BizLab: CEO Nguyễn Lê Vũ Linh – Khi kế nghiệp không chỉ là trách nhiệm
MF TVBusiness

BizLab: CEO Nguyễn Lê Vũ Linh – Khi kế nghiệp không chỉ là trách nhiệm

Câu chuyện Nguyễn Lê Vũ Linh, chàng trai sinh năm 1995 đảm nhận vị trí CEO của một trong những thương hiệu thời trang lớn ở Việt Nam – IVY moda – đã là chuyện của năm ngoái. Tuy nhiên, những chia sẻ và quan điểm về tư duy kinh doanh thời trang vẫn luôn là một niềm cảm hứng mang giá trị theo thời gian. Trong series video BizLab được thực hiện bởi Men’s Folio Vietnam, Vũ Linh đã đem đến nhiều góc nhìn thú vị. 

Theo tôi biết, Vũ Linh có cơ hội tiếp xúc với thời trang ngay từ khi con nhỏ, được đi du học ngành Fashion Business rồi về tiếp quản công ty lớn của gia đình. Anh cảm thấy thế nào khi được “vẽ” sẵn một con đường sự nghiệp như vậy?

Khi bố mẹ đến tuổi và là một người con, tôi nghĩ mình cần có trách nhiệm kế nghiệp. Hai chữ “trách nhiệm” tạo cho tôi áp lực rất lớn về việc phải chứng minh bản thân mình. Rất nhiều người quan tâm đến việc tôi là ai hay tôi được ưu ái thế nào khi ngồi vào vị trí này. Tôi không chối bỏ điều này vì rõ ràng, mình được tạo sẵn một con đường rất là rộng mở để làm công việc hiện tại. Tuy nhiên, cái bóng của bố mẹ và cái nhìn của người ngoài là hai thứ khiến tôi luôn cố gắng vượt qua và chứng tỏ bản thân. 

Vậy anh đã đem những điều tích lũy được trong quá trình du học Mỹ về áp dụng tại nước mình như thế nào?

Tôi đã được học về cách vận hành thời trang ở Mỹ, ở những nơi đã hoặc đang phát triển, về cả lý thuyết và thực hành. Trong đó, có một số điều tôi áp dụng được ở Việt Nam như cách làm sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tìm hiểu nhu cầu khách hàng bài bản,…

Ngoài ra, tôi cũng nhận ra rằng bất cứ khi nào làm việc gì, phải tự hỏi xem khách hàng có cần không và chúng ta có đủ khả năng truyền tải để họ tiếp nhận không. Tóm lại, hãy làm những thứ khách hàng cần và tiếp nhận được. 

Thế hệ trẻ hiện nay quá giỏi, họ tạo ra nhiều thương hiệu mới cho riêng mình, thậm chí thay đổi và chạy theo xu hướng thời trang rất nhanh. Điều đó có khiến anh và một thương hiệu lâu đời như IVY moda phải lo ngại không?

Tôi nghĩ rằng “miếng bánh” này luôn dành cho mọi người và dù cho ví tiền của khách hàng bị chia ra, nhưng chúng ta làm tốt phần nào thì cứ làm phần đó. IVY moda sẽ tập trung vào điều mình làm tốt nhất và phục vụ đúng tệp khách hàng trong khuôn khổ mình đặt ra để tránh lan man hay mất tập trung. Dù việc thay đổi những suy nghĩ mặc định về thương hiệu không phải là chuyện một sớm một chiều nhưng IVY moda đang cố gắng làm sao để quay về tệp khách hàng cũ nhưng vẫn bắt kịp khách hàng trẻ tuổi.

Song song, chúng tôi vẫn luôn đảm bảo chất lượng sản phẩm của mình vì IVY moda làm chủ gần như cả quá trình nhờ có nhà máy riêng. Ngoài ra, tôi thấy việc cạnh tranh cũng đem lại nhiều động lực tích cực. 

Tôi để ý thấy có hai khía cạnh mà mọi người hay nói với nhau về mục đích xây dựng thương hiệu, hoặc là để tạo ra nhu cầu khách hàng, hoặc là để chạy theo nhu cầu khách hàng. Anh Linh chọn vế nào khi kinh doanh IVY moda?

Tôi nghĩ nó sẽ là 40/60 và 60 nằm ở vế thứ hai. Đã làm thương mại thì tất nhiên chúng ta sẽ làm thứ mà khách hàng mong muốn nhưng vẫn phải duy trì được xu hướng. Khi làm kế hoạch, chúng tôi chia sản phẩm thành thứ cần thử nghiệm trong năm nay và thứ đã có kết quả bán hàng tốt. Nếu những thử nghiệm mới không được tiếp nhận thì mình loại bỏ, còn được tiếp nhận thì chứng tỏ nó thành công vì là thứ khách hàng muốn. Đó là cách IVY moda đang hoạt động.

Nói thêm về xu hướng, một trong những điều lớn nhất tôi định hướng cho IVY moda năm vừa rồi là hãy chậm lại một chút. Xu hướng là kim chỉ nam để mọi người chạy theo, và sản phẩm ra thị trường cần 2 đến 3 mùa mới được tiếp nhận hoặc trở thành xu hướng. Do đó, chúng tôi phải bắt nhịp chậm lại để tối ưu dòng tiền và sản phẩm nhưng cũng không nên sớm hay muộn quá. 

Người ta hay nói kinh doanh có thể giết chết sự sáng tạo, anh nghĩ như thế nào về vấn đề này?

Trước đây, những nơi mà người thiết kế kiêm kinh doanh thì thường không đi đến thành công. Bây giờ, cho dù thương hiệu này của một nhà thiết kế đi chăng nữa thì vẫn phải có tổng giám đốc vận hành. Mô hình này mang đến sự tích cực và sự cộng hưởng tốt, IVY moda cũng như vậy. Còn giết chết hay không thì tôi nghĩ là không, tôi luôn cân bằng sự sáng tạo ở mức vừa đủ nhưng phải lý trí, chín chắn, không phải lúc nào trông thương mại quá hay bay bổng quá.

Câu chuyện làm kinh doanh có lẽ không chỉ dừng lại ở việc phát triển sản phẩm hay bán hàng mà còn phải xây dựng tiềm lực nội bộ. Anh có thể chia sẻ về cách mình vận hành nội bộ IVY moda?

Tôi đã quyết định tinh gọn bộ máy một chút, đa nhiệm hóa một vị trí công việc. Mặc dù mọi người đã gắn bó với công việc lâu năm, những mối quan hệ, tình cảm đồng nghiệp đã được hình thành, tuy nhiên, đến một thời điểm, có những vị trí không phù hợp nữa nên cần cắt giảm. Hiện tại, tất cả các nhân sự của IVY moda đang làm rất tốt và phát huy theo đúng mong muốn của tôi. 

Nhìn lại, anh đánh giá bản thân và IVY moda đang thành công ở mức nào?

Thành công ở bản thân thì có lẽ là chưa vì chặng đường vẫn còn rất dài và có nhiều thứ cần làm ngay trước mắt, tôi còn chẳng biết bao nhiêu là đủ. Thế nên khó có con số cụ thể về việc đạt bao nhiêu phần trăm hay thành công mức nào. IVY moda cũng vậy, dù đạt được vài cột mốc nhưng đó chưa là gì cả và còn nhiều thứ cần làm. Tâm thế của tôi là luôn cố gắng, nghĩ rằng mình chưa làm được gì cả và phải nỗ lực nhiều hơn. 

Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article