Avin Lu: “Cách theo đuổi bạn gái mình thích mỗi thời sẽ khác nhau”
LifestyleMusic & Film

Avin Lu: “Cách theo đuổi bạn gái mình thích mỗi thời sẽ khác nhau”

Việc Avin Lu đảm nhận vai diễn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (thời niên thiếu) trong bộ phim “Em và Trịnh” được nhiều người đánh giá là một bước nhảy tốt, nhưng Avin Lu chỉ khiêm tốn gọi là một trải nghiệm đáng quý. Dù Avin gọi hành trình vừa qua là gì thì anh cũng đang đứng giữa rất nhiều luồng tranh cãi, thế mà khi phản hồi lại những ý kiến trái chiều, mà cụ thể là cách theo đuổi bạn gái của Trịnh có thỏa đáng chưa, Avin điềm tĩnh nhận định rằng: “Tôi thấy sự tranh cãi chủ yếu đến từ sự khác biệt ở mỗi thời đại.

Trước khi vào vai Trịnh Công Sơn, những hình dung của anh về nhân vật này như thế nào?

Vì không biết gì về bác nên tôi hình dung bác qua những chiêm nghiệm và suy tư từ nhạc của bác. Tôi nghĩ sự trầm tư là điều luôn hiển hiện trên khuôn mặt bác. Sau này khi tìm hiểu cặn kẽ về bác và được gia đình bác cho xem nhiều tư liệu, hình ảnh của bác hồi còn trẻ, tôi phát hiện bác khác hoàn toàn với những gì mình nghĩ, từ ngoại hình, phong thái đến năng lượng. Hồi trẻ bác khá đẹp trai và cũng như bao chàng trai khác: ấp ủ một niềm đam mê cháy bỏng, hoàn toàn thả lỏng và thoải mái bộc lộ bản thân khi bên cạnh bạn bè, yêu thích bộ môn võ thuật và chăm tập luyện…

Anh nghĩ lý do lớn nhất nào mình được chọn cho vai diễn nhiều người thèm muốn này?

Lúc casting tôi không biết tình thần mà đạo diễn cần là như thế nào. Sau khi đậu vòng casting online, tôi nhận được một đoạn thư của bác viết cho cô Dao Ánh trên B’Lao cho vòng casting tiếp theo. Tôi thấy có quá nhiều nỗi niềm mà mình không tài nào thể hiện được vì chưa có trải nghiệm. Tôi quyết định lên Đà Lạt hai tháng để nuôi dưỡng cảm xúc. Sau đó tôi đã có đủ tự tin bước vào phòng thu đọc lại đoạn thư đó trước ống kính máy quay. Sau tất cả, tôi nghĩ mình đã thể hiện đúng tinh thần tuổi trẻ của bác và đó là lý do mang tính quyết định.

Anh gọi hành trình vào vai một nhân vật đã là biểu tượng của công chúng này là gì? Tại sao?

Tôi gọi hành trình này là trải nghiệm tuyệt vời nhất của mình. Vì mục đích tôi bước chân vào điện ảnh là vì âm nhạc, tôi đi đóng phim là để được hát. Tôi không chọn một bộ phim vì muốn thể hiện bất kỳ tham vọng nào của mình, tôi còn không biết phim “Em và Trịnh” là một dự án lớn mãi cho đến khi bước vào phòng casting. Ekip đã tạo mọi điều kiện lý tưởng nhất cho diễn viên để họ có thể nhập vai tốt nhất trong quá trình casting như đưa tôi đi cắt tóc, thử trang phục, dựng bối cảnh… Còn điều tôi băn khoăn nhiều hơn cả đó là khi hát nhạc Trịnh thì màu sắc âm nhạc của mình như thế nào? Sau này có ai nghe mình hát nữa không?

Vậy anh đã hát nhạc Trịnh với tâm thế và cảm xúc gì? Và khi nghe những bài hát của Trịnh qua tiếng hát của Trần Lực – một phiên bản trung niên của Trịnh, anh thấy thế nào?

Có một câu nói của nhạc sĩ Đức Trí đã giúp tôi vượt lên trên hết những lo nghĩ của mình, đó là khi sáng tác những ca khúc đó, chắc hẳn bác cũng muốn hát cho người trẻ nghe. Và tôi đã hát với tinh thần đó. Còn khi nghe sáng tác của bác qua giọng hát của chú Lực, tôi thấy như thể bác đang kể chuyện, rất nhiều cảm xúc của người từng trải.

Anh đã phải thay đổi những thói quen nào để hóa thân thành nhân vật?

Tôi giảm khoảng 10kg, tập đi khom lưng, nuôi râu, để tóc dài… để có ngoại hình giống bác Trịnh nhất có thể. Ngoài ra, tôi còn tập nói giọng Huế, tập viết chữ giống bác nữa. Bên cạnh những thay đổi “có thể thấy được” đó, tôi còn thay đổi nhiều ở nội tâm. Tôi tập hiểu và cảm nhận sự cô đơn, nhớ nhung khi yêu xa khi ấy của bác Trịnh để có thể hóa thân trọn vẹn vào nhân vật.

Anh chia sẻ mình có khá ít thời gian để chuẩn bị, còn Trần Lực cũng nói chỉ có một tháng để cải thiện ngoại hình, học nói tiếng Huế, tập đàn và hát. Tại sao lại vội vàng như vậy? 

Thời gian casting diễn ra từ tháng 4/2020 – 7/2020. Tôi nhận kết quả đậu vai diễn và bắt đầu lên phim trường vào tháng 11, tức là có khoảng ba tháng để chuẩn bị thêm. Nhưng vì tôi và một bạn diễn khác cũng phù hợp không kém phải cạnh tranh với nhau rất nhiều vòng nữa nên việc casting dài hơn dự kiến, thời gian chuẩn bị cũng vì vậy mà bị rút ngắn xuống.

Không thật sự đóng cùng Trần Lực một phân cảnh nào, mỗi người một giai đoạn cuộc đời của Trịnh Công Sơn, vậy thì việc tìm thấy tiếng nói chung đã diễn ra như thế nào?

Chúng tôi có 2-3 buổi gặp người nhà bác Trịnh để tìm hiểu và thảo luận kỹ hơn về nhân vật mình đảm nhận. Do diễn ở hai mốc thời gian cách nhau khá xa, nên chúng tôi diễn bằng sự chiêm nghiệm và sáng tạo của riêng mình. Bên cạnh công việc, hai chú cháu có gặp nhau nhưng nói về mọi thứ như hai người bạn, chứ không đề cập đến phim quá nhiều. Tôi nhớ nhất lời chú nói rằng: “Hãy cứ tin vào bản thân mình”, nó đã giúp tôi vượt qua giai đoạn vô cùng hoang mang của mình.

Trong suốt những ngày phim đến với công chúng, nó đã trở thành chủ đề thảo luận rất sôi nổi. Anh có thường xuyên đọc bình luận không? Nếu có, anh cảm thấy dư luận đang tích cực hay tiêu cực?

Tôi đọc khi có thời gian rảnh và cảm thấy vui vì mọi người bàn luận về phim nhiều và theo chiều hướng tích cực. Đến đây, bạn sẽ thắc mắc rằng tại sao còn đó những tranh luận khó phân định đúng sai mà tôi lại nói là “tích cực”? Thật ra, giai đoạn mà người xem chỉ biết đến phim qua bộ ảnh first look hay trailer thì những đánh giá tiêu cực hơn nhiều. Thời điểm đó, tôi cảm thấy buồn nhưng chỉ buồn trong một vài khoảnh khắc thôi vì chung quy, tôi biết mình muốn gì và hiểu mình đang làm gì. Thêm nữa, một bộ phim sau khi được công chiếu thì sẽ thuộc về khán giả, họ có quyền nhận xét tùy theo quan điểm và cảm nhận của mình. Nên dù là khen hay chê, tôi cũng đều rất trân trọng.

Dễ thấy trong “Em và Trịnh”, tình yêu của Trịnh là yếu tố gây chia rẽ dư luận. Có người gọi Trịnh là kẻ lừa tình (trong lúc tán tỉnh cô chị vẫn ngây ngốc nhìn cô em), cũng có người nói Trịnh gặp người nào liền liêu xiêu người nấy… Còn anh nhận định thế nào?

Phải nói là tôi thấy rất thú vị khi các bạn có góc nhìn như vậy. Nhưng để gọi việc theo một cô gái về nhà là một hành động không đứng đắn thì không đúng. Tôi đã hỏi qua rất nhiều người lớn tuổi xung quanh mình về chuyện đó và họ nói chẳng có gì bất thường đáng lên án cả. Ngày xưa, nhà của chúng tôi san sát nhau và đã lỡ mến mộ nàng rồi thì mình còn nghĩ suy được gì nhiều, cứ lẳng lặng đi bộ theo sau nàng như vậy thôi. Mỗi thời sẽ có một cách theo đuổi và tán tỉnh bạn gái mình thích khác nhau. Tôi thấy sự tranh cãi chủ yếu đến từ sự khác biệt ở mỗi thời đại. Theo cảm nhận của tôi, người bác Trịnh yêu nhất đó là mẹ, còn về phương diện tình cảm lứa đôi, người bác trao trái tim là cô Dao Ánh.

30s Q&A

1. Phân cảnh khó nhất với anh là gì? 

Mỗi phân cảnh đều sẽ có độ khó nhất định, vậy nên để nói về phân cảnh khó nhất thì thực sự không có. Nhưng tôi đã tập tin mình chính là bác Trịnh nên khi vào vai, tôi cứ thế mà diễn tả mọi cảm xúc trong lòng mình.

2. Lời thoại thích nhất thì sao?

Lời thoại cũng vậy. Xuyên suốt bộ phim có rất nhiều lời thoại ý nghĩa mà tôi vô cùng tâm đắc. Lại là một sự lựa chọn khó rồi (cười).

3. Mất bao nhiêu thời gian để thoát vai?

6 tháng. Tuy vậy, hiện tại tôi vẫn còn giữ một số thói quen, chưa thay đổi triệt để được.

4. Một bộ phim hư cấu về nhân vật có thật mà anh thích nhất?

Tôi rất thích “Diệp Vấn”.

Cảm ơn những chia sẻ của anh.

Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article