Archive Sashiko: DIY, bản vá nghệ thuật và “những đứa trẻ nhuộm chàm”
Local - Don't Miss

Archive Sashiko: DIY, bản vá nghệ thuật và “những đứa trẻ nhuộm chàm”

Thành lập vào cuối năm 2020, Archive Sashiko là thương hiệu thời trang DIY áp dụng kỹ thuật dệt may truyền thống Nhật Bản sashiko-boro. Không quá phô trương và đại chúng, Thành – nhà sáng lập của Archive Sashiko – vẫn từng ngày tự tay làm nên những món thời trang patchwork nhuộm chàm kỳ công, để đem đến cho những ai thực sự yêu thích chúng, yêu thích lối sống Indigo Child mà chúng đại diện.

Trước khi thành lập Archive Sashiko, Thành là một người như thế nào?

Vào năm 2012, mình cũng bắt đầu làm thời trang với tên thương hiệu mang tên FDSG. Thời gian đó, định nghĩa về “ Local Brand “ rất mờ nhạt cơ bản mình chỉ đam mê 1 trong 3 điều hàng ngày mà ai cũng làm là “ quần áo “ (ăn – mặc – sinh hoạt), và mình lúc đó cũng tập thiết kế và sản xuất áo thun, hoodie , jacket…để bán. Sau 1 -2 năm, mình tạm dừng việc làm đồ và vào Sài Gòn theo học ngành đồ họa. Khi ấy, mình vừa học vừa làm phục vụ, để đảm bảo chi phí sống lẫn học phí của trường. Việc học của Thành thì không mấy suôn sẻ, khi mình không hòa đồng được với lớp, và từng bỏ phần thi 3D Max vì không render bài thi kịp giờ. Và câu chuyện thời trang lúc ấy khép lại với mình.

Sau đó, mình dành khoảng thời gian dài làm việc cho công ty vẽ phim hoạt hình. Đầu 2018, mình đã tự dành cho bản thân gần 2 năm “gap year”, suy nghĩ về điều mình thực sự mưu cầu , đại khái là cứ đi tùm lum – lông bông . Mãi đến giữa 2020, Thành quay lại Sài Gòn và làm công việc thiết kế bao bì . Đến đầu 2020, Thành quyết định lên Đà Lạt cùng người yêu, cũng là vợ hiện tại, mở một quán cà phê nho nhỏ cùng thương hiệu Archive Sashiko. Đây là mình không có nói biến cố gì dài dòng hay kể khổ, mà chỉ đơn giản là quá trình hình thành Archive Sashiko nó vậy đó (cười)!

Vậy còn nền văn hóa may dệt Nhật Bản, cụ thể là Sashiko-Boro, Thành đến với nó như thế nào?

À, văn hóa Sashiko-Boro thì Thành biết được là nhờ vợ mình. Có một lần, vợ mình gửi cho mình xem bài viết về kỹ thuật dệt may này, và đọc xong mình rất thích. Trong văn hóa Nhật Bản, sashiko tức là mũi đâm, nhằm chỉ kiểu khâu từ thời Edo dùng để gia cố và sửa chữa những chỗ bị mòn rách. Còn boro có nghĩa là đống đổ nát, nhằm chỉ những quần áo được chắp vá nhiều mảnh vải với nhau, để che lắp đi những nơi sờn rách. Thế là mình tìm tòi nghiên cứu rất sâu về kiểu dệt may này. Mình xem tận đến những bài viết chuyên sâu bằng tiếng Nhật, và đọc hiểu bằng Google Dịch. Cũng từ đó, mình tìm hiểu thêm về patchwork, rồi nhiều thương hiệu nội địa Nhật đi theo phong cách này, điển hình là KAPITAL.

Đam mê quá, nên mình đã tự tay mua vải chàm để thực hành. Mình mua tận Sapa, thậm chí là nhập từ Nhật Bản về, cùng với đó là các món đồ si cũng từ Nhật. Từ những món đồ có sẵn, Thành phá ra, và tự tìm cách để tái chế lại. Mình bắt đầu tự tập may thêu, tập đắp các miếng vải và phối màu, tập làm rách vải sao cho có tính nghệ thuật. Rất may là ngày xưa đi học về đồ họa được thầy Hiển chỉ dạy, và vẽ Anime nhiều , đâm ra những kiến thức về bố cục và màu sắc nó đã quá quen đối với mình. Bài học đó giúp mình rất nhiều trong quá trình thực hành Sashiko-Boro sau này.

Vậy đâu là khó khăn lớn nhất mà Archive Sashiko trải qua?

Thật ra, thương hiệu này đơn thuần là những gì Thành thực sự muốn làm. Ngay cả khi mới tạo Instagram, Thành không nghĩ nhiều. Mình tự chụp sản phẩm, không chạy quảng cáo, ai yêu quý hay vô tình biết đến những cái mới này họ sẽ tìm đến.

Nhiều người thành lập thương hiệu vì kinh tế, nhưng với Thành đó là đam mê. Kể từ sau khi tạm dừng thương hiệu cũ rất lâu, mình chưa bao giờ nghĩ sẽ làm thời trang trở lại. Nhưng rồi sashiko-boro đến, và mình hoàn toàn say mê điều đó. Mình muốn được làm thời trang sashiko-boro mỗi lúc mình có cảm hứng. Có nhiều lúc, Thành có tâm trạng dù làm đồ lúc 10 giờ đêm, thì cứ chăm chú làm tới 4-5 giờ sáng. Thực sự, Thành chỉ làm được 1-2 món mỗi ngày, mỗi tháng chỉ bán được 7-8 món đồ. Nhưng mỗi món đồ đều có một câu chuyện và tâm trạng riêng, và mình tâm đắc với nó. Dù là chưa tốt nhất, chưa hoàn hảo nhất nhưng với mình nó sẽ tốt lên từng ngày. Với Thành, cảm xúc rất quan trọng: mọi quyết định trong cuộc sống của Thành đều xuất phát từ tình yêu.

Mình không ngại khi “bị” mang tiếng giống một ai, vì nó là một phần quá trình giúp mình lớn mà!

Được biết, gần đây Archive Sashiko còn có mặt trong bộ sưu tập Thu Đông 20 của TimTay.

Mình biết đến chị Hoàng Anh – đồng sáng lập thương hiệu TimTay – 1 năm trước khi kết hợp cùng nhau. Lúc ấy, TimTay mời thương hiệu mình tham gia sự kiện Zero Pop-up cùng với nhiều hãng khác. Mặc dù Archive Sashiko chủ yếu chỉ là các sản phẩm DIY trên phom dáng có sẵn, nhưng họa tiết patchwork mình làm khiến TimTay rất ấn tượng, và họ giúp đỡ Thành rất nhiều.

Sau đó, thì chuyện collab đã xảy ra. Thực chất, Thành là người thích làm việc một mình, và rất ngại hợp tác. Vì mình luôn có cảm giác bản thân chưa đủ giỏi và thích làm những việc theo ý của mình. Nhưng cuối cùng, Thành cũng đã bắt tay collab TimTay , vì cảm kích sự nhiệt tình của hai chị founder suốt thời gian qua. Trong lần hợp tác, mình đảm nhiệm phần thiết kế họa tiết, và nói thật là mình đã hoàn thành tất cả chỉ sau 15-30 phút. Đến bây giờ, các chị vẫn không tin là mình làm nhanh vậy (cười)! Đó là việc mình luôn làm bấy lâu nay, nên mình cũng đã thuần thục.

Nhưng nếu là một người từng làm thời trang, bạn sẽ biết phần khó nhất không phải là thiết kế, mà là tạo phom dáng. Công việc xây dựng phom dáng lại thuộc về TimTay. Mình thực sự rất yên tâm khi làm việc cùng một thương hiệu lâu năm như TimTay, vì họ đã xây dựng những phom dáng cố định từ lâu. Do đó, mình phải nói là hai bên rất tôn trọng nhau, và làm việc cũng khá trơn tru! Trong bộ sưu tập, chiếc áo Langbiang Jacket là thiết kế đặc biệt mà mình đã lấy ý tưởng từ chiếc áo Liner M65 của quân đội. Áo sử dụng được 2 mặt, và tháo rời tay. Đó có nghĩa, chiếc áo này có thể mặc tới 4 cách khác nhau. Đây là chiếc áo mình cảm thấy tâm đắc nhất trong bộ sưu tập cùng TimTay.

Chiếc áo Langbiang Jacket, thuộc bộ sưu tập kết hợp cùng TimTay.

Archive Sashiko lúc nào cũng gắn liền với cụm từ “Indigo Child”. Thành có thể giải thích thêm về khái niệm này?

Indigo Child có nghĩa là những đứa trẻ nhuộm chàm. “Những đứa trẻ” này luôn có những suy nghĩ thoát ra khỏi đời sống thường ngày, và theo đuổi mãnh liệt vào niềm tin riêng của mình. Và đặc biệt, chúng rất thích những món đồ nhuộm chàm. Hơn nữa, đó không dừng ở mức độ khái niệm, mà còn là một lối sống đang diễn ra với nhiều người. Họ luôn có cảm giác bị kìm hãm, và tìm mọi cách để bứt phát khỏi vòng lẩn quẩn ấy.

Trong quá trình nghiên cứu về sashiko-boro, Thành biết thêm nhiều về Indigo Child và rất ấn tượng với lối sống này. Nên mình đã cố gắng đưa nó vào trong thương hiệu của mình. Nhưng Thành không dám nhận mình là một indigo child, vì mình đã gặp những indigo child thực thụ. Thực tế, đa số các vị khách của Archive Sashiko, đều là “những đứa trẻ nhuộm chàm”. Họ đam mê những món thời trang nhuộm chàm, và có lối sống phiêu lưu. Họ rất thích đi phượt, trải nghiệm cảm giác mới và đấu tranh quyết liệt cho niềm tin của mình. Và hơn hết, họ đều là những người có đời sống nội tâm phong phú và sâu sắc. Mỗi lần nói chuyện với họ là Thành lại được ngộ ra nhiều điều và có những bài học mới.

Mình luôn giữ tâm niệm rằng, bằng cách này hay cách khác, Thành sẽ luôn tìm cách trả ơn những ai đã giúp đỡ mình trên con đường này.

Thành cảm thấy như thế nào khi Archive Sashiko luôn bị so sánh là “KAPITAL Việt Nam”?

Trong thời trang, ai cũng cố gắng thể hiện là chính mình, là độc nhất. Nhưng để có thể tìm ra bản sắc riêng, không ai là không trải qua giai đoạn copy một ai đó. Những nhà thiết kế bậc nhất trên thế giới, người ta đã từng học lại biết bao nhiêu những thiết kế đi trước để có thể cải tiến nên những phom dáng mới. Hay lấy ví dụ là học thiết kế thời trang, về cơ bản, đó cũng là học và bắt chước theo những bản rập và phom dáng có sẵn.

Và Thành đang trong giai đoạn học hỏi. Mình không hề che giấu điều đó, mình không ngại khi “bị” mang tiếng giống một ai, vì nó là một phần quá trình giúp mình lớn mà. Thậm chí, được so sánh với KAPITAL của Nhật còn là một vinh hạnh với Thành nữa! Ngoài ra, việc các bạn gán ghép Archive Sashiko với KAPITAL cũng là lẽ đương nhiên, vì sashiko-boro vẫn còn là khái niệm xa lạ với đại đa số các bạn yêu thích thời trang. Ở Việt Nam, thương hiệu Nhật Bản duy nhất họ biết có sử dụng phong cách này là KAPITAL, nên những gì Archive Sashiko đều sẽ dễ gây liên tưởng đến KAPITAL.

Hirata Kiro – Giám đốc sáng tạo KAPITAL

Tuy nhiên, nếu các bạn chịu khó nghiên cứu sâu hơn về thị trường nội địa Nhật Bản, các bạn sẽ biết không chỉ KAPITAL, mà có rất nhiều thương hiệu khác đã áp dụng kỹ thuật may dệt này cho phong cách của họ như visvim, FDMTL, Nora1985…… Còn về phần Archive Sashiko, mình vẫn rất hãnh diện khi dù không biết là ai đi đầu về kĩ thuật sashiko – boro ở Việt Nam nhưng với mình như vậy đã là tốt lắm rồi (làm tốt chuyện bản thân là đủ), giới thiệu nó với mọi người như một phong cách thời hoàn toàn mới ở đây.

Nếu là một người từng làm thời trang, bạn sẽ biết phần khó nhất không phải là thiết kế, mà là tạo phom dáng. Chính vì thế, mình thực sự rất yên tâm khi làm việc cùng một thương hiệu vững tay như TimTay.

Ngoài thời trang, Archive Sashiko cũng từng tổ chức một dự án tranh vẽ mang tên War of Nerves. Thành có thể chia sẻ thêm về dự án?

À, đây là một dự án nhỏ mình tổ chức vào tháng 7-8/2020, nhằm kêu gọi sư giúp đỡ từ các bạn theo dõi Archive Sashiko. Dự án có sự tham gia của 16 bạn artist khác nhau. Họ sẽ vẽ những bức họa nói về vấn đề riêng của mỗi người. Lúc đó, dự án có 16 artwork tất cả, với nhiều chủ đề thú vị khác nhau như chiến tranh, tình yêu, bạo lực gia đình… Những artwork này đều được các bạn đồng ý cho phép mình sử dụng làm họa tiết trên các thiết kế khăn bandana của Archive Sashiko.

Cho đến bây giờ, mình vẫn rất cảm kích 16 bạn artist ấy. Vì các bạn đã không ngại giúp đỡ Thành và thương hiệu. Không vì lợi nhuận hay bất cứ mục đích nào (thật sự khăn mình còn rất nhiều). Tất cả đơn giản làm chỉ là vì đam mê, vì yêu thích, “khát nước quá thì phải uống thôi”. Thậm chí, mình vẫn nhớ tên từng bạn một. Mình luôn giữ tâm niệm rằng, bằng cách này hay cách khác, một lúc nào đó Thành sẽ support lại các bạn giống như các bạn đã từng support mình . Cảm ơn các bạn nhiều!

Archive Sashiko đã cho Thành điều gì và lấy đi điều gì?

Lấy nhiều ấy chứ. Nó đã lấy đi của mình rất nhiều mối quan hệ linh tinh, thừa thải. Bù lại, nó cho mình một cái nghề, một nguồn thu nhập, và một bài học mới. Mình đã từng không muốn làm thời trang, nhưng sashiko-boro đã cho Thành sống lại niềm đam mê ấy một lần nữa. Nhờ có Archive Sashiko, mình lại được thả trọn vẹn tâm huyết vào những việc mình làm, và thu lại kết quả xứng đáng.

Thành hiện đã có dự định gì mới cho Archive Sashiko?

Haha nhiều lắm chứ! Thành nghĩ rất nhiều về việc tổ chức các workshop hướng dẫn các bạn đến với kỹ năng nhuộm chàm và văn hóa sashiko-boro. Tuy nhiên, để có thể dạy người khác, mình phải là một người có kiến thức vững vàng và có nền kinh tế ổn định. Thành cảm thấy mình chưa có được hai yếu tố ấy, nên vẫn đang cố trau dồi từng ngày.

Ngoài ra, sắp tới Thành sẽ thành lập một thương hiệu mới có tên Lua’s, mình hay đọc là Lúa. Khác với Archive Sashiko, mình sẽ bắt đầu tập trung xây dựng phom dáng mới và sản xuất số lượng lớn. Thời gian thì Thành không thể tiết lộ được. Trong lúc chờ đợi, các bạn có thể follow IG @luass.vn nha!

Xin cảm ơn Archive Sashiko với lối đi mới mẻ cho thị trường thời trang Việt Nam!

Bài viết nằm trong ấn phẩm Men’s Folio Vietnam #5 – The Wet Summer Issue. Đặt mua ấn phẩm để khám phá nhiều nội dung thời trang khác tại ĐÂY.

Tham gia MEN’s FOLIO Fashion Clubhouse tại Facebook để cập nhật tất cả thông tin, hình ảnh mới nhất về thời trang thế giới và nội địa!

 

Related Article