sốt, hãy đứng ngoài quan sát. Vì lúc này thật giả lẫn lộn, rất khó đánh giá.
Chị từ một người “mù” công nghệ đến sáng lập ra nhiều ứng dụng công nghệ như ứng dụng gọi xe Be, ứng dụng ngân hàng di động Cake by VPBank và giờ là Piktina. Tôi thật sự tò mò về điều gì đã dẫn lối chị thành công?
Cảm ơn bạn nhưng tôi không dám nhận mình thành công. Tôi nghĩ những gì mình đạt được đều do sự khao khát thành công mãnh liệt trong tôi. Các bạn trẻ thường không nghĩ thành công dành cho họ, hoặc không thật sự hướng về nó trong mỗi bước đi. Thêm vào đó, tôi là người tò mò, nhìn mọi thứ đến với mình bằng sự quan sát sâu rộng và không bao giờ ngừng học hỏi. Tôi tin vào những bài học nhỏ sẽ giúp ích cho những điều lớn lao. Mỗi khi cơ hội đến, tôi đón nhận và nỗ lực đi đến cùng với nó. Ở tuổi này khi nhìn lại, tôi thấy số lần cơ hội đến với mình trong 15 năm qua quả thực rất ít ỏi.
Cảm ơn những chia sẻ thú vị của chị!