Là một trong số ít những phim khá thành công ngoài phòng vé, nhất là trong giai đoạn người xem vẫn còn e dè khi đến rạp, tác phẩm của đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư đã thành công truyền tải những vấn đề cần đáng lưu tâm trong một cuộc hôn nhân.
Bạo hành tình dục
“Bẫy ngọt ngào” xoay quanh đời sống vợ chồng của Đăng Minh (Quốc Trường) và Camy (Bảo Anh). Không như vẻ ngoài hào nhoáng, cuộc sống của Camy không khác gì địa ngục khi Đăng Minh có thói quen bạo hành cô cả về thể xác lẫn tình dục. Đối với Minh, Camy chỉ là một công cụ giúp anh thỏa mãn cơn nghiện tình dục và bản tính chiếm hữu của mình. Câu hỏi đặt ra là trong mối quan hệ vợ chồng, thì liệu có khái niệm “bạo hành tình dục” hay “cưỡng hiếp” hay không? Trên thực tế, bạo hành tình dục là hành vi ép buộc hoặc thao túng một người thực hiện việc quan hệ dù họ không đồng thuận. Không chỉ là người lạ, bạn bè, người thân, mà thậm chí là bạn đời, nếu họ có hành vi như trên tức là họ đang thực hiện hành vi bạo hành tình dục. Đây là một trong những hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và phổ biến nhất trên thế giới, nhưng lại chưa nhận đủ sự quan tâm của mọi người.
Đây là những dấu hiệu cho thấy bạn đang bị bạo hành tình dục trong một mối quan hệ vợ chồng: bạn đồng ý quan hệ chỉ vì sợ hãi, đối phương kiên quyết quan hệ dù bạn từ chối, không cho bạn sử dụng biện pháp tránh thai hoặc các biện pháp để ngăn ngừa bệnh lây truyền qua đường tình dục, sex chỉ là một hình thức của sự trừng phạt hoặc thể hiện sự kiểm soát,…
Nạn nhân cam chịu vì tin rằng tất cả là vì yêu
Điều này ta thấy quá rõ ràng thông qua trường hợp của Camy khi cô chịu đựng Đăng Minh suốt 3 năm dài. Lý do Camy im lặng chừng đó năm chỉ có một, đó là tin Đăng Minh vẫn yêu mình. Cho đến khi sự điên cuồng của Minh vượt ngưỡng sự chịu đựng của mình và anh ta thừa nhận cô chỉ là một công cụ tình dục, cô mới cầu cứu những người bạn bè thân thiết. Ngoài ra, có rất nhiều lý do khiến các nạn nhân bị bạo hành chọn im lặng vì họ cảm thấy xấu hổ, tự trách, sợ bị tổn thương, sợ không được tin tưởng… Bạo hành tình dục là vấn đề không thể khoan nhượng và bạn chẳng việc gì phải thỏa hiệp hay cam chịu. Theo thống kê, cứ 10 phụ nữ thì có ít nhất 1 người bị bạo hành tình dục từ chính bạn đời của mình. 10% là một con số đáng quan ngại về vấn đề này.
Nếu bạn đang rơi vào trường hợp tương tự, hãy chia sẻ và mạnh dạn cầu cứu vì bạn không hề đơn độc trong cuộc chiến này. Quan trọng hơn hết, chúng ta cũng cần quan tâm lẫn nhau nhiều hơn để phát hiện bạn bè/người thân của mình đang gặp vấn đề. Đó cũng là cách mà hội bạn thân của Camy đánh hơi được sự bất ổn của cô ấy.
Thao túng tâm lý (Gaslighting)
Trong cuộc hôn nhân của mình, Camy luôn cho rằng cô là người có lỗi khi có mâu thuẫn xảy ra. Thậm chí, việc cô bị bạo hành tình dục cũng được Đăng Minh lý giải rằng anh chỉ đang sống đúng bản chất mình. Minh hỏi Camy một câu chí mạng rằng: “Em hay anh mới là người thay đổi?”, và “Em không thể thương anh hơn một chút sao?”. Trên thực tế, Minh đang thực hiện hành vi thao túng tâm lý Camy hết sức tinh vi.
Đôi khi bạn rất khó nhận ra mình đang bị bạo hành tâm lý lẫn cảm xúc. Kẻ bạo hành sử dụng thông tin bị bóp méo nhằm thao túng nạn nhân khiến họ hoài nghi về giá trị của bản thân, không tự tin vào óc phán đoán của mình. Những câu nói dùng để thao túng tâm lý thường rất khó phát hiện nên dễ dàng bị bỏ qua như “Em/anh bị điên rồi!”, “Tất cả những điều anh/em làm đều muốn tốt cho anh/em.”, “Anh/em đã phản ứng thái quá rồi, mọi thứ chỉ do anh/em suy diễn mà thôi!”,…
Thật khó để nhìn thẳng vào sự thật và chấp nhận bản chất của người mình yêu. Nhưng nếu có những dấu hiệu như thường xuyên nhận lỗi, lo lắng phản ứng của mình có đúng mực không, tìm cách biện hộ cho hành vi của đối phương, né tránh nói về người ấy hoặc mối quan hệ của hai người với bạn bè và gia đình, bị cô lập, bị tước bỏ quyền đưa ra quyết định,… bạn cần chia sẻ với những người mình tin tưởng để tìm cách thoát khỏi mối quan hệ này càng sớm càng tốt.